Phật về giữa đại ngàn

GN - Mỗi lần đi công tác các tỉnh Tây Nguyên, đặt chân lên mảnh đất Kon Tum, trong tôi lại xúc động nhớ về sự kiện trọng đại mà Phật giáo nơi này khơi màu niềm tin Chánh pháp và quy hướng Tam bảo đối với đồng bào dân tộc thiểu số khi lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức một Đại lễ quy y cho hơn 4.000 ngàn người.

Tôi vẫn nhớ như in vào buổi sáng hôm ấy (ngày 19-4-2009), hàng ngàn đồng bào dân tộc từ các buôn làng đã hội tụ về tổ đình Bác Ái lịch sử để tiếp nhận sự thay đổi trong đời sống tâm linh của mình: Được một lần và mãi mãi trong đời quỳ dưới chân Đức Thế Tôn. Và cũng chính từ đó mà giữa đại ngàn không chỉ có gió, có nắng, có rừng xanh thăm thẳm mà có cả sen, cả Phật hiện diện cùng đồng bào dân tộc.

wwwT9 (4).JPG

Đạo tràng niệm Phật của đồng bào dân tộc trong một buôn làng thuộc tỉnh Kon Tum - ảnh: Bảo Thiên

“Sự kiện hy hữu này đã làm nức lòng hàng triệu tín đồ Phật tử, một niềm vui thầm lặng và tự hào về sự phát huy của Phật giáo nước nhà. Việc những người anh em dân tộc thân thương và hòa ái của chúng ta biết phát tâm quy hướng Phật giáo, dấu ấn này như một nét son và chói ngời cho trang sử Phật giáo của tỉnh Kon Tum. Điều đó là  một minh chứng thiết thực và hùng hồn nhằm xác quyết giá trị lợi lạc và những đóng góp to lớn nhất của Phật giáo Việt Nam, thể hiện sống động và khách quan tinh thần bình đẳng, bao dung và hòa đồng của Phật giáo, không phân biệt thứ bậc, đẳng cấp, địa vị giai tầng trong xã hội”, lời khẳng định vẫn còn văng vẳng bên tai dù nó đã được HT.Thích Quảng Xả, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ quy y đọc cách đây đã hơn 3 năm.

Hôm nay, có dịp quay trở lại Kon Tum, tiếp xúc với đồng bào, trong tôi như dâng trào niềm hoan hỷ khi được biết kể từ sự kiện lịch sử ấy, đã có 5 chú tiểu người đồng bào dân tộc thiểu số xuất gia tu học tại chùa Trung Khánh (TP. Kon Tum). Riêng tại các buôn làng có đông đồng bào dân tộc quy y đã bắt đầu hình thành nên các đạo tràng tu học và chính những con người thân thương, hiền lành, chất phác chứ không ai khác đã biết về chùa thọ Bát quan trai, niệm Phật mỗi tháng, trì kinh Pháp hoa hàng tuần và tự dặn dò nhau đừng làm điều xấu ác, tôn kính chư Tăng và chắp tay mỗi khi mở đầu câu chuyện với nhau.

Tôi gặp chị Y Mưa, một con người nhỏ nhắn của núi rừng đại ngàn đúng nghĩa. Trong thời khắc duyên ngộ, chị đã huyên thuyên với tôi về niềm hạnh phúc khi được tiếp cận giáo lý Phật Đà, về đạo tràng niệm Phật mỗi đêm có đến gần 100 đồng bào tham gia tại nhà chị vì trong buôn chưa có niệm Phật đường, cả tấm lòng khao khát của bà con về một cơ sở thờ tự, sớm hôm kinh kệ để khỏi phải đi xa hàng chục cây số trên các con đường ngoằn ngoèo đến chùa mỗi tháng. Một ước muốn nhỏ nhoi nhưng để thực hiện quả không dễ khi họ vẫn còn chân lấm, tay bùn lo cái ăn, cái mặc giữa thời buổi khốn khó.

Tôi cũng có cơ hội được tham dự một khóa lễ tâm linh buổi tối tại buôn làng do chính đồng bào hướng dẫn nhau. Tiếng ê a niệm Phật của họ không được tròn vành, rõ chữ như người Kinh nhưng giữa không gian u tịch này nghe sao thân thương và thong dong đến lạ. Có lẽ nó được cất lên từ tấm lòng chất phác, trong trẻo được nuôi nấng bởi rừng xanh thăm thẳm.

Bấy nhiêu đó thôi cũng làm cho tôi nhận diện được sự đổi thay đến bất ngờ trong ngần ấy thời gian Phật về với buôn làng và trở nên gần gũi với đồng bào dân tộc. Đã đến lúc, mỗi người con Phật chúng ta cần có trách nhiệm với niềm tin Tam bảo để làm cho ánh hào quang của đạo Phật được lan tỏa khắp nơi nơi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.