GN - Sri Lanka, đất nước Phật giáo hiền hòa, người dân đa phần là Phật tử. Đây cũng là quốc gia có nhiều Tăng Ni VN đang theo học Phật học, nghiên cứu Phật giáo. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, khi nhiều nước đang còn gồng mình chống dịch thì Sri Lanka đã kiểm soát được dịch, không còn lây lan trong cộng đồng.
Giác Ngộ đã liên lạc với ĐĐ.Thích Đồng Tâm, giảng viên Học viện Phật giáo Quốc tế Sri Lanka và được thầy chia sẻ:
- Sri Lanka phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 15-2, là một nữ du khách người Trung Quốc, bệnh nhân được cách ly và trị khỏi sau đó. Đợt lây nhiễm thứ 2 bắt đầu từ ngày 11-3 sau đó tăng nhanh trong tháng 5, lên tới 1.801 ca dương tính, tính đến sáng nay, 25-7, tổng số ca nhiễm Covid-19 của Sri Lanka là 2.697, trong đó 11 người chết và 2.012 ca phục hồi.
Các hoạt động sinh hoạt của người dân dần trở lại bình thường, ngoại trừ một số trường học còn đóng cửa cho tới đầu tháng 8; các cơ quan, công ty, xí nghiệp cũng đã hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên người dân vẫn tuân thủ đeo khẩu trang khi ra ngoài và duy trì giãn cách xã hội.
ĐĐ.Thích Đồng Tâm tại Sri Lanka - Ảnh: NVCC
Chung tay đẩy lùi đại dịch
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Chính phủ Sri Lanka và Phật giáo nước này đã có biện pháp chống dịch ra sao, thưa thầy?
- Giống như Chính phủ VN, Sri Lanka ngay từ đầu cũng có những biện pháp phòng chống dịch rất mạnh tay và kịp thời như đóng cửa sân bay quốc tế, cho học sinh các trường nghỉ học. Đặc biệt trong giai đoạn số ca nhiễm tăng cao, Sri Lanka đã áp lệnh giới nghiêm từng vùng và cả nước nhiều ngày liên tiếp để hạn chế sự lây nhiễm. Bất cứ ai ra đường vào giờ giới nghiêm đều bị bắt đi cách ly. Người dân cũng tuân thủ khá tốt quy định của Chính phủ.
Về phía Phật giáo, Bộ Phật giáo, các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội nước này tích cực tuyên truyền ý thức phòng ngừa bệnh cho Phật tử trên đài truyền hình Phật giáo, báo chí và đài phát thanh…; trụ trì các chùa ở từng địa phương cũng tích cực hướng dẫn Phật tử kiến thức phòng bệnh, phương thức tu tập tại nhà, duy trì các biện pháp an toàn trong mùa dịch.
Trong giai đoạn tháng 5, đỉnh điểm của dịch, do Nhà nước áp lệnh giới nghiêm toàn quốc trong nhiều ngày liên tiếp, những gia đình lao động nghèo chịu ảnh hưởng rất lớn, thiếu thốn lương thực, chính chư Tăng đã kêu gọi mọi người đóng góp lương thực, rau củ quả tới chùa rồi đem phân phát lại cho các gia đình gặp khó khăn. Thậm chí các sư tại nhiều chùa không ngại khó nhọc ra vườn, ruộng lúa canh tác trồng trọt hoa màu để giúp cho người dân.
Tăng Ni du học sinh VN và quốc tế cũng được nhận các phần rau củ, thức ăn cúng dường từ các chùa và Phật tử Sri Lanka. Một số thầy VN cũng vận động và tổ chức nhiều chương trình từ thiện giúp cho người dân nghèo Sri Lanka trong đại dịch. Đây là một điều hết sức quý báu thể hiện nét đẹp từ bi, vị tha của Phật giáo.
Hiểu rõ nhân quả, đón nhận bất như ý nhẹ nhàng
Được biết, người dân Sri Lanka đa phần là Phật tử, tâm thế đón nhận đại dịch và việc phòng chống dịch của họ, theo ghi nhận của thầy liệu có gì khác biệt?
- Sri Lanka là một đất nước Phật giáo Theravada theo quy định trong Hiến pháp, 73% dân số theo Phật giáo, vì thế người dân, Phật tử quốc gia này rất hiền lành, chất phác, sống theo giáo lý của Phật giáo, lấy Ngũ giới làm nền tảng đạo đức xã hội.
Người Phật tử Sri Lanka rất tin vào nhân quả và lời Phật dạy, cũng như rất tin tưởng, kính trọng chư Tăng. Khi dịch bệnh xảy ra, người Phật tử tin rằng đây là nghiệp lực chung của cộng đồng và cả nước cùng đoàn kết trong sự tu tập và hành trì các thiện pháp để chuyển hóa bệnh dịch.
Các vị Tăng thống, lãnh đạo Phật giáo Sri Lanka đã được Tổng thống, Chính phủ Sri Lanka cung thỉnh nhóm họp lập đàn tụng kinh cầu nguyện tại các thánh tích Phật giáo như thánh địa cây Bồ-đề Anuradhapura và chùa Xá Lợi Răng Phật tại Kandy - phát online trên các kênh truyền hình, đài phát thanh và kêu gọi Phật tử cả nước cũng như trên thế giới cùng tham gia buổi lễ tụng kinh cầu dịch bệnh sớm kết thúc, hồi hướng cho đất nước an bình, người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh tu tập hồi hướng công đức lành cho người dân, chư Tăng Ni và Phật tử Sri Lanka rất tích cực trong việc làm từ thiện, cứu đói, giúp người dân thiếu thức ăn và gặp khó khăn trong lúc đất nước giới nghiêm.
