GN - Làm thế nào để dạy Phật pháp cho trẻ em?
Giáo lý của Đức Phật căn bản là để dạy ta tránh làm hại và giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt. Đây là những giá trị mà các bậc cha mẹ - dù là Phật tử hay không - đều muốn dạy dỗ cho con cái để chúng có thể sống hòa thuận với người. Vì trẻ em phần lớn học theo gương người lớn, nên cách tốt nhất để cha mẹ dạy con cái các phẩm hạnh là tự họ phải sống như thế. Dĩ nhiên, điều này không phải luôn dễ dàng! Nhưng nếu cha mẹ thực hành tốt điều ấy thì con cái họ sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ đó.
Được lớn lên trong một gia đình Phật giáo rất có ích cho trẻ em. Nếu trong gia đình có bàn thờ Phật, con cái có thể giữ vệ sinh bàn thờ và dâng cúng hoa quả. Cô bạn tôi và đứa con gái ba tuổi của cô mỗi sáng đều lạy ba lạy trước bàn thờ Phật. Cô bé sau đó dâng cúng lên Phật bánh trái và người mẹ cũng lấy trên bàn thờ Phật cho lại bé cái bánh hay viên kẹo (thường là phẩm vật cúng ngày hôm trước). Cô bé rất thích nghi thức này.
Con trẻ thích âm nhạc, và sự trầm bổng của những lời kinh, câu chú và các bài hát Phật giáo có thể thay thế các bài hát và lời ru thông thường. Nhiều bậc phụ huynh đọc các bài chú cho con nghe khi đứa trẻ quấy hay buồn ngủ, thì thấy đứa trẻ phản ứng rất tích cực. Trong một gia đình khác mà tôi biết, trước khi ăn, cậu con trai năm tuổi của họ sẽ là người xướng kinh. Đây là những phương cách đơn giản nhưng hữu hiệu để giúp cho cha mẹ và con cái chia sẻ cuộc sống tâm linh.
Học sinh Thái Lan hành thiền
Các gia đình Phật tử cũng có thể họp mặt nhau mỗi tuần hay mỗi tháng để cùng nhau tu học. Thay vì chỉ dẫn con đến trường học đạo và để người khác dạy chúng, thì việc cùng nhau thực hành sẽ mang đến cơ hội để cha mẹ và con cái với thời khóa biểu bận rộn của mình, vẫn có thể trải qua những khoảng thời gian yên tĩnh bên nhau. Ngoài ra, việc làm này cũng giúp các gia đình Phật tử có thể gặp gỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Một số hoạt động có thể chuẩn bị cho trẻ như là tập các bài hát Phật giáo, các bài kinh chú, học lạy Phật và dâng cúng phẩm vật trên bàn thờ, và tập thiền quán niệm trong một thời gian ngắn.
Cha mẹ và con cái ở tuổi đi học có thể chơi đóng tuồng với nhau, tạo ra những hoạt cảnh trong đó tất cả các nhân vật chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình hơn là của người khác, sau đó lặp lại vở tuồng với một trong những nhân vật nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Các hoạt động như thế dạy các em cách giải quyết vấn đề và giúp chúng thấy được kết quả của những hành động khác nhau. Các gia đình cũng có thể đến các chùa và trung tâm Phật giáo ở trong cộng đồng với nhau.
Đọc các sách về Phật giáo dành cho trẻ em và xem các video về Phật giáo là những hoạt động khác mà cha mẹ có thể chia sẻ với con cái. Có rất nhiều phim hoạt hình về cuộc đời của Đức Phật và nhiều sách Phật giáo dành cho trẻ em. Thảo luận một cách thân mật với trẻ em vừa có tính giáo dục, vừa mang lại không khí vui vẻ, và cha mẹ sẽ khá ngạc nhiên khi thấy con cái họ cởi mở như thế nào đối với các quan niệm như là tái sinh, nghiệp, và lòng từ bi đối với thú vật.
Nhiều bậc cha mẹ than phiền, “con tôi không thể ngồi yên!”. Tôi đoán là những đứa trẻ này cũng ít khi thấy cha mẹ chúng ngồi yên! Khi con trẻ thấy người lớn ngồi một cách yên lặng, chúng cũng có thể làm theo. Đôi khi con cái và cha mẹ có thể cùng chia sẻ khoảng thời gian yên tĩnh ấy. Thí dụ, đứa trẻ có thể ngồi trên đùi cha mẹ khi họ đọc kinh. Lúc khác, khi hành thiền có thể cha mẹ không muốn bị quấy rầy, và con cái phải biết tôn trọng ý muốn được yên tĩnh của cha mẹ.
