Sự phục hưng của Phật giáo tại Trung Quốc

GN - Pháp sư Thích Từ Mãn, Phó Thư ký Hiệp hội Phật giáo tỉnh Chiết Giang, Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo thành phố Hồ Châu là một trong những gương mặt Tăng sĩ trẻ tham gia hàng ngũ lãnh đạo của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.

Sinh năm 1978, có duyên lành học Phật từ năm lên lớp bảy, nhưng mãi cho đến khi học đại học năm thứ hai, thầy mới chính thức xuống tóc xuất gia, dốc chí tu học nếp sống thiền môn. Sau khi tốt nghiệp Phật học viện Linh Nham thuộc tổ đình của ngài Ấn Quang, được giữ lại làm giảng viên của Học viện trong hai năm, Pháp sư Thích Từ Mãn đã được chư vị giáo phẩm tổ đình Linh Phong thuộc Tịnh Độ tông của Đại sư Trí Húc chọn phụ việc điều hành tổ đình.

Năm 2013, Ban Tôn giáo và chính quyền thành phố Hồ Châu có kế hoạch trùng kiến tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc thiền tự, một ngôi tổ đình có lịch sử lâu đời, gắn liền với Tổ sư Việt Nam là ngài Thủy Nguyệt, người Thái Bình, vị Sơ tổ của phái thiền Tào Động tại nước ta, vị Tăng trẻ này lại được Hiệp hội Phật giáo cũng như chính quyền đồng thuận tin tưởng giao phó đảm nhận công việc trên.

Cách mạng văn hóa (1966 - 1976) đã phá hủy nền tảng văn hóa của Trung Quốc một cách khốc liệt, trong đó Phật giáo cũng chịu chung số phận.

IMG_9848.jpg
Pháp sư Thích Từ Mãn đang giới thiệu về vật liệu
ngói dùng lợp chánh điện Hộ Quốc Nhân Vương thiền tự - Ảnh: H.Đ

Còn nhớ gần hai mươi năm trước, lúc Trung Quốc cử đoàn Phật giáo đến nước ta để “học tập kinh nghiệm”, thì nay, khi đoàn GHPGVN sang thăm mười mấy cơ sở thuộc Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cuối năm 2016 vừa qua đã thấy được sự hồi sinh rất mạnh mẽ, một diện mạo đầy sinh khí. Cơ sở tự viện được xây dựng một cách quy mô, có hơn 100 Phật học viện đào tạo Tăng Ni và cư sĩ, tín đồ đến chùa lễ bái hàng ngày ở tứ đại danh sơn tấp nập như trẩy hội, đặc biệt là lớp tu sĩ trẻ được đào tạo căn bản, du học ở nhiều nước trở về tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo, các tổ đình lớn được bảo tồn về cơ sở vật chất lẫn truyền thống thiền môn nghiêm mật... khiến không ít người trầm trồ sự phục hưng một cách kỳ diệu của Phật giáo trên xứ sở của các vị Bồ-tát. Còn đó những vấn đề của Phật giáo sau khi bị gián đoạn bởi các biến cố văn hóa trong lịch sử của Trung Quốc, nhưng nhìn hướng đi của Phật giáo trên đất nước này, đặc biệt là với cách đào tạo Tăng Ni, sự tự tin và nhiệt thành của lớp Tăng sĩ trẻ tham gia điều hành Phật sự ở các cơ sở tự viện, tổ chức Phật giáo thuộc Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, không nghi ngờ gì nữa, Phật giáo đang trở lại, là đại biểu cho văn hóa có sự ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều quốc gia trong khu vực.

Trò chuyện với Giác Ngộ, Pháp sư Từ Mãn, một trong những gương mặt lãnh đạo trẻ của Phật giáo Trung Quốc, chia sẻ:

- Phật giáo Trung Quốc được khôi phục từ năm 1979, trong hơn ba mươi năm qua, sự phục hưng về phương diện hoằng pháp, cơ cấu tổ chức, bảo hộ và bảo vệ lợi ích của người xuất gia đã tiến bộ, càng ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một sách lược là phải khôi phục toàn bộ văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Với chính sách đó, Phật giáo cũng được khôi phục và phát triển.

Đối với tự thân Phật giáo, điều quan trọng là ý thức phải giữ được truyền thống, bảo vệ vững chắc lịch sử; đồng thời phải biết lợi dụng và sử dụng cho được các phương tiện truyền thông, công nghệ cũng như phương pháp tư duy hiện đại để truyền bá một cách sâu rộng tư tưởng Phật giáo, giáo lý của Đức Phật. Nhu cầu về tín ngưỡng cũng như tu học của con người trong xã hội Trung Quốc rất cao, do vậy, Phật giáo phải tìm cách ứng dụng các tiện ích hiện đại để đáp ứng nhu cầu đó một cách trọn vẹn. Đó là những nội dung trước mắt mà Phật giáo Trung Quốc đã và đang nỗ lực thực hiện.

