Phật giáo quận 12: Cơ sở tự viện ổn định, Tăng Ni tụ về ngày càng đông

Chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN quận 12 cử hành Đại lễ Phật đản tại chùa Vĩnh Phước
Chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN quận 12 cử hành Đại lễ Phật đản tại chùa Vĩnh Phước
0:00 / 0:00
0:00
GN - “Nhờ sức mạnh tổng hợp của Tăng Ni toàn quận, cụ thể là tinh thần đoàn kết, hòa hợp làm nền tảng, đã tạo nên những thành tựu trong các hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2016-2021 của Phật giáo quận 12”.

Đó là nhận định của Thượng tọa Thích Trí Chơn - Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận 12. Thượng tọa cho biết thêm: “Trong nhiệm kỳ qua, tự viện phát triển nhịp nhàng ổn định, Tăng Ni về quận 12 ngày càng đông, một mặt do phát triển đô thị, mặt khác do xu thế phát triển của Phật giáo. Quận 12 luôn yểm trợ những vị xuất gia được Giáo hội đào tạo, được thọ giới chính quy, nhờ đó số Tăng Ni về quận khá ổn và chắc”.

Thượng tọa Thích Trí Chơn

Thượng tọa Thích Trí Chơn

Liên tiếp 3 nhiệm kỳ là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận 12 - từ năm 2007 đến nay - theo Thượng tọa, bước chuyển mình phát triển trong các hoạt động Phật sự của Phật giáo quận 12 là gì?

- Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, với vai trò Chánh Đại diện, bấy giờ Ban Đại diện tuy còn khá mới mẻ, nhưng nhờ sức trẻ, nhờ sự kế tục chư tôn đức đi trước, chúng tôi nhận thấy chỉ có sức mạnh tổng hợp của Tăng Ni mới làm nên Phật sự. Những vị trụ trì có khả năng cống hiến đều được chúng tôi mời vào hàng ngũ Giáo hội, nhờ đó Tăng Ni nhiệt tình hưởng ứng, năng nổ tích cực trong các mặt Phật sự.

Lúc đó, quận 12 chỉ có 18 ngôi tự viện và 120 vị Tăng Ni. Trải qua 3 nhiệm kỳ, số tự viện bây giờ là 86, và Tăng Ni là 428 vị.

Cũng nói thêm, ngoài sự tuân thủ chỉ đạo của Giáo hội TP.HCM, thì sự thành tựu trong các Phật sự là nhờ Phật giáo quận luôn tuân thủ đồng hành cùng chính quyền địa phương trong các hoạt động ích đạo lợi đời.

Khóa tu tại tu viện Khánh An

Khóa tu tại tu viện Khánh An

Theo Thượng tọa, hoạt động Phật sự nổi bật trong nhiệm kỳ IX của Phật giáo quận 12 là những mặt nào?

- Thứ nhất, đó là về hoằng pháp. Mỗi ngày trong quận đều có thêm chùa tổ chức khóa tu, thuyết pháp. Hàng chục năm trước, hoạt động của các chùa chủ yếu với hình thái tôn giáo, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của quần chúng; các Phật tử muốn tham dự khóa tu hay nghe pháp thường phải qua quận huyện khác. Nay, đặc biệt trong nhiệm kỳ IX, các khóa tu được tổ chức ngay tại địa bàn, Phật tử các nơi về tham dự từ 400 đến 800 vị ở những chùa lớn, những chùa nhỏ thì từ 50 đến 200, nổi bật là tu viện Khánh An, chùa Quảng Đức, Thiên Minh, Pháp Thạnh, Phước Thiện An, Nguyên Ngộ, Phước Thiện… giúp người Phật tử thêm chánh tín với Tam bảo. Ngoài ra, nhiều Tăng Ni quận nhà còn tham gia hoằng pháp trong cũng như ngoài thành phố, cả ở hải ngoại, tạo thêm diện mạo mới cho tầm vóc của Phật giáo quận 12.

Thứ 2 là hoạt động văn hóa. Bản thân chúng tôi vừa là Trưởng ban Trị sự quận, vừa đảm trách Trưởng ban Văn hóa Phật giáo Thành phố, nhờ vậy mối quan hệ trở nên rộng hơn, hoạt động văn hóa thêm phong phú, trong các hoạt động luôn có sự phối hợp, ngoài nội lực của Tăng Ni, Phật tử quận còn có thêm sự yểm trợ của chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ thành viên của Ban Văn hóa, nên các phong trào lễ hội cũng như từ thiện được đẩy mạnh rất nhanh.

