Thánh địa Quan Thế Âm tại tỉnh Lahaul-Spiti bang Himachal Pradesh

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1203 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1203 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Người Phật tử theo Đại thừa Mật giáo vùng Lhadak, Sikkhim, Bhutan, Ấn Độ, Tây Tạng cũng sùng kính không kém về thánh địa Garsha Phagpa nơi có tượng Đức Quan Thế Âm tự hiện!

Trong khi những Phật tử Việt Nam chúng ta theo truyền thống Đại thừa bày tỏ lòng thành kính đến chùa Hương Tích, Can Lộc (Hà Tĩnh) và chùa Hương, Mỹ Đức (Hà Nội) nơi có hiện thân Đức Quan Âm Diệu Thiện tu thành chính quả; người Phật tử Đại thừa Trung Quốc sùng mộ về Phổ Đà Sơn nơi Quan Thế Âm Bồ-tát thị hiện nhiều lần độ rất nhiều thường dân và vua chúa… trong đó đáng kể nhất là độ vua Càn Long, thì người Phật tử theo Đại thừa Mật giáo vùng Lhadak, Sikkhim, Bhutan, Ấn Độ, Tây Tạng cũng sùng kính không kém về thánh địa Garsha Phagpa nơi có tượng Đức Quan Thế Âm tự hiện!

Từ Delhi, bạn có thể đi chuyến xe bus lúc 5 - 6g chiều khởi hành tại chợ Majnu Katila - một khu chợ của người Tây Tạng và 5g sáng hôm sau bạn sẽ đến thành phố Manali, tỉnh Khullu, bang Himachal Pradesh, cách thủ đô khoảng 540km. Thành phố này có độ cao trên 3.000m so với mực nước biển và lạnh hơn nhiều so với Sa Pa hay Đà Lạt.

Vào mùa hè, đặc biệt từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch, du khách từ các tỉnh thành trong toàn quốc Ấn Độ đổ xô về đây để tận hưởng không khí mát lạnh và trong lành cũng như phong cảnh nơi đây nên Manali thời điểm này vô cùng tấp nập và nhộn nhịp.

Từ thành phố này, bạn có thể bắt xe taxi hoặc xe du lịch 16 chỗ để viếng thăm khu thánh địa linh thiêng của Đức Quan Thế Âm với tên tiếng Ấn là Triloknath, cách Manali 100km. Dọc cung đường này là vô số cảnh đẹp với những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa hùng vĩ và chảy thành suối xuống dòng sông nước màu xanh rêu lượn lờ bên những vách núi sâu thăm thẳm đầy ấn tượng. Những ngôi làng trù phú nằm trên triền núi hoặc dọc theo bờ sông thật thơ mộng với rất nhiều cánh diều paragliding của du khách.

Đoạn đường từ thành phố Manali đến Tandi dài 63km là cung đường hiện đại mới xây dựng, bạn cũng sẽ thưởng thức hầm chui qua núi nằm ở độ cao gần như nhất nhì trên thế giới với độ dài 9km, hầm chui này có lẽ dài hơn những hầm chui ở Tây Tạng qua cung đường đi Kailash mà tôi đã đi qua.

Đến Tandi, bạn sẽ rẽ trái đi thị trấn Udaipur với cung đường nhỏ hẹp đầy nguy hiểm, và cách Udaipur 11km bạn sẽ rẽ trái đi Triloknath. Khoảng cách từ Tandi đến Triloknath khoảng 36km.

Triloknath là trung tâm tâm linh của Lahaul, được các Phật tử quen gọi là Garsha Khandroling, nằm trong bộ ba thánh địa Drilbu Ri, Phakpa và Markul Devi. Những địa điểm này tạo thành thân khẩu ý Tam Kim Cương trong truyền thống Mật tông Kim cương thừa. Khái niệm Tam Kim Cương giống như các khái niệm tôn giáo phương Tây về hành động, lời nói và suy nghĩ chân chính.

