Ở quê hương thứ hai, tôi lại mong ngóng về quê nhà. Mặc dù vẫn là đất nước mình đấy thôi mà sao thấy xa vời vợi. Tết năm nay tôi lại không về, dù mẹ cha có ngóng trông, dù nỗi nhớ có thôi thúc. Đành cầm lòng thôi khi quê hương Hải Dương yêu dấu đang trong đợt bùng phát của dịch bệnh.
Ở nơi quê hương thứ hai, trời đã vơi dần đi cái lạnh lẽo mùa đông, nắng ấm lên từng ngày và dường như xuân đã về chạm ngõ. Cây mai vàng vừa mới được nhặt lá đầu tháng giờ đây đã chúm chím những chùm nụ đầu tiên, hé hé cánh vàng, biêng biếc lộc non.
Ngoài đường lớn, trên những vỉa hè, và cả khu quảng trường rộng, sáng nay, sáng qua và từ mấy hôm trước đó, nhà vườn trồng cây cảnh, cây hoa phục vụ ngày Tết đã bày bán rồi. Ngày càng nhiều cúc, vạn thọ, mai vàng, phong lan, thược dược,… được đưa về. Đất trời miên man sắc xuân.
Sáng cuối năm, tôi bắt gặp vài hàng đào, hàng quất cũng đã hòa vào khu chợ hoa xuân gần quảng trường Quy Nhơn. Tôi lại nhớ quê nhà, nhớ mẹ cha, nhớ cả không khí Tết của quê mình - nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Không phải lần đầu tiên tôi ăn Tết xa quê, cũng không phải lần đầu tiên, ở nơi quê hương thứ hai tôi thấy cành đào Tết quê mình, vậy mà khi bất chợt gặp đào, lòng tôi bỗng xốn xang. Nỗi nhớ thương cứ xao xác trong lòng, trào dâng lên khóe mắt, khiến mũi tôi cay cay. Như một đứa trẻ bị chạm đúng nỗi tủi thân, tôi mặc kệ những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tết năm nay, quê nhà liệu có được bình yên?
Trước Tết, không dưng Covid-19 lại hoành hành. Tưởng rằng bệnh dịch đã được khống chế, năm nay dân mình sẽ đón một cái Tết thật trọn vẹn, rồi sẽ vực lại tất cả những gì suốt một năm qua bị trì hoãn, bị ngưng trệ, bị mất mát. Bao cuộc điện thoại hứa hẹn, bao tin nhắn mong chờ ngày đoàn viên của tôi, của bạn, của rất nhiều người con đang nhọc nhằn cuộc mưu sinh ở những miền quê hương mới bị dừng lại đột ngột. Bất ngờ! Xót xa!
Tưởng rằng cuộc sống đã bình yên, ngờ đâu cuối năm dậy sóng. Suốt một năm dài, người ở nhà ngóng trông, người đi mong ngóng, chờ đợi đến cuối năm, trở về vài ngày đầu xuân ít ỏi để vui vầy sum họp, đoàn viên. Vậy mà… Vé về đành hủy, ở lại thôi, Bắc hay Nam cũng quê mình cả. Ở lại thôi, Tổ quốc nay cần mỗi chúng ta ở yên một chỗ, tự bảo vệ mình cũng là góp sức chung vào cuộc chống dịch gian nan.
Trước Tết, vẫn đếm ngược từng ngày nhưng không phải để trông chờ Tết đến mà để mong tình hình dịch bệnh nhanh chóng qua đi. Nước mắt tôi đã rơi, tôi không giữ nổi sự thổn thức của cõi lòng khi nửa đêm, hình ảnh người bạn gửi đến là các bé em của cả một lớp 4 đã phải tập trung ngay trong đêm để đi cách ly. Trời đêm miền Bắc lạnh lắm và các em cũng ngoan lắm. Lặng lẽ xếp hàng, lặng lẽ ngồi cách xa nhau để được đưa đi. Không còn những nét môi xinh cười đùa vui vẻ, không còn những ánh mắt lúng liếng tinh nghịch. Tất cả lặng im. Trời đêm lặng thinh. Những giọt nước mắt không ngừng rơi. Mọi người thương các em nhiều lắm. Thơ ngây quá, mỏng manh quá!
Năm nay, có thể những cây đào sẽ ở yên ngoài ruộng, những cây quất quả trĩu nặng chín vàng chẳng được người người rước về đón Tết, hoa lặng lẽ tỏa hương bên vườn trong ánh nhìn đầy lo lắng của người nông dân cả một năm cần mẫn chăm bón, vun trồng.
Tết năm nay, có thể phố sẽ vắng những hàng kẹo bánh, sẽ chẳng diễn ra những trò chơi vui Hội xuân. Đành vậy, những niềm ca thán, những tiếng thở dài được giấu đi để nhân dân đồng tâm, vững vàng chống dịch.
Vườn xuân sẽ lại về, người còn, của sẽ lại có nhanh thôi.
Hết dịch, xuân sẽ rạng ngời hơn xưa.