Phật tử giữa đại dịch

Phật tử phụ chư Tăng chăm sóc các phần ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch - Ảnh: Anh Quốc
Phật tử phụ chư Tăng chăm sóc các phần ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch - Ảnh: Anh Quốc
NSGN - Chẳng mong tâm người thanh tịnh để tương ưng với cõi Phật thanh tịnh. Chỉ mong tâm người thiện lương, tham, sân, si dần nhạt mỏng, thiện nghiệp được phát huy, v.v... để thế giới được bình an.

Từ nhỏ đã nghe đến hai chữ dịch bệnh, nhưng chưa bao giờ thực sự chứng kiến những gì đã xảy ra như hiện nay, dù chỉ qua điện thoại. Chẳng phải chỉ là dịch mà là đại dịch, bởi việc lây lan không chỉ nằm trong cộng đồng của một nước mà đã lan từ nước này sang nước khác, với những biến chủng nhanh chóng khó đỡ, số lượng bệnh lên hàng ngàn mỗi ngày, số lượng chết cũng không ít. Rất nhiều mất mát, thất thoát, đau thương đã xảy ra.

Với cái nhìn của những Phật tử như tôi, dù mọi thứ có biến đổi phát triển thế nào cũng không đáng sợ. Cái đáng sợ chính là ở ba nghiệp của con người. Đó mới là nguồn gốc sản sinh ra bệnh tật, nạn tai, đau thương ở thế giới này. Tịnh được ba nghiệp thì mọi thứ trở nên hài hòa. Không tịnh được ba nghiệp thì biến chủng sẽ biến mãi không thôi. Kinh Duy Ma nói: “Tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”. Tâm phải thanh tịnh thì cõi giới tương ưng mới là cõi Phật. Tâm không tịnh thì không thể sống trong thế giới thanh tịnh của Phật. Tâm chất đầy tham, sân, si thì chỉ có thể tương ưng với khổ nạn, đau thương và mất mát. Vấn đề là nhân quả chi phối ba đời, nhân trước quả sau, nên mình không thấy được sự tương ưng này rõ ràng.

Chẳng mong tâm người thanh tịnh để tương ưng với cõi Phật thanh tịnh. Chỉ mong tâm người thiện lương, tham, sân, si dần nhạt mỏng, thiện nghiệp được phát huy, v.v... để thế giới được bình an.

Từ cái nhìn đó, trong mùa dịch, Phật tử chúng tôi thực hành nghiêm chỉnh những gì chính phủ đã đề ra và giúp đỡ mọi người trong phần hạn của mình. Phật tử nói ở đây là chỉ cho những ai đã hiểu biết ít nhiều về giáo pháp của Phật, tin vào lý nhân quả Phật nói, biết giữ giới và sửa dần những gì chưa tốt đối với ba nghiệp của mình, không phải là người chỉ biết thờ Phật cho có, hay dùng danh Phật tử để che đậy những việc làm bất chính của mình.

Thật ra, chấp hành nghiêm chỉnh những gì chính phủ đề ra đã trở thành bổn phận thường ngày của chúng tôi, không phải đợi đến dịch mới chấp hành. Bởi chúng tôi đã được dạy như thế, Phật tử chúng tôi cũng truyền nhau như thế, để thế giới của mình và người được bình yên.

