Sabaidee! Lời chào dễ thương này chúng tôi đã nói với nhau mấy lần trên chuyến bay đến Vientiane, Lào. Bất ngờ với người bạn bản xứ đón chúng tôi tại sân bay quốc tế Wattay khi cả nhóm, không một chút lúng túng, chắp tay chào bằng tiếng Lào rất ư chuyên nghiệp.
Thảnh thơi ở Vientiane
Với bản đồ du lịch Vientiane trong tay, bạn có thể làm chuyến city tour vỏn vẹn trong một ngày, khá đủ để cảm nhận được cuộc sống của thành phố yên bình này. Nếu đi nhóm khoảng 6-7 người thì thuê một chiếc tuk tuk tiện và rẻ nhất. Tất nhiên là phải chỉ rõ điểm bạn muốn đến trên bản đồ cho người lái tuk tuk và trả giá. Còn chúng tôi chọn đi xe đạp, mỗi chiếc thuê nguyên ngày là 8.000 kip (khoảng 16.000 đồng), nghe nói có chỗ giá còn rẻ hơn - chỉ 6.000 kip.
Để có được một ngày vòng quanh Vientiane đầy đủ hương vị, thì ngoài viếng thăm chùa, có 3 điểm bạn không nên bỏ qua: That Luang – biểu tượng quốc gia của Lào, Đài chiến thắng Patuxay và chợ Talat Sao (chợ Sáng). Muốn đi chùa ở Lào thì quá dễ, nhìn vào bản đồ thấy ở đâu cũng gần chùa cả. Trục đường chính trong hành trình của chúng tôi là đường Setthathirath. Đường này được xem là phố “Tây ba lô”, tập trung nhiều khách sạn, công ty du lịch, quán café và nhà hàng phục vụ khách du lịch.
Ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là Ong Teu, bởi cạnh đó là trường Sangha dành cho các tăng. Chúng tôi gặp được nhiều tăng trẻ tuổi đến từ rất nhiều tỉnh ở Lào và thật bất ngờ, các tăng nói tiếng Anh khá lưu loát. Có một vị từ Luang Prabang lên Vientine, vừa học chuyên ngành công nghệ thông tin, vừa học thêm tiếng Nhật buổi tối, vừa học tập tại Sangha. Thêm một thú vị nho nhỏ nữa, sư trụ trì của chùa nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt mặc dù chưa bao giờ đến Việt Nam.
|
Ngay gần ngã ba đường Setthathirath và đại lộ Lane Xane là Si Saket – ngôi chùa lâu đời nhất ở Vientiane. Si Saket được xây từ năm 1819-1824 dưới thời vua Anou – vị vua cuối cùng của Vientiane. Ngay trong khuôn viên chùa là bảo tàng Si Saket trưng bày hàng trăm tượng Phật bằng đá, bạc, đồng và gỗ theo các lối đi.
Đến Lào đi bằng đường hàng không, giá vé loại Economy Flex là 4.038.000 đồng (chưa tính thuế), nếu book vé sớm tìm được loại Economy Semi-flex thì được mức vé 3.299.000 đồng (chưa tính thuế). Nếu muốn tiết kiệm nhưng bù lại phải có thời gian, bạn có thể bay ra Vinh (Nghệ An) rồi từ đó đi xe qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), khởi hành 5 giờ sáng thì đến 5 giờ chiều có mặt tại Vientiane. |
Từ xa, ngọn tháp trung tâm màu vàng rực của That Luang (có nghĩa là tháp lớp) hiện ra đầy uy nghi. Những tòa tháp nhỏ bao quanh ngọn tháp chính, được bao bởi ba lớp tường thành với hình những cánh sen rất đặc trưng, tạo nên một kiệc tác tôn giáo của đất nước này.
Ngon như món ăn Lào!
Với đa số du khách nước ngoài, nơi lý tưởng và dễ tìm nhất để vừa nhâm nhi mấy món đặc sản Lào vừa ngắm hoàng hôn theo chỉ dẫn của sách du lịch Lonely Planet là dọc theo bờ sông Mekong với hàng chục quán kéo dài hơn hai km. May mắn cho chúng tôi là được người bạn Lào làm hướng dẫn cho buổi tối đầu tiên ở Vientiane. “Thổ địa” dẫn đến quán nhậu bình dân Rab trên đường Khouvieng, quận Sisatanak. Toàn là những món nướng đặc sản: bò, dê, gà bày trên bếp ngay ngoài cửa vào. Hỏi đi hỏi lại tên gọi Lào của mấy món này nhưng rốt cuộc cũng quên, nên ai nhìn thấy gì hấp dẫn trên bếp thì cứ gọi. Nhưng có những món mà “hướng dẫn viên” riêng của chúng tôi “bắt buộc” cả nhóm phải ăn là tam màa-hung (gỏi đu đủ chua cay), kaeng naw mâi (súp măng), cơm nếp và bia Lào.
