Túc mạng minh và thiên nhãn minh

Túc mạng minh và thiên nhãn minh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Khi Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài chứng Tam minh Lục thông. Đầu hôm, Phật chứng Túc mạng minh biết tất cả các kiếp quá khứ của Ngài. Nửa đêm, Phật chứng Thiên nhãn minh thấy tất cả hiện tượng xảy ra trong trời đất.

Và khi sao Mai mọc, Phật chứng Lậu tận minh thấy tương lai vô cùng tận của Ngài và những người hữu duyên. Như vậy, Phật đã thấy rõ ba đời nhân quả, thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thật vậy, ngồi nhập định ở cội bồ-đề, Đức Phật đã quán sát sự vật bằng tuệ giác của bậc Toàn giác, tạm ví như dùng cặp mắt khoa học quan sát thấy sự vật khác với mắt thường. Không hiểu thì nói bầu trời trống không, nhưng nhà khoa học nói bầu trời có không khí, không phải trống rỗng.

Ý này đã được thể hiện qua câu chuyện Phật bảo A Nan đổ nước vô bình bát. Phật hỏi A Nan và đại chúng trong bình bát có gì. Mọi người nói có nước, đó là cái thấy của người thường. Và Phật dạy A Nan đổ nước ra, úp bát xuống, hỏi bát có gì. Mọi người nói không có gì. Điều đó đúng, nhưng Phật nói không đúng. Các ông ngạc nhiên, xin Phật mở ra coi. Phật dạy rằng trong bình bát không có nước, nhưng có chứa không khí. Mắt huệ của Phật thấy không khí, mắt thường không thấy không khí.

Trong không gian có đầy không khí. Thuở nhỏ, tôi nghe nói nhìn chuồn chuồn bay cao là biết trời nắng, nó bay thấp là trời mưa, đó là thấy theo kinh nghiệm dân gian. Nhưng ngày nay, chúng ta thấy biết theo khoa học, chuồn chuồn bay cao vì lúc đó không khí nhẹ, nhưng khi không khí đầy nước vì sắp mưa, nên nó bay thấp.

Ngày xưa mà mắt huệ của Phật đã biết có không khí khô và không khí ướt. Thực tế ngày nay chúng ta biết ở vùng nhiệt đới của miền Nam nước ta vì không khí khô, nên không có giá rét như miền Bắc. Có giá rét vì nước đầy trong không khí nên giặt đồ phơi lâu khô và quần áo bị cứng.

Thấy bằng tuệ giác ví như mắt khoa học, Phật thấy được trong bình bát có không khí. Và Ngài ngồi dưới cội bồ-đề quán sát chiếc lá rơi thấy sự tác động của không khí. Phật quán sát bằng tuệ giác khác với cái thấy bằng mắt thường của ngoại đạo. Phật thấy lá cây tiếp thu ánh sáng nuôi thân cây và hút được nước, phân trong đất. Vì vậy, Phật xác định rằng chiếc lá đã có ánh sáng, nước và phân. Nghĩa là Phật khám phá trong một vật đã hàm chứa đầy đủ các vật khác, ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả rằng trong một trần có trần số cõi.

Và Phật cũng nói rằng thân người là một tiểu thế giới, nó có quan hệ với sự sống các loài trên trái đất và các loài trên trái đất này cũng ảnh hưởng đến các loài ở thế giới khác.

Quán sát như vậy, Phật thấy suốt quá khứ, từ quá khứ gần Phật Thích Ca có Phật Ca Diếp, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Câu Lưu Tôn… tức có nhiều vị Phật ra đời. Theo Phật giáo Bắc truyền có 7 Đức Phật quá khứ. Nam truyền nói có 3 Đức Phật quá khứ trước Phật Thích Ca, mỗi Đức Phật cách nhau hàng triệu năm. Và giáo pháp Phật diệt thì mới có Phật sau ra đời. Như Phật Thích Ca nhập diệt, nhưng giáo pháp của Phật vẫn còn, còn người biết tu, nên chưa có Phật ra đời. Phải chờ giáo pháp Phật Thích Ca hết, không còn người biết Phật, mới có Phật Di Lặc ra đời. Vì vậy, ngày nay ai tự xưng là Phật, đó là Phật giả.

