Phật giáo được tin tưởng nhất tại New Zealand

GN - Trong một khảo sát mới được công bố, Phật giáo trở thành tôn giáo được tin tưởng nhất tại New Zealand, trong khi các tổ chức truyền giáo Phúc âm đứng vị trí thấp nhất.

Chương trình khảo sát được thực hiện bởi Trường Đại học Victoria tại Wellington, tiến hành vào khoảng thời gian chỉ sau một tháng kể từ vụ xả súng nhắm vào các thánh đường Hồi giáo tại thành phố Christchurch, Canterbury, New Zealand với 50 người tử vong và 50 người bị thương. Người được hỏi sẽ thể hiện niềm tin của mình về các tổ chức tôn giáo, các cá nhân hoặc nhóm người thực hành tôn giáo.

Một phần khảo sát có đề cập đến việc hỏi người tham gia về mức độ tin tưởng vào một tôn giáo cụ thể - câu trả lời được công bố chính thức rằng Phật giáo được người New Zealand tin tưởng nhất.

36OMJT3ZFJHVDH5KMGKUE7ZBJQ.jpg

Theo kết quả cuộc khảo sát dân số toàn quốc năm 2013, Phật giáo có khoảng 58.000 tín đồ. “Có đến 35% người New Zealand cho biết họ hoàn toàn hoặc rất tin tưởng vào đạo Phật”, Tiến sĩ Simon Chapple, đương nhiệm Giám đốc Viện Khoa học Quản trị và Chính sách thuộc Trường Đại học Victoria cho hay.

“Nhóm tôn giáo có tỷ lệ tin tưởng thấp nhất tại New Zealand theo khảo sát là một tổ chức truyền giáo Phúc âm, có khoảng 15.000 tín đồ theo cuộc khảo sát năm 2013”. Chỉ có 20% trả lời cho rằng họ hoàn toàn hoặc rất tin tưởng vào nhóm truyền giáo Phúc âm.

Trong khi đó, kết quả khảo sát thể hiện sự chênh lệch không quá cao về độ tin tưởng trong các tôn giáo khác. Cụ thể có 28,7% người New Zealand cho rằng họ hoàn toàn hoặc rất tin tưởng vào Tin Lành, trong khi tỷ lệ không tin tưởng hoặc chỉ chút ít chiếm đến 24% (tổ chức Tin Lành có khoảng 900.000 tín đồ nhân cuộc khảo sát dân số vào năm 2013).

Tượng tự, đối với tổ chức Hồi giáo, kết quả khảo sát này cũng cho những thông số gần nhau như sau: Có khoảng 27,3% người tin tưởng cùng với 22,8% người không tin tưởng. (Vào năm 2013, Hồi giáo có khoảng 46.000 tín đồ). Riêng với Do Thái giáo, tỷ lệ tương ứng lần lượt là 29,8% và 17,3%. (Có 7.000 người theo Do Thái giáo vào năm 2013).

“Không có các bằng chứng trong dữ liệu khảo sát được thể hiện để cho thấy hiện tượng sút giảm niềm tin đối với Hồi giáo trong mối tương quan với các tổ chức Kito giáo”, Tiến sĩ Chappe cho hay.

Tương tự, theo vị tiến sĩ này, cũng không có nhiều dấu hiệu sụt giảm niềm tin trong cộng đồng người Do Thái giáo, nhưng đối với nhóm truyền giáo Phúc âm có một sự điều chỉnh đi xuống vừa phải.

“Kết quả khảo sát còn cho biết rằng không có bất cứ sự kỳ thị nào hướng đến người Hồi giáo và Do Thái giáo sau vụ xả súng nghiêm trọng”, tiến sĩ chia sẻ.

Thông tin từ tổ chức thực hiện đợt khảo sát cho hay, hoạt động này được tiến hành với mục đích đánh giá lại những tác động từ vụ xả súng đối với mức độ niềm tin tôn giáo của người địa phương. Các phản hồi được nhận lại là người New Zealand không có sự thay đổi lớn nào sau sự cố này.

“Phạm trù thể hiện niềm tin trong phiếu khảo sát được ghi nhận từ 0 đến 10, nếu như số 0 hiển thị việc không có bất sự tin tưởng nào cả thì số 10 chính là niềm tin cao nhất, các kết quả của đợt khảo sát trước và sau vụ xả súng đều thể hiện mức độ tin tưởng trung bình là 6,3”, Tiến sĩ Chapple thông tin.

Nhân dịp này, hoạt động khảo sát cũng đưa ra một số câu hỏi liên quan đến quan điểm của người dân về sở hữu súng. Kết quả sau đó hiển thị có đến 15% người dân New Zealand cho biết có quyết định cất giữ súng trong nhà nhằm vào mục đích phòng vệ.

“Dù có sở hữu súng hay không, người dân vẫn khẳng định họ tin tưởng lẫn nhau và đời sống xã hội tại New Zealand không nhiều thay đổi sau vụ xả súng thảm khốc”, Chapple nói.

Được biết, hoạt động khảo sát được tiến hành trên mạng internet và tiếp cận đến 1.000 người khác nhau có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên để thu thập dữ liệu.

Bảo Thiên (theo NZH)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.