Trường Sa! Biển ấy của mình gồm 2 tập - Phong ba nơi đầu sóng và Biển ấy là của mình - được thực hiện dưới hình thức sách tranh song ngữ Việt - Anh. Theo chị Nguyễn Chiều Xuân, Founder Lionbooks và là người thực hiện dự án sách Em yêu Việt Nam mình, với hình thức này, nhóm thực hiện mong muốn có thể mang cuốn sách đi thật xa, và các bạn nhỏ chưa thực sự sõi tiếng Việt cũng có thể hiểu nội dung, tinh thần của cuốn sách, đó là về tình yêu biển đảo và quê hương, đất nước.
Bùi Tiểu Quyên (phải) giao lưu với bạn đọc tại Đường sách TP.HCM sáng 26-2 |
Tại buổi giao lưu, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, chị từng đến Trường Sa và nhìn đâu cũng thấy hình ảnh thân thương, cảm động về sự sống nơi đầu sóng ngọn gió. Từ ngọn rau, lá cỏ, đến chiếc hoa bàng vuông hay ngọn hải đăng đều gợi nhắc quê hương trong tim mỗi người. Vì vậy, Tiểu Quyên muốn kể cho các em nhỏ về “biển ấy của mình”.
“Khi các em nhỏ có tình yêu lớn trong lòng mình thì sẽ làm được điều lớn lao hơn trong tương lai”, nhà báo Bùi Tiểu Quyên nói.
Dịp này, nhà văn Hoài Hương cũng chia sẻ kỷ niệm về lần đến Trường Sa cách đây 25 năm của mình, ấn tượng khó quên là những buổi chào cờ trên đảo hướng về phía Tây - cũng là đất mẹ. Còn Thanh Phan, họa sĩ vẽ tranh cho bộ Trường Sa! Biển ấy của mình cho biết dù chưa đến Trường Sa nhưng những gì biết được về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc khiến cô xúc động khi thể hiện từng bức vẽ trong cuốn sách này.
Tác giả đọc sách cho các bạn nhỏ nghe |
Trước đó, Bùi Tiểu Quyên đã viết tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa (dành cho thiếu nhi từ 11 tuổi) đã được đón nhận nồng nhiệt từ bạn đọc nhỏ tuổi.
“So với cuộc phiêu lưu của chiếc máy ảnh Cà Nóng lần trước, thì câu chuyện lần này về chú cún Phong Ba và các bạn cún nhỏ cùng khám phá đảo Trường Sa được viết với cảm xúc điềm tĩnh hơn, khi mình đã có độ lùi nhất định sau chuyến hải trình đến Trường Sa. Mình cũng làm việc với tâm thế bình thản hơn, chuyên nghiệp hơn, chắt lọc hơn”, Bùi Tiểu Quyên chia sẻ.