Với Túc mạng minh, Đức Phật quán sát biết kiếp trước Ngài là Hộ Minh Bồ-tát ở Đâu Suất nội viện khởi tâm đại bi tái sanh trên cuộc đời này, nghĩa là Ngài sanh có chọn lựa ai là cha mẹ Ngài và ở đâu. Đó là Phật quán sát nhân duyên để tái sanh, vì Phật và Bồ-tát theo nguyện mà thọ sanh. Cho nên, Phật sanh chỗ đó, mang thân hình đó theo nguyện thì làm xong việc cứu độ chúng sanh, Ngài rời bỏ thân tứ đại, đi về thế giới vĩnh hằng bất tử của Ngài.

Phật nói chúng sanh bị nghiệp dẫn dắt nên những gì họ muốn thì không tới, cái sợ thì tới. Sợ chết chóc tù đày nhưng không thoát khỏi vì do nghiệp tham lam, bực tức, si mê dẫn tới đó để trả quả báo.

Đức Phật quán sát từng kiếp trước và Ngài thấy đầy đủ rồi, nên sau này Phật dạy Tỳ-kheo rằng Ngài từng làm nai, làm cây hoa sứ…, tức chuyển hóa từ ngũ uẩn thân lần lên quốc độ thân và tới chúng sanh thân. Như vậy, Phật đã quán sát tận cùng từ kiếp xa xưa đến tận ngày nay về sự hiện hữu của Ngài và các loài chúng sanh. Vì vậy, với trí giác siêu đẳng này, Ngài nhận biết được các bạn và người thù từ vô số kiếp để làm tốt thêm tình bạn và tháo gỡ lần các oan trái, nhờ vậy phước đức của Phật cứ tăng thêm mãi, không giảm sút.

Với Túc mạng minh, Phật biết từng kiếp Ngài làm gì, tu gì, được gì, nên Phật vẽ ra con đường tu mà Ngài đã thể nghiệm trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp phải thành tựu pháp tu Thanh văn, pháp tu Duyên giác và pháp tu của Bồ-tát mới tiến đến Phật quả.

Trước hết, để được giải thoát ở giai đoạn tu Thanh văn cũng gian nan lắm. Phải tẩy sạch tất cả phiền não, trần lao, nghiệp chướng trong tâm chúng ta, cụ thể là dứt sạch thập triền thập sử. Nói cách khác, tâm không lệ thuộc vật chất, tình cảm, thiên nhiên. Đó là điều kiện thứ nhất để thành Phật. Nhưng phải chứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và phải thực tập tứ quả của Thanh văn là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán để hoàn thành Bát chánh đạo. Hoàn tất pháp tu như vậy, qua được a-tăng-kỳ kiếp thứ nhất.

Cần biết rằng tu hành, nếu bị tình cảm ràng buộc chắc chắn cái thấy không chính xác, con đường tội lỗi mở ra cho ta. Không bị tình cảm chi phối, việc làm mới đúng. Người Việt nói một câu rất hay rằng khi thương thì trái ấu cũng tròn, đó là cái thấy không chính xác. Người sai trái nhưng mình thương thì bảo vệ, che chở họ. Còn mình ghét thì người tốt thiệt, mình cũng tìm cách bươi móc lỗi.

Ngoài ra, chẳng những không bị tình cảm chi phối, Thanh văn tu cũng không bị thiên nhiên chi phối. Giai đoạn đầu tu để thoát được hai thứ ràng buộc này vất vả lắm mà Phật gọi là ra khỏi sinh tử luân hồi, mới thấy con người thực của mình để từ đây vươn lên cho kết quả tốt. Phần nhiều tu nhưng không đứng ở hoàn cảnh của mình, cứ đứng ở hoàn cảnh của người làm sao có kết quả tốt.