Chấp hành giãn cách và tuân thủ 5k

Chấp hành giãn cách không phải là việc quá khó với Phật tử. Vì bình thường, chúng tôi đang tập dần sự tĩnh lặng, tham thiền, tụng kinh, niệm Phật, v.v... Thời kỳ giãn cách, chúng tôi cũng mất đi ít nhiều các niềm vui: không thể đến chùa hay thiền viện tu tập cùng nhau, không thể tham dự lễ khánh tuế của Thầy Tổ, không thể tổ chức những chương trình thiện nguyện mà hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức. Nhưng “chấp nhận mọi tình huống xảy ra với mình trong vui vẻ” là việc chúng tôi luôn phải thực tập trong đời sống thường nhật của mình. Vì thế, không giãn cách thì vui theo không giãn cách. Giãn cách rồi thì vui trong giãn cách. Chúng tôi nghe pháp online, cùng nhau ngồi thiền online, nhận được lời dạy của Thầy Tổ từ online, rồi động viên nhắc nhở lẫn nhau, để tinh thần lạc quan luôn tồn tại trong đời sống của mình và người, để những nhầm lẫn đáng tiếc không xảy ra, ít nhất là về mặt tư tưởng. Vì thế, thay vì phiền não do không kiếm ra tiền, không được ăn uống theo ý mình, buồn tay, túng chân, chúng tôi biến giãn cách thành những nhân tố tích cực giúp đời sống của mình được an vui, và lan tỏa sự an vui đến mọi người chung quanh. Cứ coi đây là thời gian nhàn rỗi để việc tu tập được tích tụ nhiều hơn. Cứ coi đây là lúc thể nghiệm được tính vô thường của cuộc đời. Thể nghiệm để biết quý trọng phước báu, để biết tạo dựng thiện nghiệp nhiều hơn, v.v... Nhờ những suy nghĩ như thế, tiêu cực biến thành tích cực, Phật tử chúng tôi thấy an lòng hơn với những gì đang xảy ra trước mắt, hơn là ngồi phiền não với những bất như ý trong mình. Chấp hành nghiêm chỉnh những gì chính phủ đề ra trong lúc này cũng là một loại thiện nghiệp mà người Phật tử cần thực hiện. Để mọi thứ được lắng yên.

Tận dụng phước báu đang có

Giãn cách, đương nhiên mọi thứ không thể bình thường như trước. Có tiền cũng không thể ăn uống hay sinh hoạt theo ý mình, nhưng bực mình hay cau có với việc giãn cách thì không hề xảy ra với những Phật tử đã có công phu. Bởi chúng tôi hiểu vì sao phải giãn cách. Vì lợi ích cho chính mình và người. Không Phật tử nào có tâm cau có hay chỉ trích khi thấy bao người quanh mình đang khổ nhọc thế nào. Không phải chỉ người nhiễm bệnh mới khổ nhọc, mà y bác sĩ, công an, dân quân... đều khổ nhọc. Họ khổ nhọc vì những người xa lạ, không phải vì bản thân hay gia đình mình. Họ phải vất vả không chỉ vì dịch bệnh mà còn vì các tệ nạn đang nương đó len lỏi. Họ xa gia đình. Họ dầm mưa dãi nắng; rất nóng bức trong các bộ đồ bảo hộ; vật vã với những kẻ thiếu ý thức; chịu luôn búa rìu của dư luận, v.v... Tất cả đều vì một hiện tại và tương lai tốt đẹp chung. Không còn tâm nào để than trách hay chỉ trích khi nhìn thấy những cảnh tượng như thế. Việc ở nhà của mình phải nói là quá sung sướng. Không biết trân trọng là đang phá tán phước đức của mình.

Giãn cách, không thể không nói đến việc thiếu thức ăn, dù đang có tiền. Nhưng hầu như các Phật tử đều gặp được những trợ duyên khá tốt, từ các mạnh thường quân hay chính quyền. Có lẽ do phước báu từng tạo trước đây, nên mọi thứ có vẻ thuận lợi hơn những nơi khác. Có chỗ nhận được trực tiếp từ chính quyền. Chỗ chính quyền lo chưa tới thì có quý thầy hay các mạnh thường quân lo cho. Chỗ tôi bộ đội đi chợ giùm, mấy ngày rồi vẫn chưa thấy cái ăn, do mình đăng ký trúng vào lúc siêu thị hết hàng, nên phải chờ. Nhưng ngay khi ấy lại có quý thầy ở chùa Bửu Đà gởi đồ cho. Một mình dùng không hết còn phải mang cho hàng xóm. Nhân quả thật rõ ràng! Bình thường hay gieo duyên với Tam bảo, dù Tam bảo mình gieo không dính gì đến Tam bảo cho mình, nên giờ khó khăn, liền được Tam bảo hỗ trợ! Mọi thứ đều không qua cán cân nhân quả. Khá rõ ràng.

Có lẽ nhờ phần phước báu đó mà tâm Phật tử không xuất hiện than trách hay chỉ trích? Thật ra, có những chỗ không phải do thiếu thốn mà sinh chỉ trích hay than trách; chỉ là muốn nhiều hơn thứ mình đang có nên sinh việc như vậy. Thực tế cho thấy, chính phủ lo chưa tới thì các mạnh thường quân cũng lo tới. Nhưng với cái nhìn của một số người, mạnh thường quân lo là chuyện của mạnh thường quân, phần của chính phủ lo là phần của chính phủ, phải nhận đủ hai bên mới chịu dù đã qua dấu hiệu túng thiếu. Mạnh thường quân này lo rồi, chính phủ hỗ trợ rồi, vẫn còn muốn nhận nhiều hơn ở các mạnh thường quân khác, vì thế mà sinh tiêu cực, không hẳn do túng thiếu.

