Tết đọc sách: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là tên bộ sách do Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một trong những bậc đạo sư được kính ngưỡng nhất trên thế giới hiện nay và Tiến sĩ Katherine Weare - cựu giáo sư Trường Đại học Exeter và Southampton, Vương quốc Anh viết.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2020, gồm hai tập riêng biệt. Tập 1: Cẩm nang hạnh phúc (gồm 314 trang); Tập 2: Đi như một dòng sông (gồm 212 trang).

Tập 1 của bộ sách "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới"

Tập 1 của bộ sách "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới"

Cầm cuốn sách, tôi thực sự có chút tiếc nuối. Tiếc là bởi cuốn sách đã được tái bản tới lần thứ 9 (dù mới xuất bản không lâu), điều đó đủ để biết sự cần thiết, tuyệt vời của nó với người đọc, vậy mà đến bây giờ mình mới biết đến. Đó là món quà mà học trò đã tặng tôi dịp cuối năm.

Tôi chưa đọc hết tập thứ nhất. Tôi không muốn đọc vội như kiểu đọc một cuốn truyện, không ngốn ngồn, ngấu nghiến để biết kết quả cuối cùng của nhân vật ra sao. Tôi đọc nhẩn nha, khi nào thực sự có cho mình một không gian tĩnh lặng tôi mới mang sách ra chầm chậm đọc. Vừa đọc vừa thẩm thấu, vừa nghiền ngẫm và thực hành theo lời chỉ dạy của thiền sư.

Bạn biết không! Ngay lúc đọc phần đầu của Lời tựa “Thư gửi các thầy cô giáo”, tôi như tìm được người chia sẻ về mục đích, chí hướng, cách thức thực hiện - những điều mà tôi trăn trở bấy lâu nay khi gánh vác trên vai trách nhiệm “trồng người”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Là một nhà giáo, tôi rất yêu nghề. Là những thầy giáo, cô giáo, chắc hẳn quý vị cũng yêu nghề. Chúng ta đều muốn đào tạo ra những con người lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc hành tinh yêu quý của chúng ta”.

Từ tâm thế của một nhà giáo, thiền sư thực sự thấu hiểu Những khó khăn trong công tác giáo dục. Thiền sư khẳng định, khó khăn đó không chỉ từ phía khách quan mà ngay cả từ chủ quan của các thầy cô giáo. Điều quan trọng: “Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc?”. Từ việc xác định rõ ràng nguyên căn sâu xa của những khó khăn trong công tác giáo dục, Thiền sư khéo léo dẫn dắt người đọc đến cách gỡ bỏ dần dần những khó khăn đó. Trước hết là từ ngay chính bản thân mỗi người, mỗi thầy cô giáo. Từ việc Đem tâm về với thân đến Nghệ thuật sống; từ Dừng lại sự rong ruổi đến Nhịp cầu cảm thông; biết được Nghệ thuật khổ đau, hiểu được Hoa là rác - rác là hoa,… Tất cả đều là những thông điệp hữu ích mà thiền sư muốn gửi gắm tới mỗi người đọc.

Tôi muốn nói đến tập 1: Cẩm nang hạnh phúc (tập sách mà tôi đang đọc). Tập này ngoài Lời tựa thì gồm có 8 chương. Ở mỗi chương thiền sư đều giải thích rõ ràng để người đọc dễ dàng nắm được vấn đề và còn có Hướng dẫn dành cho giáo viên, có hướng dẫn Thực tập căn bản để làm theo. Tôi vừa đọc vừa thực hành.

Và tập 2

Và tập 2

Tôi đã đọc xong chương 1: Hơi thở ý thức, chương 2: Tiếng chuông chánh niệm, chương 3: Thiền ngồi, chương 4: Thiền đi. Và giờ đây, tôi đang dừng lại ở chương 5: Chăm sóc thân thể. Và tôi nhận thấy thực sự nên chia sẻ cuốn sách ý nghĩa này với tất cả mọi người, dù mình chưa nắm hết, chưa đọc hết.

Tôi nghĩ, những điều Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền dạy không chỉ có ý nghĩa với giáo viên thôi đâu. Hai tập của cuốn sách này chắc chắn sẽ là hữu dụng với tất cả mọi người khi chúng ta thật sự cần nó. Bởi hạnh phúc, ai cũng cần.

Hãy cùng đọc với tôi ở các chương tiếp theo nhé.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.