Phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo bền vững

GN - Là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định là vùng đất có truyền thống thượng võ và có nền văn hóa đa dạng, phong phú. Phật giáo được truyền vào Bình Định khá sớm với các nhà truyền giáo theo các đoàn thương buôn bằng đường biển từ miền Nam Ấn Độ. Phật giáo sơ kỳ kết hợp với nền văn hóa bản địa Tượng Lâm - Lâm Ấp, sau này với nền văn hóa Champa tạo ra một nét văn hóa đặc trưng, chịu sự ảnh hưởng của Đại chúng bộ, sau đó là Thượng tọa bộ, trong sự giao thoa với Ấn Độ giáo.

Thế kỷ XVII, khi vùng đất này đã trở thành một dải đất của Đại Việt dưới thời các chúa Nguyễn, Thiền sư Nguyên Thiều đã đặt bước chân đầu tiên đến mảnh đất này. Ngài chấn tích đến mảnh đất có 10 ngôi tháp Champa theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo, mà sau này thành ngôi Phạm vũ thâm nghiêm - tổ đình Thập Tháp, ảnh hưởng đến xứ Thuận Hóa và vào tận đất Đồng Nai; mở ra hai dòng thiền Lâm Tế đặc trưng cho Phật giáo Đàng Trong.

w ndanh (1).JPG


Chư tôn đức tham dự Đại lễ Phật đản PL.2561 tại chùa Tỉnh Hội - Ảnh: Thiện Hải

Tiếp nối truyền thống, ổn định Phật sự

Để tiếp nối ân đức chư Tổ đi trước, công tác truyền trì mạng mạch Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức luôn là Phật sự được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chú trọng nên trong nhiệm kỳ V (2012-2017) Phật giáo Bình Định đã tổ chức Đại giới đàn Kế Châu vào năm 2013 và Tâm Hoàn vào đầu năm 2017. HT.Thích Nguyên Phước, UV HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh cho biết, mỗi kỳ giới đàn đã truyền giới cho hàng ngàn giới tử xuất gia và tại gia. Đại giới đàn lần sau luôn đông hơn lần trước là nhờ giới đàn trang nghiêm và giới sư thanh tịnh. Ban Kiến đàn gồm các thành phần của hệ phái cùng chủ trì và thực hiện các Phật sự trong đàn giới. Mỗi đại giới đàn đều được HĐTS; Ban Tăng sự T.Ư và chính quyền địa phương chấp thuận và thực hiện đúng Nội quy của Ban Tăng sự cũng như luật Phật chế định.

Truyền thống An cư của Tăng Ni trong tỉnh luôn được duy trì nhằm giữ gìn quy củ tòng lâm, tăng trưởng Giới - Định - Tuệ, lợi lạc cho tự thân và lợi ích cho xã hội. Hàng năm, BTS tỉnh đều thực hiện đúng tinh thần thông bạch của Ban Tăng sự T.Ư tổ chức an cư tập trung từ 10 đến 13 đạo tràng An cư kiết hạ và lập danh sách các hành giả tân Tỳ-kheo trình Ban Tăng sự T.Ư xét cấp sổ An cư kiết hạ. Đến nay đã có 810 Tăng Ni có sổ An cư kiết hạ.

Để chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh lần VI, nhiệm kỳ 2017-2022, Hòa thượng Trưởng BTS cho biết, Thường trực Ban Trị sự tỉnh trong nhiệm kỳ 2012-2017 đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện thị gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và 6 huyện. Còn lại 3 huyện miền núi là Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Lão vì chưa đủ nhân sự nên chưa thành lập Giáo hội cùng cấp. “Thành phần nhân sự Ban Trị sự Phật giáo huyện, thị xã, thành phố nhiệm kỳ mới gồm chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử đại diện các hệ phái Phật giáo, có phẩm chất đạo đức và năng lực để điều hành Phật sự tại địa phương”,  HT.Thích Nguyên Phước chia sẻ.

Hòa thượng Trưởng BTS cho biết thêm, trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định đã luôn tuân thủ sự chỉ đạo của TƯGH, nỗ lực phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, đúng theo ý nghĩa phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật, trang nghiêm thế gian tức là trang nghiêm tịnh độ. Tăng Ni, tín đồ Phật giáo tỉnh nhà với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn nhịp nhàng cùng cộng đồng dân tộc trong mọi hoạt động xã hội. BTS tỉnh đã thường xuyên động viên Tăng Ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn khu dân cư, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh, tham gia các đoàn thể, các hoạt động xã hội vì lợi ích của đất nước và dân tộc.

