Sư cô “tiếp sức” cho học sinh nghèo

GN - Cứ đến 11 giờ, con đường vào chùa Bửu Nghiêm, ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp lại đông đúc học sinh ra vào. Khách thập phương mới đến đây cứ ngỡ các em đang đi vào trường học, nhưng không, các em vào chùa để ăn cơm. 4 năm nay, đó là điểm đến ấm lòng cho hàng trăm em học sinh nghèo, lam lũ ở vùng đất còn nhiều phèn chua này.

Tiếp sức đến trường

Một lần, học sinh bên trường bị xỉu, nguyên nhân do đói, nhà trường đã qua chùa xin sư cô trụ trì cho các em nhà xa, gia đình có hoàn cảnh khó ăn cơm, để chiều có sức học tiếp. Chùa nghèo nhưng thương các em, SC.Thích nữ Phước Liên hoan hỷ nhận lời. “Lúc đầu có khoảng 15 em, có ai ngờ từ từ số lượng tăng dần. Đầu năm 2012 là một trăm em hơn; năm 2013 tăng lên thành hơn hai trăm em, thời điểm tháng 9 năm 2014 là hơn ba trăm em”, Sư cô bộc bạch.

anh .JPG

SC.Thích nữ Phước Liên chăm lo bữa cơm cho học sinh nghè

Có em đến chùa ăn cơm vì nhà xa, nhà nghèo, cũng có những em đến chùa ăn cơm vì lý do: “Cơm chùa ngon”. Thanh Thảo, học sinh Trường THPT Châu Thành 1 kể: “Nhà em gần trường, cũng không thuộc diện khó khăn nhưng cơm chùa ngon, đông vui nên em đến ăn. Ăn cơm chùa, riết em lên ký vèo vèo, ngày xưa em ốm nhách hà”. Dễ thương vậy đó nên sư cô không nỡ cắt phần cơm của các em thuộc diện “thích ăn cơm chùa” như thế này. Cô quan niệm: “Các em đến chùa, ăn một bữa cơm chay là tích thêm được phước, các em thích như vậy mình phải cố gắng, chứ không bỏ được”.

Bếp ăn khuyến học giúp các em học sinh nơi đây rất nhiều, tiếp sức các em không chỉ là bữa cơm no bụng mà còn giúp ba mẹ các em đỡ lo. Nếu như trước đây, ba mẹ em Nhật Thảo (học sinh Trường THPT Châu Thành 1) đến giờ trưa phải xin chủ chạy về nhà nấu cơm, để em đi học về có cơm ăn, rồi lật đật đi làm tiếp; còn mẹ không xin về được, em phải tự nấu, ăn rồi đi học tiếp, bây giờ không còn vất vả như vậy.

Có bữa cơm ở chùa, em không phải cong chân đạp xe về nhà trong gió ngược, rồi dãi nắng, có khi dầm mưa tất tả chạy rút lên trường để kịp giờ học ca chiều. Vậy nên, với những học sinh nghèo nơi đây, bữa cơm đạm bạc ở chùa quý giá vô cùng.

Ở vùng đất này, cái nghèo luồn chặt trong những chiếc xe đạp phèn ăn rỉ sét mà nhiều học trò không có tiền sửa. Không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc mà nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến nỗi không có tiền mua sách, vở đi học. Đó cũng là lý do vì sao Sư cô xây dựng cho bằng được tủ sách khuyến học, đi xin sách cũ, học bổng tiếp sức thêm cho những đứa trẻ nghèo, ham học.

Khó khăn, không chùn bước

Là hậu phương vững chắc cho học trò nghèo, dường như Sư cô không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi mà nói đúng hơn thì từ lúc vừa bén duyên với vùng đất này, Sư cô đã nhọc công rồi.

Chị Phương, người dân địa phương kể: “Năm 2008, lúc mới về, chùa chưa có giấy phép, sư cô phải cầm đơn đi đến cơ quan chức năng, Giáo hội để làm giấy tờ; rồi đi xin từng cái chén, cái xoong để nấu ăn. Phải ngủ dưới bàn thờ Phật trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì thanh niên xì-ke, ma túy, những người say xỉn cứ vô chùa quậy phá, thân là nữ nên rất nguy hiểm, chỉ mình Sư cô là dám liều mình ở lại.

Chịu thương, chịu khó, nhờ lòng từ bi, tu hành tinh tấn nên Sư cô đến gần hơn với mọi người. Có rất nhiều thanh thiếu niên nhờ Sư cô cảm hóa mà trở thành người tốt; nhiều anh chị giờ vẫn còn dáng vóc giang hồ nhưng tâm tính đã thay đổi, chí thú làm ăn, không phá xóm làng nữa. Thấy Sư cô hiền lành, thương trẻ con, nuôi cơm học trò nên người ta đem con đến bỏ trước cổng chùa, có người dắt con đến chùa nhờ Sư cô nuôi giùm. Nói là nhờ chứ thật ra là bỏ hẳn, Sư cô cũng nhận, ôm tất cả vào chùa nuôi, chăm sóc đàng hoàng”.

Nhắc đến Sư cô Phước Liên, người dân xã Tân Nhuận Đông dành rất nhiều tình cảm mặn nồng. Bởi lẽ: “Trước khi Sư cô về đây, làng này được mệnh danh là làng sơn trạch, tệ nạn xã hội khá nhiều. Từ ngày Sư cô về, Sư cô cảm hóa được rất nhiều bà con, các em nhỏ. Để giúp các em học sinh cai nghiện game, Sư cô kêu gọi các em đến chùa tụng kinh, 1 tiếng đồng hồ là được hai ngàn đồng; cứ đúng 4 giờ chiều là các em rủ nhau lên chùa tụng kinh.

Rồi đến hè, Sư cô thuê xe cho các em tham gia khóa tu, nhờ vậy mà các em chăm học, bỏ dần tật xấu. Cũng nhờ vậy mà ấp Tân Thuận giờ đã thành ấp văn hóa”, cô Kim Tuyến, Bí thư xã Tân Nhuận Đông nhận định.

TT.Thích Tĩnh Triệt, Trưởng BTS GHPGVN huyện Châu Thành cho biết: “Vùng đất Nha Mân còn rất nhiều khó khăn, nếu như không có tâm huyết thì Tăng Ni dễ nản, khó trụ. Trước Sư cô Phước Liên, có mấy lượt người về nhưng không gắn bó được lâu. Nhờ có tâm, có trí tuệ nên Sư cô hoằng pháp rất tốt. Sư cô rất có uy tín với cả GHPGVN huyện Châu Thành và chính quyền địa phương. Chính vì vậy mà UBND xã rất tin tưởng giao cho Sư cô trọng trách trong Mặt trận xã; là ủy viên MTTQ huyện Châu Thành, đồng thời cũng là Thư ký BTS GHPGVN huyện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.