Phật tử thì không như thế. Vì chúng tôi thường được dạy biết đủ và phải biết quan tâm đến người khác.

Đạo tràng cũng có những Phật tử gặp khó khăn trong mùa dịch, nhưng hỏi đến thì lắc đầu không nhận, vì họ vẫn còn chút gì đó tạm qua ngày. Họ muốn dành cho người đang gặp khó khăn hơn. Chỉ khi nghe “Ai khó khăn đều được hỗ trợ, không phải hỗ trợ người này thì phần người kia sẽ mất”, họ mới chịu nhận, với lòng biết ơn sâu sắc. Những con chữ như diễn tả được nỗi lòng biết ơn của khổ chủ, khiến người đọc không khỏi xúc động.

Và dù Phật tử có thiếu, cần một sự trợ giúp, cũng không la lối, kêu ca hay chỉ trích. Bởi biết không có thứ gì ngoài nghiệp của mình. Không ai muốn tạo khẩu nghiệp thêm nữa. Không ai muốn kéo dài quả xấu thêm nữa. Không ai muốn làm não loạn lòng người thêm nữa, khi khổ nạn đã quá nhiều. Chỉ biết hiền hòa xin và nhận cho qua cơn hoạn nạn.

Người nhận dễ thương mà người cho cũng dễ thương.

Chỉ nghe đạo tràng cần hỗ trợ là Phật tử đâu đó thật xa, chưa từng quen biết, cũng gửi tiền tới. Số tiền không lớn, nhưng như nói với đạo tràng rằng: “Dù không có nhiều, một khi bạn đã cần, chúng tôi luôn sẵn sàng”. Đúng là của ít lòng nhiều, góp gió thành bão, không dễ thương sao được. Đáng trân trọng biết bao những tấm lòng cao cả, khi cả nước đang trong tình trạng khó khăn.

Thực hiện thiện nghiệp trong khả năng của mình

Phật tử cũng không tránh được việc nhiễm Covid. Nhiễm hết cả gia đình cũng có. Chỉ người thân nhiễm cũng có. Nhiễm do sơ hở cũng có mà nhiễm do tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch cũng có. Hầu như đều bình phục và khỏe mạnh trở lại.

Một cô bé nhắn tin cho tôi: “Dạ cô, Phật pháp rất nhiệm mầu! Vào trong này mỗi sáng con cũng báo thức 3 giờ 40 dậy. Vệ sinh cá nhân xong cũng 4 giờ. Con ra hành lang chắp tay lạy Phật, đọc tụng Bát-nhã Tâm kinh, tọa thiền trên ghế ngoài hành lang, và hồi hướng công đức đến với tất cả chúng sinh, những người đang thọ bệnh. Vệ sinh toilet trong bệnh viện. Giúp đỡ mọi người trong này đúng với những gì Phật pháp dạy cho chúng sinh. Con làm những gì có thể, xem như mình may mắn được thực hành những gì Phật dạy. Mọi chuyện bệnh tật trong đại dịch này đến với gia đình con, con có nói với chồng, gia đình mình quá may mắn và phước đức khi được chư Phật gia hộ, mặc dù trả nghiệp nhưng đã được chuyển. Có thể rất nặng nhưng sang nhẹ nhàng. Có thể đã rất khó khăn và bất tiện trong khi nhập viện và điều trị, nhưng đã được chuyển sang thuận lợi và có quý nhân giúp đỡ. Bác sĩ họ nhiệt tình lắm cô ơi! Nhờ bệnh dịch này con đã có thể khuyên chồng con khởi tâm niệm Phật, điều mà con ước nguyện bấy lâu nay. Con xúc động lúc này nên tâm sự cùng cô. Được học Phật pháp cùng cô và đạo tràng Phú-lâu-na là phước phần của con. Con nguyện cầu Tam bảo gia hộ, cứu giúp cho tất cả pháp giới chúng sinh, cho tất cả chúng sinh muôn loài trên khắp cõi Ta-bà này. Con kính chúc cô chú và gia đình luôn thật nhiều sức khoẻ và an lạc. Nam-mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni”.

