Đã bao năm trôi qua song những ký ức buồn trong tôi vẫn còn nguyên vẹn, nó như vừa xẩy ra hôm qua, hiện hữu ngay hôm nay và theo tôi mãi về sau. Cũng vào dịp này cách đây mười năm, vào một đêm lạnh giá của mùa đông, hai mẹ con tôi bị bà nội đuổi ra khỏi nhà trong mưa tầm rỉ rả. Dù mẹ tôi quỳ lạy, van xin; Dù tôi khóc ròng lạc giọng nhưng bà tôi với khuôn mặt lạnh tanh, tay vuốt nước trầu hai bên mép và không quên buông ra những lời chửi rủa chua cay. Khi đó bố tôi nhu nhược, ông chỉ biết đứng nhìn chúng tôi bị dày vò trong đắng cay, tủi nhục. Và cái tết đó đối với mẹ và tôi thật đáng buồn, đáng thương. Ngày đó tôi ngu ngơ không hiểu vì sao bà tôi lại nhẫn tâm đến thế; Mãi sau này, khi tôi lớn thêm một chút, tôi được một người anh họ kể cho nghe: Mẹ tôi vốn là hoa khôi của làng Hạ, được gả về làm dâu trong một gia đình danh giá nhất nhì huyện. Đẹp người đẹp nết, mẹ tôi nhanh chóng được gia đình chồng yêu thương hết mực. Sau một năm làm dâu mẹ sinh tôi và hai năm sau mọi thứ bỗng thay đổi. Vào cái ngày định mệnh ấy, một vụ va chạm mạnh giữa hai xe honda đã cướp đi mạng sống của đứa em tội nghiệp chưa kịp chào đời. Và chính nó cũng đã làm mẹ tôi vĩnh viễn không thể sinh con được nữa. Mẹ tôi buồn lòng đến gầy sọp, héo hon; Bố tôi thì luôn tỏ vẻ chán nản, bất cần; Còn bà nội thì luôn đay nghiến, buông không biết bao nhiêu lời chửi rủa nghe mà buốt lòng... chỉ vì cái tôi không đẻ được thằng con trai để nối dõi tông đường của mẹ tôi. Đã có nhiều lần mẹ tôi định bụng bỏ nhà ra đi, nhưng vì thương tôi nên bà đã không làm thế. Bà chấp nhận cảnh sống cam chịu và lầm lũi trong tổ ấm của chính mình, nhưng bà nội lại không muốn thế. Lý lẽ của bà thật giản đơn, nếu lúc đó bố bỏ rơi mẹ con tôi thì sẽ mang tiếng phụ bạc. Vì thế một sự sắp đặt hoàn hảo đã được bà tôi lên kịch bản, và mẹ tôi thủ vai chính. Vở kịch diễn ra đúng ý của bà nội, và mẹ tôi đã mang tội ăn trộm của nhà chồng đi nuôi trai. Tội không thể dung tha, mẹ đã bị "tống cổ" ra khỏi nhà như thế.
Dù đã cố nhưng tôi không thể quên cái cảnh mẹ tiều tụy giữa sân quỳ lạy bà nội và bố tôi trong cái lạnh 10 độ C. Càng không thể quên gương mặt lạnh lùng, tàn nhẫn của bà và bố lúc đó. Thương mẹ nhiều, tôi đã giận họ biết bao nhiêu.
Không thể khác, mẹ dẫn tôi lên thị xã, bà làm đủ nghề để nuôi sống hai mẹ con. Những ngày đầu cơ cực trăm bề, tôi vẫn thường nghe mẹ khóc mỗi đêm khi mà mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, tôi cũng nhỏ những giọt nước mắt thương mẹ và thương cho chính mình. Vật lộn một thời gian mẹ tôi tích góp được chút vốn, bà bắt đầu sắm gánh hàng hoa và chúng tôi sống nhờ vào nó. Tôi được mẹ ủng hộ tham gia lớp học bổ túc văn hóa, những ngày không đi học tôi vẫn phụ mẹ bán hoa. Mẹ con tôi tá túc trong xóm trọ nghèo vừa ẩm thấp vừa dột nát nhưng nụ cười đã trở lại trên môi. Còn về phần bố tôi, một thời gian sau ông kết hôn với một góa phụ huyện bên nhưng cuộc sống mới của ông không hạnh phúc. ông chán nản nên sinh ra rượu chè, cờ bạc... bỏ bê công việc làm ăn, từ đó kinh tế gia đình tụt dốc. Bà nội tôi cũng vì thế mà đổ bệnh, như là một sự trừng phạt của cuộc đời khi bà nằm liệt giường mà con dâu không dòm ngó đến, thậm chí còn nguyền rủa bà chết sớm cho nhẹ gánh. Sau đó không lâu nàng dâu gom hết những tài sản còn sót lại và đi về một nơi xa, để lại bà bơ vơ trong ngôi nhà trống trải. Đó cũng là lúc bà nghĩ về những gì đã qua và chợt khóc vì hối hận, dẫu mọi thứ dường như đã muộn màng.
Sáng nay, có người lạ mặt vào xóm nghèo, họ gửi lại một bức thư dài cho mẹ. Tôi đã rất băn khoăn, những dòng đó viết gì? Sao mẹ tôi lại khóc? Tối đó mẹ thủ thỉ bên tai: Tết này mẹ con mình về quê ăn tết nhé! Tôi đã không nghe nhầm nhưng tôi thật sự thấy lạ. Tôi muốn nói không, bởi tôi không muốn quay trở lại nơi mà trong ký ức tôi là những kỷ niệm buồn. Nhưng tôi luôn yếu lòng trước những giọt nước mắt của mẹ.
Chiều ba mươi tết, khi gánh hàng hoa đắt hàng hết sớm, tôi cùng mẹ lên chuyến xe cuối cùng trở về ngôi nhà xưa. Cả huyện đều đổi thay mới lạ, nhưng ngôi nhà ấy không còn khang trang như xưa mà trở nên vắng vẻ vô cùng. Chỉ còn một bước chân nữa thôi nhưng tôi lại ngập ngừng, chắc tại cành đào trên tay tôi quá rậm rạp, hay tại lòng tôi còn những uất ức chưa thôi? Qua ô cửa cũ, tôi thấy nội tôi đang ngồi đưa tay chấm những giọt nước mắt.... Cầm lòng sao nổi, tôi gọi: Nội ơi!