Tết: cơ hội để san sẻ, yêu thương

GN - Đối với các bạn, khi nói đến Tết là nói về sự sum vầy, là làm việc cùng nhau, là không khí quê yên bình, là cơ hội để nhìn lại mình và chia sẻ thương yêu đến những người khó hơn mình... Những bạn trẻ dưới đây đều là Phật tử, họ đến Sài Gòn học, mưu sinh, trước khi về Tết đã có chia sẻ ngắn với Giác Ngộ.

tren duongve que.jpg
Bạn trẻ rời phố về quê đón Tết - Ảnh minh họa

- Dương Thị Diễm Hằng (quê ở huyện Buôn Hồ, Đắk Lắk, đang làm việc tại Ngân hàng VP Bank TP.HCM): “Tết là dịp cùng nhau làm việc vui vẻ”

1tn.jpg

Bạn Diễm Hằng

Năm nay là năm đầu tiên tôi đi làm nên tới tận 27 Tết mới được nghỉ. Mấy năm trước - khi còn là sinh viên, nghỉ được cả tháng nên về sớm. Hai chị em tôi xuống Sài Gòn ở trọ cùng phòng, em trai được nghỉ học nên đã về quê rồi, còn mỗi mình tôi ở lại đây, do vậy thấy nôn nao lắm.

Nếu về sớm thì tôi với em trai có nhiệm vụ là dọn nhà, sau đó chuẩn bị một số món ăn đặc trưng mà ba thích để dành cho Tết. Món đặc trưng Tết của nhà tôi là măng kho, ba thích ăn nên năm nào cũng có. Năm nào siêng thì làm thêm bánh in, tôi với mẹ làm, còn em trai với ba nếm, riêng bánh tét thì không làm vì... cả nhà không ai thích ăn.

Gia đình tôi vào Đắk Lắk theo diện đi kinh tế mới nên không có bà con ở đó. Ba tôi quê ở Bình Định, còn má thì ở Quảng Ngãi nên Tết về quê nội ngoại mới đông vui. Tối 30 cả nhà quây quần nói chuyện, hát hò, rồi chuẩn bị bánh kẹo, trà nước cúng giao thừa.

Sáng mùng một năm nào tôi cũng đi chùa với bạn, rồi qua nhà bạn thân, bạn cùng lớp và ơ nhà phụ tiếp khách. Đến chùa lạy Phật, rồi mỉm cươi với Phật, vậy là thấy vui rồi. Khi đi chùa mình hay găp cố nhân - những người lâu thật lâu mơi găp.

Tết đối với mình là gia đình quây quần bên nhau, là dịp cả nhà cùng nhau chuẩn bị mọi thư vì nhà mình làm gì cũng bốn người làm cùng với nhau.

- Dương Mẫn Nghi (sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II): “Là cơ hội để nhìn lại mình”

2tn.jpg

Bạn Mẫn Nghi

Từ nhỏ đến giờ tôi đón Tết ở Sài Gòn, nên gần tới Tết cũng có háo hức một chút, vì ngày thường nhà mình mỗi người một hướng, tới Tết được nghỉ học, nghỉ làm nên mọi người trong nhà được ăn cơm cùng nhau, được nhìn rõ mặt nhau nên thấy vui. Mỗi lần Tết đến là con cháu, anh chị em đều tập trung họp mặt bên nhà ngoại, rất đông vui.

Tối 30 Tết tôi đi chùa lễ Phật, cầu an cho gia đình, bản thân... Từ nhỏ tới giờ đều làm như vậy, còn mùng 1 thì chỉ thăm họ hàng thôi chứ không đi đâu.

Nhà tôi có truyền thống lau dọn nhà từ khoảng 15 đến 20 tháng Chạp, có tôi với mẹ làm, hơi mệt nhưng vui. 

Tết với tôi là cơ hội để nhìn lại một năm, có gì đã làm được, việc gì chưa làm được thì mong mình có thể cải thiện để tốt hơn năm trước, như  năm trước mình lười thì năm mới sẽ bớt lười hơn, tính mình có chỗ nào “kỳ cục” thì mình cải thiện tốt hơn, hay năm ngoái có lỗi gì thì năm nay mình sẽ sửa cho tốt hơn.

