Tết đến sớm ở làng "Phật thủ"

GN Xuân - Với người Á Đông, quả Phật thủ tượng trưng cho điềm may mắn, cát tường, là lễ vật quý báu và linh thiêng để cúng dâng Phật, gia tiên, thần thánh trong những ngày lễ Tết.

Những ngày cuối năm, đến vùng đất bãi ven đê sông Đáy chạy qua xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội), chúng tôi bị hút hồn, ngây ngất bởi bạt ngàn màu xanh và vị thơm mát dịu nhẹ đến tinh khiết của Phật thủ. Xuống bãi, vườn nhà nào cũng trĩu quả. Mỗi ngày, các chủ vườn nơi đây bận rộn xuất bán hàng ngàn quả Phật thủ, làm đẹp bàn thờ Tết trên bàn thờ chùa, đình, tư gia người Hà Nội và các tỉnh lân cận.

“Trái tâm linh” mang giàu có đến Đắc Sở

 Trái Phật thủ có hình dáng độc đáo, trông giống như bàn tay với rất nhiều những ngón thuôn dài, vì vậy được ví như bàn tay Phật. Tên gọi Phật thủ xuất xứ từ Ấn Độ mà trong quan niệm chung, Phật thủ có liên hệ tới Phật Tổ, nên vô cùng linh thiêng. Mặt khác, do sự đồng âm giữa “Phật” và “phúc” trong tiếng Hán, nên đây còn là loại quả chúc phúc đầu năm.

th_dsc_4182.jpg

Trái Phật thủ

Theo truyền thuyết của Trung Quốc, công chúa Diệu Thiện là con duy nhất của vua Diệu Trang Vương xưa của Trung Quốc, vua cha muốn đào tạo công chúa sau này kế vị thành Nữ hoàng. Nhưng công chúa quyết chí ra đảo Phổ Đà Sơn ngoài biển Đông tu hành. Vua cha vì quá tức giận mà sinh bệnh. Thái y bảo phải có một bộ phận cốt nhục với nhà vua làm thang để sắc thuốc, thì thuốc mới hiệu nghiệm.

Công chúa nghe tin liền hồi cung chặt hai cánh tay và móc hai con mắt của mình bỏ vào chảo luyện đan. Công chúa lại ra đảo tiếp tục tu luyện trở thành Quan Thế Âm Bồ-tát. Nhà vua uống thuốc khỏi bệnh. Thái y mò trong chảo thuốc còn sót lại bàn tay của công chúa, liền mang ra ngoài vườn. Bàn tay của công chúa mọc thành cây Phật thủ.

Nhà vua ra lệnh cả nước phải thờ quả Phật thủ và chọn thợ mộc giỏi nhất trong cả nước để tạc tượng Quan Thế Âm Bồ-tát đủ mắt đủ tay, nhưng thợ mộc nghe nhầm và tạc thành Quan Thế Âm Bồ-tát nghìn mắt nghìn tay.  Tuy trái ý chỉ, nhưng vua không trách phạt mà còn ân thưởng. Vì vua cho rằng công chúa vì vua cha mà mất đi hai mắt hai tay, thì vua trả lại nghìn mắt nghìn tay cũng là phải. Từ đấy thế gian thờ Quan Thế Âm Bồ-tát nghìn mắt nghìn tay và thờ quả Phật thủ.

 Ngày nay đời sống người dân nước ta khấm khá, Phật thủ đã trở thành loại trái cây phổ biến thay thế bòng, bưởi trên mâm ngũ quả. Nhiều nơi ở miền Bắc, nông dân đã trồng cây Phật thủ để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó, với xã Đắc Sở ở huyện Hoài Đức, cây Phật thủ chỉ mới “bén rễ” đất này trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng đã đưa Đắc Sở trở thành làng chuyên canh Phật thủ lớn nhất miền Bắc, tạo được uy tín, thương hiệu vì trái Phật thủ ở đây luôn có mẫu mã đẹp.

  Chúng tôi đến vườn của anh Tạ Văn Tâm ở thôn Đông Hạ, một trong 10 hộ trồng Phật thủ thành công nhất, được thành phố Hà Nội chọn làm mô hình trình diễn của xã Đắc Sở. Anh dẫn chúng tôi bò dưới giàn Phật thủ, khoe những quả đẹp thuộc vào hàng Phật thủ lộc, Phật thủ kỳ. Trong vườn của anh có khoảng 20 quả đẹp nhất, đến độ “buốt mắt” đã được người chơi Phật thủ là các “đại gia” đến tận vườn chọn và đặt tiền trước với giá 1,5 – 3 triệu đồng/quả, đợi đến Tết sẽ đến trảy về.