Ngọn núi Drilbu Ri nằm gần Keylong có liên hệ với Thượng Lạc Kim Cang, thân giác ngộ của Đức Phật. Đức Quan Thế Âm Phakpa ở Triloknath tượng trưng cho khẩu giác ngộ, và chùa Markul Devi ở Udaipur gắn liền với Đức Kim Cương Hợi Mẫu hay tâm giác ngộ. Drilbu Ri cách Triloknath khoảng 45km. Thông thường, các Phật tử hành hương sẽ đi nhiễu vòng quanh ngọn núi linh thiêng này trước khi đến viếng chùa của Đức Quan Thế Âm Phakpa. Tuy nhiên, vì nhân duyên với Đức Quan Thế Âm trong đời này nên tôi quyết định đi chùa của ngài trước.

Nếu bạn tính hành hương vùng thánh địa này thì nên để dành ít nhất là ba ngày hai đêm để đi đảnh lễ trọn vẹn các chốn linh thiêng nơi đây. Ngày đầu bạn đi thánh địa Đức Quan Thế Âm, thánh địa Hợi Mẫu Kim Cương và ngủ đêm tại Keylong. Ngày thứ hai bạn sẽ đi nhiễu núi Drilbu Ri, tối ngủ lại tại Keylong (ở chùa hoặc guest house tùy ý bạn chọn). Tuy nhiên, để đi nhiễu Drilbu Ri bạn cần phải thuê một hướng dẫn viên địa phương thông thạo đường đi và mang giúp thực phẩm, dụng cụ cá nhân… tối thiểu. Hoặc bạn có thể chọn cách khác và thời gian hợp lý hơn.

Trước cửa chùa Phakpa Quan Thế Âm là biểu tượng Lingga-Yogini của Hindu Ấn giáo. Nếu là tín đồ của Nyingma phái, bạn có thể cung kính như một biểu tượng của Hộ pháp Đại Tự Tại thiên Lhachen Wangchuk Chenpo vì ngài là một hóa thân của Quan Thế Âm Bồ-tát.

Tại chùa Phakpa, bạn có thể đi nhiễu quanh chánh điện khi bước vào. Hành lang bên trong rộng rãi với nhũng kinh luân của Phật giáo Mật tông Kim cương thừa và bạn có thể quay để thọ nhận ân phước. Bên trong kinh luân là vô số câu thần chú sáu âm của Quán Thế Âm, Om Mani Padme Hum, được in trên các bản kinh và cuộn tròn cho vào trong kinh luân, việc trì tụng câu thần chú này sẽ kích hoạt các trạng thái tâm linh dẫn đến an định, tình yêu thương và giác ngộ. Bạn cũng sẽ trông thấy những bức tường đá bảo vệ thánh tượng được xây từ nhiều thế kỷ trước và nay đang được chính phủ bảo tồn.

Bên trong chánh điện có một bức tượng Quan Thế Âm bằng đá cẩm thạch trắng, vị Bồ-tát của lòng đại bi, được cho là tự sinh kỳ diệu trên hồ Oma Tso và được tìm thấy bởi một người chăn cừu, sau đó người dân ở đây cung kính đặt ngài ở Triloknath và xây dựng chùa từ thế kỷ thứ VIII.

Bức tượng vô cùng linh thiêng này là Quan Thế Âm Bồ-tát sáu tay. Trong Mật tông, ngài cũng được miêu tả phổ biến với nghìn tay, mười một đầu. Sự hiển lộ này xảy ra khi Đức Phật A Di Đà gia hộ khiến cho đầu và tay của Đức Quan Thế Âm nhân lên nhiều lần để ngài có thể nghe, thấy và giúp đỡ những chúng sinh đau khổ một cách dễ dàng. Đức Dalai Lama được coi là một hóa thân của Quan Thế Âm.

Bức tượng này cũng được những người theo đạo Hindu tôn kính như thần Shiva. Trước tượng của Đức Quan Thế Âm có hai khe hẹp tạo bởi bức tường đá và trụ đá nâng đỡ mái chùa, những người hành hương thường cố gắng lách mình qua hai khe đá đó ba lần để bày tỏ sự hiếu thảo đối với hai đấng sinh thành.

