Thân người khó được, Phật pháp khó nghe

GN - Một trong những biệt tài thuyết pháp của Thế Tôn là dùng hình ảnh để ví dụ minh họa cho thính chúng dễ hiểu, dễ cảm nhận vấn đề Ngài muốn nói. Có những triết lý sâu xa, tinh tế khó có thể diễn tả cũng như lãnh hội bằng ngôn ngữ, văn tự nhưng hình ảnh ví dụ lại có thể khai thông bế tắc ấy một cách dễ dàng.

Buddha.jpg

Ngồi trong rừng, Thế Tôn nhặt một nắm lá cây, hỏi lá trong tay hay lá trong rừng nhiều? Quá dễ để trả lời! Ngồi nghỉ mệt, Ngài lấy một ít đất trong móng tay, hỏi chút đất ấy và đất trên địa cầu, cái nào nhiều hơn? Ai cũng biết và trả lời chính xác. Từ cái đòn bẩy đơn sơ ấy đã khéo bẩy lên một vấn đề to lớn thuộc về triết lý, tư tưởng, nhân sinh và vũ trụ…

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn lấy trong móng tay một ít đất, rồi nói với các Tỳ-kheo:

- Các ông nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay đất ở đại địa này nhiều?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay của Thế Tôn là rất ít, ít lắm, còn đất ở đại địa thì nhiều vô lượng, cho đến không thể dùng toán số, hay thí dụ để so sánh được.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Cũng như vậy, thân hình các chúng sanh mà có thể thấy được thì như đất trên móng tay; còn thân hình của chúng sanh vi tế không thể thấy được nhiều như đất trên đại địa. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.

(Các đoạn khác tương tợ):

- Ít như đất trên móng tay, cũng vậy, những chúng sanh được sanh ra trong cõi người; Loại không được làm người cũng như đất đại địa.

- Những chúng sanh biết được Pháp-Luật này, cũng như đất dính trên móng tay; Chúng sanh không biết Pháp-Luật cũng như đất ở đại địa…

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 442 [trích])

Hình ảnh chút đất trong móng tay đem so với đại địa mới biết thế nào là ít, thế nào là nhiều. Các chúng sinh có thân hình mà chúng ta thấy được chỉ là đất móng tay. Ý Đức Phật muốn nói là, loài người chỉ thấy được loài người và một số loài vật lớn (loài sinh vật nhỏ phải dùng kính hiển vi mới thấy), và chúng sinh được sinh làm người cũng rất ít như đất móng tay mà thôi. Còn lại các chúng sinh khác ở địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, chư thiên (Dục giới), chư thiên (Sắc giới), chư thiên (Vô sắc giới) tuy loài người không thấy nhưng đông đảo hằng hà sa số như đất trên địa cầu.

Thế Tôn đã nói rất rõ ràng, cụ thể về số lượng chúng sinh là thế, vậy mà hiện nay một số người do không thấy rồi cho là không có, thậm chí nói rằng các loài như chư thiên, địa ngục do tưởng mà ra.

Mặt khác, Thế Tôn dạy, hết thảy chúng sinh ở trong tam giới nhiều như thể đại địa nhưng rất ít chúng sinh biết và thực hành Phật pháp. Mới biết Phật pháp khó nghe. Pháp-Luật (Dhamma) do Thế Tôn thuyết giảng rất dễ hiểu, đúng đắn, khách quan nhưng phải có nhân duyên thiện căn công đức nhiều đời mới có thể lãnh hội, hoan hỷ thọ nhận và tán thán. Nên Thế Tôn dạy được sinh làm người, được tu học theo Chánh pháp là hiếm có, khó gặp.

Mặc dù vô cùng khó khăn hy hữu nhưng hiện những đệ tử Phật chúng ta đang có được cả hai; được sinh làm người, được gặp Phật pháp tu học và nhiều thiện duyên khác nữa. Chừng này thôi là đã hạnh phúc, hỷ lạc ngập tràn. Nên chúng ta phải trân quý hai cơ hội này để tu học, tích phước nhằm thiết lập an lạc cho đời này và đời sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.