Sau đó đến a-tăng-kỳ kiếp thứ hai, chúng ta tiếp tục tu quán 12 nhân duyên để biết được từ đâu ta đến thế giới này và chết sanh về đâu. Vì vậy, giai đoạn hai quan trọng hơn là có định hướng rõ ràng, tức biết kiếp trước ta ở đâu, đến kiếp này cần tiếp tục làm gì cho đến kiếp tương lai ta sẽ ra sao ở thế giới nào… Nếu biết rõ như vậy, chúng ta không lạc vào sinh tử luân hồi.

Thể hiện ý này, Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng tu hành sợ nhất bị đi lạc, rớt xuống các loài chúng sanh hạ đẳng thì tu lại rất khó. Vì thế, Ngài nguyện sanh trong loài nào cũng biết kiếp trước của mình để từ đó tu lên.

Tiếp theo là a-tăng-kỳ kiếp thứ ba, Phật dạy hành Bồ-tát đạo để phát huy trí giác và phước đức với các pháp tu của Bồ-tát là Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập nhẫn, Thập thông. Phật đều thấy rõ như vậy là thấy túc mạng của Ngài và quyến thuộc Bồ-đề.

Đức Phật trụ trong thiền định quán sát thấy có bao nhiêu người bạn làm gì, thấy tất cả người quen của Ngài thành Phật ở phương Đông, phương Tây, phương Bắc… là thấy tất cả các bạn tốt thành Phật giáo hóa vô số Bồ-tát. Điển hình như Ngài thấy thế giới Cực lạc ở phương Tây của Đức Phật A Di Đà có toàn La-hán và Bồ-tát.

Phật Thích Ca nhìn cả Pháp giới thấy Ngài thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề và bạn tốt của Ngài cũng đạt quả vị Toàn giác thì các Ngài cùng hỗ trợ nhau trong việc giáo hóa chúng sanh. Phật này làm thì Phật khác phóng quang ủng hộ và Phật khác nữa gởi Bồ-tát đến trợ hóa. Còn La-hán tu cách ly, bỏ tất cả, nên không đạt được trí giác viên mãn, không tạo được quyến thuộc Bồ-đề, không có được cảnh giới Phật...

Thật vậy, Đức Phật Thích Ca quan sát thấy ở Ta-bà có những người mà Ngài đã quen biết ở kiếp trước như vua Tần Bà Sa La thương và kính Phật vô cùng. Phật cho biết vì Ngài đã từng xả thân cứu ông, nên hiện đời gặp lại, trong tâm thức vẫn ghi nhớ ơn xưa sâu đậm này mà ông hết lòng với Phật, không phải tự nhiên mà có. Phật dạy rằng tất cả những việc làm tốt trong quá khứ sẽ hiện lại trong hiện tại. Cũng vậy, nếu thấy ai cũng ghét và chống phá mình thì phải tự biết mình đã từng làm như vậy với họ trong kiếp quá khứ nên oan gia gặp lại.

Vì vậy, hành Bồ-tát đạo để kết quyến thuộc, Phật bảo nên bỏ quyến thuộc ác và xây dựng lại quyến thuộc Bồ-đề, lần lần họ sẽ tăng phước, tăng huệ. Và ta có Bồ-tát như vậy làm quyến thuộc trợ giúp thì việc làm của ta chắc chắn dễ dàng hơn, thành tựu tốt đẹp.

Phật chứng Thiên nhãn minh là quan sát Pháp giới, ai thân ai thù, Ngài đều biết rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện đời. Ngài cũng biết cách hóa giải mối oan gia tương báo cũng như làm thăng tiến thêm những điều tốt đẹp với các bạn thân, cho nên Phật dễ dàng thoát khỏi tất cả kiếp nạn cùng phát triển đạo lực của quyến thuộc Bồ-đề. Còn mình không biết người xấu mà tưởng họ tốt, tin họ thì họ hại mình mất sự nghiệp, thậm chí mất mạng.