Dù cả gia đình đều nhiễm Covid nhưng tinh thần cô bé rất lạc quan, là nhờ nhìn thấy được mặt duyên khởi của pháp. Trong họa có phước, trong sâu hiểm của biển cả có ánh sáng rực rỡ của châu báu. Không có dịch bệnh chắc không bao giờ có thể khuyên chồng niệm Phật. Một câu niệm Phật giúp tự thân thoát khổ thoát nạn, mở ra con đường Bồ-tát trong tương lai. Và dù thế nào, bất cứ ở đâu, cũng không quên công phu hàng ngày. Là do niềm tin đối với Phật pháp khá vững vàng. Tin vào sự hộ trì của chư Phật. Tin sự tĩnh lặng của tâm có thể chuyển hóa nghiệp ác từng gây tạo trong quá khứ. Cũng tin sâu vào nhân quả, nên khi việc tới không than trách cũng không buồn phiền, chỉ tìm cách chuyển hóa, bằng việc duy trì công phu tu tập và tạo thiện nghiệp trong cái duyên mình đang có. Giúp đỡ mọi người chung quanh và vệ sinh toilet trong bệnh viện, một chỗ khá bẩn và hôi khi có sự chung đụng của nhiều người. Nhưng mọi thứ đã được thu vén gọn gàng trong khả năng của con bé, nhờ vào những gì đã được học.

Nếu ứng dụng được Phật pháp vào đời sống thường nhật chúng ta sẽ như thế, tất cả Phật tử đều như thế, đều có thể góp sức cho việc chung tùy theo khả năng và sức lực của mình. Không tranh giành, xô xát, hay đòi hỏi người khác phải phục vụ mình cho tốt, trong khi mình chưa hề phục vụ cho ai ngày nào. Phật tử chỉ biết tìm cách góp phần cho cái chung được tốt đẹp hơn. Có lẽ nhờ tâm lượng đó mà ở đâu, vào lúc nào, Phật tử cũng dễ gặp thuận duyên hơn là nghịch duyên, dễ gặp những ưu đãi hơn là ngược đãi.

Có Phật tử sau khi lành bệnh thì tình nguyện ở luôn trong bệnh viện. Ngoài những việc phải làm của một tình nguyện viên, anh còn là nút liên lạc để những Phật tử có điều kiện bên ngoài biết bệnh nhân cần gì mà hỗ trợ. Có khi chỉ là chai nước cam nhưng cũng góp phần giúp bệnh nhân khỏe hơn, cũng là tạo niềm vui cho những Phật tử bên ngoài. Phụ nhau vắt, phụ nhau vào chai, rồi ướp lạnh mang đi, phục vụ mọi người. Chúng tôi lấy những thứ nhỏ nhoi đó làm niềm vui trong mùa Covid đau thương, truyền tinh thần lạc quan cho nhau, vững tin vào một ngày mai hết Covid, hay chí ít là Covid không thể làm lây lan chết chóc với diện rộng như hiện nay.

Ngoài việc ủng hộ thức uống, chúng tôi còn chung tay ủng hộ thức ăn cho bệnh nhân ở các bệnh viện, tuyến đầu, người dân ở các khu nhà trọ xa như Bình Chánh, Bình Tân, v.v... Trợ duyên chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Cứ tùy sức tùy phần mà làm. Người có của thì góp của. Người có công thì góp công. Có thì giúp. Hết thì thôi. Chủ yếu vẫn là làm trong giới hạn cho phép. Không biến mình thành nhân tố khiến dịch bệnh lây lan.

Cuối cùng là động viên nhau tiêm vaccine ngừa Covid và góp tiền vào quỹ ủng hộ chính phủ tùy theo khả năng hiện có của mình.