Đối với trẻ vị thành niên thì tổ chức thảo luận nhóm sẽ tốt hơn. Người lớn có thể điều khiển một buổi thảo luận về tình bạn hay những đề tài khác liên quan đến tuổi vị thành niên. Điểm đặc biệt của Phật giáo là giáo lý của Đức Phật có thể áp dụng cho mọi khía cạnh của đời sống. Con cái càng thấy sự quan trọng của các giá trị đạo đức và tình thương yêu trong cuộc sống của chúng, thì chúng càng tôn trọng các đức tính này hơn.
Có lần tôi điều khiển một cuộc thảo luận nhóm cho hai mươi thanh thiếu niên về sự quan hệ giữa trai gái. Mỗi em đều lần lượt bày tỏ ý kiến, và mặc dù chúng chỉ nói về cuộc đời và tình cảm của chúng, nhưng có rất nhiều pháp trong những điều chúng nói. Thí dụ, chúng nêu ra sự quan trọng của việc sống có đạo đức. Là người điều khiển, tôi không có dạy hay giảng pháp. Tôi chỉ lắng nghe và tôn trọng những điều chúng nói. Sau đó một vài em đã đến nói với tôi, “đây là lần đầu tiên chúng con nói những chuyện này với một sư cô!”. Không chỉ là chúng có thể nói một cách cởi mở về một đề tài nhạy cảm trước sự chứng kiến của một người lớn, nhưng chúng cũng hiểu rằng các vị thuộc tôn giáo cũng ý thức và thông cảm với các mối quan tâm của thanh thiếu niên. Hơn nữa, chúng cũng thấy những gì là quan trọng trong cuộc đời của chúng.
Làm thế nào để hướng dẫn trẻ hành thiền?
Trẻ em thường tò mò khi thấy cha mẹ của chúng hàng ngày hành thiền. Đây có thể là cơ hội để dạy chúng hành thiền quán sát hơi thở một cách đơn giản. Trẻ em thường thích ngồi yên lặng bên cha mẹ trong khoảng năm hay mười phút. Khi sự chú tâm của chúng giảm, chúng có thể nhẹ nhàng đứng dậy và qua phòng khác trong khi cha mẹ tiếp tục hành thiền. Nếu cha mẹ cảm thấy việc bỏ đi của con làm phiền mình, họ có thể thực hiện việc hành thiền hàng ngày một cách kín đáo và hành thiền chung với con cái ở một lúc khác.
Trẻ em cũng có thể tập thiền bằng cách mường tượng (visualization). Phần lớn trẻ em thích giả bộ và có thể dễ dàng mường tượng sự vật. Cha mẹ có thể dạy con cái nghĩ tưởng đến Đức Phật làm bằng ánh sáng. Sau đó, khi ánh sáng tỏa ra từ Đức Phật đến chúng và tất cả những người quanh chúng, chúng có thể trì tụng kinh chú. Nếu đứa trẻ có bạn, người thân, hay thú cưng bị bệnh, hay một người bạn có vấn đề, đứa trẻ có thể đặc biệt nghĩ đến người đó và mường tượng rằng Đức Phật chiếu ánh sáng đến bạn nó. Bằng cách đó, trẻ em tăng trưởng tâm từ bi và cảm thấy quan tâm đến việc giúp đỡ những người mà chúng thương yêu.
Nếu con cái không quan tâm đến Phật giáo thì sao? Có nên cho phép chúng đi nhà thờ với bạn chúng không?
Không nên áp đặt tôn giáo đối với ai. Nếu con cái không quan tâm đến Phật giáo, cứ để chúng tự nhiên. Chúng vẫn có thể học làm người tử tế như thế nào bằng việc quán sát cách cư xử và hành vi của cha mẹ.
Bạn bè thường rủ nhau đi nhà thờ. Vì chúng ta sống trong một xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo, để con cái được biết về các truyền thống khác khi đi lễ ở nhà thờ hay chùa với bạn bè cũng là điều tốt. Khi điều đó xảy ra, chúng ta cần chuẩn bị cho con cái bằng cách nói cho con biết là người ta có những niềm tin khác nhau, vì thế việc tôn trọng và chấp nhận tôn giáo của nhau là điều quan trọng. Con cái của chúng ta cũng có thể mời bạn đến các trung tâm Phật học hay các hoạt động tôn giáo, qua đó tạo sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Nếu bạn nghĩ rằng con mình bị rủ rê hay áp lực phải chuyển đạo theo bạn chúng, thì bạn cần can thiệp sớm. Giải thích với chúng người Phật tử tin vào điều gì và tại sao. Hãy mô tả các phương cách qua đó niềm tin và các giá trị Phật giáo có thể giúp con cái giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của chúng. Hướng dẫn chúng cách trả lời các câu hỏi về Phật giáo của bạn bè, cũng như dạy chúng cách đặt câu hỏi về niềm tin của các tôn giáo khác. Tóm lại, dạy con bạn phương cách để tự phán xét.
