Cũng có người tụng kinh đến tắt tiếng thì không tụng nữa. Có người nghe chỗ khác tu dễ hơn thì tìm theo mà suốt đời không được gì. Đó là những cách tu sai lầm khi tu theo hình thức mang tính cách mê tín nhiều hơn.
Tu theo Phật quan trọng nhất là tu để sanh trí tuệ và căn cứ vào trí tuệ để thấy sự việc sáng hơn và chúng ta chủ động được việc làm gặt hái được kết quả tốt hơn. Tu trên căn bản có trí tuệ là như vậy. Nhưng để tu trên căn bản có trí tuệ, ban đầu chúng ta phải căn cứ trên kinh văn, rồi suy nghĩ nghĩa lý của kinh và theo đó thực tập bài kinh để đạt được kết quả tốt đẹp. Như vậy, mỗi bước tu có tăng tiến đạo Bồ-đề, đi lên được.
Phật dạy rằng tu có trí tuệ, khi nghe người khác nói thì dùng trí tuệ suy nghĩ xem lời nói của họ có đúng không, đúng mới tin và áp dụng thử trong cuộc sống cũng được kết quả đúng thì như vậy khả năng nhận thức của chúng ta đã có phát triển. Không phải nghe rồi làm theo mà không suy nghĩ. Nếu nghe và tin mù quáng thì nay nghe người này, mai nghe người khác, nghe nhiều theo cách này khiến tâm trí bị rối, sau cùng không biết theo ai nữa thì bỏ tu.
Riêng tôi, từ khi đi tu vào năm 1950, mới 12 tuổi, đến bây giờ 83 tuổi là tu được 71 năm rồi. Nhưng niềm tin của tôi đối với Phật theo năm tháng càng mãnh liệt hơn, cái nhìn của tôi cũng chính xác lần theo công phu tu tập và mỗi năm tôi thuyết pháp khác vì thấy pháp khác.
Tôi nhớ đã soạn Bổn môn Pháp hoa kinh năm 1975 là lúc đất nước mới giải phóng, kinh tế rất khó khăn, nên đa số người phải đi lao động mới sống được. Vì vậy, Phật tử không có thì giờ đến chùa nghe pháp, tụng kinh như bây giờ. Tôi nghĩ như vậy không có điều kiện tụng một bộ kinh Pháp hoa từ sáng đến chiều. Tôi mới nghĩ cách giúp người ta tu được, nên tôi soạn Bổn môn Pháp hoa kinh ngắn gọn gồm phần cốt lõi của kinh thôi, thay vì tụng 28 phẩm kinh Pháp hoa quá nhiều không thể tụng được. Bổn môn Pháp hoa kinh được rút ngắn, nhưng chứa đựng đầy đủ nội hàm của kinh bên trong để các Phật tử chỉ cần nửa tiếng là tụng xong bộ kinh và cũng nắm giữ được cốt lõi của kinh.
Tuy nhiên, rút gọn bộ kinh xong, tôi nhận thấy thì giờ tụng kinh theo nghi thức chuông mõ ở chùa cũng không có, nên tôi nghĩ mình có thể tụng thầm trong khi lao động sản xuất, tức phải tụng thuộc lòng kinh. Vì vậy, tôi soạn kinh Bổn môn Pháp hoa ngắn theo văn dễ tụng, dễ nhớ, dễ thuộc.
Kinh Pháp hoa xưa được ngài Cưu Ma La Thập dịch đến nay đã gần 2.000 năm theo lối văn cổ. Hòa thượng Trí Tịnh dịch bộ kinh này theo đúng chữ Trung Quốc, không thêm không bớt, nên cũng dài và khó nhớ.
Đầu tiên pháp y của đạo tràng Pháp hoa có 7 chấm, một chấm ở giữa và 6 chấm xung quanh. Đó là dấu hiệu của Bổn môn Pháp hoa, vì kinh Pháp hoa là kinh hoa sen. Người tu theo Pháp hoa muốn thân chúng ta trong sạch như hoa sen.
