Sáng nay khi đang ngồi viết bức tâm thư này, tiếng còi xe cứu thương vang lên khắp nẻo đường như xé nát cõi lòng tôi! Các bạn và tôi, có thể là thân thích, bạn bè, nhưng cũng có thể chưa một lần quen biết. Nhưng trong lúc này đây, chúng ta đang “cùng hội cùng thuyền” mang một niềm đau chung về đại dịch Covid. Chúng ta cùng hy vọng, tin tưởng về một ngày mai tươi sáng khi cơn sóng thần đại dịch sẽ đi qua.
Hoảng sợ, lo lắng, bực bội, giận dữ trong lúc này không giúp được gì cho chúng ta mà còn góp phần làm suy sụp tinh thần, buông xuôi, phó thác cho định mệnh. Lại càng không nên tự ái, mặc cảm, dấu diếm hay phàn nàn, trách móc, buộc tội hoặc phân biệt đối xử, chúng đều là những tâm lý tiêu cực làm căng thẳng cuộc sống và đánh mất tình người.
Mọi người ơi! Các bạn ơi!
Sáng hôm nay có tin người nhiễm Covid-19 qua đời. Nghe mà buồn cho số phận một con người lại không chống nổi với một con virus nhỏ xíu, vô hình. Đầu trên, xóm dưới đều có người nhiễm, thậm chí cả một gia đình. Già trẻ bé lớn gì nó cũng không chừa một ai. Quyền lực nó cũng không ngán, nghèo khó nó cũng không tha!
Việc trước mắt là chúng ta cùng nhau để làm sao đẩy lùi được dịch bệnh. Để có đủ sức mạnh chống dịch, chúng ta cần biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, sẻ chia…
Tâm lý mặc cảm sợ người khác ruồng rẫy, bỏ rơi, sợ hãi đã vô tình làm cho vấn đề càng thêm tồi tệ. Một bà A bán thịt ở chợ Bình Điền, có dấu hiệu mỏi mệt, sốt và sổ mũi, mua thuốc cảm uống vài ngày sau bệnh càng tăng thêm. Người hàng xóm khuyên nên đi bác sĩ khám, bà không chịu, nói “Cảm nhẹ thôi, vài bữa sẽ khỏi”.
Vài hôm sau cả xóm đều phải lên đường đi cách ly sau khi test bà có kết quả dương tính với Sars-Cov-2. Và cứ vài ngày lại thêm dăm ba người bị lây nhiễm. Cứ như thế con số lên gần 50 người trong một con hẻm nhỏ chưa tới 100 hộ. Thế là mọi người quay lại phàn nàn, trách móc, thậm chí còn chửi rủa bà. Cũng may lúc đó, cả gia đình bà đều đi cách ly tập trung rồi, chứ nếu không…
H là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng. H đi làm trong một cửa hàng và bị nhiễm lúc nào không biết. Cô bị sốt và đi test mới hay bị nhiễm Sars-Cov-2. Mẹ cô liền báo y tế và cô được đưa đi cách ly. Trong nhà, có người F1 có người F2, kẻ bị cách ly tập trung, người cách ly tại nhà. Nhưng điều khốn đốn nhất của họ là bị hàng xóm ghẻ lạnh, tránh né. Điều đó khiến cô rất tủi thân và khóc thầm tự dằn vặt như mình là một tội đồ.
Ngược lại với hình ảnh trên, nhiều nhóm thiện nguyện đã đến tận nơi để hỗ trợ quà, lương thực, thực phẩm, rau củ quả và ân cần hỏi thăm khiến mọi người trong các khu cách ly cảm thấy ấm lòng, được an ủi phần nào. Tình người là thế, dù thế nào đi nữa người ta cũng không thể bỏ nhau. Tận cùng của sự đau khổ, con người sẽ biết nhìn lại và cảm thông.
Thế thì, nếu ta là người nhiễm Covid-19, chúng ta cũng nên thông cảm cho nhiều người khác, họ cũng sợ ta lây lan sang họ. Đổi lại, ta cũng vậy. Thế nên đừng trách vẻ e ngại của họ khi gặp ta, mà nên nghĩ rằng, sự cảnh giác ấy cũng là điều cần thiết. Ngược lại, đối với người nhiễm Covid-19, chúng ta đừng quá thờ ơ, tránh né với họ.
Giữ khoảng cách là điều bắt buộc, nhưng làm sao để cho người bệnh không tổn thương. Họ và ta vẫn còn đó một thứ tình người không khoảng cách. Tại sao ta không trao cho họ một câu an ủi, một cái nhìn cảm thông. “Ồ, không sao đâu cháu (anh, chị…), vài hôm sẽ khỏe lại thôi. Chừng nào hết bệnh về chúng ta sẽ cùng nhau ăn mừng nhé!”. Câu hứa ấy không cần phải thực hiện, nhưng nó cần cho người bệnh một năng lượng tích cực để họ chống chọi với bệnh tật và bớt đi mặc cảm bị phân biệt đối xử. Dẫu sao, khi đợt dịch qua đi, tình người cũng sẽ được hàn gắn lại. HÃY YÊU THƯƠNG, THÔNG CẢM VÀ SẺ CHIA.
Covid-19 đã lấy của ta rất nhiều thứ, tài sản, sức khỏe, khiến cuộc sống đảo lộn. Nhưng có một điều chúng không thể nào lấy được. Đó là TÌNH NGƯỜI.
Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).
Tòa soạn