Phật là tình thương

GN - Có những hờn giận tưởng chẳng bao giờ được hóa giải, có những nỗi buồn tưởng không thể nào nguôi ngoai, sẽ đi theo người ta đến cuối đời. Thế nhưng, khi yêu thương có mặt thì khoảng cách dần được xóa bỏ, mái ấm cũng từ đó hiện diện, hạnh phúc cũng theo đó tìm về…


Bên trong cửa hàng nhỏ buôn bán bếp gas của vợ chồng chú Hiệp Ấm, cô Thúy Quỳnh trên đường Bà Hom, P.13, Q.6 (TP.HCM) là mái ấm của một gia đình Phật tử. Mỗi khi chùa Huê Lâm (Q.6, TP.HCM) tổ chức lễ lớn hay có chương trình từ thiện, người ta đều thấy chú Hiệp Ấm, tuổi ngoài 50, nắm tay dẫn mẹ tuổi ngoài 80 đến lễ Phật, tham gia chương trình.

KV.Tet.2.jpg


Mái ấm hạnh phúc của gia đình chú Hiệp Ấm và cô Thúy Quỳnh
với 3 thế hệ cùng chung sống sau bao thăng trầm, thử thách của cuộc sống - Ảnh: K.Vi

Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ, người đàn ông này chỉ mỉm cười. Ít ai biết rằng, để có được niềm hạnh phúc như ngày nay là nhờ gia đình chú đã nương vào Phật pháp để vượt qua những giai đoạn rất nhiều chông gai, thử thách...    

“Ngày xưa tôi từng hờn mẹ”

Chú Hiệp Ấm trải lòng: “Tuổi thơ tôi nhiều vất vả. Ngày xưa đông con, mẹ dẫn một số anh chị em về quê sinh sống. Còn tôi thì ở lại với hai anh em, phải tự sinh tồn, tự đi làm thuê, đào củ mì, củ khoai ăn, rồi tự đi học. Hồi nhỏ, thấy tụi bạn có cha mẹ yêu thương tôi cũng khao khát, nhưng đó là thứ dù có tiền tôi cũng không mua được. Nói thật lòng thì lúc đó tôi rất hờn mẹ. Vì không có tình cảm, nên sau này mẹ quay về, tôi cũng chưa thể yêu thương, thậm chí còn nặng lời với mẹ…”.

Lặng đi một lúc, câu chuyện lại được tiếp nối: “Vợ tôi thấy cách tôi đối xử với mẹ như vậy, liền khóc. Thấy vợ khóc, tôi rất khổ tâm, bản thân tôi là người buồn nhất nhưng tôi không cách nào ứng xử tốt hơn với mẹ. Rồi ngày một chút, vợ tôi cố gắng trò chuyện để tôi hiểu tình cha mẹ là thiêng liêng. Vợ còn khéo léo rủ tôi đi chùa dự lễ Vu lan, giúp tôi hiểu được chữ hiếu, hiểu Phật pháp và đạo làm con. Vợ cho tôi thấy, nếu tháo gỡ được những nút thắt ngày xưa, mở lòng với mẹ thì tôi sẽ tận hưởng được hạnh phúc cài hoa hồng cho mẹ, cả hai mẹ con đều an vui. Tôi nghe hiểu hết ý vợ, nhưng tôi vẫn chưa mở lòng được...

Mãi cho đến tháng 5 âm lịch, năm 2009, đúng vào ngày giỗ ba, nhìn lên bàn thờ, tôi ngộ ra được nhiều điều và cảm thấy sợ. Mẹ tôi đang bệnh, rất yếu, rồi đến một ngày nào đó, mẹ cũng sẽ ra đi như ba. Và với bản năng của một người làm con, không muốn phí phạm thêm khoảng thời gian nào ở bên cạnh mẹ, tôi nói với vợ “anh muốn đón mẹ về chăm sóc”. Đó là lúc mọi oán trách với mẹ, tôi xóa sạch, trong tôi chỉ còn một suy nghĩ, muốn phụng dưỡng mẹ nhiều thiệt nhiều”. 

Cô Thúy Quỳnh, vợ chú Hiệp Ấm kể rằng, từ khi có mẹ về, chú nói chuyện dịu dàng, tôn kính mẹ hơn. Mặc dù còn vụng về trong giao tiếp, không biết nói lời hoa mỹ nhưng rất chân thành. Cái gì ngon cũng muốn để dành cho mẹ một ít, buôn bán rảnh khách là chạy lên phòng hỏi xem mẹ thế nào. Lúc mẹ bệnh, tối nào chú cũng qua phòng an ủi, nói thương mẹ cho bà vui rồi mới về phòng mình ngủ.

Chú kể lại trong ánh mắt hạnh phúc rưng rưng: “Lần đầu đưa cho mẹ trái chuối, tôi nói được câu “mẹ ăn đi, cái này ngon, tốt cho sức khỏe”, tự nhiên trong lòng hạnh phúc lâng lâng, khó tả lắm. Ở tuổi 50, để nói lời yêu thương với mẹ là điều không dễ, mà khi hiểu Phật pháp rồi, thương mẹ là điều gì tôi cũng làm được. Bản thân tôi, ngoài bỏ được tảng đá trong lòng, thì tôi còn cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. Cảm nhận được mẹ đang rất hạnh phúc, dù mẹ không nói ra. Xưa giờ, dù hờn mẹ nhưng trong thâm tâm tôi luôn muốn được mẹ yêu thương, cảm nhận sự sung sướng khi có mẹ. Lúc có được, tôi chỉ muốn mình bé nhỏ hoài để được bên cạnh mẹ”.

