Niềm hạnh phúc của gia đình bà Hạnh và các con khi năm nay được "ăn Tết lớn"
Tưởng là mơ...
Sáng 28 tháng Chạp, theo lời hẹn, phóng viên báo Giác Ngộ tìm đến ngôi nhà không số, đang chờ giải tỏa của bà ở cặp bên con rạch cuối đường vào đình Phước Thới (ấp 5, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM). Nghe tiếng gọi, các con của bà mừng rỡ chạy ra, cười thiệt tươi, rồi mỗi người một tay đỡ quà vào nhà.
Bà Hạnh từ phía nhà bếp luýnh quýnh bước vội lên nhà trên, thấy quà bà rướm nước mắt hỏi: “Cô ơi, sao mà nhiều quà quá vậy. Có nước ngọt, có mứt dừa, có tiền đi chợ Tết, có lì xì, có cả lịch nữa. Hết nhiêu đây là cho nhà tui hả”? Khi chúng tôi trả lời: “Tiền là do cộng tác viên của báo Giác Ngộ và quý thầy gửi cho bà; mứt dừa, bao lì xì, nước ngọt là anh chị em phóng viên của báo gửi” - bà nói: “Mô Phật, tui cảm ơn mọi người nhiều lắm. Đó giờ chưa nhận được nhiều tiền, quà như vầy. Nãy giờ tui cứ tưởng là mơ”.
Nhìn thùng nước ngọt, ông Sướng bị bệnh tâm thần phân liệt cứ nói hoài, “mừng quá, Tết có nước ngọt uống rồi má. Cỡ chục năm rồi không được ăn mứt rồi đó cô, giờ ăn lại không biết nó ra sao”.
Thấy mọi người cười vui vẻ, ông Sướng nói thêm: “Bữa cô điện thoại báo là qua cho quà ăn Tết, mừng quá ngủ không được. Tui trông, mà má tui cũng trông”.
Bà Hạnh thiệt thà nói: “Nghe có quà ăn Tết, tụi nó mừng, vì năm nay không có ai cho quà ăn Tết cả. Thằng Sướng cứ qua ngày là hỏi nay bao nhiêu rồi, nó đếm từng ngày để nhận được quà. Thằng Cải (người con khù khờ - PV) cứ hỏi, không biết cô qua sáng hay chiều. Đứa nào cũng trông, tui cũng trông. Lâu rồi, nhà tui mới có cảm giác nôn nao đến Tết như thế này đó cô”.
Đã có cái Tết ấm
Hỏi bà Hạnh, sẽ làm gì với số tiền được cho, bà cười tươi nói: “Ngày 29 Tết đi chợ mua bún khô, tàu hủ, bánh tráng, rau cải, nước tương với mấy thứ lặt vặt làm bún xào, chả giò, làm mấy món chay rước ông bà, rồi cho thằng Sướng với anh, chị em nó ăn sướng bữa. Chắc làm thêm nồi khổ qua hầm, thịt kho tàu nữa, cho cả nhà, vì lâu rồi chưa ai được ăn. Làm nhiều vậy chứ, đi chợ gói ghém năm trăm ngàn hà, còn sáu trăm cho thằng Cải đi bác sĩ”.
Chúng tôi ngạc nhiên hỏi: năm trăm ngàn đủ sắm Tết không? Cô Năm, con của bà Hạnh bảo: “Đủ chứ, ăn nhiêu đó là quá sang rồi. Tết được ăn như vậy là anh em tụi tui quá mừng. Có năm nhà không có gì ăn Tết, người một gói mì. Năm nay vầy là quá hoành tránh rồi”.
Nghe cô Năm nói, ông Sướng và ông Cải cũng nói theo: “Quá hoành tráng rồi. Tết vầy là lớn lắm rồi”. Bà Hạnh cũng tiếp lời: “Tụi nó nói thiệt đó cô, Tết năm nay là lớn nhất mấy năm qua rồi, mừng quá trời. Chỉ biết nói cảm ơn, không biết nói gì thêm”.
Khi chúng tôi bước chân về, vừa ra khỏi ngõ đã nghe tiếng con của bà bàn với nhau bao nhiêu lon nước ngọt được uống, bao nhiêu lon cúng ông bà; tiếng của ông Sướng vang ra tận ngõ, đòi đi chợ Tết. Có lẽ, như bà Hạnh nói, Tết đã về với nhà bà thật rồi.
Bài, ảnh: Khánh Vy