NSGN - Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) là một trí thức có đóng góp rất lớn đối với văn học và lịch sử dân tộc. Ông để lại nhiều thơ văn gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, Sãi Vãi được xem là tác phẩm Nôm có nhiều giá trị.
Sãi Vãi được viết theo lối tuồng, là lời đối thoại qua lại giữa ông Sãi và bà Vãi. Cuộc đối thoại này không chỉ nói đến giáo lý Phật giáo mà còn đề cập đến chuyện luân lý đạo thường của Nho giáo và cả thất tình lục dục. Cũng chính Sãi Vãi mà lâu nay đa số các nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Cư Trinh có ý bài bác, đả kích Phật giáo.
Một trong những tác phẩm của Nguyễn Cư Trinh viết về Phật giáo
Tuy nhiên, nói như Phan Huy Lê: “Đặt nhân vật đó vào bối cảnh lịch sử cụ thể với tất cả mối quan hệ phức tạp của hoàn cảnh gia đình, văn hóa, xã hội, điều kiện hoạt động và nhất là yêu cầu phát triển của đất nước trong xu thế chung của thời đại và của khu vực, để phân tích và nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và thỏa đáng về mặt công lao, cống hiến, mặt tích cực cũng như mặt hạn chế và tiêu cực”1 thì vấn đề của Nguyễn Cư Trinh cần phải xét lại. Căn cứ vào tình hình thời đại xã hội và cảm quan của Nguyễn Cư Trinh thì có thật sự ông đả kích Phật giáo hay không hay ông mang một tâm thế khác?
Quan điểm của Nguyễn Cư Trinh về Phật giáo
Trước hết cần phải khẳng định Nguyễn Cư Trinh là một nhà Nho nhiệt thành trong việc dấn thân hành đạo. Mặc dù trong thực tiễn xã hội, hệ tư tưởng Nho giáo chính thống đã bị lung lay, không còn là khuôn vàng thước ngọc để xây dựng xã hội nhưng Nguyễn Cư Trinh vẫn một lòng tin tưởng và cố công thực hiện khuôn mẫu điển hình. Ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhân dân vẫn khó khăn đói khổ, trong khi đó những kẻ cầm quyền đã hưởng thụ, có kẻ thâu tóm quyền lực, lũng đoạn triều đình, qua mặt vua chúa. Đa số Nho sĩ ở Đàng Ngoài đã chọn cuộc sống ẩn dật, tìm lại những hệ tư tưởng ngoài tư tưởng Nho giáo để di dưỡng tinh thần. Còn ở Đàng Trong, một phần vì là vùng đất mới, một phần vì chỉ có một người nắm quyền nên Nho sĩ hăng hái phục vụ như phục vụ cho một minh quân, đúng với nghĩa là tôn thờ một Chúa. Nguyễn Cư Trinh là một điển hình của những Nho sĩ như vậy. Khi đi lãnh nhận giữ chức Tuần phủ Quảng Ngãi ông đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho tờ sắc với niềm tin tuyệt đối: “Thuộc lại gian tham người phải xét trị; cường hào lấn cướp người phải ngăn trừ; án giam không quyết người phải xét cho ra lẽ; hộ khẩu không đông người ngươi phải làm cho phồn thịnh; nhân dân ương ngạnh ngươi phải giáo hóa; kẻ gian trộm cắp ngươi phải bắt vào khuôn phép. Nhất thiết tình trạng của quân, nỗi khổ của dân, cho ngươi được tùy nghi làm việc, chỉ cần thành công, chớ có sợ nhọc”2.
Từ tâm thế của một nhà Nho nhiệt huyết với tài kinh bang tế thế, Nguyễn Cư Trinh chỉ nghĩ đến một việc là xây dựng giang sơn, đem lại cuộc sống ổn định và ấm no cho nhân dân. Tấm lòng đau đáu đó được thể hiện qua việc ông nhập thế hành đạo nhiệt tình và có nhiều đóng góp. Nguyễn Cư Trinh đã thực hiện trọn vẹn công việc rất thành công. Ông đã bình được giặc Vách Đá, tiến về phía Nam xác lập địa giới, thực thi và bảo vệ chủ quyền ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã điều Nguyễn Cư Trinh trong những tình hình cấp thiết để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền vùng đất Đàng Trong, điều này cho thấy năng lực và sự nhiệt thành dấn thân không ngại gian khó của ông.