Hoa sen không nhiễm bùn, dù nó từ bùn mọc lên nhưng không hôi tanh mùi bùn mà có hương sen. Tượng Phật ngồi trên hoa sen nghĩa là Phật ở trần ai nhưng Ngài không nhiễm bụi trần.
Mục tiêu của chúng ta tu theo Bổn môn Pháp hoa là chuyển thân ô uế này thành Pháp thân, thành thân công đức. Thực tế là từ người thường thấp kém, mình tu từng bước trưởng thành cho đến khi trở thành người đạo đức cao thượng. Trên bước đường tu phải đạt được kết quả này trước. Điều thứ hai là hiểu biết phải vượt trội, nghĩa là phải tu cho được hai thứ cao thượng là thân đạo đức và trí tuệ. Không đạt được hai thành quả này là tu sai pháp khiến người xung quanh không chấp nhận mình. Có thể ban đầu họ không chấp nhận, nhưng tu để họ chấp nhận được mình và từ chấp nhận, người ta kính trọng mình và tiến lên, người ta nghe lời mình. Tính chất thực sự của đạo Phật là như vậy.
Nói thực tế, Phật tử tu theo Bổn môn Pháp hoa là tinh khiết hóa cuộc sống mình bằng cách loại bỏ tất cả những việc xấu ác và thực hành những việc tốt đẹp lợi ích cho người, cho đời.
Tất cả những gì xấu ác mà ác ma dạy, chúng ta không làm, không theo. Phật là người tốt hoàn toàn thì những gì Phật dạy, hay người tốt dạy, mình làm theo. Mình nhìn người biết họ tốt vì họ có quá trình tu và có kết quả tốt mình thấy rõ mới theo và thực tập thử coi có kết quả hay không. Như Phật ban đầu tu, Ngài gặp ông tiên Kamala có đạo đức và đắc đạo, đó là tầm sư học đạo tìm người đắc đạo theo học. Muốn hiểu biết, phải tìm người có hiểu biết hơn mình để học.
Tôi được như ngày nay là nhờ đi theo con đường này. Muốn hiểu biết, tôi phải tới trường học từ sơ cấp lên đại học và trên đại học. Không học làm sao có hiểu biết. Và muốn tu phải tìm người hiểu biết đã thực tập có kết quả.
Lập trường của tôi rõ ràng là trước nhất về học vấn thì không nhường ai, còn tất cả những thứ khác thì nhường hết. Học để có hiểu biết và thực tập hiểu biết đó trong cuộc sống là tu. Theo Bổn môn Pháp hoa, ban đầu tu thân và tu tâm là tinh khiết hóa con người mình, thực tế là không phạm lỗi lầm đáng chê trách. Nhìn đời thấy những gì thiên hạ chê thì chúng ta không làm, những gì thiên hạ khen, ta học và quyết tâm làm.
Theo tôi, làm gì cũng được nhưng đừng làm biếng và đừng làm bậy. Làm biếng là vô dụng và làm bậy là làm những việc mà người không chấp nhận. Người ta dễ phạm hai sai lầm này. Phật nói thân người rất quý, từ sanh đến chết không làm được gì thì uổng một kiếp người. Vì vậy, nhìn lại quá trình sống của mình phải có làm gì đó để lại cho cuộc đời. Như vậy, không thể biến mình trở thành con người ăn hại, con người vô dụng, con người hại đời. Có người làm suốt đời nhưng làm sai là làm hại mình hại người.
