Phật tử trẻ sử dụng internet để làm gì?

GN - Với câu hỏi đó, PG-TT thực hiện khảo sát với 30 bạn trẻ là Phật tử độ tuổi từ 15 đến 25, kết quả nhận được: lâu nay giải trí là lĩnh vực các bạn dành thời gian nhiều nhất. Qua đó, các bạn cũng khẳng định: giải trí thì không có gì xấu nhưng nếu xét lại, với sự tiện ích vô cùng lớn từ internet mà chỉ sử dụng cho mục đích giải trí thôi thì thật đáng tiếc...

Sức hút của giải trí trên internet

Bạn Lê Phương Giao (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) chia sẻ rằng, trước nay thường chỉ sử dụng internet để nghe nhạc, xem phim, còn sử dụng cho đọc báo, tìm tư liệu cho việc học thì quá ít, chỉ khi nào bất đắc dĩ thì mới tìm.

“Mình nghĩ giải trí thì không thể bỏ, nhưng mình sẽ lập kế hoạch phân bố thời gian để sử dụng internet hợp lý hơn. Bên cạnh đó, vì là Phật tử mình cũng sẽ dành ra một khoảng thời gian để nghe các bài giảng về Phật pháp của các thầy, việc này có tác dụng bồi bổ tâm hồn nhiều hơn khi nghe một bài hát” - bạn Giao nói.

Trịnh Minh Quang (20 tuổi, ở Thủ Đức, TP.HCM) nói, giới trẻ đa phần vẫn chưa tận dụng được hết lợi ích từ internet. Quang thẳng thắn: “Bản thân mình hiện tại cũng sử dụng internet cho giải trí quá nhiều, đến khi muốn đọc báo hay xem một chương trình gì đó về giáo dục thì không còn thời gian, phải tắt máy tính để đi làm”.

trangpgtt gn842.jpg
Vào internet, sử dụng mạng xã hội cần sự chánh niệm, vận dụng để học Phật pháp - Ảnh minh họa

Tìm hiểu Phật pháp qua mạng

Dù đa phần bạn trẻ còn tập trung vào các trò giải trí trên mạng nhưng cũng có không ít người đã tìm thấy được một môi trường học tập rèn luyện cho mình từ internet.

Theo tìm hiểu của nhóm khảo sát, các bạn trẻ thường vào các diễn đàn để tìm người trao đổi, chia sẻ những vấn đề mà mình quan tâm. Đó cũng là cách mà bạn Võ Minh Thành (sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II) sử dụng mạng internet. “Thường mình lên mạng để xem phim, nghe nhạc và chơi Facebook. Nhưng nhiều khi gặp bế tắc trong cuộc sống thì mình tìm đến các diễn đàn tâm sự hoặc vào các diễn đàn Phật giáo để trao đổi về giáo lý, về quan niệm sống. Các diễn đàn này là nơi mình có thể dễ dàng bày tỏ suy nghĩ những vấn đề thắc mắc, băn khoăn không thể chia sẻ với người thân, bạn bè”, Thành cho biết.

Bạn Ngô Hoàng Anh Tiến (22 tuổi ở thị xã Gò Công, Tiền Giang) nhận định, internet có thể coi là kho bách khoa toàn thư vì nó không những chứa đầy đủ thông tin, tư liệu được cập nhật một cách thường xuyên mà còn phong phú, đa sắc về hình ảnh.

Tiến chia sẻ: “Là một Phật tử trẻ và có chút ít kiến thức về công nghệ, mình xem internet là cánh cửa để đến với Phật pháp. Hàng ngày lên mạng, vào các trang xã hội mình không like, không bình luận, nhưng mình xem, quan sát những câu chuyện, tâm tư, tình cảm của mọi người cũng như biết được những bế tắc, đau khổ hay niềm vui của mỗi người. Đây là những thứ mà ở thế giới bên ngoài khó có thể thấy được. Từ những quan sát này mình biết cảm thông cho họ và rút ra bài học cho bản thân mình”.

21 tuổi, đang là sinh viên tại TP.HCM, bạn Nguyễn Thị Thúy tâm sự, trước đây hay sống khép kín và ít mở lòng với mọi người. Tình cờ Thúy lên mạng, thấy được những diễn đàn của các hội nhóm từ thiện, họ đem yêu thương để chia sẻ với những người khó khăn và “mình rất thích nên đã chủ động đăng ký tham gia, nhờ vậy mà bây giờ mình đã hoạt bát và mạnh mẽ hơn”.