Như vậy, Nguyễn Cư Trinh từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc cuộc đời đều đặt niềm tin vào Nho giáo và thực thi khuôn mẫu Nho gia. Tuy nhiên, như nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang với lời dẫn “Khái quát văn học Việt Nam thế kỷ XVIII” trong bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam quyển 5 tập 1 đã nhận xét: “Triết gia Đông phương sống với triết thuyết của mình. Song, lịch sử tư tưởng Việt Nam chưa có thời đại nào, cá nhân nào là thuần nhất cả mà bao giờ cũng là sự dung hợp các học thuyết”3. Điều đó cho thấy rằng không những trí thức Việt Nam mà ngay cả các trí thức Đông phương cũng không sống riêng với một triết thuyết nào cả. Trong con người họ chứa đựng rất nhiều tư tưởng, mà ở Việt Nam là tư tưởng Tam giáo Nho-Phật-Đạo. Nguyễn Cư Trinh chắc chắn không nằm ngoài ngoại lệ đó.
Để đánh giá rõ ràng quan điểm của Nguyễn Cư Trinh với Phật giáo thì cần nắm rõ tư tưởng quan điểm của thời đại xã hội. Tiếp nối Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn đều có tâm hướng tích cực ủng hộ Phật giáo. Bằng chứng là việc lựa chọn Phật giáo làm bản lề tư tưởng, chất keo trong việc gắn kết xã hội. Các chúa đã cho xây dựng nhiều cơ sở chùa chiền, dựng bảo tháp, đúc pháp khí. Đặc biệt, các chúa cho mời các vị danh tăng trong và ngoài nước tham vấn cho đường lối chính sách. Chính bản thân các chúa là người quy y thọ giới, có pháp danh. Một tư tưởng quan trọng làm nên đặc trưng của vùng Thuận Quảng nói riêng, Đàng Trong nói chung đó là tư tưởng “cư Nho mộ Thích” do chúa Nguyễn Phúc Chu khởi xướng. Tư tưởng này tạo ra một luồng sinh khí mới thỏa mãn được ý nguyện vừa xây dựng đất nước vừa tu tập của giới Phật tử nói riêng và giới trí thức xã hội nói chung. Tư tưởng này mang âm hưởng “Cư trần lạc đạo” của thời Lý-Trần.
Với hai điểm trên cộng lại cho ta một con người Nguyễn Cư Trinh, đó là hiểu biết về tư tưởng và nhiệt thành dấn thân phục vụ xã tắc. Từ đây có thể đưa ra những quan điểm về Phật giáo của Nguyễn Cư Trinh.
Nguyễn Cư Trinh là bậc danh Nho nên ông theo chủ trương của Nho giáo, thực hiện nghĩa vụ của một kẻ sĩ Nho gia. Với ông, một kẻ sĩ trong đời phải thực hiện nghĩa vụ với xã hội, phải dấn thân phục vụ xã tắc. Chính vì thế việc xuất gia vào thời điểm đất nước còn khó khăn, loạn lạc vẫn còn, nhân dân còn đói kém, lãnh thổ còn mong manh là không phù hợp. Thời Lý-Trần cực thịnh ở mọi phương diện, Phật giáo cũng cực thịnh và góp phần rất lớn trong đời sống văn hóa xã hội. Đạo và đời dung hòa như một, vương quyền và giáo quyền như một, giới Tăng lữ tu hành vẫn tham gia đóng góp thiết thực cho xã hội. Mô hình này được lặp lại dưới triều các chúa Nguyễn. Cho nên kẻ sĩ trong thời đại này cũng mong muốn dù tu hành vẫn phải dấn thân phục vụ, phải sống một lối sống hành đạo bằng Nho giáo mà vẫn ưa thích Phật giáo. Nếu không thấy được hình ảnh của Phật giáo đời Lý-Trần thì Nguyễn Cư Trinh không thể tạo ra hình tượng nhập thế của một ông Sãi hiểu biết và chờ cơ hội nhập cuộc hành đạo như vậy được. Nguyễn Cư Trinh muốn lặp lại hình ảnh nhập thế của Phật giáo thời Lý-Trần.
