Phật giáo Hậu Giang nỗ lực chuyển mình

GN - Hậu Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được thành lập vào năm 2004 do tách ra từ TP.Cần Thơ cũ, tổng diện tích 160.772,49 ha, dân số 776.179 người. Đây là vùng đất có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống. Phật giáo Hậu Giang hiện có 72 cơ sở tự viện hợp pháp và 12 cơ sở chưa được công nhận với  354 Tăng Ni; tín đồ Phật tử chiếm hơn 12% dân số toàn tỉnh.

haugiang1.JPG
Quang cảnh Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội
do BTS PG Hậu Giang tổ chức năm 2016
- Ảnh: Bảo Thiên

Những tín hiệu vui

Khi đề cập đến những thành tựu cơ bản của Phật giáo tỉnh nhà sau 5 năm hoạt động (2012-2017) trong điều kiện nhân sự còn mỏng so với nhiều tỉnh, thành lân cận, HT.Thích Huệ Đức, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang cho hay đang có nhiều tín hiệu hoan hỷ và khởi sắc từ những chương trình hành động chung của Tăng Ni, Phật tử địa phương.

Theo vị giáo phẩm đứng đầu tỉnh Hậu Giang, hoan hỷ và khởi sắc vì sau khi nhận các chỉ đạo của Ban Thường trực HĐTS, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang đã thể hiện tinh thần đoàn kết, năng nổ trong hoạt động công tác Phật sự bao gồm triển khai các văn kiện đại hội của Trung ương Giáo hội đến từng cấp Giáo hội; tuyên truyền kết quả Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2012-2017 và Hiến chương được tu chỉnh lần thứ 5, triển khai Nội quy Ban Tăng sự T.Ư, Nội quy sinh hoạt Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố...

Ngoài ra, Phật giáo tỉnh cũng thực hiện đầy đủ và trọn vẹn Thông tư tổ chức Đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện, khóa bồi dưỡng kiến thức trụ trì để nâng cao trình độ cho Tăng Ni, các cuộc họp giao ban, kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN; tham dự các lớp tập huấn hành chánh Giáo hội do Trung ương triệu tập, các lớp tập huấn chuyên đề về tôn giáo, kiến thức quốc phòng - an ninh tại địa phương; thực hiện từ thiện xã hội đạt 25 tỷ đồng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo tỉnh Hậu Giang đã phối hợp nhịp nhàng với TƯGH tổ chức Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ VII thành công tốt đẹp, tạo nên sự tin tưởng trong lòng Tăng Ni, Phật tử địa phương.

Song song đó là các hoạt động hỗ trợ sinh hoạt và phát triển của 15 ngôi chùa và 81 sư sãi thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer để hệ phái hoạt động hữu hiệu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong ngôi nhà chung của GHPGVN, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp qua lễ hội, phong tục tập quán mang bản sắc văn hóa riêng. Trên cơ sở giúp sức của các ngành, các cấp, Ban Trị sự đã tiến hành thủ tục đề nghị cấp 15 con dấu cho các chùa; trao tặng 11 đầu kinh sách gồm 7.550 quyển kinh tạng bằng tiếng Pali; bổ nhiệm trụ trì 10 cơ sở và công nhận 10 Ban Quản trị, giới thiệu cho các sư sãi đi học các lớp Pali, Vini tại các tỉnh bạn.

“Việc hoàn thành các hoạt động Phật sự trên thể hiện sự thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo, sự đoàn kết hòa hợp toàn tâm toàn ý của các hệ phái Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử, nhất là sự hỗ trợ của TƯGH, sự quan tâm giúp đỡ của Chính quyền các cấp, nên mọi hoạt động Phật sự từ đó cơ bản đã thành tựu”, HT.Thích Huệ Đức nhấn mạnh.

Theo Hòa thượng, trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo Hậu Giang luôn không ngừng hoàn thiện hệ thống bộ máy hành chính, cải cách phương thức tổ chức, quản lý, điều hành Phật sự sau 13 năm chia tách tỉnh từ TP.Cần Thơ. Suốt thời gian này, do số lượng tự viện và Tăng Ni không nhiều nên không dễ hình thành các ban, ngành cũng như cơ cấu bộ khung nhân sự đảm trách các Phật sự.