Vun vén mái ấm từ đạo lý giản đơn

Như mạch nước ngầm âm ỉ chảy về nguồn, cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái học hỏi. Trước những hành động chân thành, sự mở lòng của chú Hiệp Ấm dành cho mẹ đã truyền cảm hứng cho các con. Đứa con trai lớn - Cường Duy cũng nhờ noi theo gương chú mà biết quan tâm đến mẹ hơn. Được sự cổ vũ của cha, Cường Duy đã thay đổi tâm tính, không còn mê chơi và sống tự lập - không để mẹ phải buồn nữa. Từ ngày đi hợp tác lao động, làm việc ở nước ngoài, đêm nào Duy cũng điện thoại về cho ba mẹ, hỏi thăm sức khỏe cả gia đình.

Cô Thúy Quỳnh xúc động: “Duy biết hỏi tôi: mẹ ơi mẹ đang làm gì đó, ngày nay mẹ có tụng kinh không, ba con có khỏe không, bà nội ăn được nhiều không, bé em đang làm gì... Rồi nghe con nói thương mẹ, con nhớ mẹ, là nước mắt tôi chảy, vì mình quá vui mừng. Phật pháp đã giúp chồng tôi thay đổi, sống mở lòng, yêu thương với mẹ; hạnh phúc chưa dừng ở đó, khi chồng là tấm gương cho con sống hiếu thảo”.

Bé Tú Châu, con gái thứ đang học lớp 8 của chú Hiệp Ấm không chỉ hiếu thảo với ba mẹ, còn rất yêu thương bà nội. Ngoài giờ học, lúc ở nhà bé luôn bên cạnh bà, để ba mẹ yên tâm buôn bán. Vào cuối tuần, không cần ai nhắc, bé Tú Châu tự đạp xe về chùa Huê Lâm sinh hoạt Gia đình Phật tử. Sinh hoạt, học được câu chuyện Phật pháp gì hay, bé đều kể cho bà nội nghe, đem đến niềm vui cho bà. Chiều đến, khi bà nội ăn cơm xong, nếu mẹ chưa mở băng đĩa thuyết pháp cho nội nghe, em làm việc đó thay mẹ. 

Cô Thúy Quỳnh chia sẻ trong niềm hạnh phúc: “Giờ sáng nào cũng vậy, tầm 5g hơn là bé Tú Châu thức dậy chuẩn bị đi học. Bà nội và bé cùng ngủ chung giường, thấy cháu dậy bà cũng dậy theo. Bà niệm Phật, quán niệm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cứ mỗi lần tôi đút cháo cho bà ăn sáng, bà thường nhắc chuyện ngày xưa bà gánh rau về chùa cúng dường, làm công quả. Trong lòng bà giờ dường như chỉ còn những chuyện vui, hình ảnh đẹp. Thấy bà vui, tôi cũng vui, niềm vui này không vật chất nào sánh bằng”.

Từ ngày mẹ về sống cùng, Tết đến, cả nhà chú Hiệp Ấm đều cùng nhau đi chùa, lễ Phật, cầu an. Mỗi lần đi như vậy, chú Hiệp Ấm đều nắm lấy tay mẹ, rất tình cảm. Bà Trần Thị Thang, mẹ chú Hiệp Ấm bày tỏ: “Tuổi già hạnh phúc, như vầy là viên mãn. Tôi thấy bản thân không thiếu thứ gì cả, tôi hài lòng. Giờ tụi nhỏ rảnh giờ nào, chở đi chùa là tôi đi giờ đó. Thích đi với các con, các cháu. Ngày nào tôi cũng niệm Phật, nguyện cầu bình an cho con, tôi rất thương tụi nó”. 

Nhìn nụ cười của mẹ và ánh mắt hạnh phúc tỏa ra trên gương mặt của vợ, con, chú Hiệp Ấm đúc kết: “Cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền với nhiều cung bậc thăng trầm, vợ chồng tôi không mong ước gì giàu sang, chỉ cần buôn bán đủ lo cho cả nhà. Ngôi nhà chúng tôi tuy nhỏ nhưng mỗi thành viên đều an trụ trong chánh niệm và mỗi ngày trôi qua, sống cùng nhau, chúng tôi đều cảm thấy an vui, đó là hạnh phúc mỹ mãn. Trong ấm, ngoài êm, nói cười vui vẻ, chỉ cần vậy thì quá đủ, ngày nào cũng là Tết rồi, không mong cầu gì hơn”.

Khánh Vi

Tôi học Phật


Đây là tiểu mục nhỏ trên trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ nhân mùa Phật đản, mời bạn viết bài chia sẻ về việc tìm tới với đạo Phật, những chuyển biến tích cực từ khi học Phật, kinh nghiệm về việc tu học với những va vấp và chướng ngại mà bạn đã vượt qua.

Đó còn là việc hướng dẫn, chia sẻ giá trị của lời Phật dạy tới người thân, bạn bè hoặc người hữu duyên mà bạn làm được, họ có những thay đổi an vui, trở thành Phật tử…

Bài viết có thể là câu chuyện của bạn với những cảm xúc chân thành, đầy hoan hỷ khi thấy ánh sáng Phật pháp; hoặc cũng có thể là câu chuyện của ai đó mà bạn biết khiến bản thân xúc động…

Bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com, bài hay sẽ được chọn đăng trên tuần báo và Giác Ngộ online. Khuyến khích có hình ảnh về nhân vật/tác giả câu chuyện.


GNO

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.