Phố ông đồ Sài Gòn vào xuân

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp xuân về, các "ông đồ” ở TP.HCM lại có dịp tụ họp. Năm nay, từ ngày 3 đến 13/2, dãy phố ông đồ được bố trí trải dài khoảng 55 m từ hành lang đường Nguyễn Thị Minh Khai nối đến đường Trương Định (Q.1).

Phố ông đồ được thiết kế với những chiếc chõng tre, trải chiếu đỏ, vách sau treo một chiếc mành tre ngang 2m, cao 2m. Các "ông đồ” được quy định mặc áo dài đen, đội khăn đóng, chân mang guốc mộc, ngồi trên chõng thi triển bút pháp cho chữ khách tham quan. Năm nay, số lượng "ông đồ” tham dự lên đến 25 người, trong đó có 16 "ông đồ” thuộc CLB Thư pháp chữ Việt của Cung Văn hóa Lao Động, còn lại là các "ông đồ” tự do ở các trường đại học và một số tỉnh thành. Anh Lê Lân - Chủ nhiệm CLB Thư pháp chữ Việt Cung Văn hóa Lao Động cho biết: "Qua hai lần tổ chức, chúng tôi nhận được nhiều hiệu ứng tích cực của người dân nên quyết định tổ chức lễ hội "phố ông đồ” thành một nếp văn hóa của thành phố trong dịp Tết hàng năm".

Một ông đồ trẻ thuộc CLB Thư pháp NVH Thanh Niên đang cho chữ

"Ông đồ” Thanh Liêm, người đã gắn bó với lễ hội này từ những năm đầu tiên cho biết, những người đi "xin chữ" năm mới thường thích những "ông đồ” lớn tuổi, râu tóc bạc phơ hơn những ông đồ trẻ. Họ quan niệm, nếu chữ "Thọ” do một "ông đồ” lớn tuổi thủ bút sẽ có ý nghĩa hơn là của một ông đồ nhỏ tuổi. Những ông đồ lớn tuổi "cho chữ" còn giải nghĩa từng câu chữ, trao đổi, giao lưu những câu thơ cổ, triết lý sống...

Tuy nhiên, không vì thế mà những "ông đồ” trẻ ế khách. Những "ông đồ” trẻ thường có nét bút hiện đại, phá cách, dễ tạo thiện cảm với các vị khách tuổi "teen". Nắm bắt tâm lý đó nên cùng thời điểm, NVH Thanh Niên cũng tổ chức "Phố ông đồ” do CLB Thư pháp của NVH "chủ xị” với khoảng  46 "ông đồ”, chủ yếu là những ông  đồ trẻ. "Ông đồ” Nguyễn Hoàng Việt - Phó chủ nhiệm CLB Thư pháp NVH Thanh Niên cho biết: "Phố ông đồ năm nay có nhiều nét mới. Gian hàng được bố trí thành một vòng elip, những "ông đồ” sẽ ngồi trên bục gỗ cao để tạo dáng vẻ ung dung, thư thái. Phía sau trang trí thêm những gốc mai, gốc đào, tạo cho dãy phố thêm rực rỡ sắc màu. Lân, rồng sẽ múa uốn lượn, tạo cho không gian phố thêm sôi động".

Dịp này, khách tham quan lễ hội "Phố ông đồ” tại NVH Thanh Niên còn được chiêm ngưỡng bức thư pháp "Có ấn chương nhiều nhất Việt Nam" vừa được công nhận là kỷ lục ghi-nét Việt Nam, do các "ông đồ” thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.