Đức Phật có Thiên nhãn minh, Ngài an trụ trong thiền định quán sát biết người nào cần giúp để họ vượt qua chướng nạn và thăng hoa trí tuệ, đức hạnh thì Ngài trợ lực, không giúp bừa bãi vô ích. Trong khi chúng ta thiếu hiểu biết đúng đắn của La-hán, nói chi đến Thiên nhãn minh như Phật, nên chúng ta hành đạo rất khó khăn mà không mấy hiệu quả, hay hành đạo chưa an toàn cho sự sống còn của chính mình và người thân.

Kinh Pháp hoa nói câu chuyện Nhà lửa rằng ông trưởng giả vô Nhà lửa để cứu những người con ham chơi trong đó mà không hay biết sự nguy hiểm đến tính mạng. Điều này ẩn dụ rằng những người hữu duyên với Phật đang trôi lăn trong sinh tử, không ra được nên Phật phải hiện thân trên cuộc đời để cứu họ.

Đức Phật hiện thân tu chứng Túc mạng minh và Thiên nhãn minh nên biết rõ họ sanh trên cuộc đời này ở đâu, tên gì, làm gì, Ngài mới đến độ. Nghĩa là Phật biết không sai lầm và làm không sai lầm.

Còn mình không biết, nên người đáng độ, mình không độ, người đáng tránh, mình lại đến khiến mình bị hại.

Điển hình là Phật biết ông Vô Não là người tốt nhưng bị phù thủy mê hoặc trở thành cuồng si giết người. Phật đến độ ông, nhưng thực sự ông này đã có quan hệ tốt với Phật trong kiếp quá khứ, nên vừa gặp Phật, ông liền buông dao, quỳ xuống xin làm đệ tử Phật. Nhờ nhân duyên tốt từ kiếp quá khứ dẫn đến hiện tại, Phật mới cứu độ dễ dàng như vậy. Tuy nhiên, nghĩ xem Phật chỉ độ được một sát nhân Vô Não, không phải Ngài độ được tất cả các tên sát nhân khác. Ngày nay, đừng thấy Phật làm được như vậy mà bắt chước, coi chừng mình bị hại. Thực tế chúng ta thấy chùa Bửu Quang ở Thủ Đức có một anh bị điên xin tu. Thầy trụ trì thấy anh ta hiền nên cho tu, nhưng sau đó anh lên cơn chém chết người.

Chúng ta nên cẩn thận, biết rõ người cứu giúp được để họ trở thành người tốt, mình sẵn lòng. Nhưng không làm được thì nguyện để đó, ý này được kinh Pháp hoa gọi là thệ nguyện an lạc. Nghĩa là mình thương người, nhưng biết mình chưa đủ phước đức thì hẹn ngày nào đủ phước đức mình giúp, không phải lúc nào cũng cứu giúp người được.

Phật chứng Thiên nhãn minh là quan sát Pháp giới, ai thân ai thù, Ngài đều biết rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện đời

Phật chứng Thiên nhãn minh là quan sát Pháp giới, ai thân ai thù, Ngài đều biết rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện đời

Đức Phật nhờ có Thiên nhãn minh quan sát trần gian, Ngài biết người đáng độ, biết chỗ nên tới. Vì vậy, suốt 49 năm thuyết pháp giáo hóa, dù gặp khó khăn, nhưng Phật đều vượt qua được. Trong khi các nhà truyền giáo khác không biết túc mạng, không chứng Thiên nhãn minh, nên chỉ lo cứu người mà bị giết hại.

Ngày nay chúng ta tu có nguyện dù sanh ở cảnh giới nào cũng biết được túc mạng là biết đời trước và nhiều đời trước của mình để dễ tiến tu. Thực tập pháp này, tôi căn cứ vào việc Phật tu để quan sát túc mạng của mình xem đời trước mình là gì, mình ở đâu sanh lại đây.

Đức Đạt-lai Lạt-ma 14 nói rằng mình sanh trên cuộc đời này là mình đi du lịch trên cuộc đời, tức mình ở thế giới nào đó sanh lại thế gian và đi du lịch ở thế gian bao nhiêu năm thôi. Và ngài khuyên một câu đơn giản rằng nếu không làm được việc tốt thì đừng làm xấu thêm. Ở Tây Tạng, nhiều Lạt-ma biết đời trước của họ.