Điều này làm tôi thực sự cảm động, bởi Phật giáo vô cùng chú trọng hiếu đạo và nơi chốn linh thiêng này một lần nữa nhắc nhở những hành giả tu tập cầu nguyện đến Đức Quan Âm với pháp tu Lục tự Minh chú hãy thực tế quan tâm chăm sóc, cầu nguyện cho bố mẹ mình trước khi nghĩ đến cứu độ hữu tình chúng sinh trong sáu nẻo từng là cha mẹ mình nhiều đời kiếp!

Sau khi viếng chùa Phakpa xong, bạn có thể đi lên thánh hồ Oma Tso, nơi bức tượng Quan Âm tự hiện, nước ở nơi đây có màu giống sữa nên gọi là Oma (tiếng Tạng Oma là sữa) . Các tín đồ Phật tử đa số đều uống nước ở đây vì họ cho rằng nước sữa này là cam lồ ban Phước rất lớn từ ngài Quan Thế Âm.

Tuy nhiên, đoạn đường đi hiểm trở và nguy hiểm, khoảng 3-4 giờ đi bộ leo núi nên những ai sức khỏe kém hoặc có bệnh về tim mạch xương khớp thì không nên đi. Thay vào đó họ có thể nhờ người khác đem nước sữa về giúp. Hoặc họ có thể lấy nước sữa từ thác nước chảy xuống từ thánh hồ.

Sau khi thăm thánh hồ Oma Tso xong, bạn sẽ quay về để đi viếng chùa của Hợi Mẫu Kim Cương - Markul Devi. Markul là tên địa phương nơi có thánh tích này và Devi là tên của Không Hành Mẫu Kali - một hóa thân của Hợi Mẫu Kim Cương.

Trên đường đến chùa, bạn có thể thấy ngọn núi với rất nhiều rãnh đá đỏ đổ từ đỉnh núi phủ đầy tuyết chảy xuống giống như những dòng máu đỏ tuôn xuống. Cảnh tượng này chắc chắn sẽ gây ấn tượng sâu sắc đối với bạn vì nó khác biệt hoàn toàn với những ngọn núi khác. Và bạn sẽ lập tức nghĩ tưởng ngay đến người mẹ của bạn với tất cả những khó khăn gian khổ bà chịu đựng trong đời để cho bạn có một thân thể tráng kiện và cuộc đời tươi đẹp. Hợi Mẫu Kim Cương dường như lựa chọn vùng thánh địa này để ban phước cho những người Phật tử sùng kính nơi đây.

Bên ngoài chùa Markul Devi là một ví dụ về kiến trúc Kashmiri thế kỷ thứ VIII ở Udaipur, Lahaul. Người Ấn Độ theo phong cách kiến trúc này từ thế kỷ thứ VIII ở Kashmir, mặc dù cấu trúc hiện tại là bản tái tạo từ thế kỷ thứ XI. Nó được bảo vệ bởi các nhà khảo cổ Ấn Độ, được coi là tòa nhà cuối cùng thuộc kiểu kiến trúc này tồn tại.

Bên trong chùa Markul Devi trông không giống những gì bạn đã thấy ở những nơi khác. Hầu hết các kiến trúc từ thế kỷ XI - XII kiến trúc bằng đá và bùn được quét vôi trắng hoặc sơn với mái bằng cùng chất liệu, một số có lẽ được lợp bằng mái tranh nhưng Markul Devi được làm từ gỗ và đá với mái lợp ván gỗ có độ dốc cao.