Chư Tăng Sri Lanka tham gia trồng trọt để góp phần đảm bảo lương thực cho tự viện
Ở Sri Lanka, như thầy nói, người dân am hiểu Phật pháp, sự thực hành lời Phật dạy của họ hẳn tạo ra hình ảnh dễ thương, để lại nhiều ấn tượng cho thầy cũng như du khách…
- Giáo lý Phật giáo Nguyên thủy thấm nhuần trong đời sống, tính cách, lối tư duy của người Sri Lanka. Người Phật tử ngoài cung cách điềm đạm nhỏ nhẹ trong sinh hoạt hàng ngày, họ rất ít khi lớn tiếng cãi cọ xô xát nhau, mọi việc giải quyết nhẹ nhàng trong hòa khí. Những ngày lễ trọng đại của Phật giáo như Phật đản, Phật Thành đạo, kỷ niệm ngày Thánh Tăng Mahinda truyền bá Phật giáo vào Sri Lanka hay ngày cung thỉnh cây bồ-đề đến từ Ấn Độ, những ngày lễ hội rước xá-lợi Phật Perahera, người dân được dạy khi ra đường mặc đồ trắng, quần áo dài kín đáo, các chợ, siêu thị không được bán thịt cá, người dân tích cực làm phước cúng dường.
Những ngày nói trên, khi ra đường phố tại các thành phố lớn, sẽ thấy rất nhiều bạn trẻ, sinh viên, nhân viên công ty, các gia đình đứng dọc các trục đường phát tặng thức ăn, nước uống miễn phí cho người đi đường. Trên các chùa và trục đường trung tâm, nhà nhà treo cờ và đèn hoa đăng mừng Phật đản, cả nước rực rỡ ánh đèn, lễ đài Phật đản trần thiết khắp nơi, không khí nhộn nhịp, nô nức tràn ngập từ nông thôn cho tới thành thị.
Ngoài ra, điều nữa mà tôi đặc biệt ấn tượng là lối sống cực kỳ lành mạnh và an toàn của đất nước, xã hội Sri Lanka. Tôi sống ở Sri Lanka được 6 năm, trong suốt 6 năm này số lần tai nạn giao thông trên đường mà tôi chứng kiến chỉ khoảng 5-6 vụ mà đa phần chỉ là tai nạn nhẹ, rất ít người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Còn khi theo dõi tin tức báo đài, tỷ lệ phạm tội của Sri Lanka cũng rất thấp, chưa bao giờ nghe các vụ án khủng khiếp xảy ra ở đảo quốc này. Cả thành phố hầu như không có quán nhậu, trừ quán bar trong các nhà hàng, khách sạn dành cho khách du lịch.
Số lượng Tăng Ni sinh VN đang du học ở Sri Lanka, trong thời gian trước, trong và sau dịch như thế nào, thưa thầy? Và hiện tại việc cư trú, học tập của Tăng Ni sinh VN vẫn ổn định?
- Trước dịch bệnh, số lượng Tăng Ni sinh VN khoảng 60-70 vị. Trước thời điểm dịch xảy ra cũng là đợt nghỉ Tết Nguyên đán nên nhiều vị đã về VN. Khi dịch bệnh bùng phát, sân bay đóng cửa, số lượng Tăng Ni du học sinh VN còn khoảng 30-40 vị.
Cộng đồng Tăng Ni VN tại Sri Lanka cũng đoàn kết hỗ trợ nhau, tuân thủ các quy định của nước sở tại, mọi người đều vượt qua được khó khăn. Như đã nói, nhiều vị Tăng Ni sinh Việt Nam nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ chư Tăng và Phật tử Sri Lanka. Hiện tại tình hình dịch bệnh tại Sri Lanka đã ổn, tuy nhiên các trường vẫn chưa mở cửa cho sinh viên đi học trở lại.
Ngày 2-7 vừa qua, Chính phủ Việt Nam có tổ chức chuyến bay nhân đạo, đưa đồng bào Việt Nam về nước, do số lượng người đăng ký về ít nên giá vé khá cao, chỉ có 3 thầy cô trở về, số còn lại vẫn duy trì sinh hoạt tu tập bình thường cho đến thời điểm hiện tại.
Một buổi lễ cúng dường chư Tăng do thầy Thích Thiện Đạt thực hiện nhân lễ đặt đá xây ngôi chùa VN đầu tiên tại Sri Lanka hôm 4-7
Theo thầy, sự thực tập thiền định, học và quán chiếu lời Phật dạy giúp ích gì cho con người trong những trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai…?
- Năng lực thiền định, giữ giới và tu học theo lời Phật dạy có tác dụng rất lớn trong đời sống chúng ta, nhất là trong những lúc khó khăn và nguy cấp. Người hành trì giới luật, có tu tập thiền quán thường rất định tĩnh, sáng suốt, tâm thái nhẹ nhàng trước khó khăn nghịch cảnh. Cùng đối diện với khổ đau nhưng người Phật tử tin nhân quả, có tu tập thiền quán luôn ít bị tác động của khổ đau hơn, họ có thể rất sáng suốt trong việc ứng phó và vượt qua trở ngại một cách dễ dàng. Niềm tin vào Tam bảo, vào giáo lý của Thế Tôn, tin sâu nhân quả trở thành chiếc phao, chiếc áo giáp bảo hộ người Phật tử trong đời sống và những lúc nguy cấp nhất.
Cảm ơn thầy đã chia sẻ!
Chánh Quán thực hiện