Phật tử Nhật tại Mỹ bắt đầu mùa báo ân

GN - Từ đầu tháng 8-2105, hòa cùng đông đảo Phật tử người Nhật đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, những người bạn và thành viên của Cộng đồng Phật giáo Nhật Bản đã vân tập chùa Oregon tổ chức lễ hội Obon truyền thống.

Lễ hội diễn ra tại tiểu tiểu bang Portland, Mỹ. Đây được xem là một truyền thống tốt đẹp và đặc biệt của người Nhật diễn ra hàng năm để tưởng nhớ tổ tiên và người thân còn sống cũng như đã khuất.

hoaky.jpg


Các thành viên của Cộng đồng Phật tử Nhật Bản tại Oregon
thực hiện các điệu múa truyền thống quen thuộc tại lễ hội Obon

Thông thường, ở chính đất nước Nhật Bản, lễ hội Obon sẽ kéo dài trong nhiều ngày nhưng do những khác biệt về thời gian, văn hóa cũng như để thể hiện sự dung hòa ở một môi trường mới, lễ hội này tại Mỹ được tổ chức ngắn hơn.  Mặc dù vậy, các ý nghĩa và giá trị của lễ hội còn được lưu giữ đầy đủ khi vẫn tràn ngập những điệu nhảy, các món ăn, tiếng cười và sự suy ngẫm về các quan hệ huyết thống trong gia đình.

Trong suốt mùa lễ hội, ngôi chùa giữ một vị trí trung tâm và có ý nghĩa đặc biệt cho sự kết nối tâm linh, tình cảm gia đình và nhắc nhở sự tri ân tốt đẹp của người Nhật. Ngôi chùa là nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội và cũng là nơi để mọi người có thể quần tụ với nhau, trao đổi và chia sẻ sự tri ân, báo ân của mình

Tại chùa Oregon, không gian lễ hội được được chia ra hai khu vực ngoài và trong chùa. Bên ngoài là một sân khấu rộng dành cho việc trình diễn, nhảy các điệu múa dân tộc và đánh trống cổ truyền, bao quanh là một vòng tròn gồm những quầy thực phẩm và chỗ ngồi cho khán giả. Tại đây, những Phật tử đã trở thành tình nguyện viên cho ngôi chùa để hướng dẫn khách thập phương tham quan, chiêm bái, lễ lạy và dự các buổi thuyết pháp của chư Tăng trong  suốt giờ nghỉ của buổi diễn. Nơi này được xem là nơi giao thoa giữa ngôi chùa và cộng đồng, tạo cho mọi người một cảm giác tự nhiên và thoải mái khi đến với lễ hội.

Phía trong ngôi chùa là các nghi lễ tâm linh và tôn giáo. Nơi này các khóa lễ luân phiên được tổ chức để người dự có dịp cầu nguyện cho người thân của mình và dành tấm lòng hướng về những người mà mình đã mang ơn hay người đã khuất.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, một trong những phần quan trọng nhất của lễ hội Obon là điệu nhảy mang tên Bon Odori. Đó là một vũ điệu dân gian chào đón và cung rước linh hồn những người đã khuất. Biên đạo múa Sahome Tachibana - người sáng tác và dàn dựng điệu múa cho lễ hội năm nay - với kinh nghiệm biên đạo múa ở New York cũng như Oregon trong 66 năm qua, đã ghi nhận và luôn nhắc về sự phát triển chiều sâu trong quá trình phát triển lễ hội Obon tại Mỹ.

“Tôi cho rằng lễ hội này đã trở nên nổi tiếng ở Hoa Kỳ hơn cả ở quê hương của nó - đất nước Nhật Bản thân thiện và mến khách. Bởi lẽ, người Mỹ dù sao cũng không biết đến các ngôi chùa nếu so sánh với sự tu học, đi chiêm bái các ngôi chùa thường xuyên của người Nhật. Do vậy, tại Mỹ, lễ hội thu hút một đối tượng rộng rãi hơn, không chỉ là người đi chùa hay Phật tử mà cả những người có tâm tưởng hướng về truyền thống gia đình và những người thân đã mất. Chính yếu tố đó đã đã giúp cho lễ hội có nhiều dân bản địa đến dự hơn”, bà Tachibana nói.

Tại Mỹ, lễ hội Obon tại Mỹ đầu tiên được tổ chức vào năm 1931 ở San Fransisco. Từ đó, lễ hội đã phát triển và được mở rộng ra nhiều nơi trên đất nước Mỹ, không chỉ dành cho người Nhật mà còn thu hút khá đông người bản địa tham dự. Chùa Oregon được thành lập vào năm 1903, theo phái Tịnh Độ tông và là một trong những nơi tổ chức lễ hội đặc sắc này.

Bảo Thiên - Anh Thư (the OPB)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.