Tu hành, kiểm chứng túc mạng là biết đời trước của mình. Xem nguyên nhân đời trước mình làm gì mà chịu quả báo đời này lại có cơ thể bạc nhược, bệnh hoạn. Quán tưởng như vậy để ít nhất biết được một kiếp của chúng ta. Xa hơn, ta biết được ba kiếp trước, tái sanh ta ở đâu, lần tái sanh thứ hai ở đâu và bây giờ ở đây. Ngoài ra, biết ba kiếp trước, ta nhận ra tất cả người thân và người thù của chúng ta và biết họ đang ở đâu. Nếu là bạn tốt đời trước thì đời này mình gặp lại họ là kính trọng nhau, giúp đỡ nhau.

Tu hành mà không biết túc mạng thì gặp rất nhiều khó khăn không thoát được. Vì vậy, Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng sanh trong các loài đều biết túc mạng, thường được xuất gia tu tịnh giới, không nhơ không lỗi cũng không hư. Đó là ý của câu nói mà Đức Đạt-lai Lạt-ma 14 nói rằng sống trên cuộc đời này, không làm tốt được thì đừng làm xấu, làm hư, làm nhơ gây oán thù. Biết túc mạng rồi, biết chỗ oan gia, người không ưa thì mình tránh, không tới để không gây thêm nghiệp. Tu có trí tuệ khác với tu mù, bắt chước không được.

Trên bước đường tu, nếu chưa biết đời trước thì xem hiện tại cuộc sống mình thế nào sẽ biết đời trước của mình. Nếu đời này mình thường bị ốm đau, nghèo đói, khổ cực, bị bạn bè phản bội thì biết oan nghiệp mình đã tạo đời trước. Đó là thấy thân nghiệp này mà tự biết oan gia nghiệp chướng của mình.

Chúng ta mới tu thường sử dụng cái biết bằng cảm tính. Thí dụ thấy người nào mình kính trọng liền thì biết đời trước họ là ân nhân của mình. Dù đời này thay hình đổi dạng nhưng trong tiềm thức còn, nên mình thấy họ hơi quen là quen từ đời trước rồi. Chính “cái hơi quen” này mà họ tốt với mình, thương mình và hiểu mình, nghĩa là họ và mình từng là bạn tốt với nhau từ đời trước rồi, thì đời này ráng giữ, đừng để mất tình bạn tốt này và nên làm tình bạn tăng thêm, vì tu hành không có bạn tốt rất khó.

Còn oan gia gặp lại thì tự nhiên thấy họ, mình sợ, hoặc ngại, thậm chí ghét. Giống như Chí Công Hòa thượng hiền lành được vua Lương Võ Đế kính trọng, nhưng hoàng hậu lại rất ghét ngài. Vì kiếp trước, ngài lỡ giết con dế là tiền thân của bà này, nên bà tái sanh tìm cách hại lại để trả mối thù xưa.

Chưa biết túc mạng, Phật dạy nhìn theo cảm tính như vậy thì biết để hóa giải. Nếu là bạn tốt thì làm cho tốt lên để giữ cái tốt này cho nhiều kiếp sau. Còn bạn xấu, ta cố tháo gỡ cái xấu này để trả hết oan nghiệp thì đời sau không gặp cái xấu này nữa.

Tôi hay kiểm nghiệm bằng cảm tính là phải có Chánh niệm, tức tập trung tư tưởng thì tiếp nhận được người đến với mình tốt thiệt hay là họ đóng kịch. Và biết được như vậy rồi, cố thực tập pháp Phật để biết chính xác đời trước mình là gì mà nay gặp lại kiếp này họ tốt với mình. Chứng Sơ quả sẽ biết được đời trước mình từng làm gì cho họ, nên nay họ mới quý trọng mình, điều đó cũng thuộc luật nhân quả.

Phật dạy quán sát một kiếp trước cho đến thấy được 500 kiếp trước là đắc quả A-la-hán, nhưng không phải dễ thấy. Phải tu chứng từ Sơ quả đến quả A-la-hán mới thấy 500 kiếp trước.

