Tâm tạo ra tất cả

NSGN - Tâm lý học tìm hiểu các động lực phát sinh và sự vận hành các hiện tượng tâm lý của con người. Tâm lý học cũng như các ngành khoa học khác, bắt nguồn từ triết học và trải qua hàng ngàn năm, tâm lý học mới trở thành một ngành học chuyên môn.

Trong chuyên đề kỳ này, có những bài đề cập đến những lý thuyết về tâm lý học hiện đại và những điểm tương đồng hay dị biệt giữa tâm lý học và Phật giáo. Vì vậy, chúng tôi xin nói đến vấn đề chính yếu trong Phật pháp là tâm tạo ra tất cả.

nsgn.jpg


Trong rất nhiều bài pháp của Đức Phật, Ngài luôn giảng dạy về tâm;
vì theo trí giác của Phật, tâm là người chủ sanh ra vạn vật - Tranh PGNN

Kinh điển Phật giáo thường đề cập rất nhiều đến sự hiện hữu của tâm và lực tác động của tâm đến đời sống con người. Có thể nói, ngoài hệ tâm học, còn có hệ Duy thức học. Duy thức học cũng phân tích, chia chẻ rất chi tiết cái tâm của con người, giải thích vai trò của tâm tồn tại, ảnh hưởng thế nào trong sinh hoạt hàng ngày của con người trong hiện đời cũng như trong đời sống kế tiếp. Việc phân tích tỉ mỉ như vậy để điều chỉnh tâm trên bước đường tu còn có muôn ngàn sai khác nữa.

Có thể khẳng định rằng tâm học trong Phật giáo được quan sát, ghi nhận quá sâu rộng. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một trong những khía cạnh chính yếu của tâm theo tinh thần Phật giáo Đại thừa. Trong rất nhiều bài pháp của Đức Phật, Ngài luôn giảng dạy về tâm; vì theo trí giác của Phật, tâm là người chủ sanh ra vạn vật. Vì thế, trong hầu hết kinh điển Đại thừa đều đưa ra những phân tích, lý giải về tâm một cách sâu sắc, nhằm giúp cho hàng đệ tử Phật thấy biết đúng đắn vai trò chủ yếu của tâm đã hoạt động như thế nào để tạo thành đời sống của con người thăng hoa tốt lành, thánh thiện, hay xấu ác, sa đọa và nó không những ảnh hưởng trong một đời hiện tại, mà cả một chuỗi dài đời sống trong dòng sinh mạng tương tục của kiếp trầm luân.

Trong các kinh điển Đại thừa, nhắc đến bộ kinh Hoa nghiêm là chúng ta nhớ ngay đến lời dạy nổi bật của Đức Phật “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nghĩa là muôn sự, muôn vật, muôn loài đều do tâm mà hình thành, hiện hữu. Từ căn bản của tâm chủ động ấy, người tu theo Hoa nghiêm nỗ lực vận dụng pháp tu để điều chỉnh tâm, chuyển đổi tâm sinh hoạt theo hướng tốt lành của Phật pháp.

Trên bước đường tu, hành giả Hoa nghiêm làm công việc điều chỉnh tâm cho tốt đẹp đối trước phản ứng của người, hay hoàn cảnh thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Thật vậy, thực tế cuộc sống cho thấy rõ nếu không để cho vật hay người tác động, thì tâm không sanh ra. Ý thức sâu sắc điều cốt lõi này, chúng ta thấy nếu tâm không khởi thì mọi hiện tượng không có đối với người tu. Vì thế, người tu Thiền thường nhiếp tâm lại, đóng kín sáu giác quan. Nhờ vậy, con người và sự vật không có đối với họ, nên tâm hồn họ hoàn toàn phẳng lặng, yên ổn. Trạng thái tu chứng này của Thiền sư, đạo Phật gọi là Niết-bàn, thể hiện sự an lành nhất. Đó là lý tưởng trong đạo Phật về sự tu chứng của tâm.

Tâm không sanh thì pháp diệt, nhưng tâm con người lại luôn sanh khởi. Nếu tâm không sanh, mà lại rơi vào tình trạng vô giác, vô tri, thì ngồi yên suốt một kiếp cũng không được gì; vì đã biến đổi con người có tri giác của mình trở thành vô giác vô tri. Người tu phạm sai lầm này trong nhà Thiền gọi là than nguội, củi mục, không lợi ích gì cho cuộc đời.

Tiếp xúc thì tâm sanh khởi. Không tiếp xúc thì thành vô giác vô tri. Hai thái cực sống này đều không đúng. Vì cuộc đời tu hành của Đức Phật đã cho chúng ta nhận thấy rõ rằng Ngài không ngồi dưới cây bồ-đề để thành vô giác vô tri và trên bước đường giáo hóa độ sanh, Đức Phật cũng không lăn xả vào đời để bị phiền muộn, khổ đau.

Đức Phật khẳng định rằng mọi vật, mọi người, nói chung là thiên nhiên và xã hội không đáng sợ, không đáng ghét như chúng ta nghĩ tưởng. Từ bỏ thiên nhiên và xã hội là thái độ sai lầm lớn nhất. Chúng ta nhận thấy trong nhiều bài thơ ngộ đạo của các Thiền sư phần nhiều diễn tả cái đẹp, sự tinh khiết của thiên nhiên và con người.

Tâm trong sáng, tốt đẹp được kinh Hoa nghiêm thể hiện rõ nét qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử bước chân vào đời, nhận thấy tất cả mọi người, ai cũng tốt đẹp. Nói cách khác, nếu biết vận dụng pháp, hay xử sự tốt đẹp thì mọi việc đều tốt đẹp; không xử sự tốt, chắc chắn phải lãnh hậu quả xấu. Phật dạy do tâm tạo, do mình nghĩ, mình xử sự mà việc tốt hay xấu là vậy.

Để ngọn đèn Chánh pháp của Phật soi sáng mãi cho nhân loại, tinh thần Phật giáo Đại thừa quan niệm giáp mặt với cuộc đời, hòa mình vào cuộc sống của thế nhân, sống sao cho tốt đẹp, có lợi ích cho muôn người; như mẫu người lý tưởng là Thiện Tài vào đời hành đạo một cách tự tại, vô ngã, vị tha, không phân biệt giai cấp, tuổi tác, giới tính. Đối với Đức Phật, với Thiện Tài, hay với hành giả ngộ đạo, không có gì là không đẹp trên thế gian diễn tiến không ngừng này, không có gì không phải là Phật. Lời dạy chuyên chở giá trị vĩnh hằng này của kinh Hoa nghiêm là hành trang vô cùng quý báu đối với tất cả hàng đệ tử Phật “Mỗi bước chân đi, hoa sen nở”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.