GNO - Chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM) thông tin, đến 21g ngày 6-12, có hơn 600 đơn đăng ký trong chương trình phát tâm hiến mô tạng, hiến xác cho y học năm 2020, do chùa tổ chức.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ tại buổi phát động
Tại buổi phát động, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia chia sẻ về một bệnh nhân chết não 30 tuổi ở Bà Rịa-Vũng Tàu, được gia đình đưa ra quyết định hiến mô tạng đã cứu nhiều người.
Theo đó, với quy trình chặt chẽ từ khi tiếp nhận đến phòng mổ, trái tim người hiến tạng đã cứu sống một bệnh nhân tại Huế. Cũng trong đêm đó, lá gan cũng được ghép thành công, đem sự sống cho bệnh nhân tại Hà Nội. Tương tự, 2 bệnh nhân ở TP.HCM cũng được cứu sống nhờ ghép thận của người hiến tạng 30 tuổi trên.
“Không ai nghĩ thanh niên mới 30 tuổi sẽ chết, nhưng vô thường không từ bất kỳ ai. Chúng tôi rất tán thán, ngưỡng mộ, trân trọng quyết định của gia đình, nhờ đó, những bệnh nhân khác đã tiếp tục được sống…”, ông Phúc xúc động.
Theo ông, sẽ thật tuyệt vời nếu có nhiều người đăng ký hiến mô tạng, hiến xác, vì đó là ý niệm lành - muốn trao lại sự sống cho người khác. Đó cũng là cách ngăn tâm bất thiện, giúp nhau bình an, hạnh phúc hơn.
TT.Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ chia sẻ, Đức Phật dạy về bố thí, trong đó có bố thí nội tài - là sự sống trên cơ thể con người. Theo Thượng tọa, việc phát tâm hiến tặng mô tạng, hiến xác cho y học là cách thực hành lòng từ bi lớn, sống với thái độ vô ngã, khi xem thân thể của người bệnh, cũng chính là thân thể của người thân, của mình.
Qua đó, Thượng tọa còn nhắc nhở, thân người khó được và ngắn ngủi, nên cần trân quý, nỗ lực làm những việc đáng làm, nâng cao chất lượng sống cho mình và những người xung quanh.
Nhiều người đến đăng ký hiến tặng sự sống tại chùa Giác Ngộ tối 6-12
Được biết, năm 2014, chùa Giác Ngộ bắt đầu vận động thiện nam tín nữ tham gia đăng ký hiến mô tạng cứu người và hiến xác cho y học. Bấy giờ, có 215 người đăng ký, đến nay, 6-12-2020, lên đến gần 4.600 người.
Như Danh