Phật giáo đang hấp dẫn người Trung Quốc hiện đại

GN - Khoảng 5 năm trước, Robert Zhao - một công dân của thủ đô Bắc Kinh hành hương đến Tây Tạng. Những gì trải nghiệm được đã khiến cho anh có chút bối rối nhưng đầy tò mò…

Là một nhà khoa học trẻ tốt nghiệp từ đại học danh tiếng Thanh Hoa (Trung Quốc), Robert Zhao đã được dạy không nên tin vào tôn giáo và những điều mê tín, nhưng biểu hiện văn hóa, nghi lễ của Phật giáo được tiếp cận đã giúp anh nhận ra nhiều điều quý giá.

Hiện tại 25 tuổi, Zhao đang xem xét việc từ bỏ công việc của mình và phát nguyện trở thành tu sĩ.

“Điều này có nghĩa là tôi sẽ phải từ bỏ hết tất cả mọi thứ của cuộc sống bình thường nơi thế gian,” Zhao chia sẻ.

trung quc.jpg


Hiện nay, ngày càng gia tăng số người Trung Quốc
hiện đại đang quay trở lại với những giá trị truyền thống Phật giáo

Phật giáo có một lịch sử lâu đời ở Trung Quốc, du nhập vào đất nước này từ Ấn Độ thời kỳ nhà Hán, nhưng sau đó lại suy yếu dần vào thời kỳ Cách mạng văn hóa - nhiều tu viện, chùa chiền bị phá hủy trong giai đoạn này và các tu sĩ Phật giáo bị ghép vào thành phần mê tín.

Nhưng hiện nay, ngày càng gia tăng số người Trung Quốc hiện đại đang quay trở lại với những giá trị truyền thống Phật giáo vốn ngủ yên.

Cũng giống như Zhao, nhiều người tìm về các vị thầy tâm linh cho riêng mình giữa một xã hội nhiều thay đổi và cạnh tranh. Những người khác cảm thấy nhẹ nhàng với các phương thức thiền tập hoặc tham gia vào các hoạt động thiện nguyện.

Tuy vậy, không thật dễ dàng để dung hòa niềm tin Phật giáo với những đòi hỏi của một cuộc sống hiện đại.

Zhao hiện làm trợ lý cho một ông chủ của công ty về môi trường. Với niềm tin Phật giáo, phát nguyện giữ gìn trai giới, anh rất khó làm hài lòng khách hàng và các đối tác - một phần quan trọng để đạt được thành công trong nhiệm vụ của Zhao.

“Không uống rượu, không hút thuốc và không dùng những thức ăn mặn đã ảnh hưởng khá nhiều đến giao tiếp xã hội của tôi. Vì thế, công ty thường phải cử thêm một đồng nghiệp nào đó đi tiếp khách với tôi. Và như thế, chi tiêu của công ty lại tăng lên”, anh giải thích.

Zhao cũng chưa nói với gia đình việc anh mong muốn trở thành một tu sĩ Phật giáo vì sợ mọi người có thể phản đối.

Nhiều triển vọng hơn?

Fenggang Yang, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Xã hội Trung Quốc thuộc Trường Đại học Purdue, Indiana, cho rằng thật khó để xác định và giải thích một cách chính xác tại sao nhiều người trẻ Trung Quốc quay về với Phật giáo.

Nhiều bạn trẻ tìm hiểu Phật giáo tại các trường đại học, nơi mà các nhóm Phật tử năng động và các nhà sư nổi tiếng thường thuyết giảng. Trong khi đó, nhiều bạn khác đi theo truyền thống tin Phật từ ông bà và cha mẹ.

Ông Yang cũng nhận định rằng, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện cũng “hướng tới việc đối xử với Phật giáo nhiều ưu tiên hơn các tôn giáo khác”.

Đặc biệt, Phật giáo Mật tông từ Tây Tạng đang có sự cuốn hút quần chúng nhiều hơn so với truyền thống Tịnh Độ tông đã từ lâu phổ biến ở Trung Quốc. Theo đó, khá đông sinh viên, những thanh niên có nghề nghiệp và doanh nhân, thể hiện sự chuyển hướng tâm linh của mình về truyền thống Phật giáo này.

