Thầy bái trò

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

GN - Tôi có đứa “đệ tử” vừa học Phật pháp vừa học nấu ăn. Mấy năm “thọ giáo” giờ nó nấu rất ngon, lại biết trình bày mâm đĩa một cách khéo léo, thêm bông hoa thật đẹp. Mỗi lần có tiệc tùng, cúng giỗ là tôi yên tâm giao cho nó một phần công việc, nhẹ cả người.

Gần đây, nó còn sáng tạo ra vài món mới, tôi xuýt xoa khen. Và tôi bảo nó: “Hướng dẫn cho cô nấu đi”. Như vậy, tình hình đã “lật ngược”, giờ tôi ở vị trí “học trò”, còn nó mới là “sư phụ”. Có hề gì, cuộc sống luôn đi tới, luôn thay đổi kia mà. Nhưng vấn đề ở chỗ, mình có khiêm tốn và cầu tiến, hay là tự ái, “chảnh”, không chịu học hỏi. Tự ái, bởi cứ nghĩ làm sao nó “qua mặt” mình được, không lẽ mình là sư phụ của nó mà giờ lại đi “học nghề” với nó. Cái bản ngã này nhiều “ông thầy” hay gặp lắm.

Nhưng tôi lại nghĩ khác, hậu sanh khả úy, người trẻ có cái hay, cái mới của người trẻ, mình nên khiêm tốn tiếp thu. Mà tiếp thu như thế thì mình “làm giàu” cho bản thân mình chứ có thiệt thòi gì đâu. Mình vừa có kinh nghiệm cũ, vừa nhận thêm cái mới, tất nhiên là “giàu có”. Nếu mình quay mặt với lớp trẻ, mình không chấp nhận sáng tạo ấy, thì mình dừng lại rồi. Mà giả sử như mình vì tự ái mà không chịu “học” nó, mình cứ tự mày mò thì cũng ra thôi, nhưng thật sự là mất thời gian, phí sức.

Thôi, nó đã sáng tạo ra rồi thì mình học đi, cho nhanh, để thời gian và công sức còn làm việc khác. Ai thầy, ai trò cũng được, cuộc sống là nương tựa lẫn nhau, cùng dắt nhau tiến lên, sao cứ loanh quanh với mấy cái danh hão chi cho mệt.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là mất đi tôn ti trật tự thầy-trò. Thầy mãi mãi là thầy, còn trò mãi mãi là trò, với tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Ví như cô giáo dạy ta hồi tiểu học, cô mới có bằng tú tài thôi, còn ta bây giờ đã học lên tiến sĩ, đã là giáo sư trong trường đại học, xem ra kiến thức, trình độ của ta bây giờ đã bỏ xa cô giáo, có thể “dạy” lại cho cô, nhưng thực tế ta vẫn phải cúi đầu kính cẩn trước cô, không được đem bằng cấp ra mà đo. Cô là người đã dìu dắt ta những bước đầu tiên, thì cô mãi mãi là thầy, là sư phụ, là bậc đáng kính. Cuộc sống luôn đi tới, nhưng đạo nghĩa thì không được đánh mất.

Mà hình như trong cuộc đời này ta gặp không biết bao nhiêu “người thầy” giúp ta phát triển. Có thể đó là một người bạn chung lớp, giảng lại những chỗ ta không hiểu trong bài học. Có thể đó là người đồng nghiệp giúp ta những ý kiến trong cơ quan làm việc. Có thể đó là một bác nông dân chỉ cho ta cách bón phân vào chậu hoa. Hoặc là thím hàng xóm chỉ cho ta cách lựa rau, chọn cá sao cho tươi ngon. Thậm chí đó là một tác giả mà ta không biết mặt, nhưng ông đã viết cuốn sách, bài báo giúp ta đọc mà hiểu chuyện này chuyện kia, để sống tốt hơn v.v…

Mỗi một chút xíu kiến thức ta nạp vào bộ não đều có công của những “sư phụ” vô danh đó. Cho nên, ta nên cảm niệm ơn của họ, nếu nói ra được lời cảm ơn thì càng tốt, còn nếu không thể nói thì cứ cảm niệm trong lòng mình cũng đủ. Sự cảm niệm, sự tri ân đó giúp ta thêm phước đức. Cổ nhân có câu: “Kính thầy mới được làm thầy”. Người nào thiếu sự tri ân thì khó mà huấn luyện, giảng dạy được cho người khác, vì thiếu phước đức. Thậm chí, nói ra những câu bình thường mà người ta cũng không muốn nghe, chứ đừng nói chi dạy dỗ.

Suy cho cùng, khi ta sinh ra chỉ là đứa bé đỏ hỏn, chưa biết gì. Và ta có được như hôm nay nhờ công của biết bao người dạy dỗ, huấn luyện. Xin cảm niệm, cảm niệm một cách âm thầm nhưng chân thành đối với những người thầy trong suốt cuộc đời ta… 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.