Trong truyện Sãi Vãi, ta thấy Nguyễn Cư Trinh phản ánh rất rõ quan điểm của mình về Phật giáo. Phật giáo dưới cái nhìn của Nguyễn Cư Trinh rõ ràng gồm hai thành phần là Phật giáo dân gian và Phật giáo trí thức. Phật giáo dân gian dành cho số đông quần chúng với những vấn đề nhân quả thiện ác, cúng bái cầu nguyện..., tựa hồ/ gần với tín ngưỡng dân gian. Phật giáo trí thức dành cho giới trí thức hiểu biết, thâm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo và dấn thân, xây dựng giá trị tư tưởng cho thiết chế xã hội.
Đánh giá truyện Sãi Vãi, Phan Hứa Thụy cho rằng: “Nhân vật Vãi thể hiện rõ tính chất tín ngưỡng dân gian, tu để thoát nợ hồng trần, để được siêu sanh cõi Phật. Ngược lại, Sãi không phải là kẻ hoàn toàn trốn đời, chỉ biết ăn chay niệm Phật để sinh vào cõi Niết-bàn. Sãi chính là con người mang tư tưởng nhập thế hành đạo của nhà Nho, choàng chiếc áo cà-sa chỉ là giai đoạn chờ thời để thực thi lý tưởng kinh bang tế thế”4. Hình ảnh của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Huyền Quang... thấp thoáng trong nhân vật Sãi này.
Theo Nguyễn Cư Trinh, Phật giáo phải nhập thế. Người tu hành không chỉ biết rõ Phật pháp mà còn nắm rõ được tình hình thế sự. Trong Sãi Vãi ông viết: “Chớ có thấy Vãi tu hành, tưởng Vãi không thông thế sự”5. Vì thông hiểu thế sự nên ông Sãi nhắc đi nhắc lại đạo quân thần, phụ tử và tư tưởng nhân nghĩa một cách say sưa. Không những thế còn nắm rõ tình hình biến động trong xã hội.
Chữ Tu của Phật gia đã được Nguyễn Cư Trinh quan niệm và mở rộng ra ngoài sự giải thoát vốn có để trở thành việc trị yên, củng cố xã hội: “Có tu đức thì thiên hạ mới trị yên, có tu nhân thì cơ đồ mới củng cố”6. Lối tu mà Nguyễn Cư Trinh hướng đến đó là lối “tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”, lối tu của Tống Nho:
“Một lời nói phải nhân phải đạo, ấy là tu ngôn;
Một việc làm chẳng hại chẳng tham, ấy là tu hạnh.
Lấy nhân mà tu tánh; lấy đức mà tu thân
Tu minh đức để mà tân dân; tu tề gia để mà trị quốc.
Ấy là trang hiền đức, tu cho phải đạo tu.
Ngoài thì tu khoan dũ ôn nhu; trong thì tu hòa bình trung chính.
Tu cung, tu tính; tu kín tu thành”7.
Như vậy, Nguyễn Cư Trinh nhìn nhận Phật giáo không đơn thuần chỉ là tu hành để giải thoát, người tu hành thoát ly thế sự, Phật giáo không chỉ dành cho một bộ phận thành phần nhỏ trong xã hội. Phật giáo của Nguyễn Cư Trinh phải là một Phật giáo của thời đại dấn thân, đóng góp phục vụ trên mọi phương diện, là lối sống dành cho quần chúng, giới Tăng sĩ tu hành cũng dấn thân chứ không yếm thế. Tất cả sống đời sống phục vụ như kiểu Nho gia và yêu thích tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo. Nguyễn Cư Trinh cần một Phật giáo nhập thế như Phật giáo Đại Việt đã từng có chứ không phải một Phật giáo yếm thế ẩn dật tìm an. Việc mở rộng khái niệm chữ Tu của Phật giáo của ông cho thấy rằng ông chọn hướng đi an toàn trong vấn đề truyền bá quan điểm. Ông đã khôn khéo trong việc tải Nho nhưng không lộ diện hoàn toàn vì thực tế quan điểm Nho giáo đã mất dần niềm tin khi khuôn mẫu Tam cương Ngũ thường không còn nguyên vẹn, trong khi đó không chỉ quần chúng mà cả giai cấp thống trị đều cổ vũ cho Phật giáo.