Làm thế nào để quan hệ tốt với con cái, nhất là khi chúng bước vào tuổi vị thành niên?
Có được mối liên hệ cởi mở đối với con cái ở độ tuổi mới lớn rất quan trọng. Điều này phụ thuộc vào cách cha mẹ đã đối xử như thế nào với chúng khi chúng còn nhỏ. Và cách đối xử này, ngược lại, tùy theo thời gian cha mẹ dành cho con cái cũng như có thái độ tích cực đối với chúng như thế nào.
Khi cha mẹ luôn bận rộn, họ thường coi con cái là gánh nặng - một công việc khác phải đảm nhiệm trước khi họ kiệt lực sau một ngày làm việc mệt nhọc. Con cái cảm nhận được điều này, thường có cảm giác là cha mẹ không quan tâm đến mình hay không có thời gian dành cho mình dầu sự thật không phải thế.
Cần khẳng định điều gì là ưu tiên trong vấn đề thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp với con cái. Điều này có thể có nghĩa là chấp nhận một công việc với lương thấp nhưng không phải làm nhiều giờ hay từ bỏ việc thăng chức có nhiều tiền hơn cho gia đình nhưng phải chịu nhiều áp lực hơn và ít thời gian ở nhà hơn.
Đối với con trẻ, tình thương yêu quan trọng hơn những sở hữu vật chất. Con cái cần tình thương và sự quan tâm của cha mẹ nhiều hơn là việc sở hữu máy tính riêng, iPod hay truyền hình. Chọn công việc có nhiều tiền hơn dầu mất đi những mối liên hệ tốt trong gia đình có nghĩa là sau này chúng ta có thể phải bỏ nhiều tiền hơn cho trị liệu và tư vấn cho cả hai: cha mẹ và con cái!
Hãy trao đổi, tâm sự với các cô cậu thanh thiếu niên đó về những điều chúng quan tâm, dầu những thứ đó bạn không màng tới. Đừng chỉ nói với chúng việc phải học giỏi, phải giữ gìn nhà cửa sạch sẽ. Hãy nói với chúng về thể thao hay thời trang hiện đại. Hãy để cánh cửa truyền thông rộng mở.
Trẻ con có cần kỷ luật không? Ta phải kỷ luật chúng như thế nào mà không có thái độ nóng giận?
Con cái thường tạo cho chúng ta những cơ hội tốt nhất - mà cũng khó nhất - để thực hành kham nhẫn! Vì lý do đó, các bậc cha mẹ thường được khuyên phải biết các phương cách đối trị sân giận mà Đức Phật đã dạy.
Kham nhẫn không có nghĩa là để mặc con cái muốn làm gì thì làm. Thực ra, làm thế là ác với con cái, vì điều đó khiến chúng sinh ra những tật xấu, khiến chúng khó hòa hợp với người khác. Một trong những khả năng giá trị nhất mà cha mẹ có thể dạy cho con trẻ là ứng xử như thế nào khi không có được điều mình muốn. Khi các yêu cầu của chúng không được thỏa mãn, chúng cần phải học chấp nhận điều đó. Chúng cần được hướng dẫn để biết các giới hạn và biết vị trí của mình. Chúng cần phải biết hậu quả của các hành động, và biết cách phân biệt tốt, xấu. Cha mẹ cần tránh để bị con trẻ gây áp lực trong việc phải mua những thứ chúng không cần hay tham gia vào các hoạt động mà chúng chưa đủ sức làm. Tuy nhiên, nếu ta chỉ nói “không”, là ta đã bỏ qua cơ hội để dạy trẻ biết suy nghĩ trong những trường hợp như thế. Khi trẻ đủ lớn, bạn phải giải thích cho chúng hiểu lý do.
Biết đủ là một nguyên tắc cốt yếu trong Phật giáo. Làm thế nào chúng tôi có thể dạy cho con cái điều này?