Lấy giới, định, tuệ làm chính

Song song với những đau thương mất mát xảy ra do dịch bệnh là tình trạng náo loạn diễn ra trên mạng xã hội, một loại dịch bệnh tinh thần. Thay vì để thời gian tham gia vào các việc bổ ích như thiện nguyện, chống dịch hay tĩnh tâm, v.v... thì một số lại tham gia đấu đá về những việc khá lạ. Những việc nhìn vào liền thấy nguyên nhân và kết quả nhưng chư vị thì người thấy, người không. Những thứ mà một người có ít nhiều đạo đức đời thường đã thấy không ổn, nhưng một số lại coi như thần tượng. Họ cho đó mới là chính nghĩa. Họ muốn mọi thứ phải rõ ràng dù việc đó không liên quan đến họ. Họ chửi bới lăng mạ người khác bằng những ngôn từ tục tĩu, dù chưa có bằng chứng chính xác, v.v... Những giá trị tốt đẹp trong đời sống bị chà đạp, thay vào đó là sân hận, đả kích, gán ghép, v.v. Khi mọi thứ rõ ràng rồi thì các chứng cứ ngụy tạo được dựng lên. Thay vì chỉnh lại cái nhìn sai lầm để mọi việc được yên, họ ùa theo các chứng cứ đó, tiếp tục chỉ trích, chửi bới, cho các bằng chứng thật của các cơ quan nhà nước là ngụy tạo. Không chỉ thường dân, ngay cả một số trí thức mang nghiệp giáo dục cũng tham gia ủng hộ cái gọi là “chính nghĩa” đó. Với cái nhìn của đa phần, thật khó hiểu về những hiện tượng như thế. Thật ra không có gì khó hiểu. Schopenhauer từng nói: “Không phải ta muốn một điều gì vì ta tìm ra lý lẽ cho điều ấy. Trái lại, ta tìm lý lẽ cho nó vì ta muốn nó1. Đó là khuynh hướng sống của những ai thường quyết định các vấn đề quanh mình không phải bằng lý trí mà bằng cảm xúc. Cảm xúc là thứ quyết định tất cả nên mọi thứ thành lệch lạc. Thời Phật cũng đã có.

Khi Phật còn tại thế, Thiện Tinh là thị giả của Ngài. Dù đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng được Tứ thiền, ông vẫn không hiểu được nghĩa của kinh dù chỉ một chữ. Rồi do gần bạn ác, ông mất luôn Tứ thiền, sinh nhiều kiến chấp sai lệch. Những gì Phật nói, đã xảy ra với ngoại đạo, ngoại đạo đã tin, đã nói với ông: “Ông nên nghe kỹ! Lời của Như Lai là lời lành, lời chân, lời phải thời, lời đúng nghĩa, lời đúng pháp, sao ông không chịu tin lời chân thật của Như Lai? Nếu kẻ nào chẳng tin lời Như Lai, kẻ ấy sẽ thọ thân như tôi”. Thân đó là thân của loài quỷ, chuyên ăn đồ khạc nhổ của người. Vậy mà Thiện Tinh vẫn cố chấp không tin. Không tin nhưng mọi thứ vẫn đang hiện bày như lời Phật nói, nên Thiện Tinh trở thành kẻ dối trá, bẻ cong mọi thứ theo ý mình. Kết quả, ông rơi vào địa ngục vô lượng kiếp.

Thời Phật, sát cạnh Phật còn có người như thế thì huống là thời nay cách Phật đã xa, xảy ra các hiện tượng tương tợ là việc bình thường. Vấn đề là ai đã hiểu về nhân quả thì không để mình lọt vào những thứ bình thường mà điên đảo đó. Bởi quả luôn tương ưng với nhân khi đủ duyên.

Cuộc đời này không đơn giản. Không phải cứ nói cho sướng miệng rồi vẫn có thể ăn no ngủ yên dài lâu. Không có việc đó. Nhân nào đủ duyên đều cho ra quả tương ưng. Lời nói của mình khiến người uất ức đau khổ thì tương lai mình cũng sẽ vướng vào cái quả như thế với mức tăng thượng. Chỉ là không phải người có trí thì không nhận được quả báo liền tay để mà thông hiểu.2 Nhân quả xảy ra trong ba đời. Chết rồi mới nhận quả báo. Một khi đã gây tạo ác nghiệp, nếu không biết tu sửa chuyển hóa, thì khi đủ duyên đều phải trả quả. Những cái quả tương tự sẽ được lặp lại với mức độ tăng thượng, tiếp tục con đường khổ nạn của chúng sinh.