- Nguyễn Minh Nguyên (quê huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, đang làm công nhân tại TP.HCM): “Tết là hành trình mang tới những niềm vui”

3tn.jpg

Bạn Minh Nguyên

Gần Tết cũng nôn nao, mong về bên gia đình, thèm cái không khí làng quê yên bình - nhà nhà đều sắm sửa đón xuân, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt...

Thường năm nào được về Tết là tôi ra đồng phụ gia đình vì ở quê mùa màng là quan trọng nhất, sau đó mới tới nhà cửa, lau chùi bàn thờ tổ tiên, đánh lại bộ lư cho sáng, đi chợ mua vài món cho có không khí Tết. Đầu tiên là phải có hai trái dưa hấu, rồi củ kiệu về làm dưa món, gói bánh tét, một lốc hoặc thùng nước ngọt chưng lên, có cây mai và vài tấm liễn.

Mùng một Tết tôi hay đi chùa cầu bình an cho gia đình, cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, rồi mới cầu riêng cho mình, như sức khỏe và niềm vui. Thường thì mùng hai mới đi chúc Tết ông bà. 

Tết đối với tôi còn là cột mốc để mình chiêm nghiệm lại bản thân xem một năm qua mình có tiến triển được gì không, là giây phút nhắn gửi yêu thương bên gia đình, là nụ cười của những cuộc hành trình mang tới những niềm vui.

Giống như chuyến từ thiện vào ngày 23-1-2016 vừa rồi - đến tặng quà cho bà con nghèo tại Đắk Nông, mình không có tịnh tài thì góp sức, như phụ khiêng vác, hoạt náo trò chơi cho mấy bạn nhỏ, viết vài dòng cảm xúc chia sẻ là thấy vui rồi.

- Phạm Hồng Thủy (quê huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, đang làm cho một công ty dược tại TP.HCM): “Tết là dịp sum vầy”

4tn.jpg

Bạn Hồng Thủy

Dịp Tết, mỗi khi về đến nhà là tôi đi một vòng nhà, thăm những góc quen mà mình luôn nhớ, rồi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, cứ dọn một cách thong thả. Sau khi dọn nhà xong, vào ngày cuối năm hai mẹ con sẽ đi chợ mua đồ, cắt lá, rồi nói bố về gói bánh.

Tết đến bố tôi có nghề đi gói bánh chưng, cứ cầm khuôn đi hết nhà này đến nhà khác gói, còn không đi thì có người đến nhà mời đi gói. Mỗi lần luộc bánh đâu phải chỉ có một nồi mà kê tới hai cái nồi to ơi là to... Xung quanh nhà tôi toàn bà con cũng từ Thanh Hóa, Thái Bình vô xây dựng vùng kinh tế mới nên rất vui. Tết về được gặp mọi người, thấy không khí mọi người cùng làm việc đón năm mới - nó xôn xao, nôn nao, thích lắm.

Ngày cuối năm tôi sẽ chuẩn bị mâm ngũ quả, chuẩn bị quần áo, ủi đồ để sáng mai đi chùa. Giao thừa thì cùng ba mẹ ngồi nói chuyện, sau khi cúng giao thừa xong thì mẹ lên chùa.

Thói quen của tôi là giao thừa xong sẽ khai bút đầu xuân rồi mới đi ngủ. Khi đó, ngồi viết nhật ký, nói về những điều gì đó đặt ra - trong năm đã làm được gì, rồi năm tới có kế hoạch gì, hoặc có thể làm bài tập, chuẩn bị bao lì xì.

Sáng mùng một dậy thiệt sớm, chuẩn bị mọi thứ, mặc đồ lam, lên chùa lễ Phật, đi chúc Tết thầy trụ trì, chúc Tết quý thầy trong chùa, rồi đi chúc Tết các anh chị trong Gia đình Phật tử.  Ngày mùng hai là Tết của riêng mình, là Tết bạn, mùng ba là Tết thầy...

Như Danh thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.