Tắc trách với chính mình!

Lẽ ra, ta cần phải chăm sóc bản thân mình đàng hoàng, tử tế cả thân lẫn tâm, nhưng vì lý do nào đó mà ta đã tắc trách với ta bằng sự vô tâm, hời hợt. Phụ rẩy chính mình là căn bệnh mà người hiện đại thường bị, bởi vì đã không biết thương mình nhiều thứ lắm.

Cứ mải mê với công việc, bằng cấp và những nhu cầu hưởng thụ mà người hiện đại đã bỏ bê bản thân. Làm việc quên ăn, suốt ngày trang sức cho bản thân nhiều thứ gây tổn hại sức khỏe mà mình nghĩ là sành điệu, là mô-đen, hợp thời. Ăn chơi sa đọa, lao vào những thú vui nhất thời, thâu đêm suốt sáng… là cái cách mà người hiện đại, trẻ tuổi xem là hưởng thụ, là cách để sống kịp thời đại.

thuong minh.jpg

Biết thương mình cũng là thương người - Ảnh minh họa

Tắc trách với chính mình là ta thiếu chăm sóc phần thân, hay như đã trình bày chính là ta chăm sóc, chiều chuộng… không đúng cách. Ta hiểu không đúng về việc chăm sóc bản thân nên ta làm hỏng chính mình, từ thân tới tâm.

Thân và tâm thực ra không tách rời nhau, nương nhau biểu hiện nên hễ ta quá chiều chuộng bản thân thì tâm ta cũng trở nên ngang bướng, yếu đuối, dễ tổn thương. Nếu ta không nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng thực dưỡng lành tính, để tâm hồn ăn uống say sưa những ích kỷ, nhỏ nhen, vụ lợi… thì càng ngày bản thân ta sẽ càng trở nên nguy hiểm, xấu xí trong mắt mọi người.

Thước đo chính xác và công bình nhứt chính là những phản ứng chơn thật của mọi người dành cho mình. Khi gần mình, tiếp xúc với mình mà người ta có an lạc, hạnh phúc thì mình đang mang trong mình năng lượng an lạc, hạnh phúc. Ngược lại, khi bên mình mà người ta bất an, lo lắng, đề phòng, thiếu tin tưởng… nghĩa là mình đang có nhiều nỗi khổ niềm đau, đang có những mưu toan, tâm hồn mình không trong sáng.

Nhìn người, hai từ này không phải chỉ dành để soi mói mà dành để quan sát sự phản ứng của người khác đối với mình, dành cho mình.

Nhìn người để sửa mình, tất nhiên, không phải kiểu của anh đẽo cày giữa đường, ai nói kiểu gì cũng nghe mà là nghe ngóng một cách chơn thành, có chọn lọc, có trí tuệ. Muốn vậy phải thực tập, phải học cách lắng nghe, ban đầu có thể hơi khó và mình có thể sẽ thất bại, nhưng nếu mình kiên trì và chịu khó học hỏi cách lắng nghe của bậc thánh (không phán xét, không phản ứng, nghĩa là không để cho cái tôi cá nhân chi phối, dẫn tới hờn giận hoặc trách móc, bảo thủ…).

Khi nhiều người quay lưng với mình hoặc không đồng tình với những điều mình nói hoặc làm, hay với những dự định mà mình đang, sẽ tiến hành thì mình nên xem xét thật kỹ, thật chu đáo, lắng nghe những lý do cũng như bộc bạch của người để có cách thay đổi theo hướng thuận hòa, đúng đắn. Trí tuệ và tư duy của số đông bao giờ cũng chính xác hơn là một, tất nhiên, đôi khi số ít, bản thân mình cũng có thể đúng nhất, nhưng mình không nên cố chấp, vì rất có thể cái đúng mà mình nghĩ chưa hợp thời, người khác chưa hiểu. Chịu khó giải thích, trình bày một cách chơn thành để người ta hiểu mình cũng là cách sống cần thiết, hợp lòng người.

Tắc trách trong việc bỏ ác làm lành chính là tắc trách với chính mình, đẩy mình vào con đường tử sanh, đau khổ triền miên.

Hợp lòng người là chìa khóa để thành công, bởi mình không thể đơn độc bước đi trên con đường nhiều chông gai, nhiều thử thách và cả những cám dỗ ngọt ngào khác. Chính vì vậy, bạn bè trong đời sống hay bạn đồng tu trong giềng mối bạn đạo rất cần thiết để nâng đỡ, dắt dìu nhau bước qua những khó khăn, vượt qua khổ đau, ách tắc…

Tất nhiên, mình không thể hợp lòng hết thảy mọi người, bởi trong cõi đúng-sai, chấp trước, hơn-thua, được-mất… còn phân biệt và tồn tại như cõi Ta-bà này thì mình phải chấp nhận phần chống báng, nghịch ý. Kẻ chứa trong mình phần bất thiện nhiều sẽ chống người thiện, người hiền bởi đi nghịch lại họ, cản trở họ. Đó là chưa kể, trong cuộc sống vô thủy vô chung, những nhơn duyên tương hợp trùng trùng của vòng luân hồi sinh tử này mình đã từng gây tạo oán đối vô số kể, vì tham-sân-si!

Nên, khi mình nhận diện được nẻo chánh, đường tà, thấy con đường sáng thì việc trước tiên mình cần làm là đứng trên nền tảng đạo đức nhân-quả, quán chiếu mọi thứ theo hướng này thì mình sẽ liền dừng lại ngay niệm hơn thua, cố chấp, biết sửa sai (vì biết sợ quả xấu) và biết gieo tạo phước lành vì hiểu đó là bệ phóng để mình thành tựu con đường chánh giác.

Đi thì sẽ tới, tới nhanh hay chậm thì tùy khả năng đi và tùy vào việc mình có biết con đường đi (gần-xa sai khác)… Nói chung là nhiều yếu tố, nhưng, cái quan trọng nhứt vẫn là nỗ lực của tự thân, bao hàm sự tinh tấn, vững chãi trên lộ trình tu chỉnh thân tâm. Thông thường, mình dễ duôi với hoàn cảnh, cuộc sống và thường quên nhiều lần để rồi cứ trồi sụt mãi trên đường đến bến giác.

Tắc trách trong việc bỏ ác làm lành chính là tắc trách với chính mình, đẩy mình vào con đường tử sanh, đau khổ triền miên. Nhưng vì không hiểu hoặc hiểu chưa tới, thi thoảng mình vẫn trách nhiều thứ lắm, và càng như vậy thì mình càng khổ đau, càng dễ rời xa con đường sáng, lẩn quẩn, loanh quanh với ma đạo (lúc nào cũng sẵn sàng đón lõng mình).

Do vậy, thay vì cứ nhìn người khác khổ đau, mình đem ra bàn luận, trách móc… thì mình hãy nhìn vào chính những vết nhơ, vết đau của mình để chăm sóc, để từng bước tịnh hóa thân tâm, đi trên con đường giác ngộ thật vững chãi. Đó là cách tư duy tích cực, loại trừ việc mình trách đời, trách trời và loại cả việc mình cứ đi loanh quanh làm mỏi mệt chính mình!

Nghĩ điều này, để ta ngộ ra rằng ta từng tắc trách với bản thân, rất nhiều lần không làm tròn trách nhiệm với chính mình, gieo tạo nhơn xấu cho mình mà mình chẳng hay, chẳng biết.

Lưu Đình Long (Tạp chí Hương Pháp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.