Nội thất cũng khác với những nội thất Ấn-Tạng. Chùa này là một ví dụ tuyệt vời về đồ gỗ mỹ nghệ Ấn Độ. Những mảnh gỗ đơn khối lớn được chạm khắc sâu tạo thành chín tấm trần công phu. Có một số cây cột được trang trí công phu, ô cửa sổ và mặt tiền được trang trí trong chánh điện. Các hình chạm khắc tinh xảo chủ yếu mô tả các hình tượng Ấn Độ giáo, nhưng cũng có những chi tiết liên quan đến Phật giáo, chẳng hạn như bức tranh về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cảnh có thần Vishnu ba đầu. Ngôi đền nhỏ có bức tượng bạc của nữ thần Hindu Kali được người Tây Tạng tôn kính như là Đức Hợi Mẫu Kim Cương.

Từ Tandi, bạn đi thêm 9km đến Keylong, để nhìn thấy Drilbu Ri. Đó là ba ngọn núi nằm trong một hệ thống dãy núi kéo dài hơn 15km trông thật hùng vĩ. Đây là Mandala thân của Đức Chakrasamvara - Thắng Lạc Kim Cương và sự gia trì là không thể nghĩ bàn.

Những hành giả Mật giáo hoặc Phật tử truyền thống Kagyud đặc biệt là Drukpa Kagyud đều rất chú trọng đến thánh địa này bởi nơi đây có vô số đạo sư và Đại thành tựu giả tu tập như: Nagajuna-Long Thọ, Ghantapa, Gotsangpa, Orgyenpa... Tuy nhiên, thánh địa này chỉ cho phép đi nhiễu từ tháng 7, 8 dương lịch nên tôi chỉ ngắm nhìn đỉnh núi và đảnh lễ chư tôn cư ngụ nơi đây từ xa và nguyện cầu tương lai có dịp sẽ đến đây lần nữa để đi nhiễu Mandala linh thiêng này!

Trên đường trở về lại Manali, bạn sẽ thăm đền Đức Tara biết nói tại làng Sisu, một ngôi làng hoàn toàn theo Phật giáo. Đền nằm giữa một ngọn núi cheo leo và được trông nom bởi một gia đình trưởng thôn trên vùng núi này. Bức tượng được cho là từ thời Atisha Tôn giả và được các thế hệ trong gia đình trưởng thôn thừa kế cho nhau. Tôi thắc mắc vì sao một bức tượng quý báu và linh thiêng như vậy lại không được đặt trang trọng trong một ngôi chùa hoặc xây dựng một nơi thờ khang trang mà chỉ được đặt trong một căn phòng bé nhỏ không tương xứng với sự linh thiêng và niên đại?

Trên đường trở về, bạn sẽ thăm chùa Shelting Gonpa, nơi thờ bức tượng Palden Lhamo bằng đất sét rất linh thiêng được làm từ nhiều thế kỷ trước .

Cách Manali 2km có một suối nước nóng linh thiêng từ hàng ngàn năm trước ở khu Vashisht. Con suối khoáng nóng và khu vực này mang tên vị hiền triết Ấn Độ giáo Vashisht tu luyện thành tựu nơi đây. Người dân ở đây và các nơi đến đây để tắm và cầu nguyện một cách thành kính để chữa bệnh. Bạn có thể trải nghiệm điều này nhưng riêng cá nhân tôi cảm thấy ứng nghiệm thật sự.

Tại Ấn Độ, ngoài những thánh địa của Đấng Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật còn có rất nhiều các thánh địa khác liên quan đến chư Bồ-tát và chư A-la-hán. Bài viết này, tôi mạn phép giới thiệu sơ qua với các bạn con đường hành hương đến thánh địa Đức Quan Thế Âm và các thánh tích lân cận.

Nếu các bạn muốn tích lũy công đức và tìm hiểu thêm về một trong những thánh địa linh thiêng tại Ấn Độ, bạn có thể đến đây vào mùa hè. Bạn sẽ có cơ duyên để tịnh hóa những ác nghiệp của thân khẩu ý và học cách chuyển hóa chúng thành Tam Kim Cương giống như chư Phật theo con đường của Mật chú Kim cương thừa hoặc tối thiểu bạn cũng có một chuyến du lịch đến xứ lạnh và trải nghiệm thú vị!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.