Mở màn từ thời nhà Lý với hoa sen - những họa tiết trang trí rất đậm phong cách mỹ thuật Phật giáo nổi trên đồ gốm. Người nghe thật sự bất ngờ trước cách giải thích về những ý niệm thanh tao, thuần khiết trong quan niệm về ẩm thực của con người giai đoạn này. Đến thời Trần và Lê, hoa sen dần bị thay thế, mờ nhạt để chuyển sang những đồ án trang trí gốm với cúc, tùng hay bát bửu... Đó cũng chính là sự “chuyển ngôi” tư tưởng chính thống từ Phật giáo sang Nho giáo...
Càng thấy thú vị khi diễn giả cho rằng lịch sử và đặc trưng ẩm thực cũng gần như song hành với lịch sử dựng nước của người Việt. đi đến đâu là người Việt lại chọn lọc, tiếp nhận và phát triển thêm nhiều món ăn uống, nhiều chất liệu, kiểu dáng hiện vật để bồi đắp vào kho tàng ẩm thực Việt...
Đỉnh cao của ẩm thực Việt cũng được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn xác định vào thời Nguyễn kể từ thế kỷ 19, đó là sự tích tụ và phát triển mọi kỹ thuật nấu nướng, nâng tầm tuyệt kỹ của sự cầu kỳ, tinh tế và hợp lý, kể cả việc tiếp thu những kỹ thuật rất mới từ phương Tây.
Từ sự phong phú và tinh tế trong thế giới ẩm thực của người xưa, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng dẫn dắt đến sự biến dạng, lai tạp và dễ dãi của ẩm thực phổ biến thời nay. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh đều có thể phát sinh một nhu cầu ẩm thực riêng, nhưng rõ ràng việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi... ẩm thực xưa là cả sự thao thức tìm về nguồn cội văn hóa dân tộc, là những điều mà người thuyết trình gieo trong lòng người nghe...