Năm nào, nhà tôi cũng mở rộng cửa đón các em thí sinh từ tỉnh lên thành phố thi đại học. Hỗ trợ chỗ ở miễn phí, rồi đến nấu cơm đãi ăn dù các em ở thi mấy đợt cũng được. Và sau 7 mùa thi như thế, tôi rút ra những điều có lẽ rất đáng suy ngẫm…
Ngay từ năm 2005, tôi đã đưa ra điều kiện là chỉ nhận thí sinh chứ không nhận phụ huynh đi kèm. Từ đó cho đến năm 2008, năm nào cũng có hàng chục em đến tá túc trong căn nhà nhỏ xíu của tôi trong con hẻm. Các em từ miền Bắc, miền Trung vào, đơn thân độc mã, nhà nghèo, chỉ cái va-li xuôi chuyến tàu hỏa bước vào một thành phố hoa lệ nhất nước. Lo cũng có lo, sợ cũng có sợ, nhưng khi gặp được các anh chị của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, sau đó vào nhà tôi, là các em bình tĩnh lại ngay, và hòa đồng rất nhanh. Các em tự tin giao tiếp với chủ nhà, lao vào bếp cùng nấu ăn, cùng dọn dẹp, thậm chí cùng dắt nhau đi đến trường thi cách đó 500 mét, không cần đón xe. Các em ở chung với nhau rồi quen hơi bén tiếng, thi đợt sau cũng không chịu dời chỗ. Sau ba đợt thi, kéo dài cả tháng, cả nhóm thân nhau đến lạ lùng, khi chia tay khóc lóc thấy thương! Và kỷ niệm mùa thi đã in sâu vào trái tim các em tràn đầy thân yêu, đẹp đẽ. Nhiều em nói với tôi: “Cô ơi, dù năm nay có thi rớt thì con cũng không buồn, sẽ về luyện thi lại. Nhưng những điều con được học “ngoại khóa” trong mùa thi này mới thật sự đáng quý. Con được tiếp xúc với Phật pháp, được ăn chay, được học nấu món này món nọ, được cô dạy những bài hát Phật giáo, được tin vào lòng tốt của con người để mai này con ra đời sẽ giúp lại người khác…”.
Ðó thật sự là niềm mong mỏi của tôi. Bởi trong vài ngày cuối cùng này, các em có cầm tập học thì cũng chẳng vào đầu bao nhiêu nữa, nên tốt hơn hết là cho các em thảnh thơi, thư giãn, nhất là cho các em được học những bài học khác có khi rất giá trị cho đường đời các em sau này. Dĩ nhiên tôi không ép buộc gì cả, nhưng vì các em ăn chung ở chung trong cùng một môi trường với tôi, nên tôi làm thế nào thì các em “nhiễm” theo thế đó. Ðó là cách học vô thức, có khi hiệu quả còn hơn ngồi nghe lý thuyết suông trong trường. Vì vậy, chỉ cần vài tuần, hoặc chỉ một tuần, là các em vỡ òa được nhiều điều mới mẻ. Ra về, hành trang các em đầy thêm lên với những “món quà” từ cuộc đời.
Các em được hướng dẫn làm bánh khọt khi chủ nhà làm bánh cúng dường trường Hạ.
Ảnh H.Kim
Sau năm 2008, thí sinh có vẻ khác đi. Mỗi năm, tôi quan sát, lớp trẻ càng thụ động hơn một chút, vì cha mẹ cứ đi theo kè kè. Có vị tôi chỉ cho ở lại một ngày, có vị tôi năn nỉ rồi kiên quyết bảo đi về, cứ yên tâm giao con cho tôi. Có lần tôi nói đùa: “Anh chị đừng lo, chỉ một ngày là chúng nó ‘mọc nanh’ hết cho coi!”. Quả vậy, khi có cha mẹ bên cạnh thì đứa nào cũng khép nép, mặt mày vừa ngơ ngác vừa căng cứng, ăn uống khó khăn, leo lên giường là nằm chết dí với cuốn tập, ít nói năng với bạn cùng phòng. Nhưng khi vừa vắng cha mẹ, lập tức chúng kết bạn với nhau ngay, nói cười tự nhiên, ăn cơm ào ào, rửa chén lau bàn nhanh nhẹn, tự giặt đồ, ủi đồ, rồi kéo nhau tới chợ, tới trường, đi bộ khám phá phố phường vì không biết mình có cơ hội trở lại hay không… Nghĩa là các em năng động, dạn dĩ hẳn lên. Làm cái gì sai, tôi bảo làm lại, hoặc tôi rầy dạy khi các em nói năng sơ suất, phơi đồ lung tung, bỏ bọc xà bông, dầu gội đầu tùm lum trong nhà tắm v.v… Tôi coi các em thân thiết như con cháu của mình, và các em cũng coi tôi như bà cô ruột thịt, cười hì hì tiếp thu, sửa đổi. Những đứa trẻ ở nhà được cha mẹ quá cưng chiều nên rất nhiều sơ suất, nhưng ở với tôi một tuần là được uốn nắn trong vui vẻ. Các em trưởng thành lên thấy rõ. Khi đi thi, dù một mình nhưng các em không có vẻ gì là tủi thân, sợ sệt, mà rất nhanh nhẹn, chu đáo. Sáng các em tự thức dậy đúng giờ, tôi gọi xe Honda ôm quen trong xóm đưa các em đi thi trường xa. Trưa tự động biết gọi số di động của chú xe ôm kêu chở về. Biết mua báo xem bài giải đề thi. Rồi biết bắt xe về quê không cần cha mẹ lên đón. Có em còn nhờ tôi xin việc làm tạm trong một tháng chờ kết quả, để có lương cho mẹ trả nợ vì đã mượn hàng xóm cho em đi thi. Rõ ràng khác hẳn “đứa bé” của ngày đầu lên thành phố.