Tránh không làm biếng, không làm bậy là trong sạch hóa thân mình. Không làm bậy chắc chắn không lỗi lầm thì mình không bị đời ghét bỏ. Không làm biếng, làm được việc thì đi đâu mình cũng đắc dụng, được người thương quý. Thể hiện điều này, từ lúc còn trẻ tôi luôn dành thì giờ học, tu và công quả. Hòa thượng Yoshimizu quý tôi vì lúc còn đi học, cứ đến ngày Chủ nhật, tôi về chùa của ông làm công quả. Nhờ vậy ông coi tôi là bạn tốt và nói chúng mình là bạn tốt hơn 50 năm và tiếp tục làm bạn tốt trong kiếp sau nữa. Phải có bạn tốt hỗ trợ mới làm tốt được. Thật vậy, khởi đầu xây dựng Học viện Phật giáo TP.HCM, ông nói với tôi rằng ông để dành được 1 ký-lô vàng, xin cúng dường để tôi làm trường. Vì vậy, mình làm việc tốt thì bạn hỗ trợ và bạn làm việc tốt, mình giúp. Thế giới Phật và Bồ-tát đều trợ lực hỗ tương như vậy, nên mình học và làm theo các Ngài.
Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc trong lễ kỷ niệm Phật thành đạo năm 2015 |
Học Phật và tu theo Phật, chúng ta trở thành người tốt thì ai cũng quý trọng là tu thân rồi, nhưng phải gia công thiền quán để tâm mình sáng ra.
Hôm nay có một thầy đến thăm tôi và thưa rằng chùa con chúng đông quá, phải lo đủ thứ. Tôi dạy thầy này rằng tu đừng lo, vì theo kinh nghiệm của tôi, lo không được đâu, nhưng cần phải bình tĩnh, sáng suốt, phải thấy được nhân duyên thì theo đó mà làm, chứ càng lo càng bị rối.
Tôi khuyên các Phật tử gặp việc đáng buồn cũng không buồn, vì tâm rối sẽ mất Chánh niệm, mà nhìn đời bằng tâm buồn thì cuộc đời ảm đạm lắm. Thứ hai là giận tức sẽ thấy cuộc đời này cũng không đẹp. Kế tiếp là lo và sợ cũng bỏ để mình giữ Chánh niệm nhìn thẳng cuộc đời mà có quyết định đúng đắn nhất, chính xác nhất. Phật tử phải tập sống như vậy.
Phật hỏi Kiều Trần Như từ khi ông biết Ngài, có thấy Ngài nói gì sai lầm hay không. Lời nói của Đức Phật hoàn toàn đúng đắn mới có giá trị lâu dài cho đến ngày nay trên 2.600 năm vẫn còn là kim chỉ nam cho nhân loại sống tốt đẹp.
Về mặt đạo đức, xây dựng thân chúng ta trong sạch, lời nói và ý nghĩ cũng trong sạch, như vậy ba nghiệp thân khẩu ý của mình trong sạch là tu. Kinh nào của Phật cũng dạy thanh lọc thân tâm trong sạch như hoa sen thì nhờ đó thấy được những điều mà bình thường không thấy.
Bình thường thấy bằng nhục nhãn là mắt thường thì cái thấy của mình đương nhiên rất giới hạn gọi là thấy không quá đường chân trời. Nhưng khi đã tinh khiết hóa được thân tâm, thì cái thấy của mình sẽ khác. Thật vậy, cũng sự vật đó nhưng người tham vọng, tội lỗi, ngu si thấy khác, người có trí tuệ thấy khác, nên họ không mắc sai lầm.
Theo Phật, từ nhục nhãn thấy bằng mắt thường thì thấy nông cạn theo bề ngoài và tiến tu sẽ thấy xa hơn gọi là thiên nhãn. Để dễ hiểu, có thể ví cái thấy của nhục nhãn giống như con cá thấy miếng mồi vội vàng đớp liền thì phải chết. Con người cũng vậy, thấy theo tham vọng sẽ bị quyền lợi thế gian câu nhử, mình dính vô là cuộc đời tiêu tan sự nghiệp.
