GNO - Những tàn tích của một ngôi chùa Phật giáo có niên đại cách đây 1.500 năm đã được phát hiện trong sa mạc lớn nhất của Trung Quốc - sa mạc Taklimakan ở khu tự trị Tân Cương.
Bức họa có số tuổi 1.500 - một trong những dấu chỉ truyền thừa Phật giáo vào Trung Quốc
Những phát hiện này cung cấp tài liệu nghiên cứu có giá trị cho các nhà sử học nghiên cứu về sự phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc.
Đây cũng là cơ sở làm sáng tỏ sự phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc. Trong tổng số hơn 3.000 mẩu di tích, bắt mắt nhất là những bức bích hoạ. Chúng được tạo tác theo phong cách Greco - nghệ thuật Phật giáo, hiếm được thấy sau thế kỷ thứ 6.
Nhà khảo cổ học, tiến sĩ Wu Xinhua cho biết: "Thật rất độc đáo. Chúng tôi chưa từng chứng kiến những bức bích hoạ như vậy trong khu vực này trước đây. Bạn có thể thấy sự hợp nhất của các nền văn hóa phương Tây và phương Đông cùng với sự lan truyền của Phật giáo ở Trung Quốc cổ đại".
Những báu vật này có xuất xứ từ một ngôi chùa nằm ở sa mạc Taklimakan ở phía Nam. Công việc khai quật được hoàn thành vào tháng 6 năm ngoái. Các chuyên gia tin rằng ngôi chùa này có từ thời Nam Bắc triều, cách đây khoảng 1.500 năm.
Tiến sĩ Wu cho biết: "Chánh điện của ngôi chùa thuộc vào loại lớn nhất trong số các ngôi chùa tương tự được tìm thấy ở sa mạc Taklimakan kể từ khi các nhà khảo cổ học lần đầu tiên đến làm việc trong khu vực này vào thế kỷ 20. Cấu trúc của ngôi chùa rất độc đáo. Chúng tôi tin tưởng rằng nó là một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc".
Ngôi chùa đã trở thành điểm hội tụ của các học giả nghiên cứu cách thức Phật giáo từ Ấn Độ đến Trung Quốc và sự phát triển trong nước ban đầu của nó.
Văn Công Hưng (Theo CCTV)