Làng tôi nằm nghiêng nghiêng bên dòng sông hiền hòa và thơ mộng. Những chiều áp tết, người người gánh lá dong ra bến sông cọ rửa. Từng gánh gạo, gánh đỗ xanh được các bà, các mẹ gánh đi đãi sạch để về gói bánh chưng. Lũ trẻ con được nghỉ học như chim sổ lồng, chạy tíu tít theo bà, theo mẹ ra sông nghịch nước.
Tôi giúp mẹ rửa lá dong. Những tàu lá xanh ngắt, dài quá tầm tay của tôi. Lá dong được tắm dưới làn nước xanh mát, trong veo bỗng trở nên sạch sẽ, bóng đẹp đến lạ thường.
Ông nội năm nào cũng là người gói bánh “chủ đạo”. Lũ trẻ chúng tôi loanh quanh bên ngoài, xếp lá, nhặt lạt giang cho ông gói. Thực ra, chúng tôi chăm chỉ thế để sau buổi gói bánh, còn thừa ít nhân đỗ, chúng tôi xin ông chia nhau ăn. Đỗ dính quanh mép, nguệch ngoạc, lũ chúng tôi cười giòn tan.
Tối đến, mấy anh em chúng tôi cùng ông ngồi quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh chưng. Cây củi to bén lửa nổ tanh tách, hắt lên khuôn mặt mấy ông cháu đỏ ửng. Ông kể cho chúng tôi nghe những chuyện ngày xưa: chuyện thời chiến, chuyện bà sinh bố tôi vất vả ra sao, đám cưới bố mẹ tôi như thế nào... Chúng tôi ngồi nghe một cách say sưa.
Ông còn bày cho chúng tôi cách xông nước lá vào mỗi dịp cuối năm để tẩy trừ mọi điều không may của năm cũ, sạch sẽ, thoải mái đón mừng năm mới. Nồi nước xông của ông có đủ các loại lá do chính tay ông hái như: lá tre, lá chuối, lá chanh, lá sả, tía tô... Ông kỳ công chọn những chiếc lá xanh tươi, rửa qua nước mưa cho thật sạch rồi cuốn tất cả cho vào chiếc nồi thật to. Ông đậy lá chuối dưới nắp vung, đun sôi xong bỏ củi, để nước tăm tăm một lúc đợi cho những lá cây kia tiết ra hết tinh dầu mới thôi.
Ông có một sáng kiến xông rất đặc biệt. Ông cho nồi nước xuống gầm giường, bỏ chiếu ra, từng người ngồi lên giường rồi lấy chiếc chăn choàng lên. Làm như thế để toàn bộ hơi xông bay ngược lên người, túa ra mồi hôi, mọi bụi bẩn, chất độc cơ thể theo lỗ chân lông mà ra ngoài hết. Tôi co rúm trong chiếc chăn choàng. Những giọt mồ hôi thi nhau tuôn xuống tưởng chừng như cơ thể được thanh tẩy, mùi thơm từ lá chanh, lá sả… quện lẫn nhau, thấm vào từng thớ da, thớ thịt sảng khoái vô cùng.
Ông nội tôi đã qua đời gần chục năm nay. Chúng tôi cũng đã lập gia đình, có cuộc sống riêng. Cuộc sống bộn bề, chúng tôi không còn giữ thói quen tắm nước lá xông chiều ba mươi tết nữa. Nhưng trong thâm tâm tôi, hình bóng của ông vẫn còn đây. Và đặc biệt hơn, tôi vẫn thấy đâu đây vương vấn mùi hương thơm từ nồi nước lá xông bay lên, thơm ngát. Mùi nước xông ấy đã theo chúng tôi trên những bước đường mưu sinh nơi phố thị đông người. Tôi nhớ ông, nhớ mùi nước xông ấy lắm!