Vì vậy, chúng ta phải thấy theo thiên nhãn là thấy có trí tuệ. Thí dụ nhận được món quà tặng mà mình sáng mắt là lạc vào tử lộ liền. Phải coi món quà có ẩn chứa hậu ý gì bên trong hay không, nếu thấy có lưỡi câu bên trong và có sợi chỉ cột vô lưỡi câu nữa thì đừng dại dột mà nuốt để bị dính chết. Bằng Chánh niệm, bằng trí tuệ, bằng tâm bình tĩnh, chúng ta thấy có lưỡi câu bên trong là thấy được hậu ý của người cho quà. Nghĩa là cần thấy sự thật của cuộc đời, chính xác là mình thấy tâm của đối tác. Dù lời nói họ tốt, nhưng có Chánh niệm sẽ thấy được tâm ý bên trong không tốt như lời nói hoa mỹ trên đầu môi chót lưỡi.
Người tu có Chánh niệm thấy khác hơn là thấy bằng đôi mắt của chư thiên thì thấy hậu ý bên trong nên không bị mắc lầm. Chư thiên cũng từ con người tu thành tiên. Vì vậy, tu hành của chúng ta cần có trí tuệ để khỏi mắc lầm trong cuộc sống đầy mê hoặc này thì khỏi bị quả báo tìm tới, vì sai lầm nào cũng có cái giá đắt phải trả.
Mình phải nhìn kỹ cuộc đời này, kinh Pháp hoa Phật nói là nhìn kỹ tam thế gian là ngũ ấm, quốc độ và chúng sanh. Tuy nhiên, mình mới chỉ thấy được thực tế cuộc sống thôi, không thấy được toàn diện như Phật. Nhưng dù sao, thấy được sự thật theo người tu không tham vọng thì mình đã không bị mê hoặc. Còn tham vọng mới bị người lợi dụng, mua chuộc.
Thấy đúng theo bước thứ hai là thấy theo sự thật của cuộc sống, tức việc gì hợp lý hợp tình thì mình làm. Thí dụ có người nói đưa họ 1 triệu đồng, họ trả tiền lời mỗi tháng 100 ngàn đồng. Đa số người cho vay nợ vì quá tham, nên mới bị người dụ, rồi đưa hết tiền cho họ, may lắm là được trả một tháng tiền lời rồi mất hết.
Người hết lòng tham, sống với thực tế phải biết chắc chắn rằng vốn 1 triệu không thể làm ra lãi 100 ngàn đồng một tháng. Người dụ như vậy là ma, là giả dối, lường gạt mà khởi lòng tham nhập bọn với hạng này, cuộc đời phải tàn tạ, chết cũng thành ma.
Phật bảo phải cắt bỏ lòng tham và sống với thực tế cuộc sống này. Thuở nhỏ, tôi biết mình nghèo, sống với số tiền mình có, hoặc sống dưới mức mình có thì lúc nào cũng an lành, hạnh phúc và từ đây, từng bước tu, vươn lên.
Ngoài ra, Phật dạy cắt bỏ bực tức, lòng còn bực tức là tai họa. Vì người ta nói gì, làm gì khiến mình chướng tai gai mắt không chịu được, mình sẽ hành xử theo tâm bực tức đó, chắc chắn quả báo tới. Họ chọc cho mình bực tức và mình nổi giận là dính câu rồi và chạy theo sự bực tức đó sẽ dẫn đến hậu quả không lường được.
Vì vậy, Phật bảo phải ngừng lại, dù đọc bao nhiêu kinh điển nhưng tham giận chưa cắt thì tất cả mọi việc đều trở thành tội lỗi. Thuở nhỏ đi học, tôi nghe một thầy dạy rằng:
Tham sân tật đố không chừa
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì.
Nghĩa là tu hành, ăn chay nhưng tham lam, ghét ganh còn nguyên thì tu có ích gì.
Kinh điển nhiều nhưng nội hàm bên trong ít, phải lấy nghĩa lý kinh để suy nghĩ và thực tập có kết quả là tu Bổn môn Pháp hoa.