Tiếp theo phải kể đến công tác từ thiện, với khoảng đóng góp gần 71 tỷ đồng trong nhiệm kỳ qua. Trong biến cố thiên tai miền Trung năm 2020, chỉ trong vòng 3 tuần, quận 12 đã vận động được số tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng; với đại dịch Covid-19, khi Giáo hội yêu cầu hưởng ứng lời kêu gọi giúp bà con nghèo, quận nhà đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều cơ sở tự viện cũng đã được trùng tu, sửa chữa và xây mới, đáp ứng nhu cầu tu tập của Tăng Ni và Phật tử quận nhà. Các khóa an cư kiết hạ hàng năm đều được tổ chức khá tốt, với điểm an cư của chư Tăng tại chùa Quảng Đức và 2 điểm an cư cho chư Ni là chùa Vĩnh Phước và Long Thạnh.

Đặc biệt, 5 năm liền, Phật giáo quận 12 đã kết hợp với Ban An toàn giao thông quận 12 tổ chức lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, góp phần nâng cao ý thức xã hội của người dân khi tham gia giao thông.

Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tại lễ đài của quận nhà

Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tại lễ đài của quận nhà

Ngoài những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021, Thượng tọa nhận thấy những Phật sự nào còn chậm giải quyết?

- Trong sự phát triển sẽ luôn có những yếu tố phát sinh, như Tăng Ni các nơi về đông, ngoài việc đóng góp cho Giáo hội, cũng có những vị chưa đứng vào hàng ngũ Giáo hội. Có 23 cơ sở do Tăng Ni và Phật tử tự tạo lập hiện chưa sinh hoạt với Giáo hội quận.

Có một vài chùa, do sự kế thừa không được tiếp nối, không rõ ràng hoặc tiền hậu bất nhất, từ đó nảy sinh trình trạng khó khăn trong việc được công nhận đúng với quy trình pháp lý, khiến các chùa đó như đang “đứng ngoài” Giáo hội.

Một số ngôi chùa hình thành trong 20 năm trở lại đây hiện vẫn chưa có được giấy chứng nhận đất tôn giáo, do quy trình thủ tục chưa thông suốt. Hiện mới chỉ có 20 cơ sở được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo.

Ngoài ra, vẫn còn một vài Tăng Ni trong quận thiếu phẩm chất, đạo hạnh, gây ảnh hưởng đến Phật giáo, làm mất đi hình ảnh của người tu sĩ trong lòng quần chúng.

Thượng tọa Thích Trí Thường

Thượng tọa Thích Trí Thường

“Nhân sự dự kiến cho nhiệm kỳ 2021-2026 của GHPGVN quận 12 đều có độ tuổi dưới 60. Các vị ở chức vụ chủ chốt đều có trình độ từ cử nhân cho đến tiến sĩ Phật học, hầu hết đều quen với công việc do đã có quá trình phụng sự từ năm 2007 đến nay. Ngoài ra, trong các ban ngành đều có nhân sự mới là những vị Tăng Ni trẻ có trình độ thế học và Phật học, để chuẩn bị cho sự kế thừa tiếp nối.

Yếu tố cần thiết ở người trẻ, ngoài sự cống hiến còn phải có tâm, có đạo đức, có nhiệt huyết, có sự nỗ lực cầu thị lắng nghe. Phải thấy được tham gia Giáo hội là vinh dự, trách nhiệm để được cống hiến phụng sự.

Tôi hy vọng nhân sự nhiệm kỳ mới vẫn tiếp nối, kế thừa những hoạt động và giá trị cao đẹp của nhiệm kỳ cũ, đồng thời phải tiếp cận công nghệ theo xu thế xã hội nhưng không đánh mất giá trị đạo đức tâm linh, sự chơn chất của một người tu. Luôn ôn tầm tam tạng, tu tập bằng sự trải nghiệm thực tế của tự thân, không quá lệ thuộc mạng xã hội trong nếp sống thiền gia.

Về dự thảo chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2021-2026, trọng tâm nhất vẫn là làm sao ổn định cơ sở tự viện, tranh thủ sự đồng thuận của chính quyền địa phương và sự chấp thuận của Giáo hội để các cơ sở trên địa bàn sớm đầy đủ thủ tục pháp lý, được công nhận, bổ nhiệm và được hoạt động chính thức, hợp pháp tại địa phương”.

Thượng tọa Thích Trí Thường
(Phó Thường trực BTS GHPGVN quận 12,
Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Phật giáo quận nhiệm kỳ 2021-2026)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.