“Khi tham gia các nhóm từ thiện, mình không chỉ đem yêu thương và san sẻ với mọi người mà các bạn trong nhóm còn hay chia sẻ những clip thuyết giảng Phật pháp của các thầy, điều đó làm cho Thúy thấy vui và hạnh phúc với những gì mình đang làm”, Thúy tâm sự.

Còn bạn Nguyễn Tố Như (19 tuổi, ở quận 8, TP.HCM) chia sẻ, từ ngày biết đến các trang, bài pháp thoại của quý thầy trên Facebook, đã học được những câu chuyện rất hay về cách sống, về những bài giảng của thầy. Sau khi xem, nghe những bài giảng ấy, Như và một số bạn còn lập ra một nhóm nhỏ để làm từ thiện. Từ đó, không những được học hỏi, trao đổi việc tu tập mà theo Như, qua mạng còn được kết nối với nhiều bạn có cùng sở thích nên bạn cảm thấy hạnh phúc và cảm nhận cuộc sống nhẹ nhàng hơn mỗi ngày.     

Nghe pháp bất cứ lúc nào

Trường hợp chị Nguyễn Thị Xuân (24 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) - là người đệ tử Phật nhưng từ khi đi làm và từ ngày lập gia đình, có con nhỏ thì chị cũng ít đi chùa hơn. Tình cờ một lần có người bạn chia sẻ về trang pháp thoại của một giảng sư trên Facebook, chị thường xuyên cập nhật những bài giảng mà bản thân không thể đến tận nơi để nghe và không bỏ sót một bài nào.

“Tôi thật sự hạnh phúc và cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tu tập nhờ trang pháp thoại online trong mỗi lần vào internet”, chị Xuân kể.

Còn anh Nguyễn Trọng Khang (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ: “Công việc của mình khá bận nên không có nhiều thời gian để đến chùa nghe những bài giảng của các thầy. Vì vậy, mình thường lên mạng để tìm nghe những bài giảng, những câu chuyện về đạo hiếu và những buổi hướng dẫn thiền của chư tôn đức. Điều đó giúp mình có thể tự tu tập tại nhà”.

Bạn Nguyễn Ái Quyên (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM), trong một lần đi tình nguyện đã có duyên gặp được một vị thầy, nghe thầy giảng về giáo lý Phật giáo, bạn thấy thích nên từ đó thay vì online để đọc truyện ngôn tình, tiểu thuyết thì Quyên vào các trang Phật học để đọc những mẩu chuyện xoay quanh về Đức Phật, câu chuyện về luật nhân quả, nhân sinh…

“Đằng sau những mẩu chuyện đó mình luôn tìm thấy bài học, đạo lý sâu sắc mà Đức Phật phương tiện gửi đến chúng sinh”, Quyên bày tỏ.

Chơi mà vẫn học được đạo là gửi gắm của bạn Trần Xuân Phát (17 tuổi, ở Tiền Giang): “Gia đình em theo đạo Phật, ba mẹ em thường lên mạng tìm những bộ kinh, những bài thuyết pháp mới của các thầy rồi tải về và phát lên cho cả nhà cùng nghe. Bản thân em sau những giờ học căng thẳng em cũng thường dùng điện thoại để lên mạng nghe những bài nhạc Phật, nhạc thiền, những bài hát mang giai điệu, âm hưởng nhẹ nhàng… để thân tâm được thư thái, tĩnh lặng”. Vào những ngày cuối tuần có nhiều thời gian thì Xuân Phát xem những bộ phim về Phật giáo, phim hoạt hình được chuyển thể từ câu chuyện Đức Phật thời tại thế…

Từ khóa nào được kiếm nhiều nhất?

Google hàng năm đều đưa ra danh sách 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, năm 2012, từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam là “Chương trình giọng hát Việt”, tiếp theo sau đó là các từ khóa thuộc về lĩnh vực giải trí.

Năm 2013, với sự trượt giảm mạnh của giá vàng trong nước, quốc tế và sự can thiệp mạnh của ngân hàng nhà nước thì giá vàng là cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất. Tuy nhiên, các vị trí tiếp theo trong top 10 vẫn thuộc về lĩnh vực giải trí là tên các ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ.

Năm 2014, có sự kiện thể thao toàn cầu là World Cup thì từ khóa  “World Cup 2014” được tìm kiếm nhiều nhất. Năm 2015, bài hát Vợ người ta đứng đầu danh sách, 9 từ khóa tiếp theo đều thuộc về lĩnh vực giải trí.

thay truc giao.png
thay hoa an 2.jpg

Minh Tiến - Thu Hiền - Hồng Nho - Duy Khánh

_________________

* Bạn có ý kiến hay chia sẻ thêm về vấn đề này, xin hoan hỷ viết bài gửi về hộp thư: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.