“Một biểu hiện có thể nhận thấy rằng cả nghi lễ và những thực tập về mặt tâm linh, vật lý của Phật giáo Tây Tạng đang cuốn hút nhiều người”, ông Yang cho biết thêm.

Sự chọn lựa lối sống

Trong phạm vi nào, những chuyển đổi mới mẻ này được nhận định Phật giáo như một tôn giáo, với những giáo điều và các nghi lễ, là một câu hỏi mở.

Một lãnh đạo tiền nhiệm của nhóm Phật tử tại một trường đại học, xin được giấu tên, nói rằng ông nghĩ những thành viên trong nhóm thể hiện sự quan tâm hơn đến Phật giáo như một chọn lựa lối sống.

Các hoạt động mà nhóm tổ chức thường hướng đến sự thư giãn và buông xả những căng thẳng của cuộc sống. Hoạt động này thường xuyên hơn là những khóa lễ tụng niệm và các bài học thuần túy về lý thuyết, kiến thức Phật giáo.

Cũng theo ông Yang, phần lớn người Trung Quốc nhìn nhận Phật giáo dưới góc độ văn hóa hơn là một tôn giáo.

trung quc 2.jpg


Đi lễ Phật tại tu viện Longquan, ngoại ô Bắc Kinh

Mọi người có thể viếng lễ chùa hoặc đọc sách Phật nhưng chỉ một nhóm ít người xem đây là một tôn giáo với khá nhiều những cam kết cần thiết.

“Thật sự, nhiều người dù xem mình là Phật tử nhưng cũng thực hành khá nhiều hoạt động không phải Phật giáo như tin vào phong thủy, đoán vận mệnh, tập khí công, bói toán và thực hành cả những tín ngưỡng khác”, ông Yang bổ sung.

Sự tu niệm

Vào những ngày cuối tuần, hơn 400 người đã tham gia cuộc gặp thường niên của Quỹ Nhân Ái (Bắc Kinh) - một tổ chức từ thiện Phật giáo - tại tu viện Longquan, trên một ngọn núi ở ngoại ô Bắc Kinh.

Zhong Ying, Phó Thư ký 32 tuổi của tổ chức này chia sẻ, những tình nguyện viên nhiệt tình và năng động nhất của nhóm thường khoảng từ 20 đến 35 tuổi. Chỉ trong vòng 5 năm, số lượng thành viên trẻ của nhóm đã tăng lên gấp đôi, vào khoảng 200 thanh niên.

Geng Hui'er, một tình nguyện viên 26 tuổi, làm việc và sống tại Bắc Kinh cho biết, cô tìm về các giá trị Phật giáo sau khi hoàn tất việc du học tại Anh và quay về nước.

Lúc mới trưởng thành, gia đình thường khẳng định cô là Phật tử nhưng cô bảo cô không thực sự cảm nhận điều ấy.

Hiện tại cô thường tham gia các khóa thiền tập tại tu viện hoặc học tập giáo lý theo nhóm được tổ chức bởi các tình nguyện viên.

Geng kể, Phật giáo đã mang đến cho cô một viễn cảnh tươi sáng hơn trong cuộc sống và vượt qua những khó khăn. Tôn giáo này cũng giúp cô thiết lập mối quan hệ với những người mà cô có thể nói chuyện và giao tiếp xã hội với họ.

“Chúng tôi có thể ngồi cùng nhau, chia sẻ nhiều điều xảy ra trong cuộc sống và chỉ cho nhau làm thế nào để đối diện với chúng. Điều này thực sự hữu ích hơn là tìm đọc từ những quyển sách”, cô cho biết.

Với Zhao, người đang mong muốn trở thành tu sĩ, Phật giáo giúp xoa dịu nỗi căng thẳng, đau đớn khi đối diện với tình trạng bất ổn về thể chất, công việc và các mối quan hệ.

“Cuộc sống của tôi có những nốt trầm nhiều năm liền. Phật giáo đã đưa tôi ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, nhắc nhở rằng những điều không mong muốn sẽ luôn hiện hữu, và điều này giúp tôi rất nhiều”, anh nói.

Bảo Thiên (theo CNN)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.