Tấm lòng vị lương y khuyết tật

GN - Men theo con đường nhỏ dẫn vào khu chợ Văn Xá, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà cách thành phố Huế hơn 10km, chúng tôi tìm đến nhà lương y Hoàng Ngọc Ninh, 68 tuổi - một lương y khuyết tật chữa khỏi bệnh điên…

Thầy thuốc đi xe ba bánh

“Cuộc đời không cho không ai thứ gì và cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Ông trời có mắt chú ạ! Tuổi thơ tôi bị liệt đôi chân không thể đi lại, tưởng chừng như cuộc đời sẽ khép lại với tấm thân tật nguyền này nhưng số phận rồi cũng mỉm cười với bản thân tôi. Tôi học được nghề thuốc gia truyền của tổ tiên, có khả năng chữa bệnh điên và có được gia đình hạnh phúc”. Trong căn nhà nhỏ của mình, lương y Ninh tâm sự với chúng tôi bằng những hồi ức xa xăm về cuộc đời lắm tai ương “sóng dập gió dồi” của mình bằng câu chuyện như thế.

Vào năm 6 tuổi, sau một trận sốt kinh hoàng cơ thể ông bị liệt cả 2 chân không cử động được. Tuổi thơ bình dị của ông Ninh gắn liền với chiếc xe 3 bánh. Học hết cấp 2 do hoàn cảnh quá thiếu thốn, trường học lại xa nhà, thân thể ốm yếu không tự đi học được, ông quyết định nghỉ học ở nhà phụ gia đình. Công việc đầu tiên trong đời ông là vừa phụ nghề may mặc của mẹ vừa phụ gia đình bốc thuốc của cha.

Đến năm 20 tuổi, ông được cha chính thức truyền nghề Đông y bằng phương pháp châm cứu, chẩn mạch theo phương pháp gia truyền. Phương pháp trị bệnh được lương y Ninh khái quát ngắn gọn, muốn điều trị bệnh điên đòi hỏi phải trải qua nhiều giai đoạn trị liệu vô cùng phức tạp, bao gồm uống thuốc hoàn (thuốc viên) kết hợp với châm cứu, bấm huyệt, gõ kim hoa mai theo các đường dây thần kinh trên khắp cơ thể.

ANH LY.jpg
Lương y Hoàng Ngọc Ninh chữa khỏi nhiều bệnh điên - Ảnh: Thanh Quýt

Những phương pháp và bài thuốc cổ truyền mà ông Ninh chữa trị rất có hiệu quả và đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người bị điên rất nặng, họ chạy vạy thuốc thang hết phòng khám này đến bệnh viện nọ, điều trị từ Đông y đến Tây y mà vẫn không biến chuyển nên cuối cùng cũng tìm đến nhờ ông chữa trị.

Theo bà Huỳnh Thị Phức, vợ ông Ninh chia sẻ: “Nhiều ngày bệnh nhân đông, khoảng gần trăm người đến thăm khám, gia đình tôi như một bệnh viện thu nhỏ. Người bệnh nhẹ thì nhức đầu, chóng mặt, nặng thì điên dại, la hét cả ngày phải có người nhà canh giữ thì mới chữa bệnh được.

Bệnh nhân ở đây đông nhất là ở địa bàn Thừa Thiên Huế, xa hơn là các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình cũng khăn đùm, áo gói đến chữa trị. Ngày trước tôi cũng bị đau đầu được ông Ninh (chồng bà bây giờ - PV) chữa khỏi. Cảm động trước tấm lòng tận tụy chữa bệnh không ngại khó khăn nên tôi quyết định lấy ổng làm chồng bỏ ngoài tai những lời dị nghị của bà con trong làng ngoài xóm cho rằng hai người như “đôi đũa lệch”không xứng đôi…” - bà Phức nói thêm rồi tủm tỉm cười.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…

Gần 50 năm chữa bệnh giúp người, ông Ninh không còn nhớ rõ mình đã chữa hết bệnh và chữa miễn phí cho bao nhiêu người. Nhưng điều mà ông nhớ nhất phải kể đến là trường hợp anh Phạm Văn Phượng, ở xã Hương Toàn, huyện Hương Thủy, TT - Huế bị bệnh rất nặng, gia đình hết phương cứu chữa nằm chờ chết, nhưng may thay được ông chữa trị kịp thời. Cuối cùng, anh Phượng hết bệnh, được ông nhận nuôi và được truyền nghề thuốc. Đến nay, anh Phượng đã có vợ và có một tiệm thuốc Đông y lớn ở trong miền Nam.

Tâm sự với chúng tôi về nghiệp làm thầy thuốc cứu người, ông Ninh bộc bạch: “Cuộc đời tôi trải qua nhiều gian nan thử thách nhưng cuối cùng rồi cuộc đời cũng cho mình được một cái nghề vừa để kiếm sống vừa để cứu người là điều may mắn nhất. Số phận tôi được ông trời chỉ định hành nghề y cứu người thì mình phải gắn bó với cái nghiệp này.

Cứ thấy mỗi bệnh nhân khỏi bệnh được hòa nhập với cộng đồng, được trở về như người bình thường thì niềm vui của tôi nhân lên gấp bội. Người bị bệnh điên họ tội lắm do rối loạn thần kinh, hay những áp lực căng thẳng trong cuộc sống nên hệ thần kinh họ có vấn đề.

Nhiều người hiểu biết gọi họ mắc chứng rối loạn thần kinh, chứ nhiều người mê tín dị đoan thấy con em mình mắc bệnh mà không đưa đi khám ngay mà khăng khăng gọi là “ma đưa, quỷ ám” cứ hết đưa đi thầy cúng này đến thầy bói nọ, cuối cùng đến đây chữa trị thì bệnh đã trở nặng và điều trị rất khó khăn…”.

Theo như nhiều bệnh nhân đến điều trị tại nhà lương y Ninh, họ đều cho biết ông Ninh chữa bệnh vì lòng thương người chứ không quan trọng đến chuyện tiền bạc, vật chất. Nhiều người ở tỉnh xa tới chữa bệnh được ông và gia đình đón tiếp tử tế, lo chỗ ăn ở đàng hoàng, chờ khi chữa hết bệnh mới cho về nhà.

Nhiều lúc bệnh nhân đông, người bệnh nổi cơn la hét, co giật…  tưởng chừng làm lương y mệt mỏi nhưng điều đó lại là động lực để ông quyết tâm chữa hết bệnh cho họ. Vì lẽ hơn ai hết, ông Ninh cảm nhận được những thiệt thòi từ cuộc sống khi phải mang bệnh tật…

Với những cống hiến thầm lặng của mình, lương y Hoàng Ngọc Ninh là lương y duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được Tổng hội Y học Việt Nam mời đến dự lễ tôn vinh “Gia tộc lương y, lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng và thương hiệu chăm sóc sức khỏe , sắc đẹp uy tín” lần thứ nhất 2014 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24-5-2014.  Đó là một sự ghi nhận đáng trân trọng mà xã hội dành cho ông Ninh, một con người vì mọi người.

Trong mắt bà con  làng An Xá, ông được mọi người xem là “thần y”, ông không chỉ chữa khỏi cho những người bị bệnh điên mà còn đem lại những niềm tin, hy vọng cho những người bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn cần được chữa trị. Ông luôn tâm niệm và hành động theo suy nghĩ: “Làm nghề y không màng danh lợi, cái mong muốn nhất trong ông là chữa trị dứt điểm những cơn đau cho người bệnh, mong muốn họ được khỏe mạnh, hạnh phúc như bao người khác”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.