Sống an lành giữa những gian nguy

GN - Giữa lúc đại dịch Covid-19 lan rộng, cùng với tình hình hạn mặn khắc nghiệt chưa từng có ở các tỉnh Tây Nam Bộ, chúng ta không khỏi hoang mang, lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, chính sự đồng lòng, chung sức giữa người với người đã làm lan tỏa niềm tin, động lực trong xã hội.

Sống chậm lại thôi!

Gần hai tháng qua, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Ẩn (Q.Gò Vấp) bị đảo lộn hoàn toàn khi hai đứa con trai “choai choai”, một đứa đang học lớp đầu cấp ba và một đứa cuối cấp hai, được nghỉ ở nhà.

Thời gian đầu, cả hai rất thích thú vì được nghỉ học, nhưng niềm vui của bọn trẻ chẳng được bao lâu khi thời gian nghỉ cứ dài ra lê thê. Rồi khi có tin một vài khu vực trong thành phố bị cách ly, người dân thành phố không còn dám đi lại nhiều, căn hộ chung cư lại càng như một “cái chuồng” với các con anh Ẩn.

419af43bcd7824267d69.jpg

TT.Thích Thanh Phong tặng khẩu trang cho các em nhỏ đến tham quan chùa Vĩnh Nghiêm - Ảnh: VN

Một ngày nọ, khi hai đứa đồng thanh: “con muốn đi nhà sách”, vợ chồng anh Ẩn, mỗi người đành phải chở một đứa ra đường. Ngày thường, cứ vào giờ cao điểm, những con đường trong khu vực đều kẹt xe kinh khủng. Nhưng trong mùa đại dịch, đường phố trở nên thông thoáng, vắng vẻ lạ thường. Hai đứa con của anh Ẩn tỏ ra thích thú vì điều này.

Đi ngang qua một công viên, được một người đứng tuổi ngoắt vào tặng cho bốn chiếc khẩu trang miễn phí, hai đứa trẻ tròn mắt, miệng cảm ơn rối rít. Con trai lớn của anh Ẩn tấm tắc: “Ủa, mọi khi đi học qua đây, con đâu thấy ai tặng khẩu trang hay quà gì miễn phí, bây giờ hay quá má ơi!”.

Rồi cậu bé quay lại nói với em trai mình: “Anh thích con virus rồi đó, nhờ nó thế giới xích lại gần nhau”. Cậu em trai bèn bảo: “Hổng dám đâu, gần nhau lây bệnh chết người à!”. Sau buổi đi chơi, hai đứa trẻ có vẻ ngoan, chịu nghe lời hơn và cũng phát ngôn nhiều câu rất lém lỉnh: “Con đọc báo mạng rồi má, an toàn là trên hết. Nên, nhà ai nấy ở, hạn chế ra đường để tránh dịch bệnh!”.

Cũng như các đồng nghiệp là giáo viên, vợ chồng anh Ẩn cũng đang phải lâm vào tình trạng ngưng trệ công việc dài hạn. Trong khi nhiều người phải chạy vạy tìm công việc khác để bù đắp khoản thu nhập bị hao hụt, anh chị Ẩn lại dành thời gian để sắp xếp lại cuộc sống gia đình, gần gũi với các con. Sự tất bật thường ngày không còn nữa. Trong mùa đại dịch, gia đình anh Ẩn được hoàn toàn thảnh thơi, sống chậm lại và cho phép mình được “làm biếng” hơn mọi ngày.

Riêng ông ngoại của đám trẻ nhà anh Ẩn thì rất vui, không còn cảm thấy đơn chiếc như mọi khi vì được các cháu thường xuyên ghé thăm.

Bước qua những hoang mang…

Thời điểm này, nhiều câu chuyện truyền đi từ những khu cách ly tập trung Covid-19 được báo đài, cộng đồng mạng xã hội liên tục đăng tải, mang theo nhiều thông điệp truyền tải đến cộng đồng và xã hội.

Bên cạnh những thông tin tiêu cực như chống lệnh cách ly, nhờ người cách ly hộ, tin giả… gây không ít hoang mang cho cộng đồng, rất nhiều những câu chuyện, phản ánh tích cực từ những người đang có mặt trong các khu cách ly tập trung hay các bác sĩ, chuyên viên y tế đang ở tuyến đầu trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh đã phần nào tiếp thêm niềm tin, lạc quan và hy vọng cho mọi người.