“Dù thời gian không nhiều cùng với những khó khăn khách quan nhưng nhờ Ban Trị sự đã hoạch định chương trình hoạt động cụ thể và với những gì đạt được đã làm cho uy tín của tập thể Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang ngày càng được nâng cao; các hệ phái Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử ngày càng thể hiện sự gắn bó, tin tưởng vào sự xương minh đạo pháp, ích đạo lợi đời, hộ quốc an dân”, HT.Thích Huệ Đức cho biết.

Giai đoạn mới cho phát triển

Hiện tại Phật giáo Hậu Giang có 72 cơ sở tự viện hợp pháp và 12 cơ sở chưa hợp pháp với 354 Tăng Ni tu học và 12% dân số toàn tỉnh là tín đồ Phật tử đã quy y. Theo HT.Thích Huệ Đức, khóa mới phải là giai đoạn tạo nên những phát triển trong các sinh hoạt Phật sự của tỉnh nhà sau một thời gian củng cố nội lực và ổn định tổ chức.

“Để làm được điều này, vấn đề tiên quyết phải nghĩ đến là việc phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ, điều hòa các hệ phái, đồng thời chuẩn bị đội ngũ nhân sự kế thừa từ thế hệ Tăng Ni trẻ của địa phương sau khi được gởi đi đào tạo các cấp thế học và Phật học”, HT.Thích Huệ Đức nói.

Trên cơ sở đó, Phật giáo tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ cơ cấu thành phần nhân sự tương đối trẻ làm công tác hành chính, văn phòng tham mưu, giúp việc cho chư tôn giáo phẩm lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm và lớn tuổi. Trong đó, nhiều vị Tăng Ni trẻ với tuổi đời rất trẻ nhưng có năng lực cũng được quan tâm bố trí công việc. Động thái này vừa giúp cho bộ máy của Ban Trị sự hoạt động năng động và tích cực hơn trước yêu cầu của tình hình mới, đồng thời giúp cho thế hệ kế thừa có cơ hội học việc, tiếp cận môi trường thực tế để sau này có thể gánh vác các Phật sự quan trọng.

“Ban Trị sự cũng chú ý đến việc bổ nhiệm các ban ngành trực thuộc với thành phần tiêu biểu, đầy đủ năng lực và uy tín, đảm bảo việc phân công, phân nhiệm đúng người, đúng nhiệm vụ, cơ cấu những Tăng Ni trẻ hội đủ các tiêu chuẩn để tăng thêm hiệu năng hoạt động và hoàn thành tốt các Phật sự”, HT.Thích Huệ Đức cho biết thêm.

Đối với Phật giáo cấp huyện, trên cơ sở hỗ trợ của chính quyền và ban ngành các cấp, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh sẽ đi sâu sát chỉ đạo và định hướng cho Ban Trị sự các huyện, thị đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 5 năm sắp đến ứng hợp với tâm tư, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử tại địa phương; phát huy vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, điều hành của đơn vị Phật giáo cấp cơ sở.

“Trong nhiệm kỳ mới, Phật giáo tỉnh Hậu Giang cũng sẽ chú tâm đến công tác hướng dẫn tín đồ Phật tử tu học. Dù đã nỗ lực tổ chức các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng niệm Phật, khóa tu Một ngày an lạc, đạo tràng trì chú Đại bi, chú Dược sư, trì kinh Pháp hoa tại các cơ sở tự viện trong tỉnh, tổ chức đàn truyền Tam quy, Ngũ giới cho Phật tử cũng như phối hợp Ban Hoằng pháp thuyết giảng giáo lý, nhưng do nhân sự còn thiếu và yếu nên chỉ có khoảng thêm gần 7.000 người quy y trở thành Phật tử. Đây là sự cố gắng nhưng vẫn chưa tương xứng với phong trào tu học tại địa phương”, HT.Thích Huệ Đức thông tin thêm.

Nhiệm vụ này được triển khai trên hai phương diện: Ngành hướng dẫn Phật tử sẽ có những buổi thăm viếng và làm việc tại các đạo tràng tu học dành cho Phật tử tại các cơ sở tự viện, nắm lại danh sách để cấp thẻ chứng nhận Phật tử. Cùng với đó là việc lên kế hoạch tổ chức lớp phổ cập giáo lý mang tính ứng dụng, gắn liền với nhu cầu đời sống hàng ngày của người Phật tử tại gia và phong trào xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị.

haugiang2.JPG

Bảo Thiên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.