Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
- Do có cái gì, do tập khởi cái gì, do dính mắc nơi cái gì, do chấp ngã nơi cái gì(2), khiến chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái buộc cổ, phải rong ruổi đường dài, luân hồi sanh tử, lưu chuyển sanh tử không biết đâu là cội nguồn?(3).
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là Pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng cho các thầy. Này các Tỳ-kheo! Do có sắc, do sự tập khởi của sắc, do dính mắc nơi sắc, do chấp ngã nơi sắc, khiến chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói cổ, phải rong ruổi đường dài, luân hồi sanh tử, lưu chuyển sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
- Này các Tỳ-kheo! Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
- Những gì vô thường là khổ chăng?
- Bạch Thế Tôn, là khổ.
- Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nếu vô thường là khổ thì nỗi khổ này có mặt là do có sắc(4), do sự tập khởi của sắc, sự dính mắc nơi sắc, do chấp ngã nơi sắc, khiến chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói cổ, phải rong ruổi đường dài, luân hồi sanh tử, lưu chuyển sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần thì tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau. Thấy như vậy gọi là có chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Cũng vậy, với cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, mong cầu, thủ đắc, nhớ nghĩ, cảm nhận, quán xét(5) thì tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau. Thấy như vậy gọi là có chánh tuệ.
Nếu có nhận thức cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này là pháp thường hằng, không biến đổi thì tất cả những thứ ấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau. Thấy như vậy gọi là có chánh tuệ.
Lại nữa, nếu có nhận thức cho rằng chẳng có ngã này, chẳng có ngã sở này, chẳng có ngã ở tương lai, chẳng có ngã sở ở tương lai thì tất cả chúng đều không phải ngã, không phải khác ngã, cũng không tồn tại trong nhau. Thấy như vậy gọi là có chánh tuệ.
Vị Thánh đệ tử Đa văn đối với sáu cơ sở kiến chấp này(6), quán sát chúng không phải là ngã, không phải là ngã sở. Quán sát vậy rồi thì sẽ chấm dứt hoài nghi đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là vị Thánh đệ tử Đa văn không còn tạo nghiệp thân, miệng, ý khiến đọa ba đường ác nữa. Giả sử còn buông lung thì vị Thánh đệ tử Đa văn ấy nhất định vẫn hướng đến giác ngộ(7), tối đa bảy lần tái sanh vào cõi trời, cõi người thì sẽ chấm dứt khổ đau.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
______________
(1)Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.133. 041c14). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02.0099.142. 043a20); S.22.151 - III.181; S.24.2 - III.203.
(2)Nguyên tác Hà sở kiến ngã (何所見我). Tham chiếu: S.22.151 - III.181: Kiṃ abhinivissa (Thiên chấp về điều gì?) (HT.Thích Minh Châu dịch).
(3)Nguyên tác Bản tế (本際 - Pubbā koṭi): Chỉ cho cội nguồn vạn vật, cội nguồn chân lý.
(4)Nguyên tác bị thiếu chữ Sắc (色). Căn cứ vào thọ, tưởng, hành thức được đề cập ở phần sau nên bổ sung.
(5)Tham chiếu: S.24.2 - III.203: Yampidaṃ diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññātaṃ pattaṃ pariyesitaṃ anuvicaritaṃ manasā (Cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy…) (HT.Thích Minh Châu, dịch).
(6)Nguyên tác Lục kiến xứ (六見處). Kiến xứ (見處 - Diṭṭhiṭṭhāna): Cơ sở của kiến chấp. Theo định nghĩa của M.022, Alagaddūpama Sutta (Kinh Ví dụ con rắn) và A-lê-tra kinh 阿梨吒經 (T.01. 0026.200. 765c05) thì Sáu kiến xứ chỉ cho sự cố chấp vào năm thủ uẩn và yếu tố thứ sáu là thế giới, xem đó là tôi, là tự ngã của tôi.
(7)Nguyên tác Tam-bồ-đề (三菩提 - Sambodhi): Giác ngộ, Chánh đẳng giác, Niết-bàn.
(NSGN 344)