Rất nhiều người tỏ ra khá bất ngờ với những thông điệp thú vị và lành mạnh, biến thời điểm khó khăn thành khoảnh khắc hạnh phúc. Trong số đó, có những câu chuyện vui nho nhỏ diễn ra hàng ngày đến từ những cái tên nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn với giới trẻ như: Châu Bùi, Võ Hoàng Yến…

Họ đã dành thời gian cách ly để tự thanh lọc thân tâm qua ngồi thiền, thưởng thức bữa cơm “ngon hơn ở nhà”, tập thể dục thể thao, làm các công việc lặt vặt hay lên ý tưởng cho nghề nghiệp của mình…

DSC00949.jpg

ĐĐ.Thích Minh Phú cùng đại diện UBMTTQVN Q.10 chuẩn bị suất cơm trưa cho chung cư Hòa Bình
 Ảnh: Như Danh

Quan trọng hơn hết, trong thời điểm cả thế giới hoang mang, lo lắng vì đại dịch thì ở những nơi tưởng chừng chứa đầy nỗi bất an, nguy hiểm với rất nhiều hạn chế, khó khăn cũng chính là nơi này truyền đi thông điệp về ý thức trách nhiệm đối với mọi người xung quanh, ý thức trong việc bảo đảm an toàn cho gia đình và cộng đồng.

Chính câu chuyện về những con người vui vẻ, lạc quan trong tình cảnh bị “nhốt” lại một chỗ đó đã xua đi ít nhiều những xôn xao, căng thẳng đang bao trùm xã hội.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể, tôn giáo đã liên tục có những hoạt động thiết thực để đồng hành cùng người dân như: mua đồ bảo hộ, dụng cụ y tế cần thiết để tặng cho các cơ quan chức năng và các khu dân cư, tặng suất ăn ở khu cách ly... Chúng ta đã và đang có những tấm gương thật đẹp.

Nhiều nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng đã chi hàng tỷ đồng để đồng hành cùng Nhà nước trong việc phòng chống dịch bệnh và sử dụng sức ảnh hưởng của mình để mang đến những điều tích cực cho đám đông. Hay có thể kể đến những con người bình dị nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình thế hiện nay: đội ngũ y bác sĩ đang còn phục vụ tại nhiệm sở hay đã về hưu, hàng ngàn sinh viên y khoa còn đang miệt mài trên giảng đường…

Tất cả đã xung phong có mặt ở “tuyến đầu” đầy hiểm nguy và bất trắc. Ngoài ra, những anh chị giáo viên, bộ đội, đầu bếp, nhân viên nhà bếp, khách sạn… đã đóng góp hết khả năng của mình, có mặt trực tiếp mỗi ngày trong những khu cách ly để chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho hàng chục ngàn người.

Cũng thời điểm này, giữa mùa đại dịch Covid-19, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nam Bộ cũng đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết khiến bà con ở đây lâm vào cảnh lao đao, khổ sở. Với tất cả nhiệt tâm, Tăng Ni thuộc các Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh thành, tự viện Phật giáo, Phật tử khắp nơi đã vận động lắp máy lọc nước sạch tại địa phương, tặng bồn chứa dự trữ, tặng nước ngọt…

Có một “cô Tiên ca sĩ”, đã quyên góp trong thời gian ngắn được 12 tỷ đồng để đặt máy lọc nước sạch, rồi lặn lội bất kể nắng nóng, đến từng địa phương để khảo sát, với mong muốn chia sẻ những gì mình đang có đến đúng người cần được nhận. Hay một “cô Tiên” thời hiện đại khác, trở về từ nước Anh, trong thời gian bị cách ly đã kêu gọi gia đình đóng góp hàng chục tỷ đồng để đồng hành cùng Nhà nước chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cho bà con đang chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Còn rất nhiều những con người khác, đang âm thầm góp bàn tay của mình trong việc đẩy lùi đại dịch toàn cầu đang hoành hành dữ dội cũng như giúp đỡ bà con miền Tây vượt qua nỗi khốn khó do tai trời ách nước gây ra.

Chính những hành động thiết thực, ý nghĩa và nhân văn là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất cho việc lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp, để rồi từ đó, tạo ra động lực an ủi và nâng đỡ con người trong lúc gian nguy.

 Minh Hào

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.