Sống với nghệ thuật: Ở chùa

Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng còn là một nhà nghiên cứu mỹ thuật có uy tín. Nỗi say mê, nghiền ngẫm nghệ thuật cổ Việt Nam nhất là nghệ thuật và văn hoá làng ở Bắc bộ đã tựu thành một số công trình nghiên cứu chất lượng cao như Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ hoạ cổ Việt Nam, Chùa Dâu và nghệ thuật tứ pháp...

Sống với nghệ thuật: Ở chùa ảnh 1

Ở chùa, Phan Cẩm Thượng, giấy dó, 2007.

Hoạ sĩ có thời gian dài “nằm vùng” ở chùa Bút Tháp, “vân du” danh lam cổ tự mọi miền, thực hành thiền thực thụ. Phong vị thiền và những đặc sắc của mỹ thuật tôn giáo — nhất là từ các ngôi chùa, đình, đền — mà ông hấp thu được đã trở thành một bệ đỡ cho sáng tác đồ hoạ và hội hoạ của hoạ sĩ.

Bức Ở chùa này vẽ trên giấy dó, loại giấy độc đáo của Việt Nam được làm từ vỏ cây dó. Giới mỹ thuật đã quốc tế hoá từ “dó” thành “do” từ hai thập niên trở lại đây. Và quả thực, tranh giấy dó dần dần trở thành loại tranh độc đáo thứ ba của Việt Nam bên cạnh sơn mài và tranh lụa. Mới đây, gallery Âu Cơ — Hà Nội đã làm một triển lãm tranh giấy dó rất được hoan nghênh.

Trong tranh, ba nhân vật, đàn ông và đàn bà, nhà tu hay “chúng sinh” (?) quấn lấy nhau theo chiều ngang trong những trang phục lụng thụng không xác định. Nét mặt và đầu tóc của cả ba rõ ràng ánh xạ các tượng “mặt trắng” hay “phấn hồng” cực duyên dáng tinh khiết trên chùa… Mặt người đàn ông bên phải thì có nét cường điệu trên các bản khắc kinh Phật hay bùa chú. Các bàn tay như các nhành hoa huệ, cách điệu thon dài khá điệu đà như tay Phật bà hay bàn tay các vũ nữ. Các mảng lớn được khuôn trong các nét rất mảnh đối lập với chính chúng. Ba màu đen-nâu-hồng từ các chất liệu tự nhiên thấm nhuộm từ tốn các lớp giấy (giấy dó được xeo theo từng lớp, mỏng nhất là một lớp gọi là “bóc một”, dày nhất có thể tới bảy lớp — “bóc bảy”). Các mảng màu tạo một hoà sắc thanh đạm, giản dị và tĩnh lặng như vườn chùa nhưng nhịp điệu của mảng và nét lại cuồn cuộn, vần vũ như mây gió lúc trời động. Có một hay nhiều câu hỏi hóc búa núp sau những ẩn ức nhức nhối: cái đẹp ta nhìn thấy đây là gì vậy? Ba nhân vật người phàm — thánh thần, người thường — tăng lữ này đang ở đâu, vào thời nào, đang làm gì? Trong thế nhị nguyên của mình, họ gửi tới ta một thông điệp mà ta cảm nhận được nhưng không giải nghĩa được. Có lẽ chính họ cũng vậy!

Vừa nghiên cứu vừa sáng tác thành công chỉ có vài ngoại lệ hiếm hoi. Phan Cẩm Thượng là một trong số đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.