“Mai rồi mưa tạnh trong xuân”
GN - 45 tản văn nhẹ nhàng, đầy đặn, cảm xúc, không đơn thuần chỉ là đường mưa, đường sương, đường có những cây phượng vĩ đơm hoa đỏ rực, với những hình ảnh đẹp, mà sâu thẳm ở những trang viết chính là con đường tươi mát, lấp lánh năng lượng thiện lành…
Từ câu chuyện về mưa bụi
“Mai rồi mưa tạnh trong xuân”, tác giả Thái Kim Lan kể câu chuyện cùng một người bạn ở Đức tên Lisa, bạn hào hứng về Huế để đón nắng. Cuộc hành trình bắt đầu bằng lời hứa của tác giả Thái Kim Lan: “Huế nắng ghê lắm, nhiều khi phải trốn” và Lisa rất thích điều đó. Nhưng khi về Huế, tháng 3 trời mưa bụi, ngày nào cũng mưa. Ngày thứ nhất, Lisa thấy mưa cũng đẹp. Ngày thứ 2, Lisa đã bắt đầu thấy chán. Ngày thứ ba thì mặt Lisa dài ngoẵng ra, mưa ướt át quá không chịu nổi và cứ hỏi bao giờ thì nắng lên. “Đến ngày thứ 5 trời vẫn nửa nắng nửa mưa, Lisa hết kiên nhẫn, tôi nhìn bạn thương hại, trong sân mưa vẫn bay bay, chẳng có dấu hiệu nắng lên, tôi đành buột miệng nói liều: ‘Mai rồi mưa tạnh trong xuân’, cốt để làm dịu nỗi nung nấu của người bạn đáng thương”…
Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan
“Sở dĩ tôi chọn đề tài này là vì tôi muốn nói giọt mưa là cái chi nó rất nhẹ, nó có thể ở trên không, có thể rơi, có thể dừng lại ở một khoảnh khắc nào đó trên lá cây và nó có thể biến thái thành muôn hình vạn trạng, nhưng mà nó rất là nhẹ. Nó không coi trọng cái gì là nghiêm trọng hay đè nén con người xuống, làm cho con người phải lao đao chạy theo thứ gì đó, mà có thể làm mất mình.
Thành thử, ‘Mai rồi mưa tạnh trong xuân’ là muốn có đùa chơi một chút trong văn chương. Điểm đặc biệt trong câu ‘Mai rồi mưa tạnh trong xuân’ là một câu từ không có văn phạm, bởi vậy nó không văn chương, nó không văn phạm, nhưng cái không văn phạm này lại cho thấy hơi thở của văn chương. Chính hơi thở của văn chương này là cảm hứng của người viết”, tác giả chia sẻ.
Trong dòng cảm xúc đó, tác giả đã bộc bạch thêm rằng: “Nhân vật chính tự sự trong quyển sách ‘Mai rồi mưa tạnh trong xuân’ không phải là người viết mà là cây, là cỏ, là hoa, là lá, là bạn bè, là người thân. Mình viết vì động tâm trong một khung cảnh, xao xuyến nào đó. Và người viết có cảm giác nếu mình không viết thì không được”. Tuy nhiên, thông qua những tản văn này, người đọc lại cảm nhận được rất rõ hình bóng của tác giả, tình cảm của tác giả, đặc biệt là tư tưởng, nếp sống của tác giả, với đong đầy tình thương, lòng trắc ẩn, tính nhân văn khởi lên trong từng con chữ.
Vậy thì cái gì ẩn đằng sau những hạt mưa bụi? Thông điệp gì ẩn đằng sau sự cướp bắt “đùa chơi một chút trong văn chương” của tác giả Thái Kim Lan? Câu trả lời có lẽ nép mình trong tản văn “Trà sớm và Vu lan muộn”.
Triết lý nhân sinh về chuyển hóa khổ đau
Nhắc đến Vu lan, nhiều người sẽ nhớ đến câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên đi tìm mẹ, người mẹ làm việc bất thiện, bị đọa địa ngục và người con hiếu thảo đau khổ tìm cách cứu. Câu chuyện trong tản văn “Trà sớm với Vu lan muộn” của Thái Kim Lan, cũng là câu chuyện đi tìm mẹ, cũng là cuộc trò chuyện của nhân vật và người mẹ nơi địa ngục nhưng tác giả lại có góc tiếp cận khác.