Khi những tha hóa đạo đức đó không được ngăn chặn hay chuyển hóa kịp thời thì biết thế gian này nạn khổ còn dài. Những cái nạn liên quan đến ba nghiệp. Ý không chánh, khẩu chính là chỗ phát nghiệp, tay chính là thứ giúp thực hiện tạo nghiệp, nghiệp của những anh hùng bàn phím. Họ chỉ biết hùa theo thị hiếu của đa số để kiếm tiền, hay để thỏa mãn những ganh ghét tức tối trong chính mình. May là vẫn còn những người nhìn sự việc không lầm, biết phân tích rõ ràng mọi thứ, củng cố thêm sự hiểu biết cho người đời, giúp họ dừng tạo nghiệp bất thiện. May là trong biển đại dịch vẫn còn những tấm lòng nhân ái tốt đẹp của y bác sĩ, của các tình nguyện viên, dân quân, công an, bộ đội và các mạnh thường quân xả thân vì người. Nhờ đó cân bằng bớt cái thế khổ nạn ở thế gian.

Song song với tình trạng trên là việc các nhóm thiện nguyện bị tố lươn lẹo, ăn chặn, lừa gạt.

Có thể có những tổ chức và cá nhân thật sự là lừa gạt và ăn chặn, nhưng cũng có những tổ chức và cá nhân không phải như thế. Họ thực sự làm vì mọi người. Nhưng do các mạnh thường quân không đòi hỏi việc sao kê, bản thân cũng không đủ kinh nghiệm trong việc làm từ thiện, không hiểu việc kê khai chi tiết là cần thiết đối với đồng tiền của bá tánh, cứ nghĩ mình không ăn chặn là được, nên sinh nhiều thiếu sót, dù không có ý gian lận.

Cũng có người trở thành ăn chặn là do quan niệm sai lầm về việc kêu gọi. Họ cho rằng tiền xuất hiện là do công lao kêu gọi và truyền thông của họ, nên việc quyết định đưa bao nhiêu cho khổ chủ là quyền của họ. Họ quên mất vai trò tốt đẹp của thiện nguyện. Quên rằng nếu không có nhân vật chính kia thì dù truyền thông bao nhiêu, tiền cũng không có. Quên, nên thay vì ăn phần trăm trên số tiền nhận được, họ trở thành nhân vật chính được hưởng đa phần số tiền ấy, thế là có việc tố tụng xảy ra, mới mang cái danh ăn chặn.

Cũng có người khi làm thiện nguyện là thật lòng mà làm, muốn dùng thiện nghiệp để thay đổi bản thân, dừng đi các bất thiện nghiệp, thật lòng muốn thay đổi, nhưng khi bắt tay vào việc, không ngờ tiền vào quá nhiều, tập khí cũ nổi lên, con đường thiện nguyện trở thành việc kiếm ăn béo bở, mất mạnh thường quân đồng nghĩa với việc mất khách, tài lộc sụt giảm, nên thay vì rút kinh nghiệm và sám hối để việc thiện nguyện được tốt hơn, chư vị sinh ngã tướng, đấu tố lẫn nhau, thiện nguyện trở thành một nghề kiếm ăn như bao nghề khác, nhưng không phải đóng thuế mà đầu óc cũng khá nhàn nhã, dù thân có hơi vất vả.

Có người nhận được tiền nhiều quá, thiện nguyện rồi tiền vẫn còn dư dả, liền nổi máu kinh doanh kiếm lời, dùng tiền thiện nguyện đầu tư vào bất động sản, v.v. Đến khi hỏi tới, dù không có tâm gian tham, cũng trở thành kẻ lươn lẹo, nhận tiền mà làm sai mục đích yêu cầu.

Mọi đáng tiếc xảy ra đều do thiếu cái nhìn tường tận về cuộc đời này.

Thiếu cái nhìn tường tận vì không sử dụng được phần trí tuệ vốn có của mình, trí Bát-nhã, nên trên sự dễ sinh lầm lẫn. Không nhìn thấu được bản chất của sự vật nên bị những giả tướng làm lầm. Không phải chỉ một lớp lầm mà vô số lớp lầm. Giả tướng không chỉ dừng ở mặt không tánh của vạn pháp như Phật thường dạy “Các pháp như mộng huyễn bào ảnh”, mà trên cái giả ấy còn chồng thêm nhiều cái giả khác. Vì thế mà trở thành kẻ lường gạt, hoặc thành nạn nhân của sự lường gạt.

