Tâm xuân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Mỗi độ nhân gian xuân về, muôn vật như bừng dậy sức sống, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa lá đua nhau khoe sắc. Lòng người cũng nô nức đón chào một năm mới với nhiều ước mơ, hy vọng.

Dân gian hay nói “ba ngày xuân” nghĩa là ba ngày Tết, đó là thời gian mọi người được sum họp gia đình, được vui chơi thảnh thơi, rồi sau đó trở lại cuộc sống thường nhật, tất bật và hối hả. Ngẫm lại, một năm 365 ngày mà chỉ có ba ngày Tết được an vui, thảnh thơi thì có ý nghĩa gì đâu.

Cho nên, là người Phật tử hiểu đạo lý, chúng ta phải làm sao nhân lên để 365 ngày đều là Tết, lúc nào cũng là xuân. Được như vậy mới là an vui, hạnh phúc thật sự chứ không phải cái vui thoáng chốc, ngắn ngủi mấy ngày Tết. Đó cũng chính là ý nghĩa đích thực của việc tu hành.

Người biết tu thì giờ phút nào cũng là xuân, lúc nào cũng bình an, vững chãi, thảnh thơi. Muốn được như vậy chúng ta phải thiền tập. Thiền tập là đem thân tâm về với “bây giờ và ở đây”, hay nói cách khác, thân đâu tâm đó. Chúng ta vì chưa biết tu nên thân một nơi mà tâm một nẻo. Mình ngồi đây mà nhớ chuyện quá khứ, nghĩ việc tương lai. Quá khứ đã qua đâu còn nữa, tương lai chưa đến thì đâu phải là sự sống. Ngoài bây giờ và ở đây, ngoài giây phút hiện tại này thì không có sự sống.

Thiền tập rất sống động, sống thiền là sống vào giây phút hiện tại, cho nên nói: “Vĩnh cửu là hiện tại”, vì ngoài hiện tại thì không có gì cả. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện, lặt rau, rửa chén, quét nhà... mỗi phút giây chúng ta sống vào cái đang là, đang lúc này một cách viên mãn, đó là “hiện tại lạc trú”. Nếu tỉnh giác, an trú vững chãi vào giờ phút hiện tại thì tâm hồn lúc nào cũng thoải mái, tươi vui.

Dù xuân nhân gian có đến có đi, hoa nở hay tàn theo thời tiết nhân duyên, nhưng tâm người đã thấu triệt ý nghĩa tu hành thì lúc nào cũng là xuân. Một giây một phút cũng là vĩnh cửu, ba ngày xuân cũng là mãi mãi. Mùa xuân nhân gian và mùa xuân đạo lý lồng lộng khắp đất trời cũng chỉ là một tâm xuân. Hiểu được điều này tức là Đức Phật vẫn còn đang thuyết pháp, hội Linh Sơn vẫn còn đó.

Mùi thiền trong ấy nào ai biết...

Mùi thiền trong ấy nào ai biết...

Thi kệ nhà Thiền nói về mùa xuân rất nhiều. Khi đọc các bài kệ xuân của các vị thiền sư, chúng ta thấy các ngài cũng vui xuân, đón xuân nhưng với phong thái thâm trầm, nhẹ nhàng, tinh tế. Vua Trần Thái Tông có hai câu:

Mùi thiền trong ấy nào ai biết

Thức suốt đêm trường vui với Tăng.

Ngày xưa các ngài ngồi thiền nhiều, ngủ rất ít, có khi một đêm các ngài chỉ ngủ một hai tiếng nhưng thức dậy vẫn khỏe, vẫn tỉnh táo bởi vì tâm các ngài luôn ở trong thiền định, sức tỉnh giác mạnh rồi thì đó là “giấc ngủ” tuyệt vời nhất. Quan niệm y học ngày nay cho rằng, hằng ngày con người làm việc vận dụng cả thể xác lẫn tinh thần nên phải ngủ trung bình mỗi ngày 7-8g mới đủ bù đắp sức khỏe.

Còn các ngài dù khi lao động hay đang nghỉ ngơi, lúc nào cũng an nhiên, tự tại, tâm hồn thảnh thơi, như vậy đã là ngủ rồi. Khi ở trong thiền định, vỏ não không hoạt động, vùng trung não phát sóng Gamma là hành vi của trực giác, còn hoạt động của vỏ não tư duy, suy luận thuộc về chất xám, hành vi của ý thức. Trạng thái thiền định không phải thuộc về ngủ, cũng không phải thuộc về thức. Ngủ là mê muội không biết gì; thức là vọng tưởng lăng xăng, phan duyên theo ngoại cảnh.