Chính vì vậy mà với kinh nghiệm dạy học từ mười mấy năm nay, tiếp xúc nhiều với lớp trẻ, tôi luôn chủ trương để cho các thí sinh tự lực đi thi. Nếu quá lo lắng thì chỉ cần cha mẹ đưa con tới thành phố, gặp trung tâm hỗ trợ sinh viên, đến tận nhà trọ, thấy rõ nơi ăn chốn ở, rồi nên đi về. Như thế đã là quá chu đáo so với thời chúng tôi một mình bắt xe lên Sài Gòn, chẳng có trung tâm và nhà trọ nào hỗ trợ. Hãy để các em vững vàng và năng động đúng như tuổi 18 của mình. Cha mẹ đi theo dĩ nhiên cũng có mặt tích cực, nhưng có khi tạo nên một hiệu quả ngược, nghĩa là các em luôn thấy mình yếu ớt, nhỏ bé. Hoặc khi thấy cha mẹ ngồi hàng buổi ngoài lề đường chờ mình làm bài thi, chịu đựng cái nắng chang chang, hay trời mưa lạnh lẽo, có khi hà tiện tiền không dám ăn uống no đủ, thì các em bị một áp lực rất lớn. Thi rớt trở thành cái “tội”, trở thành mặc cảm trong em. Mà thật sự người đậu luôn ít hơn người rớt, vậy thi rớt đâu phải là chuyện bất ngờ. Nhưng do sự chăm chút quá nhiều của cha mẹ khiến các em thấy việc thi rớt của mình trở nên nặng nề.
Mỗi năm, chúng ta - gia đình và xã hội - biến cuộc thi đại học thành một “sự kiện” ầm ĩ, đầy áp lực về vật lý và tâm lý. Vé xe đò, xe lửa chen nhau mua không nổi, lên tới thành phố thì đường nào cũng đông nghẹt, kẹt xe, hàng cơm hàng cháo, nhà trọ tăng giá… Một triệu thí sinh đã làm tăng dân số cơ học khủng khiếp, lại thêm 1 triệu phụ huynh đi kèm thì chao ôi là kinh hoàng! Ðứa trẻ đi thi thấy cha mẹ đùm đề, lo lắng thì cũng lo lắng bất an theo. Tại sao không “kích thích” lớp trẻ bằng những câu như: “Con cứ yên tâm, con dư sức đi thi. Con của cha là cậu thanh niên đầy tự tin phải không nào?”, hoặc “Con gái của mẹ là cô gái ra đường chẳng thua ai!”. “Cuộc đời nhiều người tốt lắm, con cứ đến gặp các anh chị trong Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, sẽ có người giúp con”. Tôi từng áp dụng những câu tương tự cho các em, rõ ràng các em mạnh mẽ hơn lên. Tự nhiên, cuộc thi trở thành bình thường, không đáng sợ nữa. Ðậu rớt đã là một áp lực, nếu chồng thêm áp lực về sinh hoạt bên lề thì rõ ràng là “đáng sợ”.
Vấn đề quan trọng là các tỉnh phải phổ biến địa chỉ và số điện thoại của các trung tâm hỗ trợ sinh viên cho phụ huynh và học sinh biết rõ trước khi đi thi. Như thế mọi người sẽ không lo lắng, sẽ không chen chúc nhau đi kèm cả tuần, cả tháng. Mạng lưới nhà trọ chất lượng và an toàn, kể cả chùa chiền, nhà thờ có thể đã đủ cho số lượng thí sinh, nếu có thêm phụ huynh thì mới đâm ra thiếu. Vậy cứ để các em vững vàng bước vào cuộc thi với tuổi 18 đủ đầy tư cách công dân!