Tạo điều kiện đến thế hệ trẻ tiếp nối

Vị giáo phẩm đứng đầu BTS Phật giáo tỉnh nhấn mạnh đến công tác đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ có trình độ thế học và Phật học, “BTS GHPGVN tỉnh Bình Định rất quan tâm và đặt trọng tâm vấn đề đào tạo Tăng tài nhằm mục đích có thế hệ Tăng Ni trẻ đủ năng lực kế thừa sự nghiệp hoằng dương Phật pháp mai sau”. Vì thế, từ năm 1992, được sự đồng ý chấp thuận của HĐTS, Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư và chính quyền tỉnh, Phật giáo tỉnh Bình Định đã thành lập Trường Cơ bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật học) khai giảng khóa I. Đến nay trường đã hoàn thành đào tạo 7 khóa, hiện đang đào tạo khóa thứ VIII (2017-2020) có hơn 300 Tăng Ni sinh đang theo học. Ban Giám hiệu là những Tăng Ni khóa I của trường, trực tiếp điều hành và quản lý. “Gần 2 khóa qua, dưới sự điều hành của Tăng Ni trẻ, BGH trường đã hoàn thành tốt công tác giáo dục Tăng Ni sinh, tạo được uy tín và niềm tin trong Giáo hội và chính quyền tỉnh”,  HT.Thích Nguyên Phước nhận định.

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Hoằng pháp tỉnh nhà đã hoạt động rất tích cực, năng động để hoàn thành trách nhiệm được giao phó. Đối với TƯGH, Ban Hoằng pháp tỉnh đã nối kết chặt chẽ và triển khai các chỉ đạo của Ban Hoằng pháp T.Ư, tham gia viết tham luận, đóng góp tài chánh, cũng như cử đoàn tham dự đều đặn các kỳ Hội thảo hoằng pháp toàn quốc tại Đà Nẵng, Kiên Giang, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Để hoạt động được đúng quy củ, Ban đã thiết lập và đưa vào hoạt động văn phòng Ban Hoằng pháp, thành lập các phân ban trực thuộc, các Phân ban Hoằng pháp tại các địa phương, thường tổ chức các buổi họp định kỳ, nhất là trước các dịp lễ lớn, thỉnh mời nhiều vị Tăng Ni trẻ tham gia công việc thuyết giảng mỗi tháng tại hơn 20 đạo tràng. Tổ chức và hướng dẫn các khóa tu mùa hè, các hội thi giáo lý cấp huyện và tỉnh, tham gia giảng dạy các lớp giáo lý cho Phật tử cũng như tổ chức nhiều lễ hằng thuận.

Một số vị trong ban được mời đi thuyết giảng tại một số tỉnh thành, có rất nhiều buổi thuyết giảng cho nhiều đối tượng khác nhau như doanh nhân, phạm nhân, học sinh - sinh viên, Phật tử.

Nói về thế hệ Phật tử trẻ, Hòa thượng cho biết, toàn tỉnh hiện nay có 40 đơn vị Gia đình Phật tử (GĐPT) sinh hoạt, với 310 huynh trưởng và 3.323 đoàn sinh, có 3 huynh trưởng cấp Tấn, 50 huynh trưởng cấp Tín, có chương trình tu học thường kỳ cho huynh trưởng. Vào dịp hè hàng năm đều có trại huấn luyện các ngành Oanh, Thiếu và Huynh trưởng.

Hiện nay GĐPT Bình Định có 18 huynh trưởng đang theo dự lớp bậc Lực (2016-2020) do Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT T.Ư tổ chức. GĐPT Bình Định cũng tham dự Trại họp bạn huynh trưởng toàn quốc tại Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; tham dự Trại Vạn Hạnh III tại Suối Hoa, Đà Nẵng và Vạn Hạnh IV tại chùa Bảo Tịnh, Phú Yên, tham gia hầu hết các cuộc họp, hội nghị tổng kết của ngành. “Thế hệ Phật tử trẻ là các em Gia đình Phật tử luôn được chư tôn đức quan tâm, tạo điều kiện và thực hiện đúng tinh thần quy chế, nội quy GĐPT T.Ư”. 

Lực lượng cư sĩ Phật tử tỉnh nhà phát triển tương đối mạnh, sinh hoạt tu học tinh tấn và hòa hợp dưới sự hướng dẫn, giáo huấn của chư tôn đức Tăng Ni, nhờ sự tinh tấn tu tập mà ngày càng có nhiều đạo tràng tổ chức khóa tu thường xuyên và số lượng thiện tín Phật tử tham gia ngày càng đông. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 27 đạo tràng Bát quan trai; 58 đạo tràng niệm Phật; 46 đạo tràng Ngũ bách danh; 3 khóa tu Chánh niệm; 1 khóa tu Phật thất và 4 lớp Giáo lý.

Đặc biệt, hàng năm nhiều chùa tổ chức khóa tu mùa hè dành cho thanh, thiếu niên Phật tử và học sinh, sinh viên trong tỉnh nhân dịp nghỉ hè, “nhằm mục đích góp phần giáo dục đạo đức nhân văn và lòng hiếu thảo cho các em”, HT.Nguyên Phước cho biết.

w ndanh (2).JPG

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.