“Thầy bói Nghêu” được biến họa thành tu sĩ Phật giáo!
“Nghêu Sò Ốc Hến” là một câu chuyện quá quen thuộc trong kho tàng cổ tích Việt Nam. Câu chuyện này đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của bao thế hệ. Chuyện cũng từng được chuyển thể đưa lên sân khấu kịch, nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn cả quốc tế, biểu diễn tại nhiều lễ hội nghệ thuật ở các quốc gia trên thế giới, tiêu biểu cho di sản văn hóa truyền thống Việt Nam giàu bản sắc.
Trong xu hướng đầu tư cho truyện tranh dành cho thiếu nhi được nhiều đơn vị xuất bản thực hiện trong nhiều năm trở lại đây, “Nghêu Sò Ốc Hến” cũng đã được thể hiện thành truyện tranh, đầu tư công phu về màu sắc, in ấn,… nhằm tạo sự hấp dẫn đối với trẻ thơ. Trong số đó có ấn bản được nhà xuất bản Mỹ Thuật cấp phép ấn hành, do các tác giả Hoàng Khắc Huyên; Minh Châu kể, Đặng Hồng Quân vẽ, công ty Tuấn Việt, v.v…
Điều đáng nói là ở những ấn bản này, trong khi các nhân vật chính trong câu chuyện đã trở thành quen thuộc với số đông, thì không hiểu bằng cách nào, nhân vật là “thầy bói Nghêu” bỗng dưng được “phù phép” thành “Thầy sãi Nghêu ở chùa”, với ngoại hình đầu tròn, pháp phục vàng, nâu, đeo tràng hạt...?!
Nhân vật là “thầy bói Nghêu” bỗng dưng được “phù phép” thành “Thầy sãi Nghêu ở chùa”
Cuốn truyện tranh đã… khắc họa hình tượng một ông thầy tu ở chùa (thay vì đó là nhân vật thầy bói Nghêu) đầy thói trăng hoa, bất chính, với những cử chỉ không chút đứng đắn được thể hiện bằng tranh vẽ: khoác tay liếc mắt Thị Hến, chui gầm giường trong cuộc hẹn nửa đêm khi rơi vào cuộc đối mặt khó xử theo kế hoạch tay ba của nhân vật nữ này.
Điều đáng nói là ấn bản “Nghêu Sò Ốc Hến” đặc tả hình ảnh “Thầy Sãi Nghêu” trong hình thức một vị tu sĩ Phật giáo nói trên do Nhà xuất bản Mỹ Thuật chấp thuận cấp phép được xếp vào nhóm sách dành cho thiếu nhi.
Không biết hình ảnh “sinh động” miêu tả “một ông thầy chùa chui gầm giường” như vậy đã được gieo vào tâm thức trong sáng của trẻ thơ từ khi còn tấm bé, vậy thì rồi đây, hình ảnh người thầy, vị Tăng sĩ, đại diện cho đạo Phật sẽ để lại ấn tượng như thế nào khi các em lớn lên?
“Việc làm đó là sự xúc phạm đối với con trẻ, đồng thời chẳng khác nào giật đổ hệ thống giá trị của tôn giáo có truyền thống gắn bó với dân tộc hai ngàn năm một cách trắng trợn, tiêm nhiễm hình ảnh xấu xa, thói đạo đức giả mà dân gian lên án và lại gắn nó với người tu sĩ Phật giáo”, cư sĩ Nhật Cao xót xa nhận định.
Đặc biệt, không chỉ có một phiên bản truyện tranh “Nghêu Sò Ốc Hến” như vậy, mà nhiều ấn bản khác do nhiều người, đơn vị khác nhau thực hiện cũng biến thầy bói Nghêu thành một tu sĩ áo thụng nâu, tràng vàng, cổ đeo chuỗi, tay cầm tràng hạt.
Các cuốn truyện tranh này không chỉ được xuất bản, phát hành từ gần 10 năm nay, mà còn được chuyển thể thành sách nói, thể hiện hình ảnh qua các phương tiện hiện đại trong “hệ sinh thái Internet” thời 4.0, do vậy sự lan truyền, ảnh hưởng cũng trở nên rộng rãi vô cùng.
“Thiền sư” trong “Cẩm nang chém gió”
Không biết từ bao giờ, “thiền sư” lại trở thành nhân vật trong loạt truyện hài, gây cười. Không chỉ Tuổi Trẻ Cười, mà hiện trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhan nhản những chuyện cười gắn với nhân vật “thiền sư”. Chúng ta không quá khó để truy cập và tìm kiếm được những truyện cười như vậy.
Đơn cử là app và trang điện tử “Sổ tay chém gió” có riêng mục “Tâm sự cùng thiền sư”, đã sử dụng danh xưng tương tự như trong các truyện tranh hài của Tuổi Trẻ Cười đã và đang bị dư luận cộng đồng phản ứng gay gắt trên mạng xã hội những ngày qua.
"Thiền sư" trở thành nhân vật trong app "Sổ tay chém gió"
***
Trong những cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi, hình ảnh người tu sĩ Phật giáo với đầy đủ hình tướng và pháp phục bị thay cho nhân vật thầy bói Nghêu đạo đức giả, trăng hoa, bất chính, cực điểm với hình ảnh chui núp dưới gầm giường trong nhà Thị Hến ở đêm khuya, bộ dạng và ánh mắt lấm lét, sau đó bị đuổi khỏi… chùa trong nhục nhã.
Trên mạng xã hội và trên mặt báo, nhân vật “thiền sư” lại hiện diện trong các truyện cười, với nhiều từ ngữ, danh xưng mang sắc thái tiêu cực,… không hiểu rằng những người chịu trách nhiệm quản lý xuất bản, truyền thông có suy nghĩ thế nào khi chấp thuận để những sản phẩm gắn sắc thái tiêu cực, phản cảm lên hình ảnh người tu sĩ Phật giáo được phép lưu hành công khai, hợp lệ?
Và chắc chắn những người có quan tâm có quyền thắc mắc rằng: chuyện gì đang xảy ra với Phật giáo vậy? Chẳng lẽ trong mắt những người làm công tác xuất bản, truyền thông, hình ảnh liên quan đến Phật giáo lại có thể dễ dàng mang ra sử dụng để bỡn cợt đến vậy hay sao?
Một số hình ảnh các ấn bản liên quan do Nhà xuất bản Mỹ Thuật cấp phép xuất bản và phát hành trong gần 10 năm qua:
Trích một số hình ảnh trong các ấn phẩm dành cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Mỹ Thuật cấp phép
Hoàng Lương/Báo Giác Ngộ