Thái Lan: Ngôi chùa phục hồi nhân phẩm cho người nghiện duy nhất ở Bangkok

Giác Ngộ - Tọa lạc trong khu ổ chuột khét tiếng nhất thủ đô Bangkok, mục đích của chùa Wat Saphan là giúp con nghiện từ bỏ sử dụng chất kích thích methamphetamine. Các con nghiện methamphetamine sẽ có một cơ hội quý để chiến đấu với thói nghiện ngập của họ bằng cách sống trong một ngôi chùa giữa chư Tăng.

Ở đây, chư Tăng sẽ dạy họ cách thức cai nghiện. Một nhóm cảnh sát chìm, mặc thường phục, lẫn vào trong các nữ đầu bếp để giữ gìn an ninh tối thiểu cho chùa tại những nơi như chính điện, thiền đường, phòng ngủ và sân tập thể dục.

Kiểm soát ý nghĩ

Trong một cuộc phỏng vấn tại chùa, Thượng tọa Sophon Pattananusit, 55 tuổi, trụ trì chùa Wat Saphan trong khu ổ chuột khét tiếng Klong Toey, thủ đô Bangkok chia sẻ: “Chùa chúng tôi đã giúp đỡ những người này được 6 năm rồi. Mỗi năm, có khoảng 300 người muốn cai nghiện methamphetamines tại chùa. Tuổi đời họ từ 18 đến 60. Toàn là đàn ông Thái nghiện methamphetamines. Không có người nghiện heroin hay nghiện rượu. Chúng tôi quyết định tập trung giúp những người nghiện amphetamine vì trong khu ổ chuột này methamphetamines rất phổ biến và nó là một trong những vấn đề lớn nhất của họ. Đạo Phật có thể chuyển hóa họ vì Phật giáo có khả năng làm thay đổi ý niệm và cách nghĩ của họ.”

WNCT (2).jpg

Không như các tôn giáo khác, Phật giáo không nhấn mạnh thượng đế. Thay vào đó, đạo Phật tư vấn cho con người kiểm soát ý nghĩ và hành vi của họ thông qua các kỹ thuật tâm lý như: thiền định và sự nhấn mạnh mối tương quan nhân quả. Người nghiện thuốc lắc bất hợp pháp hoặc những ham muốn khác bị cho là mất khả năng tập trung, ảo tưởng, đau khổ một cách không cần thiết, và sao nhãng việc chuyển hóa nội tâm để có được sự an tịnh, sự tập trung, sự sáng suốt và niềm vui. “Chúng tôi dạy họ những nguyên tắc cơ bản của Phật pháp,” Thượng tọa Sophon thổ lộ.

Thay thế nhà tù

Các phạm nhân ở đây là những người sử dụng chất methamphetamine sống trong khu ổ chuột Klong Toey và những nơi khác thuộc thủ đô Bangkok bị tòa phán quyết đưa đi cai nghiện miễn phí trong chùa, và bị phạt vài tháng tù treo, thay vì đi tù.

“Một lần có khoảng 100 người tham dự các lớp học của chúng tôi. Mỗi khóa 2 tháng. Khoảng 30% người tái nghiện so với 30% cho thấy có sự tiến bộ và mạnh khỏe hơn. 30% người khác dường như cai nghiện được hoàn toàn,” Thượng tọa Sophon nói. “Một số người nghiện trở thành tu sỹ, nhưng việc này không phải mục đích của chương trình chúng tôi. Chúng tôi thực hiện chương trình này không phải với mục đích biến người nghiện trở thành tu sỹ mà chỉ để giúp họ quay về với cuộc sống gia đình họ và không bị nghiện nữa. Nhưng mỗi năm, trên 10 người nghiện trở thành tu sỹ. Một số vẫn còn tu tại chùa này. Số khác đến tu ở những ngôi chùa khác.”

