Tận lực vì Phật sự chung

GNO - Đổi mới trong tư duy phát triển đội ngũ kế thừa và kiện toàn bộ máy nhân sự điều hành công tác Phật sự những việc cần làm đối với Ban Trị sự mới.

TT.JPG

TT. Thích Huệ Thông - Tân Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương

Quan điểm này dựa trên nền tảng kế thừa của tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, cốt yếu là làm sao phát huy được kinh nghiệm của các bậc cao niên cùng bầu nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ. Trao đổi với Giác Ngộ Online, Thượng tọa cho biết:

Nếu nghiêm túc nhìn nhận, chúng ta sẽ thấy ngay rằng, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của công tác Phật sự đó chính là những giới hạn ở khâu nhân sự. Theo truyền thống từ trước đến nay việc đề cử nhân sự cho tổ chức Giáo hội chúng ta thường chỉ thiên về niên cao, phẩm hạnh, đội ngũ trẻ tuổi thì không được quan tâm nhiều. Trong khi đó, đội ngũ trẻ này có ưu điểm là sự nhiệt huyết, năng động và sức khỏe để có thể cống hiến sức trẻ cho công tác Phật sự của Tỉnh hội. Tôi cho rằng, việc sử dụng và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ không chỉ góp phần cho thành tựu trong công tác Phật sự, mà còn là nền tảng “kế thừa” mang tầm nhìn một cách bền vững và lâu dài. Quan điểm này đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ các bậc cao niên, Chư tôn túc. Do đó trong nhiệm kỳ mới này, chúng tôi suy cử những vị cao niên, phẩm hạnh, đạo đức, có kinh nghiệm và tầm nhìn điều hành lãnh đạo, đồng thời tạo điều kiện cho thế hệ trẻ bước đầu tham gia công tác, để có hướng phấn đấu, rèn luyện không ngừng, đáp ứng nhu cầu công tác trong thời kỳ phát triển.

Thượng tọa đánh giá như thế nào về công tác tổ chức nhân sự của Phật giáo Bình Dương trong nhiệm kỳ vừa qua?

Trước tiên phải khẳng định là trong nhiệm kỳ qua, cơ cấu tổ chức nhân sự Phật giáo Bình Dương từng bước ổn định và làm việc có khoa học, nề nếp hơn. Tập thể Ban trị sự có sự đoàn kết, hòa hợp, phát huy sức mạnh tập thể trong việc hoằng dương chánh pháp. Trong mọi công tác Phật sự, chư tôn đức thường trực Tỉnh hội đã biết linh động dựa vào sự hướng dẫn của trung ương giáo hội, sự nhiệt tình hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng các cấp, tạo nên nhiều thành tựu xuất sắc trong nhiệm kỳ. Đặc biệt là có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa Tỉnh hội và các ngành cơ quan hữu quan, góp phần rất lớn cho những thành tựu trong công tác Phật sự của tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định.

Như vậy, hướng khắc phục những hạn chế là như thế nào, thưa Thượng tọa?

Trên cơ sở những mặt đã làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ qua, để công tác Phật sự tại tỉnh nhà trong nhiệm kỳ VIII được phát triển, đáp ứng được nhu cầu của thời đại, chúng tôi tiếp tục kiện toàn triệt để cơ cấu tổ chức Tỉnh hội sao cho đúng tầm, đặc biệt sẽ tinh giảm tối đa hiện trạng một người kiêm nhiệm quá nhiều vai trò trong hệ thống làm việc. Như đã nói, chúng tôi rất chú trọng tạo sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tạo một sự phát triển vững chắc hơn nữa. Chúng tôi tin tưởng, đây là phương án thích đáng và hữu hiệu nhất trong việc tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo tỉnh nhà trong hiện tại và tương lai.

aw8 (12).JPG

Tân Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương ra mắt trước Đại hội

Một khi có một tổ chức điều hành, hoạt động tốt chắc chắn các mục tiêu đưa ra cũng có nhiều nét mới?

Đúng vậy. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là phải có sự đồng bộ cho tất cả các ngành. Theo đó, mỗi một ngành cần phải có định hướng riêng cho ngành của mình một cách rõ ràng, cụ thể, theo quan điểm ổn định và phát triển. Ổn định trước rồi mới tiến tới phát triển. Muốn vậy đòi hỏi Ban trị sự Tỉnh hội, các ban, ngành, Ban đại diện các huyện, thị hội ngoài việc đoàn kết, hòa hợp thì đòi hỏi phải có năng lực và tâm huyết thật sự để biến chương trình, mục tiêu thành hành động, việc làm cụ thể và hiệu quả.

Trẻ hóa đội nguồn nhân lực là một quan điểm hết sức tiến bộ, bên cạnh những cái được đã thấy rõ thì tâm lý tự mãn, tự cao trong giới trẻ có thể là một khuyết điểm thưa Thượng tọa?

Ngược lại, chúng tôi tin tưởng rằng với sự định hướng hết sức rõ ràng của những bậc cao niên, tôn túc, những người có kinh nghiệm truyền đạt lại cho giới trẻ, họ sẽ biết mình phải làm gì, tu học như thế nào để xứng đáng là thế hệ giữ gìn và tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối, tổ tiên.

Tất nhiên, những người trẻ được trọng dụng nhưng đồng cũng phải qua những thử thách để rèn luyện. Các Chư tôn túc cao niên sẽ là những tấm gương để bạn trẻ học hỏi và noi theo, phấn đấu không ngừng mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, cũng như những trọng trách cao hơn nữa trong thời gian tới. Về góc độ này, chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, xây dựng đội ngũ “kế thừa” đúng theo định hướng của Giáo hội. Trong nhiệm kỳ mới này, chúng tôi sẽ khuyến khích mỗi huyện, thị nên có trường Phật học sơ cấp, hướng tới sẽ mở lớp chuyên khoa cao đẳng Phật học ở tại Bình Dương.

Còn vấn đề hành chính của Giáo hội thì sao, thưa Thượng tọa ?  

Ở các mặt như giải quyết công việc, hình thức, nội dung các cuộc hội họp làm sao để mang tính thiết thực, ý nghĩa và đạt kết quả cao, điều đó cần phải có sự cải tiến hơn nữa. Về khía cạnh này, tôi nhấn mạnh đến tình trạng một người kiêm nhiệm quá nhiều việc. Trên thực tế, một người mà kiêm nhiệm nhiều ban ngành khác nhau thì chắc chắn sẽ không đủ sức khoẻ và thời gian tham dự các buổi họp, chứ nói gì đến việc điều hành hay trực tiếp tham gia các Phật sự. Đối với các ban ngành thường xuyên hội họp để tìm phương cách phát triển hoạt động Phật sự, thì người kiêm nhiệm nhiều công việc chắc chắn sẽ khó có thể hoàn thành Phật sự được giao phó. Trong nhiệm kỳ mới của Tỉnh hội, vấn đề này sẽ sớm được khắc phục và chắc chắn bộ máy hoạt động sẽ hoàn chỉnh, trơn tru hơn.

Xin cảm ơn Thượng tọa!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.