Thiền định là tâm lặng lẽ mà biết rõ ràng các pháp, biết đó là cái dụng của tự tánh, lặng lẽ chính là cái thể của tự tánh. Khi ở trong thiền định vượt qua cả trạng thái ngủ và thức, từ đó mới an trú vào mùa xuân vĩnh viễn. Cho nên các ngài lúc nào cũng vui, cũng tự tại. “Mùi thiền trong ấy nào ai biết”, thử hỏi có bao nhiêu người nếm được “mùi thiền”.

Chúng ta thiền tập ít nhiều cũng nếm được “mùi thiền” trong những giây phút bất động an nhiên, không bị vọng tưởng dẫn lôi, không bị phiền não vô minh vây khốn, đó là chứng nghiệm trực tiếp. Nhờ thiền tập mà chúng ta tin sâu lời Phật dạy, thiền tập tới đâu chánh kiến được đắp nền tới đó, chứ không phải do học hiểu. Cho nên, vấn đề thiền tập rất quan trọng.

Lộc xuân

Lộc xuân

Chính vì các ngài nếm được mùi thiền, hằng sống với một tâm thiền nên nói “thức suốt đêm trường vui với Tăng”. Mùa xuân về, chim hót hoa nở, cảnh vật xanh tươi, khí trời mát mẻ thì các ngài vẫn biết nhưng tâm không động, không duyên theo cảnh, nên các ngài làm chủ xuân.

Còn phần nhiều chúng ta rộn ràng theo cảnh nên trở thành khách của xuân, chứ không phải chủ. Nếu đối với tất cả cảnh mà tâm chúng ta lặng lẽ, an nhiên, bình thản, đó là cơ hội để chúng ta khám phá ra tâm xuân luôn luôn hiện diện ở đây và bây giờ.

Sơ tổ Trần Nhân Tông cũng đã khám phá ra Chúa Xuân muôn thuở, thể hiện qua bài kệ Xuân vãn:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không

Xuân về hoa nở rộn trong lòng

Chúa xuân nay bị ta khám phá

Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

Thuở còn niên thiếu, chưa tỏ lý Sắc-Không nên khi xuân về, ngài choáng ngợp theo sự bừng nở của muôn hoa. Cho đến khi khám phá được Chúa Xuân, ngài ung dung ngồi trên giường thiền ngắm từng cánh hồng rơi. Đây là sự tịch tĩnh của người tu đã biết nội dung của tâm xuân.

Hoa nở rồi tàn nhưng tự tánh không tàn nở, như sóng có chìm nổi nhưng bản chất nước chưa từng thay đổi bao giờ. Cái chơn thường không thay đổi, không sinh diệt ấy là bản tâm thanh tịnh sẵn đủ ở mọi chúng sanh, mà ở đây Ngài gọi là “Chúa Xuân”.

Một thi hào thiền sư đời Trần, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, đón xuân bằng một bài kệ như sau:

Thời tiết xoay vần xuân đến thu,

Cái già xồng xộc đến trên đầu.

Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,

Năm tháng mang theo chất hộc sầu.

Nẻo khổ vành xe lăn lóc khắp,

Sông yêu bọt nước mất còn đâu?

Trường đời nếu chẳng sờ lên mũi,

Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu!

Thời tiết xoay vần nên có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Theo dòng thời gian, con người càng ngày càng tiến dần đến chỗ chết. Nhìn lại kiếp sống, đau khổ nhiều hơn lạc thú, danh vọng quyền thế hay bể ái sông yêu đều chỉ như mộng ảo, như bọt nước đầu ghềnh.

Trong trường đời, nếu không có một chút tỉnh thức, không biết đẩy lui phiền não nghiệp chướng để nhận ra cái thường hằng, cái phi huyễn thì dù muôn thuở lăn lóc trong ba nẻo sáu đường, cũng chỉ là bóng màu hư dối.

Đọc bài kệ này, những ai từng chịu nhiều vinh nhục thăng trầm trong cuộc sống sẽ thấy thấm thía vô cùng. Từ bao đời bao kiếp, con người vì vô minh nhận lầm cái giả cho là thật, nên suốt đời tận lực lo phục vụ cho cái thân tứ đại. Thậm chí dùng mọi mánh khóe mưu mô, chỉ cốt lợi mình không kể hại người.

Nhưng khi có được một địa vị, một số tài sản nào đó, con người đã thỏa mãn chưa, hay lại mong được nhiều hơn nữa? Do vô minh (si) nên tham đắm ngũ dục, nếu tham không được thỏa mãn sẽ phát sinh sân hận; từ đó tạo nghiệp ác và bị đọa đày trong các khổ xứ. Đó là bi kịch của kiếp người.