Một trong những người nghiện trở thành tu sỹ là sư Phra Chatsiam, 32 tuổi. Sư Chatsiam bộc bạch rằng: “Tôi là con nghiện methamphetamine trong khoảng 3 hay 4 năm. Tôi trở thành tu sỹ cách đây 3 năm. Trước đây tôi không hiểu nhiều về Phật giáo, nhưng khi tôi tham gia chương trình này, tôi đã học giáo lý Phật giáo và tôi rất ấn tượng. Vì vậy, tôi muốn ở lại để học Phật pháp nhiều hơn nữa. Tôi trở thành con nghiện vì tôi tò mò về ma túy và chỉ muốn thử nó mà thôi. Tôi đã thích nó, nên tôi đã tiếp tục dùng nó nữa. Tôi đang làm việc trong một nhà máy sản xuất giầy. Cha mẹ tôi là nông dân, nên không quản lý tôi ở Bangkok . Tôi không biết chắc tôi có muốn làm tu sỹ trong phần đời còn lại của tôi hay không. Tôi sẽ nhìn nó trôi qua như thế nào. Nhưng tôi không chắc rằng tôi sẽ làm gì khác nếu tôi rời bỏ ngôi chùa này.”

Sư Chatsiam nói sư không biết vì sao một số con nghiện trở thành tu sỹ, còn một số khác thì không. Nhưng sư gợi ý rằng, “có thể vì một số có niềm tin Phật giáo kiên cố và muốn tiếp tục con đường đó, trong khi số khác thì không quan tâm. Tôi nói với những con nghiện đang ở tại ngôi chùa này về chính cuộc đời tôi và cách tôi đã thay đổi ở đây. Tôi nói với họ sử dụng chất kích thích methamphetamines là không tốt. Quý vị phải cầu nguyện Đức Phật và hành thiền nếu quý vị muốn có cuộc sống tốt đẹp.”

Cuộc chiến chống ma túy của Thái Lan

Phần đông người Thái xem ma túy dính đến chất Methamphetamine là mối đe dọa lớn cho xã hội Thái Lan và cho con nghiện. Cách đây nhiều năm, chính phủ Thái đã chính thức coi thuốc lắc là ma túy vì những người lạm dụng nó thường sống trong ảo giác và hành động mất lý trí. Người sở hữu nó có thể bị phạt tù dài hạn và những kẻ buôn bán nó cũng đã bị tống giam.

“Trước đây, người ta đã sử dụng methamphetamines vì nó cung cấp cho họ năng lượng để làm việc,” Thượng tọa trụ trì nói. “Ngày nay, người ta sử dụng nó chỉ vì cảm giác và tiêu khiển, và thường là vì họ có vấn đề gia đình. Cha đi xa. Mẹ cũng thường vắng nhà lâu. Những đứa trẻ lang thang với bạn bè trong khu ổ chuột. Nhiều bạn bè của chúng đang sử dụng ma túy. Vì vậy, chúng bắt bước dùng ma túy theo chúng bạn.”

WNCT (1).jpg

Đạo Phật có thể giúp người nghiện thay đổi quan niệm

Ông Somchai, phạm nhân 51 tuổi nói ông đã sử dụng thuốc lắc trong 10 năm. Trong lúc ăn tối, ông Somchai nói: “Tôi nghĩ việc sử dụng methamphetamine giúp tôi làm việc như một nhân viên bán hàng, và bào chế nó dễ hơn để đối phó với gia đình, nhưng tôi đã ý thức rằng đó là sai lầm. Tôi sử dụng nó vì cảm giác, như một loại rượu mà mình muốn giữ uống. Nhưng hiện nay tôi đã cai methamphetamines được 1 tháng. Với tôi, thật dễ dàng cai nghiện nó. Và hiện nay tôi ở đây, tôi thấy dễ dàng sống mà không có ma túy, nhưng tôi chỉ ở đây trong 4 ngày. Tôi không chắc là tôi muốn tu hay không. Cảnh sát gửi tôi đến đây bởi vì có thể tôi bị buộc phải cai nghiện.”

