Tài sản của người tu

Đức Thế Tôn, bậc Chánh đẳng giác
Đức Thế Tôn, bậc Chánh đẳng giác
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nói đến tài sản người ta thường nghĩ đến sự sở hữu nhiều thứ như tiền bạc, nhà cửa, đất đai… Càng có nhiều tài sản thì càng được tiếng giàu có và nhất là cảm giác ổn định, bền vững trong cuộc sống được gia cố vững chắc thêm.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản này, thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, trộm cắp… say sưa, gọi là giới tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có sợ hãi đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là quý tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chánh kiến, gọi là văn tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử với tâm từ bỏ xan tham, ưa thích xả bỏ, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này, được gọi là không nghèo khổ.

(Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng chi bộ III, chương 7, phẩm Tài sản, phần Các tài sản rộng thuyết, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.280)

Nói đến tài sản người ta thường nghĩ đến sự sở hữu nhiều thứ như tiền bạc, nhà cửa, đất đai… Càng có nhiều tài sản thì càng được tiếng giàu có và nhất là cảm giác ổn định, bền vững trong cuộc sống được gia cố vững chắc thêm. Vì thế, làm giàu đúng đắn, lương thiện là tiêu chí chung cho toàn thể nhân loại phấn đấu, hướng đến xây dựng một đời sống hoàn thiện, sung mãn.

Tuy vậy, xây dựng tài sản vật chất chỉ là một phần của cuộc sống. Sẽ là một sai sót lớn cho cá nhân và cả xã hội nếu chỉ chú trọng tạo dựng tài sản vật chất mà xem nhẹ hoặc quên mất việc làm giàu, phát triển tài sản tinh thần. Sự mất quân bình trong quá trình phát triển vật chất và tinh thần sẽ tạo ra những khủng hoảng xã hội, nhất là các vấn đề như băng hoại đạo đức, suy đồi nhân cách, những quan niệm sống lệch lạc thiên về hưởng thụ, vong thân vong bản…

Đối với người tu thì “xả phú cầu bần” là một trong những điều kiện cần để góp phần tích lũy, thăng hoa gia sản tinh thần. Tài sản tinh thần tuy vô hình nhưng rất đồ sộ và không khó để tạo dựng. Chẳng cần phải cạnh tranh khốc liệt kiểu “thương trường là chiến trường” vẫn kiến tạo được tài sản tinh thần tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ.

Tài sản tinh thần là tặng phẩm của tạo hóa vốn dĩ hào phóng ban tặng đầy đủ cho mỗi người. Tìm lại những gì thánh thiện uyên nguyên đã lãng quên và đánh mất là cách làm giàu của người tu. Tài sản này một khi đã tích lũy được sẽ làm cho những ai sở hữu nó thật sự giàu có, hạnh phúc và bền vững trước mọi biến động của thời cuộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.