Quả chuông quý ở chùa An Xá

Cách đây tròn 1.000 năm, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, những người dân An Xá phải nhường đất cho triều đình xây dựng cung cấm, rồi di cư ra bãi giữa sông Hồng, hơn 700 năm sau dân làng mới chuyển tới định cư ở phía Bắc sông. Chuông chùa An Xá, làng Bắc Biên ngày nay là sử liệu quý giá cho biết những cuộc dâu bể của người dân An Xá.

Làng Bắc Biên nằm ngoài đê tả ngạn sông Hồng, cách chân cầu Long Biên khoảng 2km, thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội. Ngôi chùa làng Bắc Biên (được công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1989) còn có nhiều tên cổ khác là chùa An Xá, chùa Phúc Xá, chùa Cơ Xá - tương truyền đây là những tên làng cũ vốn ở bên kia sông, tại vị trí Hoàng thành Thăng Long xưa.

chuachua.jpg

Gác chuông An Xá”


An Xá tự bố cục kiểu chữ Đinh, chính điện gồm 5 gian. Quan sát kiến trúc, phía trên vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng. Trên xà, tàu mái và các kẽ hiên được chạm trang trí nhiều hình ảnh sinh động làm tăng vẻ đẹp của ngôi chùa: rồng, trúc, hình hoa, lá, cúc, trúc, mai. Hậu cung có 3 gian nối tiếp với nhà chính điện. Ngoài hệ thống tượng Phật phong phú như những ngôi chùa truyền thống ở Bắc Bộ, gồm 36 pho tượng Phật, Thiêu hương chùa còn có tượng thờ Từ Hoa - Đức Chúa dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho làng; Tiền đường chùa có ban thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Trong số những di vật quý mà nhà chùa còn bảo lưu được có 3 quả chuông đồng, gồm 2 chuông nhỏ đúc thời Bảo Đại và một quả chuông lớn đúc vào thời Lê - Trịnh (320 năm tuổi). Chuông "An Xá tự chung" hiện treo trên gác chuông trước tiền đường, được đúc vào năm Canh Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690). Thân chuông cao 0,95m; đường kính miệng 0,65m. Quai chuông tạo tác thành 2 hình rồng đấu lưng vào nhau, cao 0,3m. Chuông có tới 6 núm gõ. Thân chuông chia làm 4 múi theo chiều dọc, mỗi múi lại chia làm 2 ô theo chiều ngang, bởi vậy có tới 8 ô để khắc văn bản. Văn tự khắc trên chuông gồm hơn 4.500 chữ, đây là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu, xác minh quê hương Lý Thường Kiệt, đồng thời cho ta thấy được gốc tích của người dân làng Bắc Biên và địa giới của làng Cơ Xá xưa kia. Nội dung văn tự ở 4 ô phía trên của chuông "An Xá tự chung" là 9 bài sắc chỉ của các triều đình xưa, bao gồm: 2 sắc chỉ của vua đời nhà Mạc, niên hiệu Quảng Hòa 4 và 5 (1544; 1545); cùng 7 sắc chỉ của các chúa Trịnh vào các năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1623), Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), Đức Long thứ 3 (1631), Phúc Thái thứ 5 (1647), Thịnh Đức thứ nhất (1653), Thịnh Đức thứ 2 (1654), Chính Hòa thứ 10 (1689). Ở 4 ô nhỏ phía dưới thân chuông khắc những bài giáo lý nhà Phật và việc đúc chuông chùa An Xá. Điểm đặc biệt, là trên đường diềm ngang thân chuông khắc thêm một dòng chữ Hán. Dòng chữ này cho biết: "Đáng lẽ không được ghi tên người lên phần ghi lại các bản lệnh chỉ của triều đình, thế nhưng người sao lục những văn bản này là Tư văn trưởng xã chính Túc đường nam Ngô Đăng Tiến lại cho khắc tên mình lên chuông. Bởi vậy, dân làng phạt 30 quan tiền để răn đe".

chuongchua-1.jpg

“An Xá tự chung”

