(GNO): Từ hàng trăm năm nay, bốn chữ “Trúc lâm Yên Tử” đã đi vào tiềm thức của triệu triệu người dân đất Việt như một vùng đất linh thiêng gắn liền vị Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông - người đã từ bỏ ngai vàng để khoác áo cà sa đến tu hành để rồi đắc đạo tại núi rừng thiêng đất Yên Tử (nay là thị xã Uông Bí - Quảng Ninh ) cách đây hơn 702 năm.
Mỗi khi vùng địa linh Yên Tử được nhắc đến là trong hình dung của mỗi chúng ta lại hiện lên hình ảnh cánh rừng đặc dụng với các loại thú quý hiếm và nhiều loại cây rừng, đặc biệt là những “khu vườn” trúc bạt ngàn đẹp đến mê hồn. Vậy mà, du xuân Yên Tử năm nay, chỉ mới vào đến cổng khu di tích, nhiều người đã không khỏi xa xót về “phận” trúc thiêng nơi đây.
Nơi đâu cũng thấy trúc, bạt ngàn trúc, la liệt trúc. Nhưng đáng buồn thay đó lại là những cây trúc đã “thành phẩm” được chặt đẽo rất gọn gàng hoặc được bó lại chừng vài ba chục thân một bó với giá 5.000đ một cây, thân trúc đã trở thành cây gậy đắc lực để phục vụ cho khách làm phương tiện leo núi đi trẩy hội khi lên đỉnh Yên Tử.
Theo ước tính của ban tổ chức, lễ hội xuân Yên Tử 2011 từ mồng 1 tết đến nay có trên 40 vạn lượt du khách. Nếu ta cứ tính trung bình hai du khách có một người mua gậy trúc leo núi nghĩa là chỉ trong vòng 10 ngày đầu xuân Tân Mão, ít nhất đã có trên 20 vạn cây trúc bị tàn sát. Đó là chưa kể, tổng kết hội xuân Yên Tử hàng năm có hàng triệu lượt khách và đã tước đi “sinh mạng” hàng triệu thân trúc. Thử tính xem cứ như vậy, bao năm nữa thì rừng trúc còn tồn tại?
Chẳng phải nói về một tương lai quá xa, chỉ cách đây vài mùa hội, măng trúc Yên Tử dù quá nổi tiếng nhưng nhìn đâu cũng la liệt trong mùa hội với giá rẻ như bèo. Vậy mà, mùa lễ hội năm nay, ngay trong ngày khai hội, tìm mỏi mắt mới thấy vài ba hàng tận dưới cổng khu di tích. Những người phụ nữ bán măng trúc vẫn mặc nguyên cả những chiếc áo mưa, đội mũ tơi, bùn lên tận khoeo chân.
Chị Nguyễn Thị Nhung - một người dân vùng Yên Tử bán măng trúc thanh minh về giá măng trúc Yên Tử năm nay quá đắt lên đến 120 nghìn đồng 1 kg: “Từ tảng sáng, lúc gà gáy canh ba đến giờ, cả gia đình em 6 người cùng khăn gói vào rừng lấy măng bán ngày khai hội. Đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, ngần ấy người chỉ lấy được ngần này măng (chị Nhung chỉ vào túi măng chừng chưa nối chục kg). Lấy xong, ba người vào sâu tìm măng tiếp phân công ba chị em chúng em vượt rừng ra hội bán măng cho kịp giờ. Chứ bao giờ được như ngày xưa, đâu chả có măng. Lây măng dễ như lấy trong túi áo”. Giọng chị vẫn chưa hết ngậm ngùi, tiếc nuối.
Cây trúc hiền lành như thế đương nhiên “cam chịu” cho người dân “hạ sát”. Thế nhưng, những con thú dù nhỏ bé và nhanh nhẹn bậc nhất của núi rừng Yên Tử như con dúi, con sóc, rùa… cũng không thoát nổi khỏi quyết tâm “truy sát’ của người dân địa phương. Dọc đường lên Yên Tử, thi thoảng, du khách lại được nghe tiếng chào mời và chứng kiến những con thú nhỏ bé đang bị treo ngược quằn quại được rao bán.
Trên lối vào khu danh thắng Yên Tử, một người phụ nữ buộc một con dúi chừng 1kg vào một cây trúc liên tục rao bán và hướng dẫn luôn cách làm thịt: “Dúi rừng vừa bị trúng bẫy. Chế biến thịt dúi ngon nhất là tiết canh. Sau đó đem làm như thịt gà. Loại dúi Yên Tử bây giờ hiếm lắm. Con này là loại lớn rồi giá chỉ 4 trăm nghìn thôi”.