Cho đến nay, số lượng chùa chiền hợp pháp, có đăng ký và được công nhận tại Trung Quốc đã lên tới hơn 40 nghìn cơ sở. (Đó là chưa kể đến hàng chục nghìn cơ sở tự lập, sinh hoạt ngoài hệ thống Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và chưa được chính quyền công nhận - PV).

Những năm đầu khi mới khôi phục thì quần chúng tín đồ chủ yếu là các cụ già, người cao tuổi. Trong những năm gần đây, các thành phần ưu tú của xã hội, tầng lớp trí thức và người trẻ đã đến với Phật giáo để tìm hiểu, học Phật, quy y và xuất gia làm Tăng sĩ ngày càng nhiều hơn.

Đặc biệt, hệ thống giáo dục Tăng Ni ngày càng được chú trọng và hoàn thiện với hơn 100 cơ sở Phật học viện trên toàn quốc. Về người xuất gia, số lượng cũng như chất lượng ngày càng được nâng cao. Hệ thống tổ chức Phật giáo càng ngày càng được hoàn thiện.

Trong mấy năm trở lại đây, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đã cấp Tăng tịch cho Tăng Ni. Mỗi Tăng Ni được công nhận đều có mã vạch, quản lý điện tử và đều có bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, trong đó Chính phủ trợ cấp 10%, bản thân vị Tăng / Ni tự lo 10%, 80% còn lại cơ sở tự viện nơi Tăng Ni đó tu học sẽ phải chịu trách nhiệm. Và khi đến tuổi 60, mỗi Tăng / Ni đều có được nhận trợ cấp xã hội theo quy định của nhà nước.

Phật giáo Trung Quốc chủ yếu là Phật giáo Bắc tông Hán truyền. Ở những tỉnh như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải thì có hệ thống Tạng truyền. Tại tỉnh Vân Nam có hệ thống Phật giáo Nam truyền.

* Thầy có thể cho biết đôi nét về những hoạt động trọng tâm của Phật giáo Trung Quốc hiện tại?

- Hiện nay, Trung Quốc đang rất chú trọng việc nghiên cứu để rút ra những kinh nghiệm, thành quả về quá trình Trung Quốc hóa Phật giáo trên hai phương diện chính: (1) sau khi du nhập vào Trung Quốc, Phật giáo có tác dụng, ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của xã hội Trung Quốc; và (2) văn hóa Phật giáo đã ảnh hưởng đến văn hóa Trung Quốc ra sao?

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng Phật giáo rất phù hợp cho sự phát triển của đất nước Trung Quốc. Song song đó, nội thân của Phật giáo Trung Quốc càng ngày càng được kiện toàn và vững mạnh.

Đặc biệt, trong quá trình giao lưu quốc tế, những năm gần đây, Phật giáo Trung Quốc đã chú trọng đẩy mạnh việc giao lưu với Phật giáo các nước Âu, Mỹ, cũng như ở châu Á và khu vực Đông Nam Á. Mục đích của việc giao lưu này là nhằm thúc đẩy Phật giáo toàn cầu phát triển.

IMG_9698.jpg


Những gương mặt Tăng Ni sinh viên trẻ được đào tạo
bài bản tại Phật học viện Phổ Đà Sơn, Chiết Giang - Ảnh: H.Đ

* Thầy nghĩ như thế nào về mối tương quan giữa Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Việt Nam, đặc biệt qua mối liên hệ giữa Phật giáo Hồ Châu với phái thiền Tào Động tại Việt Nam?

- Đạo Phật là tôn giáo quốc tế, nên Phật giáo các nước phải thường xuyên có sự giao lưu, ngồi lại với nhau, và có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo trên thế giới này.

Trong việc giao lưu cần phải có một cơ sở, do đó trên mối liên hệ lâu dài giữa Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt pháp mạch của tông phái Tào Động nhánh tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc thiền tự tại Hồ Châu, Trung Quốc và tại Việt Nam phải cùng nhau giữ gìn và phát triển pháp môn tu tập đặc sắc của cả hai bên. Chính truyền thống pháp mạch đó là cơ sở để Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc ngồi lại với nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của cả hai nước.

Cũng qua sự giao lưu trên cơ sở Phật pháp sẽ làm cho quần chúng nhân dân Trung Quốc hiểu hơn về Việt Nam và nhân dân Việt Nam hiểu hơn về Trung Quốc. Chính nhờ sự hiểu biết một cách thấu triệt như vậy thì tình hữu nghị giữa hai quốc gia mới được bền chắc.

Pháp sư Từ Mãn cũng chia sẻ những kế hoạch, chương trình đang ấp ủ về việc thành lập một trung tâm nghiên cứu, giao lưu văn hóa tại ngôi tổ đình Nhân Vương Hộ Quốc thiền tự - Hồ Nam và kế hoạch học tiếng Việt để có thể trao đổi trực tiếp với người Việt trong tương lai gần.

H.Độ thực hiện
(với sự phiên dịch của TT.Thích Giải Hiền
)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.