Trái Phật thủ đẹp phải nhiều ngón tay, thông thường mỗi quả có 20-30 ngón tay, nhưng có những quả lên tới 40-50 ngón tay thì mới đắt. Các ngón tay tỏa tròn đều xếp thành nhiều vòng như hình bông hoa, ngón của vòng ngoài cùng trùng với các số đẹp thì thường rất được khách hàng ưa chuộng, bán được giá cao. Với các đại gia chịu chơi, giá cả không quan trọng, nhưng trái phải độc đáo. Bởi vậy, thông thường từ trước Tết 2 tháng, những người nhiều tiền có thú chơi Phật thủ đã tìm đến từng vườn ở Đắc Sở để tận mắt xem từng quả, chọn những quả đắc địa nhất để đặt tiền trước.

Những trái được chọn phải có hình dáng thuộc hạng “kỳ hoa dị thảo”, mà giới chơi Phật thủ chia ra làm 3 dạng: Phật thủ lộc, Phật thủ phát, Phật thủ kỳ tướng. Phật thủ lộc: bầu trái phải rất ngắn (gần như không thấy bầu), các ngón tay thon dài hình búp măng, tỏa tròn đều. Phật thủ phát trông giống như con bạch tuộc. Phật thủ kỳ tướng là những quả có hình dáng kỳ dị, càng lạ càng đắt tiền. Cánh thương lái không dám mua quả đắt như vậy vì mạo hiểm mà chỉ dẫn khách đến rồi ăn chênh lệch mỗi quả vài trăm nghìn đồng.

  Những quả đẹp hạng hai trong vườn anh Tâm có khoảng 700 trái đang chờ Tết, giá bán khoảng 200-500 nghìn đồng/trái. Còn lại là hàng chục nghìn quả “tầm thường”, bán với giá từ 20 nghìn đến 100 nghìn đồng/quả. Anh Tâm cho biết, Phật thủ ra hoa kết quả quanh năm, hàng tháng hai lần thu hoạch vào các ngày từ mồng 10-13 âm lịch bán cho khách mua cúng rằm, rồi cuối tháng từ 26-29 âm lịch thu hoạch bán cho người mua lễ ngày mồng một.

Riêng trong đợt rằm tháng Bảy năm Nhâm Thìn vừa rồi, anh Tâm thu hoạch bán 1.500 quả. Từ lúc ra hoa, đậu quả khoảng 4-6 tháng là có thể thu hoạch được, khi ấy quả vẫn màu xanh. Khi quả chín màu vàng chanh có thể treo trên cây 1,5-2 tháng để thu hoạch dần. Có người thích chơi hàng ngắn tay vì để được lâu, bày trên bàn thờ 2-3 tháng mới hỏng. Nếu khách hàng thích trái đẹp, dài tay thì độ bền sẽ giảm xuống vì loại quả này khi cắt rời khỏi cành sẽ nhanh bị héo tay.

  Anh Tâm chia sẻ: “Cây này có khi nhiều quả lại ít tiền, ít quả lại nhiều tiền, vì quả càng to, càng đẹp mới bán được giá. Vì vậy, khi chúng ra nhiều trái non, người làm vườn phải tỉa bớt những quả xấu, những trái thối nõn bên trong chỉ để lại những quả đẹp cho chúng phát triển tốt hơn”. Những quả loại thải, trái thối nõn đem cân bán cho hàng thuốc Đông y với giá 30 nghìn đồng/kg quả tươi, nếu phơi khô thì bán 300 nghìn đồng/kg.

Trái Phật thủ có tác dụng chữa nhiều bệnh: điều hòa khí huyết, bồi bổ dạ dày, giảm đau, giúp dễ tiêu, tan đờm, khỏe tì vị, giảm ho, chữa nôn, giã rượu...  Bình quân mỗi năm, với 1 ha trồng Phật thủ, anh Tâm thu được 500 triệu đồng, cộng với 300 triệu đồng doanh số thu mua Phật thủ từ các vườn nhà khác trong xóm đem bán, tổng cộng được 800 triệu đồng. Trừ tất thảy chi phí thuê đất, phân bón, làm giàn, thuốc trừ sâu, nhân công… anh còn lãi 400 triệu đồng.

