Rằm tháng Giêng ở ngôi chùa nhỏ vùng quê

Những phần quà lì xì chia sẻ yêu thương được Ni sư Thích nữ Chúc Mỹ - trụ trì chùa Phật Bửu trao - Ảnh: H.Ý/BGN
Những phần quà lì xì chia sẻ yêu thương được Ni sư Thích nữ Chúc Mỹ - trụ trì chùa Phật Bửu trao - Ảnh: H.Ý/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chuẩn bị cho ngày rằm, trước đó vài ngày, các Phật tử đăng ký với sư cô các loại thực phẩm ở nhà có và xin cúng dường, để nhà chùa khỏi mua; sau thời kinh tối, Phật tử đều nán lại phụ nhà chùa sơ chế rau, củ, quả. Không khí đón rằm tháng Giêng ở chùa quê lúc nào cũng rộn rã, vui tươi như thế.
Phật tử thành tâm trong khóa lễ cúng cửu huyền thất tổ tại chùa trong ngày rằm tháng Giêng

Phật tử thành tâm trong khóa lễ cúng cửu huyền thất tổ tại chùa trong ngày rằm tháng Giêng

"Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng", từ sáng sớm, đông đảo các Phật tử trở về chùa Phật Bửu (ấp 2, xã Phước Vân, H.Cần Đước, Long An) để chung tay lo công việc chuẩn bị cho ngày rằm.

Phật tử chia thành hai nhóm, một nhóm công quả dưới bếp chuẩn bị vật thực, nấu các món ăn cúng dường, đãi Phật tử, bá tánh và một số Phật tử sẽ tham gia tụng kinh Dược Sư cầu phúc nơi chánh điện.

Bên mái hiên chùa, các cô Phật tử quây quần cùng nhau thực hiện món bì cuốn - món không thể thiếu trong các ngày rằm lớn ở chùa quê

Bên mái hiên chùa, các cô Phật tử quây quần cùng nhau thực hiện món bì cuốn - món không thể thiếu trong các ngày rằm lớn ở chùa quê

Đã thành truyền thống, ngày rằm ở chùa Phật Bửu luôn có các món rất đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, không thể thiếu chè kiểm, bì cuốn, cơm và canh chua. Một số nguyên liệu cho các món này nhà chùa mua thêm nhưng đa phần là các Phật tử "cây nhà lá vườn" đem về chùa đóng góp.

Để nấu nên một nồi chè kiểm thơm ngon, các Phật tử cúng dường người thì khoai lang, người thì khoai mì, rồi chuối sứ, bí đỏ, bột khoai, dừa khô.

Có nguyên liệu, mọi người quây quần bên nhau từ phụ nữ, đến thanh niên và các em nhỏ, chuẩn bị cho các khâu sơ chế và nấu. Khoai mì được các cô mài nhuyễn, vo thành từng viên nhỏ, hấp cho chín trước khi cho vào nồi chè kiểm; dừa khô phải nạo từng trái để vắt lấy nước cốt; chuối sứ phải lột vỏ từng trái và xắt ra từng miếng vừa ăn.

Ngày rằm, bếp luôn đỏ lửa. Đây là khoảng thời gian người Phật tử cảm thấy nhiều hỷ lạc khi cùng nhau thực hiện các món ăn chay tịnh thơm ngon, cúng dường

Ngày rằm, bếp luôn đỏ lửa. Đây là khoảng thời gian người Phật tử cảm thấy nhiều hỷ lạc khi cùng nhau thực hiện các món ăn chay tịnh thơm ngon, cúng dường

Vì nấu nhiều món cơm, canh, chế biến từ rau củ quả nên mọi người hầu như không ngơi tay. Trẻ nhỏ theo bà, theo mẹ đến chùa luôn có việc để làm, chỉ cần lặt rau và lau chén cũng kín hết thời gian cả buổi sáng.

Điều quan trọng, mọi người làm đổ mồ hôi nhưng trên mặt ai cũng hiện rõ niềm vui, tiếng cười nói đang xen vào nhau, đây cũng là dịp để mọi người hỏi thăm, chia sẻ những câu chuyện buồn vui và động viên nhau tu học.

Âm thanh quen thuộc nhất phát ra thường xuyên từ trong bếp là giọng của các cô cần các anh thanh niên hỗ trợ cho nồi nước lên bếp và khiêng nồi canh, nồi chè kiểm, nồi nước súp to đã chín từ trên bếp xuống. Đó cũng là khoảnh khắc được mọi người chờ đợi nhất, món nấu xong, nhắc ra khỏi bếp là múc ra tô, đơm ra dĩa dâng lên cúng Phật. Mùi thơm của các món ăn là hương vị đem lại hoan hỷ với nhiều người.

Rằm tháng Giêng năm nay, chùa Phật Bửu đã có Phật tử cúng thêm món gỏi đu đủ. Trái đu đủ "cây nhà lá vườn" được các Phật tử hái và đem đến chùa cúng dường bằng tất cả tấm lòng thành kính

Rằm tháng Giêng năm nay, chùa Phật Bửu đã có Phật tử cúng thêm món gỏi đu đủ. Trái đu đủ "cây nhà lá vườn" được các Phật tử hái và đem đến chùa cúng dường bằng tất cả tấm lòng thành kính

Trong ngày vui này, đến chùa ai cũng cảm nhận rõ sự gần gũi và hạnh phúc. Các cô chú, anh, chị, em Phật tử về chùa công quả, công phu; các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được nhà chùa đặc biệt mời về dùng cơm và nhận quà đầu năm từ sự sẻ chia của các Phật tử sinh hoạt tại chùa.

Quà là những bao lì xì đỏ thắm, cùng những lời chúc lành, là tất cả tấm lòng thân thương của người Phật tử gửi trao cho nhau. Một vài người lớn tuổi, vì lý do sức khỏe không về chùa được trong ngày này, Ni sư trụ trì vẫn để dành phần quà và ghi nhớ tên, sau buổi lễ sẽ đến nhà trao tặng.

Nhờ vậy mà ngày rằm tháng Giêng ở chùa Phật Bửu luôn trọn vẹn niềm vui, thắm tình đạo vị, vuông tròn trong tình yêu thương. Điều này đã được Ni sư Thích nữ Chúc Mỹ - trụ trì chùa vun vén, thực hiện trong nhiều năm nay.

Một góc không gian chùa Phật Bửu, nơi tháp Tổ - Hòa thượng khai sơn Thích Minh Trực

Một góc không gian chùa Phật Bửu, nơi tháp Tổ - Hòa thượng khai sơn Thích Minh Trực

Cũng vì tình thương, sự ấm áp và hạnh phúc đó mà với người dân, chùa là nơi nương tựa tâm linh, là nơi mà bất cứ lúc nào cũng có thể trở về mỗi khi có biến cố, có bất an, cần tiếp thêm năng lượng. Hơn hết, chùa là nơi kết nên những thiện duyên của thân bằng quyến thuộc, có thể nói rằng "tối lửa tắt đèn có nhau", không chỉ vì là hàng xóm láng giềng, mà còn là bạn đạo, bạn đồng tu, ai cũng muốn hết khổ và hướng đến đời sống an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.