|
Một địa chỉ mà ít du khách nước ngoài đến nhưng được người dân địa phương cho điểm khá cao là nhà hàng Soukimarn (đường Chanthakoummarn, khu Sisaket, quận Chanthabouly). Nói nhà hàng thì nghe có vẻ sang trọng chứ thực ra, quán chỉ có khoảng 5 cái bàn nhưng được bài trí rất ấm cúng. Chủ quán là một người đàn ông nặng trên dưới 100 kg, từng là tay “anh chị” khét tiếng. Ban đầu nhìn thấy bản lưng của ông với tác phẩm xăm hình rồng lan ra hai cánh tay, ai cũng e ngại. Nhưng ông rất niềm nở. Biết chúng tôi đến từ Việt Nam, ông liền mời cả nhóm và một số thực khách từ Thái Lan sang nhập tiệc nướng ngoài vườn với món chính là một cái đùi bê thui nặng gần 20 kg.
Phaluang ở đâu?
Hỏi rất nhiều người từng đi du lịch ở Lào, ai cũng lắc đầu. Núi Phaluang là một điểm đến, xem như hoàn toàn mới lạ so với các tour từ Việt Nam đi Lào, mở cửa đón du khách từ năm 2003 nhưng theo người bạn Lào, rất hiếm du khách Việt đến đây. Phaluang nằm gần làng Hat Khai, huyện Thaphabath thuộc tỉnh Borikhamxay.
|
Khởi hành từ Vientiane, bạn có thể đi xe máy theo quốc lộ 13 về phía nam. Ngay khi đến khu vực Thabok, bạn rẽ trái ở km 90 và nhìn thấy bảng chỉ đường đến nhà máy thủy điện Nam Leuk, từ đó đi thêm 17 cây km là đến Hat Khai.
Một ngôi làng yên bình nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Làng có 105 gia đình với số dân 505 người và có đến 16 hướng dẫn viên được đào tạo bài bản. Nhóm tôi vinh hạnh được ông phó làng Khammuan Phoutthavong làm hướng dẫn cho chuyến vượt sông, băng rừng hứa hẹn đầy hấp dẫn đối với những người sinh ra và sống ở thành phố như chúng tôi.
Sông Nam Muang mở ra trước mắt. Cảnh vật vô cùng hoang sơ, thỉnh thoảng mới thấy vài ngôi nhà hai bên bờ. Cảnh đẹp tuyệt vời, một tiếng đồng hồ ngồi trên thuyền trôi qua thật nhanh. Ông Khammuan phải ngồi đầu thuyền để tránh chỗ nước cạn vậy mà có lúc cả nhóm phải xuống, đẩy thuyền về phía nước sâu.
Hành trình leo núi bắt đầu. Ba tiếng đồng hồ đi rừng, vã mồ hôi vì không quen kiểu trekking “hành xác”. Đúng 12 giờ trưa lên đến đỉnh núi. Bao nhiêu mệt mỏi tan biến. Chúng tôi như thể chạm tới bầu trời, mây trắng vây quanh, phía dưới là hàng lớp lớp núi đồi. Xa xa kia sông Nam Muang uốn lượn quanh các sườn đồi. Cả nhóm dọn bữa trưa đúng kiểu người Lào, ăn cơm nếp bằng tay, ngon nhớ đời! Người địa phương ở đây khi được huấn luyện làm hướng dẫn đều được dạy cách bảo vệ môi trường. Ông Khammuan tự động gom toàn bộ túi ni lông và chai nhựa cho vào ba lô để mang về. Theo ông Khammuan, đa phần người phương Tây một khi đã lên đỉnh Phaluang đều qua đêm tại đây để được đón bình mình ngay trên đỉnh núi vào sáng hôm sau.
Sau khi “xuống núi”, bạn có thể đi tiếp bằng thuyền đến thác Tad Leuk và Tad Xai gần đó hoặc quay về lại làng Hat Khai rồi vào khu vực bảo vệ quốc gia Phoukhaotkhuay. Giá vé vào cổng là 40.000 kip. Một chuyến đi rừng vui, khỏe và cũng khá rẻ.