 Làng Phật thủ nhộn nhịp tháng củ mật

 Mặc dù thu hoạch và bán rải rác vào các dịp rằm, mồng một hàng tháng,  nhưng “mùa gặt hái” của người trồng Phật thủ tập trung vào tháng củ mật để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Cứ mỗi khi vào tháng Chạp, Đắc Sở có hàng trăm người buôn bán Phật thủ, họ chia địa bàn, chuyển Phật thủ khắp cả nước. Ở đây có 2 dạng buôn: mua đứt cả vườn hoặc mua theo hàng chọn.

IMG_7671.JPG

Trái Phật thủ trong vườn nhà anh Tạ Văn Tám - Ảnh: C.Khôi

Anh Nguyễn Văn Mạnh, một người buôn Phật thủ cho biết, giá Phật thủ năm nay thấp hơn năm ngoái vì tổ tiên chúng ta, những người đã khuất cũng bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nơi cõi thế. Tuy nhiên, những trái Phật thủ đẹp thì giá cũng vẫn cứ cao. Những trái ngoại hạng không kể, hạng đầu nặng 1,5kg, tay đều giá bán 250.000đ/quả. Hạng hai nặng 1kg, tay đều giá 150-200.000đ/quả, hạng ba nặng 7-8 lạng giá 100.000đ/quả. Dưới nữa là hàng tầm thường đổ cho cánh hàng rong. T

ết năm ngoái nơi đây ghi nhận một kỷ lục về giá của một quả Phật thủ vua xứ Đắc Sở, thuộc về nhà vườn Thủy Nghĩa, bán tại vườn giá 5 triệu, sang tay qua thợ buôn bán cho một đại gia, đã được rinh với giá tới 8 triệu đồng. Hình dáng quả Phật thủ này rất “độc”. Phật thủ thường chỉ bằng vốc tay, nhưng quả này to như cái mũ bảo hiểm, có tới ba tầng ngón, các tầng ngón lại tròn vành vạnh như trăng mười sáu.

 Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở cho biết, đến nay đã có hơn 500 hộ trong tổng số 900 hộ toàn xã trồng Phật thủ trên diện tích hơn 75ha. Hộ trồng ít nhất cũng 1 sào, hộ nhiều nhất tới 5 mẫu. Phật thủ được trồng chủ yếu ngoài bãi, thu hoạch quanh năm nhưng người dân tập trung làm quả vụ Tết để phục vụ nhu cầu thờ cúng của các gia đình. Đời sống tâm linh của người dân ngày phát triển nên thị trường tiêu thụ của Phật thủ cũng mở rộng ra trong cả nước.

Đầu ra của trái Phật thủ ở xã này chưa bao giờ ế. Theo ông Bằng, xã đã đưa Phật thủ trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, bởi thu nhập hàng năm đem lại đã đạt 500 triệu đồng/1ha, cao gấp hàng trăm lần cấy lúa. Cả xã hiện có hàng chục hộ gia đình thu nhập 300 - 400 triệu đồng từ Phật thủ, hơn 10 hộ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

 “Cây tâm linh đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống khá giả, nhiều hộ đã xây nhà cao tầng, mua ô-tô, tiện nghi sinh hoạt hiện đại… Đến nay, cây Phật thủ đã chiếm hơn 70% diện tích đất canh tác và chiếm 60% tổng thu nhập toàn xã” - ông Bằng cho biết. Người dân Đắc Sở tin rằng chính Đức Phật đã đem “trái tâm linh” đến giúp dân ở đây làm giàu. Vì vậy mấy năm nay đã thành lệ, hàng tháng mỗi nhà đều chọn những trái Phật thủ đẹp trong vườn nhà mình đem lên chùa Đắc Sở để thắp hương cúng Phật.

Vào cuối năm 2011, đoàn Phật tử ở Đắc Sở đã mang 15 cây Phật thủ theo chuyến bay của Vietnam Airlines, sang Ấn Độ thành tâm cung tiến để trồng tại thánh tích Bồ đề Đạo tràng, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Thượng tọa Manor - trụ trì Bồ đề Đạo tràng đã hoan hỷ đón nhận và vô cùng vui mừng khi được biết, chính cây Phật thủ đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Đắc Sở.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.