Biết đủ, biết bằng lòng, giúp ta thấy an vui với cuộc sống hơn và trải nghiệm được nhiều hạnh phúc hơn. Tôi nghĩ một trong những lý do khiến trẻ con không biết bằng lòng, không biết chấp nhận là vì chúng được có quá nhiều lựa chọn trong các dục lạc. Từ nhỏ, chúng đã được hỏi: “Con uống nước táo hay nước cam?”, “Con muốn xem đài này hay đài kia trên truyền hình?”, “Con muốn loại xe đạp này hay loại kia?”, “Con muốn món đồ chơi màu đỏ hay màu xanh?”…
Trẻ em - còn chưa nói đến người lớn - trở nên lúng túng khi dồn dập có quá nhiều lựa chọn. Thay vì tập bằng lòng với bất cứ thứ gì mình có, chúng luôn buộc phải nghĩ, “Thứ nào sẽ đem lại cho tôi hạnh phúc hơn? Tôi còn cần gì thêm nữa để được hạnh phúc?”. Kết quả là ta làm tăng thêm tâm tham, tâm si của chúng.
Để sửa đổi điều này không có nghĩa là cha mẹ phải trở nên độc đoán. Thay vào đó, cha mẹ nên tránh đặt nặng những vấn đề này trong gia đình. Dĩ nhiên, điều này còn tùy thuộc vào việc cha mẹ có thay đổi thái độ đối với các dục lạc và sở hữu vật chất. Nếu cha mẹ biết vun trồng tính biết đủ, biết bằng lòng, con cái của họ sẽ thấy dễ dàng hơn khi làm theo.
Con cái ở tuổi vị thành niên thường về nhà không đúng giờ giấc. Là cha mẹ, tôi biết mình không kiểm soát được chúng, nhưng làm sao để tôi không tự trách rằng đó là hậu quả của những hành động thiếu trách nhiệm của mình?
Là cha mẹ, bạn đã dưỡng nuôi con cái từ lúc chúng không biết gì, phải hoàn toàn dựa vào bạn. Lúc đó, bạn chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh trong cuộc sống của đứa trẻ. Nhưng khi con bạn đã lớn, trở nên tự lập hơn, chúng dần dần nhận lãnh trách nhiệm của riêng chúng và bạn không còn phải chịu trách nhiệm cho mọi khía cạnh trong cuộc đời của con. Biết buông bỏ cũng là một thử thách trong vai trò làm cha mẹ.
Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình được hạnh phúc, không phải khổ. Vì thế bạn dạy chúng các kỹ năng để đối phó với mọi hoàn cảnh. Nhưng bạn không thể theo chúng suốt đời để bảo vệ chúng khỏi khổ đau. Điều đó là không tưởng, và cũng khá đau đớn nữa! Bạn có muốn đi theo canh chừng con suốt 24 tiếng một ngày không? Cha mẹ ta cũng muốn ta được hạnh phúc, nhưng họ cũng phải để ta sống cuộc đời của mình. Họ đã dạy ta các kỹ năng, nên dẫu ta có làm bao lầm lỗi, ta vẫn sống còn. Chúng ta đã biết đối phó với các lỗi lầm, biết học hỏi từ chúng, và rồi bước tới. Con cái chúng ta cũng phải như thế.
Thật đau lòng khi thấy người ta thương - con cái, người yêu, cha mẹ, bạn bè - phạm sai lầm. Đôi khi chúng ta không thể làm gì để ngăn cản điều đó. Chúng ta chỉ cần có mặt ở đó, và giúp họ học hỏi từ sai lầm của mình.
Đôi khi cha mẹ đi tới chỗ cực đoan khi dạy dỗ trẻ vị thành niên ương bướng. Đó là họ trở thành giống như một huấn luyện viên trong quân đội, chất vấn con cái họ với bao câu hỏi như đi đâu với ai, về nhà mấy giờ. Trẻ vị thành niên coi đó như xâm phạm quyền tự lập của chúng và dễ trở nên ương ngạnh hơn nữa.
Một cực đoan khác nữa là để cho con muốn đi hay về tùy ý, coi nhà như khách sạn, để cha mẹ phải giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho chúng. Muốn tránh điều này, ta cần phải dạy con từ lúc nhỏ rằng các thành viên trong gia đình phải nương tựa lẫn nhau. Phải giao chúng làm việc nhà. Khi chúng lớn hơn, hãy để chúng tự giặt đồ, vệ sinh nhà cửa, nấu ăn. Các bổn phận này không chỉ giao riêng cho con gái. Con trai cũng cần phải biết tự chăm sóc bản thân.
Thubten Chodron
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
(theo sách Dealing With Life’s Issues - A Buddhist Perspective)