Sắc xuân

Sắc xuân

Tất cả chúng ta từ khi sinh ra, bắt đầu là diễn viên trên sân khấu vĩ đại của cuộc đời. Mỗi người do hoàn cảnh chánh báo, y báo khác nhau mà hóa trang và đóng những vai diễn khác nhau. Có người diễn vai trong các tuồng tham, sân, si, tật đố, ganh tỵ. Nếu người biết tu thì đóng vai từ bi, hỷ xả, bao dung, độ lượng, tha thứ… Sinh ra trên cuộc đời, dầu trở thành doanh nhân thành đạt, chính trị gia lỗi lạc, văn nhân, thi sĩ, diễn viên, một người giàu có, hay một kẻ nghèo khổ cùng cực... cũng chỉ là đóng những vai tuồng khác nhau, nhưng khi chết đều giống như nhau, thở ra không hít vào chấm dứt một đời là giống nhau.

Nếu được sinh ra trong một gia đình có văn hóa đạo đức, giàu sang, có ngoại hình đẹp đẽ, gặp nhiều may mắn thì chúng ta cũng không nên tự hào. Vì tuy hoàn cảnh có khác nhưng đều là có thân, cũng bất tịnh, vô thường, duyên sinh, giả hợp. Do vậy, nghèo mà hiểu đạo lý thì không buồn tủi, giàu mà nghe đạo lý cũng không tự hào. Dầu là triệu phú, tỷ phú hay người nghèo khó bần cùng, khi chết nhắm mắt thì cũng từ giã tất cả không mang theo một thứ gì. Cái còn lại là nghiệp lực của mỗi người sẽ biểu hiện ở kiếp sau để thọ lãnh những quả khổ vui do mình gây tạo.

Chiêm nghiệm kỹ điều này, thấu hiểu lý vô thường của vũ trụ nhân sinh, từ đó chúng ta tìm cho mình một lẽ sống ý nghĩa. Nỗ lực công phu tu tập, sống một đời lành mạnh an ổn, tạo nhiều thiện nghiệp, đó mới là những hành trang mà chúng ta phải khéo chuẩn bị.

Một điều cần nhấn mạnh ở đây, chúng ta không phải vì chán cuộc đời vô thường huyễn mộng mà gia công tu hành, cốt tìm sự an lạc vĩnh cửu ngoài trần thế. Hoa sen không mọc lên từ đất sạch, mà nhờ bùn nhơ để tăng trưởng và cuối cùng nở hoa thơm ngát giữa hư không.

Cũng vậy, Bồ-đề Niết-bàn không tồn tại ở một cõi thanh tịnh nào đó xa xôi, mà ở ngay trong phiền não nhiễm ô của cuộc đời. Nếu sáu căn tiếp xúc sáu trần mà khởi niệm phân biệt đẹp-xấu, ta-người, thương-ghét... đó là dính mắc. Vì dính mắc nên tạo nghiệp trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Nếu sáu căn tiếp xúc sáu trần không có tâm chia chẻ hai bên, ngay đó là giải thoát.

Cho nên, chúng sanh thấy sắc thì chạy theo bóng sắc, đó là “quên mình theo vật”; người đã hiểu đạo lý vẫn nhìn thấy sắc, nhưng thầm sống với bản tâm thanh tịnh chính mình, ấy là ý nghĩa “Kiến sắc minh tâm”. Giải thoát sinh diệt không có nghĩa là trốn tránh trạng thái sinh diệt; mà ở nơi sinh diệt thấy được cái chưa từng sinh diệt, nơi ảo ảnh nhận được chỗ miên trường, nơi Ta-bà mà an lập Tịnh độ.

Do vậy, người tu vẫn tham gia vào mọi sinh hoạt lành mạnh của xã hội, vẫn thọ dụng những nhu cầu chính đáng của bản thân, vẫn sống và làm việc bình thường, nhưng sống khế hợp với tự tánh. Xuân về, trăm hoa đua nở chúng ta đều biết, nhưng chúng ta vui xuân trong sự tỉnh thức, không chạy theo ảo ảnh sinh diệt bên ngoài.

An trú trong chánh niệm, đặt tâm vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ thấy quan niệm về thời gian, không gian chỉ là sản phẩm của vọng tưởng, và mùa xuân tự tâm luôn luôn hiện hữu, không đi không đến bao giờ. Lúc ấy, chúng ta cũng đón xuân thế gian một cách tùy duyên tùy tục, vẫn nhịp nhàng với cuộc sống đời thường; nhưng mỗi giây phút chúng ta vững chãi và thảnh thơi trong thực tại nhiệm mầu.

Trong không khí rộn ràng tưng bừng của những ngày đầu xuân, những người con Phật chúng ta nên xoay lại chính mình, bằng tinh thần phản quan tự kỷ, để nhận ra tâm xuân bất sanh bất diệt hằng hữu. Cầu chúc tất cả luôn sống được trọn vẹn với mùa xuân ấy, để đạt được niềm an lạc tự tại giữa dòng đời vô thường sinh diệt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.