Cuộc sống trong chùa

Những con nghiện không trải qua quá trình cai nghiện bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp ma túy tại chùa. Thay vào đó họ đến chùa sau khi về phương diện vật lý, họ có thể sống mà không cần thuốc. “Chúng tôi không trói họ, hay đánh đập họ hay làm bất cứ việc gì tương tự như vậy, nhưng chúng tôi có các nhân viên cảnh sát xunh quanh đây, ở tại chùa để giám sát họ,” Thượng tọa trụ trì chùa Wat Saphan chia sẻ.

Một chiếc xe mô-tô của cảnh sát đậu gần tam quan chùa, cửa mở hướng về một con lộ tấp nập. Nét đặc trưng của những ngôi chùa ở Thái Lan nhất là mọi người có thể đi qua cổng chùa mà không ai hỏi han, nghi ngờ gì, và tự do tham quan chính điện cũng như các tiện nghi khác – có thể khách tham quan cũng không nhận ra được chùa Wat Saphan là nơi che chở cho các con nghiện.

Tất cả con nghiện mặc quần đùi cô-tông và áo không cổ mầu trắng. Họ thức dậy lúc 5 giờ sáng và tham dự khóa lễ tụng kinh sáng cùng với chư Tăng. Cả ngày, hơn 100 con nghiện ngồi trên sàn trong giảng đường lớn, sạch sẽ. Chư Tăng ngồi trên bục phía trên, cầm micro giảng giải cho họ. Số khác dạy các môn thế học và cảnh báo về những nguy cơ mắc bệnh mà người nghiện có thể phải chịu đựng sự đau khổ vì nó. Cảnh sát, nhân viên quản chế và các quan chức của Cục Sức khỏe Tâm thần cũng diễn thuyết cho họ. Các hoạt động gồm nhiều lần tập thể dục ngoài trời trong sân chính của chùa. Người thân của họ được khuyến khích đến thăm trong bữa ăn trưa vào chủ nhật hàng tuần.

Ngôi chùa phục hồi nhân phẩm cho người nghiện duy nhất ở Bangkok

Vào một buổi chiều thứ bảy gần đây, 10 con nghiện mặc đồ trắng ngồi xung quanh chiếc bàn tròn trong trai đường của chùa, ăn món ăn Thái do các nữ đầu bếp nấu. Buổi tối, một nhà sư đắp y vàng dẫn 10 người nghiện đi tụng kinh trong một chính điện nhỏ, hẹp, gần nhà bếp. Công trình kiến trúc kiêm tốn này thấp so với các công trình kiến trúc khổng lồ, riêng biệt với đỉnh mái trang trí hoa văn cầu kỳ, phơi bày sự hưng thịnh của chùa Wat Saphan.

Trong căn phòng lớn được lót gạch và lau chùi sạch sẽ trên lầu của trai đường là nơi các con nghiện ngủ đêm trên sàn với những chiếu lót đơn giản. Cửa sổ và cửa chính của phòng ngủ có những song chắn mỏng. Bên cạnh phòng ngủ các của con nghiện có một phòng nhỏ để các giám thị giám sát họ.

Khi khóa học hai tháng bế giảng, nhà chùa tổ chức một buổi lễ bế giảng trang trọng với sự hiện diện của các sỹ quan cảnh sát cao cấp mặc quân phục và các quan chức khác để trao giấy chứng nhận cho mỗi người nghiện. Khi ngồi trên sàn, các con nghiện cung kính lạy cảnh sát và các quan chức khác ngồi trên ghế hoặc đứng chúc mừng họ.

Ngôi chùa này được cảnh sát Bangkok , Cục Quản chế của Chính phủ, và Văn phòng Ban Kiểm soát Ma túy hỗ trợ. “Chính phủ Thái Lan giúp ngôi chùa này bằng cách cung cấp một số tịnh tài và đồn cảnh sát cho các nhân viên cảnh sát đến bảo vệ,” Thượng tọa trụ trì thổ lộ. Chùa Wat Saphan là ngôi chùa phục hồi nhân phẩm cho người nghiện duy nhất ở Bangkok dẫu cho một số ngôi chùa khác ở Thái Lan cũng mở chương trình này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.