Người đời nay rất dễ bị gạt, vì tâm chất đầy tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Người ta nói A mà tin A, người ta nói B mà tin B, không vì cái A hay B đó phù hợp với chân lý, mà do phù hợp với lòng tham của mình, thỏa mãn những ganh ghét, mặc cảm hay sân hận trong chính mình. Giờ mới được dịp tuôn ra. Hay chí ít là phù hợp với những quan niệm định kiến của mình. Đó là trường hợp người đời thường nói “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Để tránh rơi vào những việc đáng tiếc như thế, Phật tử luôn được dạy: Dùng ngũ giới để giữ thân, dành thời gian tu học để phát triển định tuệ. Nhờ đó có thể tránh được các ác nghiệp, không phải nhận quả khổ trong tương lai.

Giữ được giới ít nhiều mới tránh được nghiệp đồng phần với những ai phá giới, mới không tiếp tay lan truyền những việc không tốt trong cộng đồng. Cũng không góp tay làm náo loạn xã hội.

Giữ được giới mới không ủng hộ các nghiệp xấu, không tạo thêm các nghiệp bất thiện cho mình và người.

Giữ được giới thì miệng không huênh hoang, không dối lừa, không nói lời xằng bậy, không chửi bới chỉ trích, không truyền bá những gì trái với giới luật mà mình đang thọ.

Giữ được giới mới có thể tu Chỉ và Quán. “Chỉ là nhân, định là quả. Quán là nhân, tuệ là quả”3. Có định có tuệ thì không gây tạo những nghiệp nhân bất hảo.

Có định mới giúp tuệ có cơ hiển phát, dù định không phải là nhân sinh tuệ, chỉ là duyên giúp tuệ hiển phát, quán mới là nhân sinh tuệ.

Có định mới có năng lực dừng đi các thói xấu, mới có thể định tĩnh trong mọi tình huống. Định tĩnh được thì mới mong giải quyết được vấn đề một cách tốt đẹp.

Có tuệ mới không bị các giả tướng làm lầm, pháp thế nào nhìn đúng y thế ấy.

Có tuệ mới có thể phân biện được thiện, ác, tốt, xấu rõ ràng mà quyết định làm hay không làm.

Định tuệ đồng đẳng mới không bị các pháp sai sử, ràng buộc.

Có giới, định, tuệ thì bốn ân (cha mẹ, tổ quốc, chúng sinh và Tam bảo) mới có thể thực hiện tốt đẹp.

Có giới, định, tuệ thì công tác thiện nguyện mới có thể hoàn thành tốt đẹp, không bị danh lợi làm mờ mắt.

Có giới, định, tuệ thì mới có lòng thông cảm, tha thứ và biết ơn tha nhân. Biết trân trọng những gì người ta đã làm, không chỉ một mực bới lông tìm vết. Không ai hoàn hảo để không có những sai phạm.

Có giới, định, tuệ thì khi vô thường đến, gặp cảnh đau lòng cũng không đến nỗi bi lụy. Không đến nỗi đau đớn vật vã khi chẳng may thân nhân mình ra đi trong biển dịch. Quan trọng là tự mình phải vững vàng với chính mình trước. Không đến nỗi điên loạn hay tự tử khi nghe tin mình bị Covid như một số người hiện nay.

Vì những lý do đó, Phật tử đa phần đều lấy việc tu học làm chính, thiện nguyện chỉ là phụ. Chính phụ hỗ trợ nhau tùy lúc, tùy phần mà làm. Dù là dịch hay không dịch, việc tĩnh tâm và sửa thân vẫn được coi là nhiệm vụ chính của người tu Phật.

Cuối cùng

Xin nguyện dịch bệnh qua mau, thiện nghiệp ngày càng tăng trưởng, ác nghiệp ngày dần tiêu tan.

Xin nguyện tất cả chúng sinh, thảy đều sinh trưởng giới, định, tuệ, chẳng lầm các giả tướng, lợi ích thật sự cho mình và người, thành tựu Bồ-đề vô thượng.

Chân Hiền Tâm

_______________________

(1) Câu chuyện triết học (The story of philosophy của Will Durant), Trí Hải và Bửu Đích dịch.

(2) Kinh Đại bát Niết-bàn tập 2, phẩm Sư tử hống.

(3) Lời của Đại sư Hám Sơn nói trong Đại thừa khởi tín luận trực giải.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.