Nội dung các sắc chỉ cho biết, người dân Cơ Xá vào thế kỷ X trở về trước vốn sống ở vị trí nội thành Thăng Long. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đã lấy đất của họ để xây dựng Hoàng thành. Bởi vậy, người dân phải dời đến bãi An Xá ở giữa sông, để rồi 9 năm sau đó bãi An Xá là nơi chào đời của vị anh hùng Lý Thường Kiệt. Đến năm Nhâm Tý 1132, vua Lý Thần Tông ngự thuyền rồng đi kinh lý, thấy nước sông lên to, dân xã An Xá bị ngập lụt phải bắt giáo lên ở và nhà nào cũng có thuyền cơ động di chuyển lên chỗ đất cao, nên vua hạ chiếu đổi tên xã An Xá thành châu Cơ Xá (cơ chữ Hán hàm nghĩa là cơ động). Bản sắc chỉ năm 1653 được dịch như sau: "Ngày 22 tháng 3 năm Thịnh Đức thứ nhất ban sắc rằng, chùa An Xá là danh lam cổ tích thuộc ấp Thăng Long, vốn từ nội điện chuyển sống ở bãi Cơ Xá giữa sông, khi Lý Thái Tổ lập đô. Vì thế ngự chỉ chuẩn cho dân giữa sông không có ruộng canh tác mà sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, lại chuẩn cho thuộc quan xuống khám đạc thấy không có các ngạch thuế và bồi đắp đê đường, cùng ruộng binh phân, hộ phân (chia cho người đi lính và nhân khẩu). Trung thư xá nhân đình úy Quản châu hầu phong tứ quốc tính Lý Thường Kiệt thụy Quảng Châu phủ quân. Hàng năm phúc điền lập làm tổ địa. Nước Đại Việt ta từ thời Lý lập đô trải đến triều Lê Thái Tổ ngự chỉ chuẩn trừ các việc sưu sai tạp dịch cho bản châu theo như lệ trước. Ngày 14 tháng 2 năm Hồng Đức 18 (1497), Triều liệt đại phu Hộ khoa cấp sự trung Nguyễn Thanh Lương, Hiển cung đại phu Hộ khoa Đô cấp sự Nguyễn Úc sao tuyển thành một bản, Ty lễ giám Tổng thái giám trị giám sự Phúc Dương bá Nguyễn Xuân Lan truyền cấp bản tuyển". Sắc chỉ năm 1544 có đoạn được dịch: "… Ngày 3 tháng 11 năm Quảng Hòa thứ 4, thừa lệnh Bộ Hộ khám đạc bản châu. Vào thời Hồng Đức, vâng sai sắc chỉ bản châu không có các ngạch thuế ruộng dâu, bến đò và sưu sai. Đến năm Quảng Hòa thứ 2, viên tri huyện bản huyện là Vũ Chiêu Đẳng khám đạc biết được từ triều trước đến năm Đại Chính thứ 9 trở về trước, châu Cơ Xá vốn ngạch lập đất tổ nghiệp, được miễn hết mọi loại sưu thuế". Sắc chỉ năm 1631 ghi: "Ngày 10 tháng 9 năm Đức Long thứ 3, châu Cơ Xá, huyện Từ Liêm nội lệ đạo Sơn Tây; Đông cận các xã Lỗi Cầu, Lâm Hạ; Tây cận các phường Quảng Bá, Yên Hoa; Nam cận cửa sông ông Mạc; Bắc gần các xã Xuân Canh, Bắc Lâm. Trên từ Tam Bảo châu xuống đến cửa sông Ông Mạc, dân cư giữa sông không có ruộng cấy, sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Nguyên có đất bãi cấp cho trên từ quan viên xuống đến thứ dân, vợ con mỗi người đất ở 4 sào, khẩu phần 8 sào; người ốm đau, cô quả thì mỗi người hơn 2 sào; chuẩn cấp làm ruộng Tam bảo để cúng Phật, đều được miễn thuế. Theo lệ trước cho miễn các khoản công dịch đắp đê, đường, thuế bến đò, sưu sai. Cho giám sát sứ ty Hiến sát sứ Dương Văn Hán phê phó bản huyện tri huyện Phạm Như Trung cùng kiểm tra đo đạc quả là châu Cơ Xá và không có các ngạch thuế…".

chuongchua-2.jpg

Khám thờ Lý Thường Kiệt

Như vậy An Xá ra đời cùng với thành Thăng Long, dân từ đó sống ở bãi nổi, nay lở, mai bồi… hàng năm vào mùa nước sông lên to đểu bị ngập lụt. Cho đến cuối thời Lê Trịnh, hầu hết người dân Cơ Xá không thể trụ lại được nữa, phải bỏ đất tìm đến những nơi khác lập nghiệp. Phần lớn người dân chuyển sang sống ở bờ Bắc sông Hồng thuộc Ngọc Thuỵ, lập nên Cơ Xá Bắc Biên. Bộ phận cư dân này đã chuyển luôn cả ngôi chùa An Xá từ bãi giữa sông về Bắc Biên, đem theo chuông "An Xá tự chung". Cổng chùa ngày nay còn đôi câu đối: "Hùng sơn nhĩ thủy danh lam tính/Xá tự Hàm châu cảnh sắc tàn". Cho đến năm 1976, chấp hành lệnh thoát lũ, Nhà nước phải di dân toàn bộ số dân còn lại ở Phúc Xá về các xã Bắc Biên, Gia Quất, Ngọc Lâm, Ô Cách… Lý Thường Kiệt được rước vào thờ tại đình Phúc Xá Bắc Biên là nơi tập trung đông nhất dân gốc Cơ Xá. Lịch sử mãi ghi nhớ công ơn nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba Lý Thường Kiệt, người lãnh đạo quân dân Đại Việt thời Lý, phá Tống bình Chiêm thắng lợi. Ông là người họ Ngô nhưng được vua ban quốc tính đổi thành họ Lý. Ông sinh năm 1009 và mất năm 1105, được truy tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt Quốc công. Hàng năm cứ vào ngày mồng 2 tháng 6 âm lịch dân gốc Cơ Xá, trong đó phần lớn người họ Ngô đều tập trung ở đình làng Bắc Biên, liền kề với chùa An Xá để làm lễ dâng hương lên Thái úy Việt Quốc công Lý Thường Kiệt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.