Phật giáo là nơi di dưỡng tâm hồn, từ đó lấy năng lượng để dấn thân phục vụ xã tắc. Ông Sãi là mơ ước của Nguyễn Cư Trinh về một hình ảnh Tăng sĩ hiểu rộng biết nhiều và chờ cơ hội nhập cuộc:
“Ông này tu luyện, có chí anh hùng
Thuộc sử kinh chứa để đầy lòng; mang y bát chơn truyền phải mặt
Dầu chẳng “vạn giai sanh Phật”, cũng là “nhất lộ phước tinh”.
Thời chưa nên còn chờ đợi công danh;
Vận dầu gặp chắc hiển dương thanh giá”8.
Tấm lòng của ông Sãi vẫn luôn hướng đến cuộc đời, thương người, cứu đời: “Đạo thương người, Sãi vui giáo Thích Ca; nhân cứu chúng Sãi vui lòng Bồ-tát”9.
Nguyễn Cư Trinh xây dựng hình tượng ông Sãi biết thương người bằng hàng loạt điển cố như Nghiêu Thuấn, Đông Trác Hà Tấn...; rồi tự giận bản thân nhiều lỗi, “ít đức ít tài”, “kinh luân chẳng biết”, “thao lược không hay”...; và ông Sãi “hay yêu” mà “chẳng yêu kẻ dâm kiêu, chỉ yêu người trung chánh”, “yêu đạo trung dung”, “yêu mà nhà lợi, nước lợi, thiên hạ lợi, chi bằng yêu hiền”.... Cuối cùng ông khẳng định:
“Muốn kinh bang, chưa gặp vận hanh thông
Muốn tế thế, hãy còn thời truân kiển”10.
Với hình tượng ông Sãi, Nguyễn Cư Trinh khát khao một Phật giáo nhập thế, những bậc Tăng sĩ là người nhập cuộc phục vụ xã tắc. Có thể nói rằng, quan điểm về Phật giáo cũng chính là quan điểm tư tưởng của cuộc đời ông. Hình tượng ông Sãi là hình tượng tiêu biểu thể hiện tư tưởng của Nguyễn Cư Trinh. Sau này ta thấy hình tượng Đổng Vân trong Hứa Sử truyện vãn của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài là một hình tượng chuẩn, thể hiện được một tinh thần tùy duyên và nhập thế của Phật giáo.
Với cách nhìn của một Nho gia, Nguyễn Cư Trinh rất khách quan trong việc thể hiện quan điểm của mình về Phật giáo. Ông quan niệm, Phật giáo thời đại ông phải là một Phật giáo nhập thế, Tăng lữ tín hành phải dấn thân, Phật giáo không thể chọn cách sống ẩn dật, yếm thế để tồn tại trong khi thực tiễn xã hội cấp bách cần sự đóng góp của toàn thể mọi cá nhân và tổ chức.
Thái độ của Nguyễn Cư Trinh đối với Phật giáo
Đặt vấn đề Nguyễn Cư Trinh với Phật giáo, khi phân tích tư tưởng nội dung của tác phẩm Sãi Vãi, Phan Hứa Thụy đặt ra câu hỏi: “Tại sao Nguyễn Cư Trinh có tư tưởng đả kích đạo Phật?”. Sau đó ông đã đưa ra những lý do rằng, Nguyễn Cư Trinh đứng trên lập trường nhà Nho chính thống đã cho rằng đạo Phật không phải là chỗ tựa của chế độ chính trị, đồng thời ông cho rằng giữa Nho và Phật đã có mâu thuẫn từ nhiều thế kỷ trước. Việc chống đối đó chỉ nhằm giành lấy địa vị cho Nho sĩ trên chính trường. Chúa Nguyễn mộ đạo và ưu ái cho Phật giáo, chính vì vậy số người xuất gia đã làm hao hụt một phần lớn lực lượng lao động trong xã hội. Lý do thứ hai mà Phan Hứa Thụy đưa ra đó là do nhìn thấy đời sống Tăng lữ hư hỏng, họ lợi dụng Phật giáo để làm điều xằng bậy11. Với việc phân tích chuyện Sãi nói về thất tình lục dục để khẳng định Nguyễn Cư Trinh đả kích đạo Phật thì vẫn còn hơi cứng và sượng sùng trong nhận định thái độ của Nguyễn Cư Trinh.