Tác giả Thái Kim Lan kể lại câu chuyện đối thoại với mẹ của mình: “Trong cửa địa ngục này, không ai nói cả, con ạ, đó là phương thức làm lành mọi đau khổ mà mạ thực hiện ở đây. Mọi người nơi đây hiểu nhau mà không phải nói nhiều. Ở trần gian, họ đã nói nhiều quá, hiểu lầm nhau, vu vạ cho nhau, oan khiên, oan trái, oan ức cứ đời đời kiếp kiếp, không dứt. Ở đây họ tập im lặng và sống thực tình. Không minh oan, không biện giải mà chữa trị, cứu lành. Nhiều lắm chỉ được viết, nhưng chỉ viết trên lá, trên hoa, không hạ chữ như gươm dao giết người. Khó nhất là viết từ trái tim, đó là nấc cuối của việc học mà mạ đang hướng dẫn cho những người không thuộc thập loại chúng sanh của cõi luân hồi. Cửa ngục thứ 11 này dành cho những người đáng được thương yêu, hạnh phúc vì họ bị quá nhiều oan trái. Con à, mạ thương”.
Không gay gắt, không bi lụy mà đong đầy tình thương, đó là hơi thở trong mỗi tản văn của Thái Kim Lan. Người đọc không chỉ cảm nhận được sự dịu mát từ cái tình, từ sự nhân văn của tác giả, mà còn cảm nhận được thông điệp tích cực, chiều sâu về sức mạnh ngầm không thể nghĩ bàn của người mẹ. Đó là, tình thương của mẹ, năng lượng vững chãi, có thể chuyển hóa được nỗi sợ hãi của người con, có thể trị liệu làm lành được tất cả những vết thương cho người con, dù người mẹ có đang ở địa ngục. Mà cái tình không khoảng cách đó lại được tác giả khắc họa vừa mềm mại, sâu sắc, mà da diết khôn nguôi: “Mạ luôn ở bên con, nếu con nhớ mạ như mạ nhớ con thì đời nào kiếp nào mạ con mình cũng gần nhau”.
Với quan niệm, tấm lòng rộng mở như trên, Vu lan của Thái Kim Lan bỗng nhiên là một con đường trị liệu, địa ngục không còn là địa ngục. Như tác giả trải lòng: “Triết lý thâm sâu của Phật giáo chính là chỉ ra được con người không phải là ác và xấu, mà con người bệnh và không bệnh. Khi bệnh, thì không nên có sự trừng phạt mà chỉ có trị liệu, làm lành vết thương và chữa bệnh để con người lành mạnh trở lại. Đây là một trong những ý tưởng trong ‘Mai rồi mưa tạnh trong xuân’”. Với tấm lòng rộng mở đó, nhìn cuộc sống bằng cả trái tim hiểu và thương, lời văn lác đác nhẹ nhàng của Thái Kim Lan như mạch nước ngầm lặng thầm chảy về nguồn, đi vào tâm thức, tưới mát tâm hồn cho người đọc.
Mai rồi mưa tạnh trong xuân’ - tác phẩm mới nhất của TS Thái Kim Lan
Trong “Đốt lò hương ấy” mà tác giả Thái Kim Lan đã ra mắt trước đây, tác giả từng quan niệm: “Hạnh phúc không phải là khái niệm trừu tượng mà là một cảm giác an lạc, vui trong an bình”. Trong cuộc sống, tác giả không chỉ thực tập và sống trong niềm hỷ lạc đó, mà còn truyền đi năng lượng an bình đó đến với nhiều người, về niềm tin lạc quan với cuộc sống. “Với ‘Mai rồi mưa tạnh trong xuân’, người viết mặc dù trong tình thế rất là đam mê, nhưng đồng thời vùng vẫy ở trong một khoảng trời tự do khác, để tìm ra được cách đi của mình”, tác giả nói. Thế thôi cũng đủ hiểu, để tác phẩm này ra đời, tác giả đã trăn trở, thao thức rất nhiều. Quyển sách này đây gói trong đó không chỉ có kiến thức, mà rất nặng chữ tình của người tác giả.
Thử nghĩ mà xem, khi chúng ta nhìn đời với đôi mắt hiểu và thương, không khắt khe, không phán xét với người lầm lỗi, thì có phải là ta đang làm được hai việc thiện sóng đôi? Bởi, mở lòng với người đang “bệnh”, không chỉ đơn thuần là động viên họ trị liệu, chào đón người mạnh khỏe trở về; mà ngay thời khắc mở lòng đó, chính chúng ta cũng đã bước chân sâu hơn vào con đường của sự tỉnh giác, hướng thượng!
Trong tâm hồn đẹp luôn lấp lánh ý nghĩ đẹp. “Mai rồi mưa tạnh trong xuân”, do Nxb Kim Đồng ấn hành - rồi thì những gì đau khổ, những gì không tốt đẹp cũng sẽ đi qua, như kinh Phật đã nói, mọi người rồi cũng sẽ là Phật, là vị Phật sẽ thành trong tương lai.