Tu chứng Sơ quả không bị lệ thuộc tình cảm và thiên nhiên, biết được 3 kiếp trước, từ đó tu lên không bị đọa, vì đã biết đời trước mình tu được như vậy rồi thì dại gì mà làm bậy. Vì vậy, Phật nói chứng được quả Tu-đà-hoàn thì chậm lắm cũng chỉ trải qua 7 kiếp tu nữa là đắc La-hán.

Đức Phật dạy rằng sanh được làm người rất khó, quý vị đã được cái khó này, nhưng làm người có phước lại khó hơn nữa. Tâm an lạc là phước báu lớn nhất mà chỉ có chư thiên, Hiền Thánh có được. Thấy đơn giản nhưng được phước này khó lắm, vì ở hoàn cảnh nào, tâm họ cũng không dao động. Người có cử chỉ luôn dao động thì biết tâm họ bất an. Đầu tiên quan sát bên ngoài mà biết tâm người và kế quan sát ánh mắt cũng biết tâm họ.

Xưa kia, trong một pháp hội, có lần Đức Phật và trời Đế Thích đều hiện diện, cả hai Ngài đều có tướng phước đức giống y hệt nhau. Vì vậy, tất cả các La-hán không phân biệt được vị nào là Phật, vị nào là trời Đế Thích. Ca Diếp bảo nhìn ánh mắt thì biết Phật khác với trời Đế Thích. Ca Diếp nói Phật luôn ở Chánh định nên mắt Ngài luôn đứng yên. Trời Đế Thích cai quản 33 tầng trời là phải để tâm đến 33 tầng trời, nên mắt của ông phải nhìn lên nhìn xuống để ý. Con ngươi dao động là trời. Còn Phật sống trong đại định, thân tâm thanh tịnh hoàn toàn, không hề dao động. Tâm dao động sẽ khiến hành động sai lầm dẫn đến mất phước báu.

Tôi thấy đa số người nghe tiếng động là nhìn và chạy tới coi. Đó là tâm động lôi cuốn thân động theo. Phật thể hiện thân tâm không bị động nhưng luôn chủ động. Thực tập pháp này, chúng ta tụng kinh, lạy Phật hay ngồi thiền thì chỉ biết việc này, việc xung quanh mình không biết là mình chủ động việc tụng kinh, lạy Phật, hay thiền, nên việc xung quanh không kéo được tâm mình dao động. Còn người nghiệp nặng hơn nữa thì việc xung quanh kéo luôn thân họ chạy tới xem.

Phật tử tu hành phải tập đừng để bên ngoài tác động, phải chủ động. Người bị động giống như trái banh bị đá hết bên này qua bên kia. Chủ động thì biết rõ hoàn cảnh của mình nên biết cách ứng xử cho tốt. Thực tập pháp này, thuở còn đi học, tôi biết mình nghèo nên chủ động cuộc sống không lệ thuộc bạn bè, không để họ chi phối. Trên bước đường tu, tôi thấy điều này quan trọng, vì mình chủ động được thì không lệ thuộc bên ngoài giúp cho cái thấy của mình sáng và hiểu biết chính xác.

Tóm lại, Phật tử nên lựa pháp Phật dạy mà mình sử dụng được, từng bước làm từ việc nhỏ có kết quả nhỏ, lần lần tiến lên làm việc lớn được kết quả lớn, Nhưng nên nhớ tùy theo phước báu và nhân duyên, làm việc tốt vừa khả năng mình theo từng hoàn cảnh khác nhau để thành tựu việc lợi ích cho người và cũng làm an lạc cho chính mình và gia đình. Cứ tích lũy phước báu và trí tuệ như vậy tạo cho cuộc sống hiện tại được an vui, giải thoát và cũng chính là tích lũy hành trang cho kiếp lai sanh tốt đẹp hơn nữa. Mỗi ngày, mỗi đời, luôn thể nghiệm pháp hành theo Phật dạy đến khi hoàn tất Bồ-tát hạnh, chúng ta thực sự bước vào Thường Tịch Quang Tịnh Độ của Đức Phật cửu viễn thật thành đại ân giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.