Trong lịch sử, có những trí thức phản bác, đả kích Phật giáo một cách kịch liệt. Tinh thần phiến diện này ở Trung Quốc đạt đến cao trào với những tên tuổi như Trình Hiệu, Trình Di, Âu Dương Tu, Hàn Dũ... Ở Việt Nam có Trương Hán Siêu, Lê Bá Quát... Đa số chỉ lưu tâm tới việc “than phiền chùa nhiều quá, Tăng nhiều quá, văn miếu và nhà học ít quá”12. Tuy nhiên, khi về cuối đời họ lại là người tìm đến với Phật giáo và nhắc tới thái độ của mình từng hẹp hòi về tôn giáo và ý thức hệ. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục đã khuyên nhà Nho rằng: “Nhà nho sĩ chúng ta, cứ giữ thành kiến kia khác, thường thường bác bẻ, như thế có nên không?”13.
Trở lại vấn đề thực tiễn xã hội Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Phật giáo thật sự được bảo trợ bởi chính quyền Chúa Nguyễn. Sự xuất hiện của các Thiền sư nổi tiếng như Hương Hải (sau này ra Đàng Ngoài), Thiền sư Nguyên Thiều, Liễu Quán, Minh Hải Pháp Bảo... Đặc biệt là sự xuất kệ truyền thừa của hai dòng thiền lớn trên đất Thuận Quảng, đó là dòng thiền Liễu Quán do Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán khai mở và dòng thiền Chúc Thánh do Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo khai mở, và điều này đã khẳng định sự phát triển của Phật giáo vùng Thuận Quảng. Sự xuất hiện của hai dòng thiền này đã làm cho mạng mạch Phật giáo ngày càng hưng thịnh ở Đàng Trong; và sự truyền thừa ấy vẫn được tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Với sự xuất hiện của các dòng thiền như vậy không thể nói rằng Tăng lữ Phật giáo không rành giáo lý. Trước đó, trong Hải ngoại kỷ sự Thích Đại Sán có đề cập đến chuyện Tăng không rõ Luật, không thâm hiểu Phật pháp. Tuy nhiên cần đặt lại vấn đề, phải chẳng với tâm thế của một người ở “Đại quốc” lại được lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn đến Đàng Trong, không ít thì nhiều, Thích Đại Sán đã có cái nhìn thiên lệch về Phật giáo ở Thuận Quảng thời bấy giờ. Tuy thế, đó vẫn là những cứ liệu để cho chúng ta rõ thêm phần nào Phật giáo Thuận Quảng.
Thái độ của Nguyễn Cư Trinh đối với Phật giáo rất rõ ràng. Ông chê bai những kẻ lợi dụng Phật giáo chứ không đả kích Phật giáo hoàn toàn. Nguyễn Hồng Liên cho rằng: “Trong Sãi Vãi, tuy có mượn hình tượng Sãi để nói lên suy nghĩ của ông trước thực trạng xã hội đương thời, phản ánh những gì chưa tốt, nhưng cũng chỉ là nhằm chấn chỉnh và mang lại sự ổn định cho xã hội, chứ chưa hẳn là mượn hình ảnh tu sĩ Phật giáo để nhằm đả kích tôn giáo này [...] mang lại tính cách phê bình để xây dựng chứ không đả phá. Đó là điểm cốt lõi mà trước nay, khi đọc tác phẩm này, một số người vẫn mang tư tưởng nhầm lẫn, cho rằng Nguyễn Cư Trinh đả kích, bêu xấu Phật giáo. Cần phân biệt rõ tính tích cực trong đường hướng giáo lý của tôn giáo với hoạt động tiêu cực của những người thừa hành tôn giáo ấy”14. Nguyễn Cư Trinh có quan tâm đến sự tồn vong của Phật giáo ông mới thể hiện quan điểm của mình để chấn chỉnh Phật giáo. Việc đả kích những kẻ mượn áo cà-sa ẩn mình cửa Phật là lo đến sự an nguy của Phật giáo, và tất nhiên cũng là lo đến sự an nguy của xã tắc.
Thái độ không ưa thích ở đây chính là không ưa thích cuộc sống tu hành lạm dụng và ỷ lại chứ không phải không ưa thích Phật giáo. Những kẻ mưu mô thâu tóm quyền lực, kết bè phân phái, hưởng thụ cuộc sống xa hoa diễn ra ngay trước mắt, trong khi dân chúng vẫn còn cơ cực, nổi dậy chống lại chính quyền vẫn còn, tranh chấp lãnh thổ luôn diễn ra đã khiến ông đau đáu tấm lòng. Nguyễn Cư Trinh xông pha tích cực nên càng không ưa lối sống ẩn dật, chọn an nhàn của những người xung quanh. So sánh với cuộc sống của người dân thì đó là điều không nên có. Đã không cần lao động lại không phải thuế khóa thế mà còn đòi hỏi để hưởng thụ. Đoạn Sãi nói mua sắm đồ đạc hoa mỹ là một lời mỉa mai cho thói xa hoa, hưởng thụ. Mà ở đây thông qua nhân vật Sãi, tác giả chỉ trích đến tầng lớp tham quyền tham lợi, chống lại tâm lý an hưởng vật chất. Bởi sau lời của Sãi thì Vãi đã biện minh rằng tu thì không thể như thế, nếu như thế là phạm luật, muôn kiếp trả không hết tội:
“Tuy ngồi mật thất, nào khác thông cù
Trời xa xa rộng thẳm mà chẳng mù;
Lưới lồng lộng bủa thưa mà không lọt
Nói một lời lỗi Luật, tu muôn kiếp khôn đền
Noi thiên đường ông hẳn chưa lên;
Chốn địa ngục ông toan kíp xuống”15.
Rõ ràng, trong toàn truyện Sãi Vãi, Nguyễn Cư Trinh đã để hai nhân vật đối thoại qua lại không ngoài mục đích là thể hiện quan điểm của mình. Chắc chắn rằng tác giả hiểu rõ vấn đề của Phật giáo về cả tư tưởng lẫn thực trạng nên không có chuyện hoàn toàn đả kích mạt sát mà nêu ra để thấy thực trạng rồi từ đó mong ước điều tốt đẹp hơn.
Trong Sãi Vãi, lời của bà Vãi cho ta thấy rằng, chẳng qua những lời mà Sãi nói về lục dục thất tình, phá giới phạm trai, hưởng thụ an nhàn là để thử lòng bà Vãi, để biết được tâm ý của người trong chùa chứ thực ra Sãi quá giỏi. Rõ ràng Sãi được “Sắc tứ trụ trì”, nghĩa là có công hạnh mới được nhà chúa cử đi trú trì ngôi chùa lớn. Khi đến một nơi lạ, không tự dưng Sãi lại sỗ sàng buông ra những lời phi Tăng, phi Phật như thế được. Bà Vãi đã khẳng định:
“Ngỡ là ông Sãi chẳng biết sự tu
Ai dè đứa giả ngu, mới hay là bợm lịch
Khôn ngoan trong sạch, chữ nghĩa từ hòa
Hẳn vàng nọ chưa pha; thật ngọc kia còn ẩn
Chẳng kiêu chẳng lận; biết kính biết nhường
Biết tiểu nhân cỏ rác mà rẻ rúng; biết quân tử ngọc vàng mà yêu chuộng
Biết khinh biết trọng; biết của biết người
Ông có biết chuyện đời, nói nghe chơi cũng khá”16.
Vãi nhận định Sãi là: “Chẳng phải kẻ tầm thường, hẳn là trang cách vật”17. Qua cái nhìn của bà Vãi, ta thấy được Nguyễn Cư Trinh rất mến phục những bậc tu hành thâm hiểu giáo lý, không chỉ Phật giáo mà cả kiến thức của những tư tưởng khác. Sãi dưới cách miêu tả của Nguyễn Cư Trinh là một bậc kỳ tài, chẳng qua thời thế chưa tới nên dừng chân cửa thiền, thân ở cửa thiền nhưng lòng vẫn quan tâm đến trần thế. Sãi nhắc lui nhắc tới đạo thánh hiền, cương thường, tề gia trị quốc... Một kẻ sĩ trong đời biết được như thế đã quý, huống hồ ở đây Sãi là người tu hành mà thông làu, chứng tỏ Nguyễn Cư Trinh vừa nể phục vừa muốn xây dựng khuôn mẫu tu hành như thế.
Nguyễn Cư Trinh không thật sự ghét Phật giáo, đả kích Phật giáo mà chẳng qua, khi ở địa vị Nho giáo, ông nhìn thấy được những hạn chế của Phật giáo với việc ẩn dật và cúng bái mê tín theo chiều hướng dân gian. Phật giáo vào thời ông không đơn thuần là một Phật giáo trí thức, một Phật giáo tinh ròng mà đã dần hòa nhập với tín ngưỡng dân gian nên thói hư tật xấu của kẻ hành đạo cũng theo đó mà xuất hiện. Sau những chê trách nặng lời với những kẻ lợi dụng Phật giáo, Nguyễn Cư Trinh khẳng khái khuyên nhủ những người thật tu vì đạo vì dân rằng:
“Đạo tu lòng chẳng trễ; công mài sắt ắt nên.
Mặc ai xao lãng lòng thiền, Đạo ta ta giữ cho bền thì thôi”18.
Nguyễn Cư Trinh khát khao mong có một sự nhập thế tích cực của giới Tăng lữ Phật giáo trong thời đại của ông như một Phật giáo đã từng có ở Đại Việt - thời Lý-Trần. Cho nên với Sãi Vãi, ta ngỡ ông đả kích và không ưa thích Phật giáo nhưng thực ra đi sâu hơn ta mới thấy ông tôn vinh Phật giáo thịnh đạt thời Lý-Trần. Tâm thế của ông là nhà Nho nhưng cái cao hơn tâm thế nhà Nho là tâm thế vì dân tộc. Vì mong muốn dân tộc thịnh vượng, xã tắc an tồn nên ông muốn tất cả những tư tưởng trong xã hội đều vì dân tộc, vì nhân dân mà dấn thân.
Đỗ Bang trong bài viết “Danh nhân Nguyễn Cư Trinh - Tầm vóc và thời đại” đã đánh giá con người Nguyễn Cư Trinh: “Không những thế, Nguyễn Cư Trinh còn có phẩm chất cao quý của một tín đồ Phật giáo có yếu tố nhà Nho - quân tử là đề cao chữ Trí và Dũng trong mọi cuộc đấu tranh khi làm tướng chỉ huy trên chiến trường cũng như trong quan trường”19. Như vậy chứng tỏ yếu tố Phật giáo đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến con người của Nguyễn Cư Trinh. Tinh thần vô úy và tùy duyên của Phật giáo được chúa Nguyễn Phúc Chu đề xướng thành cư Nho mộ Thích trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Đó như là một tên gọi khác tinh thần “Cư trần lạc đạo” của Phật giáo Lý-Trần. Không rõ Nguyễn Cư Trinh có phải là một tín đồ Phật giáo hay không nhưng một người trí thức lỗi lạc như ông chắc hẳn biết rõ Phật giáo đã đóng góp như thế nào trong lịch sử dân tộc, và đặc biệt chủ trương cư Nho mộ Thích mà chúa Nguyễn đề khởi có thể có sự ảnh hưởng đến tư tưởng của ông.
Một điểm nữa là, nếu không ưa thích Phật giáo thì Nguyễn Cư Trinh sẽ không có cảm tình với những ngôi chùa Phật giáo. Hình ảnh ngôi chùa chính là vẻ đẹp hiện thân của Phật giáo. Tư tưởng của Phật giáo vẫn luôn là điều tốt đẹp, cảnh cửa thiền luôn là hình ảnh góp phần tạo nên vẻ đẹp của non sông đất nước. Trong mười bài họa thơ tao đàn Chiêu Anh Các, Nguyễn Cư Trinh đã ca ngợi cảnh chùa Tiêu cùng tiếng chuông ngân vọng, mang một vẻ đẹp thoát tục trong bài Tiêu tự thần chung:
“Thần phong dao lạc lộ hoa phao,
Thiều đệ cô thanh quá thụ sao.
Kim thú hao tàn tinh hải chử,
Mộc kình đả lạc nguyệt thôn ao.
Vạn gia tỉnh mộng
Phật triều khuyết,
Bát thủy khai nhan tăng hạ sào.
Đãi khấu kham linh thiền diệc hữu,
Bất minh, minh đắc thái dương dao”.
(Gió sớm lạnh lùng hạt móc sa
Đầu cành lướt nhẹ tiếng ngân xa
Chuông gào bãi biển chòm sao lặn
Mõ giục rừng sâu mảnh nguyệt tà
Tỉnh giấc mọi nhà thần mới đến
Trở mình chư Phật sãi vừa ra
Thương thay chờ đánh chùa có lúc
Hễ đánh mặt trời cũng hiện ra)20.
Ngôi chùa hiện lên giữa núi rừng, âm thanh của tiếng chuông lan xa hòa vào khí thiêng núi sông, lòng người như chợt bừng tỉnh. Ta bắt gặp hình ảnh này một lần nữa trong bài Sơn tự mộ chung:
“Yên trung sơn tự hống hoa kình
Viễn sấn dao văn cấu ngạn thanh
Hưởng nhập trường không sương nguyệt đạm
Hoán hồi tàn mộng lữ hồn kinh
Bản kiều nhân tích lộ thiên lý
Mao ốc kê thanh dạ ngũ canh
Vân tế dư âm phiêu dật hứng
Hòa phong ổn tống đáo giang thành”.
(Chùa cao trong khói tiếng chày kình
Văng vẳng lan xa tận bờ xanh
Tiếng vọng lưng trời sương đêm loảng
Ngân vang giữa mộng khách hồn kinh
Ván cầu in dấu xa ngàn dặm
Lều cỏ tiếng gà rộn năm canh
Mây tỏa theo chuông bao nguồn hứng
Gió êm tống tiễn đến Giang thành)21.
Không nắm được tư tưởng của Phật giáo, không thiện cảm với Phật giáo thì chắc hẳn Nguyễn Cư Trinh không thể có những lời từ trau chuốt ca ngợi cảnh chùa đẹp và tiếng chuông thanh thoát như thế này.
Kết luận
Nguyễn Cư Trinh trước sau vẫn là một nhà Nho hành đạo tích cực nhưng không vì thế mà ta quy tất cả đều hướng về Nho giáo để rồi nắm lấy những phần ngọn mà hiểu sai lệch về tư tưởng, đánh giá về con người ông. Sống trong bầu không khí với những tư tưởng được nới rộng về khái niệm (Tam giáo đồng nguyên; cư Nho mộ Thích; Dĩ Nho tải Phật; Nho Phật nhất trí...), những bậc trí thức như Nguyễn Cư Trinh không còn gò bó bởi một tư tưởng chủ đạo nào. Cái cốt dụng cuối cùng của tư tưởng là đóng góp vào việc xây dựng đất nước, an tồn xã tắc, nhân quần ấm no. Đánh giá về quan điểm và thái độ của Nguyễn Cư Trinh đối với Phật giáo cũng cần đặt trong thời đại đó, và như vậy cho thấy rằng ông hy vọng và khát khao xây dựng một Phật giáo tích cực hơn, nhập thế hơn.
Phan Thạnh
_____________
(1) Phan Huy Lê (2015), “Phan Thanh Giản (1796-1867) con người sự nghiệp và bi kịch cuối đời” in trong thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, NXB.Hồng Đức và Tạp chí Xưa Nay, tr.289.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục, tập 1, Tiền biên, NXB.Sử Học, Hà Nội, tr.211-212.
(3) Nguyễn Thạch Giang chủ biên (2004), Tinh tuyển Văn học Việt Nam, tập 5 - quyển 1, 2, Văn học thế kỷ XVIII, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.17.
(4) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Thơ văn Nguyễn Cư Trinh, NXB.Thuận Hóa, tr.28.
(5) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.74.
(6) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.71.
(7) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.69.
(8) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.77.
(9) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.78.
(10) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.82.
(11) Xem thêm Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.30-33.
(12) Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận (toàn tập), NXB.Văn Học, tr.643.
(13) Lê Quý Đôn (2013), Kiến văn tiểu lục quyển 2, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB.Trẻ, tr.174.
(14) Trần Hồng Liên (2011), “Đặc điểm Phật giáo Đàng Trong thế kỷ thứ XVIII qua truyện Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh”, Tạp chí Suối Nguồn 1-5/2011 - Trung tâm Dịch thuật Huệ Quang, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, tr.124-129.
(15) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.68.
(16) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.73-74.
(17) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.83.
(18) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.85.
(19) Đỗ Bang chủ biên (2017), Nguyễn Cư Trinh - Quê hương thời đại và sự nghiệp, NXB.Tri Thức, tr.80-81.
(20) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.107-108.
(21) Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu) (1989), Sđd, tr.145.