Tất cả pháp môn tu Đức Phật dạy nhằm giúp cắt bỏ tham giận để mình được bình tĩnh, có Chánh niệm mới nhìn cuộc đời chính xác, ít sai lầm và có cái thấy theo người tu khác với cái thấy của người tham vọng hay người bực tức không tu.
Người không tham vọng, không bực tức thấy cao hơn, xa hơn là thấy theo thiên nhãn, thấy đúng sự thật. Và từ đây nâng lên, thấy theo Thanh văn từ Tu-đà-hoàn cho đến A-na-hàm, A-la-hán. Thấy theo Tu-đà-hoàn không còn lệ thuộc tình cảm, xã hội, ăn uống ngủ nghỉ nên nhìn đời hoàn toàn khác. Dạy điều này, Phật nói rằng có ông trưởng giả mất bò, đau khổ chạy đi tìm bò đến quên ăn bỏ ngủ. Phật so sánh ông này với thầy Tỳ-kheo chỉ có một y một bát nhưng an lạc, đó là hạnh phúc của Sa-môn đã cắt bỏ tham giận. Thực sự trong cuộc sống, con người không cần nhiều vật chất như họ tham muốn, nhưng vì chạy theo tham vọng nhiều quá nên họ phải khổ.
Vì vậy, hạn chế được ăn mặc và hạn chế sự tính toán đối xử bằng hình thức bề ngoài theo xã hội thì không sợ người xem thường là sống thật, không giả dối. Có người nghèo vay mượn để phô trương bề ngoài, đóng vai giám đốc, chắc chắn phải khổ. Mình nghèo sống đúng với thân phận mình thì vẫn được an lành, có sao đâu.
Phật dạy sống với tâm an lạc, nhìn đời thấy khác. Thật vậy, hàng Dự lưu nhập vào dòng thánh thấy khác với người đời. Người đời đầu tắt mặt tối để kiếm thật nhiều tiền và có nhiều của cải rồi, họ phải thức trắng đêm để lo giữ của. Vậy mà họ lại tội nghiệp những vị Thánh nhân không có tài sản gì! Người tu không sở hữu vật chất nhưng có tâm an lạc mà người giàu có không thể nào hưởng được nguồn vui thanh tịnh đó.
Thấy theo Thanh văn không giống người đời. Người tu thấy vật chất không cần thiết, nhưng họ cần cái tâm an lạc. Vì vậy, trong 5 phước Phật dạy con người cần tạo để giữ vững vị trí làm người, đầu tiên là được tâm an lạc, không buồn giận lo sợ, đó là hạnh phúc nhất, có tiền hay không không quan trọng. Và từ tâm an lạc, quý vị kiếm cái phước thứ hai là mình an lạc rồi và có cái nhìn chính xác để giúp bạn vượt khó khăn, nguy hiểm, họ cũng được an lạc như mình. Như vậy, mình đã xây dựng được bạn bè tốt thì phước thứ hai sanh ra.
Tuy không có tiền nhiều nhưng có tâm an lạc và nhiều bạn tốt hỗ trợ, cuộc sống chắc chắn được hạnh phúc hơn là người có tiền nhiều nhưng chung quanh không tin được ai và lúc nào cũng lo sợ bị hại, bị mất của và nhìn ai cũng cảm thấy nghi ngờ, như vậy thì sướng ích gì.
Tu theo Phật phải có thay đổi cuộc sống tốt đẹp. Nhất là cắt tham vọng thì nhìn cuộc đời thấy cái gì cũng đẹp và họ thấy sâu, thấy xa, thấy đúng các sự việc diễn ra trong cuộc đời này thì không bao giờ có sai lầm, có thất bại đối với họ. Và ở trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, cuộc sống cũng an nhiên, tự tại giữa dòng đời biến động, đó thực sự là đệ tử Phật lan tỏa hương sen cho đời.
Hòa thượng Thích Trí Quảng (Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm)